Đài truyền thanh cơ sở cần được sự quan tâm nhiều hơn về chính sách hỗ trợ

Đăng lúc: Thứ bảy - 19/06/2010 06:49
Đài truyền thanh cơ sở vốn có mối liên hệ trực tiếp, mật thiết với nhân dân trong xã, thị trấn và là phương tiện truyền thông hữu ích trong nhiều lĩnh vực hoạt động của địa phương, thông tin kịp thời và chính xác các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, thị trấn. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là hầu hết các đài truyền thanh cơ sở đều gặp nhiều bất cập, khó khăn về nguồn nhân lực và các chính sách hỗ trợ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Thành có 23 đài truyền thanh xã, thị trấn, trong số này có 7 đài xã được trang bị máy phát 500W, 6 đài được trang bị máy 300W, 10 đài xã còn lại máy có công suất 150W, tổng số đường dây loa hơn 40 km với 216 loa phóng thanh. Toàn huyện cũng có 110 trạm truyền thanh ở các ấp với 313 loa phóng thanh, trong số này có 21 cụm loa không dây, phát tự động không cần có người điều khiển, thao tác trên máy. Với hệ thống truyền thanh như vậy, nên tiếng loa đã phủ  hơn 90% trong địa bàn huyện Châu Thành. Thời lượng phát thanh của các đài cơ sở và các trạm truyền thanh ấp trung bình từ 3 giờ đến 3 giờ 30 mỗi ngày. Mỗi đài cơ sở đều bảo đảm hai nhiệm vụ chủ yếu là: Xây dựng chương trình thời sự của địa phương phát trên loa theo định kỳ và tiếp âm các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh huyện.

Nhiệm vụ của cán bộ  đài  truyền thanh xã nghe tưởng đơn giản , nhưng không hề đơn giản chút nào, ngoài việc thức dậy sớm lúc 4 giờ 30 phút để đi đến cơ quan mở máy tiếp âm cho kịp buổi sáng, giờ hành chánh phải có mặt tại cơ quan, đến các ấp để lấy tin phục vụ cho chương trình thời sự địa phương. Sau khi đã lấy được số liệu về mới tiến hành viết tin bài, biên tập lại và tự thu, chèn nhạc thật hoàn chỉnh để phát trên tiếng loa theo định kỳ.

Hầu hết cán bộ đài cơ sở đều chưa được đào tạo chuyên môn chính thức, chỉ qua các khóa huấn luyện ngắn ngày nên còn bỡ ngỡ với nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày, nhất là việc khắc phục những hư hỏng và làm chương trình thời sự địa phương. Nhìn chung, các xã làm tốt các nhiệm vụ này đều là do cán bộ xã làm công tác lâu năm, tích lũy được kinh nghiệm cụ thể như: Long Hưng, Bình Đức, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hội Đông, riêng cán bộ Đài Truyền thanh xã Long An đã có bằng đại học báo chí nên trong công tác có nhiều chuyển biến tích cực.

Vấn đề khó khăn nữa là hầu hết đài truyền thanh xã chưa được trang bị thiết bị hiện đại để phục vụ hoạt động, sản xuất chương trình cũng chỉ là các thiết bị thô sơ như chiếc radio, chiếc máy cassette để thu thanh, nên không thể tránh khỏi những tiếng rè rẹt khi thu chương trình, lồng nhạc cũng không được êm ái, thời gian không đảm bảo. Vượt qua khó khăn này, đi tiên phong trong vấn đề vi tính hóa để phát thanh là các xã Thân Cửu Nghĩa và Long An, trưng dụng máy vi tính cá nhân để phục vụ cho đài truyền thanh, còn nhiều xã khác cũng được trang bị máy vi tính, nhưng do sử dụng chung với nhiều ngành nên rất khó khăn trong việc thu và phát, mặc khác, cán bộ đài truyền thanh cơ sở cũng chưa có kiến thức về máy vi tính, do đó chưa đáp ứng được vấn đề này. 

