Minh hoạ: Thanh Tiên
Công việc đầu tiên trong ngày của tôi bắt đầu từ việc nấu cho Má chút nước nóng để rửa mặt. Tôi vẫn nhớ cách Má vắt chiếc khăn nhỏ cho ráo nước rồi tỉ mỉ lau mặt, lau trán, lau tai... (vì thói quen sạch sẽ cho nên đến lúc gần mất Má vẫn cứ kéo khăn để lau mặt như vậy!).
Sau công đoạn rửa rái tỉ mỉ thì tôi giúp Má ngồi lên chiếc xe đẩy ra trước sân nhà tập thể dục. Và, trong khi tôi quơ tay làm một số động tác đơn giản thì Má chống đẩy chân cho chiếc xe chạy tới chạy lui. Khi mệt, Má dừng lại để uống một ngụm nước ấm trong ly mà tôi để sẵn trên cái bàn thấp. Những lúc đó, Má cũng hay để ý xem tôi đang tạm dừng tập thể dục hết ngắm hoa hồng mới nở lại săm soi mấy gốc lan... Rồi sau đó, Má mới đủng đỉnh rầy “Bộ tập thể dục xong rồi coi hổng được ha?”.
Rồi, Má lại chờ xem phản ứng của tôi... nếu tôi không nói gì thì Má nhìn biểu cảm trên nét mặt, hễ “sụ xuống” thì Má ghi nhận nhưng để gom lại khi nào có dịp mới nói sau. Còn như tôi giải thích bởi lý do này, nọ thì Má cũng ít khi chấp nhận vì “Việc gì sau hãy để sau!”.
Nếu như Má rất rạch ròi và ngăn nắp trong cuộc sống thì tôi hơi mộng ảo, mông lung. Tôi thích đắm mình vào những thế giới của các nhân vật ngôn tình, thích khóc cười với họ, và đôi khi mơ một kết thúc có hậu hơn...
Tôi còn phung phí thời gian một cách tùy hứng mỗi khi tiếp xúc với bất kỳ ai, hoặc nghe phụ huynh nào đó kể chuyện đời của họ, hoặc một vài học sinh cũ đến thăm, hoặc bạn bè nào từ thuở xa lơ xa lắc - và thường những cuộc “bà tám” ấy bao giờ cũng rất lâu, và bao giờ cũng đủ làm cho Má tôi sốt ruột, cằn nhằn:
- Chuyện gì mà nói hoài, không chịu nghỉ?
Rồi có khi Má phải tìm cách cắt ngang:
- Giờ cô mắc bận đi công chuyện cho bà, nên hẹn các con dịp khác vô chơi.
Rồi thế là tôi ngậm ngùi tiễn khách ra cửa. Chừng quay vào tôi phải khôn hồn tránh cái nhìn đang “chiếu tướng” vô mình, nếu không khéo thì Má sẽ mắng cho một trận nên thân, còn như nói một vài câu cho đỡ phần ấm ức thì sẽ nhận bài giáo huấn với khoảng thời gian ít gì cũng cả giờ.
Trong gia đình tôi từ lớn đến nhỏ, từ cứng đầu hay bất trị, từ đứa kiêu ngạo hay trái tính đều sợ Má một phép; chẳng vì mỗi lời Má nói ra đều làm người ta không thể tranh luận, càng không đủ lý do để trách hờn. Chẳng phải do ngôn ngữ Má đanh thép mà vì khi Má xâu kết lại thành một chuỗi các sự việc để người ta thấy rõ ràng các sai lầm của chính mình. Và Má thường kết luận bằng những lời thật nhẹ nhàng nhưng luôn làm “kẻ tội đồ” phải đau nhói (theo cách nói của anh tôi là “Búa bổ đầu người!”). Thật ra thì Má chẳng muốn làm đau lòng ai, hoặc nói nặng người nào; song, bà có một nguyên tắc sống rất rạch ròi là rất đỗi lương thiện và phải thẳng thắn đến cùng, làm cho mọi người xung quanh nể nang và ngán sợ Má là vì thế.
Trong hàng nghìn câu chuyện mà chúng tôi được nghe kể từ lúc còn bé là Cha và Má khi chạy giặc dù nghèo chí chết vẫn trả bọc tiền nhặt được cho người bị mất và chỉ nhận được một lời cám ơn suông. Lúc nhỏ chị em tôi hãnh diện vì việc làm của Cha Má, nhưng sau này khi đã lớn và hiểu những đồng tiền lượm được sẽ giải quyết nhiều nhu cầu cho đôi vợ chồng trẻ đang quá đỗi khó khăn thì tôi cảm thấy tiếc rẻ.
- Má trả làm chi vì họ đâu có biết điều? Phải chi họ thưởng cho Cha Má chút ít thì ai nói!
Câu trả lời của Má vẫn là:
- Đâu có được... vì đó là tiền của người ta!
Rồi cho đến sau này khi người chủ đất ở cạnh nhà trồng ớt bán, Má vẫn không cho em của tôi hái của người ta dù chỉ một trái, với lý do “Đừng tập tánh tham lam sẽ quen