Kinh phí cấp cho đài truyền thanh cơ sở cũng còn nhiều hạn chế. Đối với xã loại 1 thì được cấp 11 triệu đồng, xã loại 2 chỉ có 9 triệu đồng, nhưng phải trang trải cho tất cả các hoạt động của đài như: chi sửa chữa hư hỏng đài xã và các trạm truyền thanh ấp, chi mua văn phòng phẩm, nhuận bút chương trình thời sự địa phương, chi trực đài ngoài giờ, chi tiền điện và bồi dưỡng các trạm truyền thanh ấp .v.v... (chưa tính kinh phí mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cho ngành và nâng cấp các thiết bị đã xuống cấp), do đó, cán bộ đài truyền thanh cơ sở phải "gói ghém" lắm mới tạm ổn, điều tất nhiên là hiệu quả hoạt động không cao. Cụ thể xã ít trạm như Thân Cửu Nghĩa có 3 trạm truyền thanh ấp, mỗi tháng chi cho 1 trạm 100.000 đồng tiền điện và bồi dưỡng, thì 1 năm đã chi 3,6 triệu đồng chỉ cho các trạm ấp, còn xã nhiều trạm ấp như Long Hưng hơn 10 trạm ấp, thì không thể hỗ trợ hàng tháng cao được, chỉ 10.000đ mỗi trạm/tháng thì thử hỏi hoạt động của các trạm này sẽ ra sao?

Bên cạnh đó, cán bộ của đài truyền thanh cơ sở luôn không ổn định, một số cán bộ phụ trách đài xã trưởng thành trong công tác truyền thanh, khá về chuyên môn thì địa phương lại điều chuyển sang làm công tác khác. Một số cán bộ không có chuyên môn về truyền thanh lại được bố trí làm công tác truyền thanh, cụ thể như ở xã Bàn Long, Bình Trưng, Tân Hương, thị trấn Tân Hiệp..., từ đó dẫn đến chất lượng nội dung chương trình không cao và còn nhiều hạn chế trong công tác tham mưu cho lãnh đạo địa phương về công tác truyền thanh cơ sở.

Mặt khác, do nhu cầu của cuộc sống nên không ít cán bộ của đài dù rất yêu nghề, có nhiều kinh nghiệm nhưng lại không muốn tiếp tục công tác, vì ngoài phụ cấp thấp của cán bộ không chuyên trách chỉ ở mức 876.000 đồng, thì cán bộ các đài cơ sở không được nhận bất kỳ thứ gì khác, ngay cả bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Thực tế cho thấy, vấn đề nguồn nhân lực của các đài truyền thanh cơ sở cũng được xem là một vấn đề nan giải. Để các đài truyền thanh cơ sở phát triển và hoạt động đúng hướng, cần có những chính sách cụ thể như: Xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quy mô tổ chức hoạt động của các đài truyền thanh cơ sở, xây dựng những chế độ chính sách đối với cán bộ phụ trách đài để đảm bảo cuộc sống, giúp họ yên tâm trong công tác; nâng cao trách nhiệm hỗ trợ về nghiệp vụ của đài tỉnh, huyện đối với đài truyền thanh cơ sở, chú trọng việc phân bổ kinh phí cho hoạt động của các đài, trang bị cho đài xã một bộ máy vi tính để hoạt động chất lượng ngày càng cao, quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên. Mỗi địa phương khi thực hiện công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động cán bộ phụ trách đài truyền thanh cơ sở cũng cần cân nhắc kỹ về khả năng chuyên môn nghiệp vụ, để đài truyền thanh cơ sở luôn là một công cụ sắc bén của Đảng.

Trung Tín
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 289
  • Khách viếng thăm: 287
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 46812
  • Tháng hiện tại: 2415237
  • Tổng lượt truy cập: 48789364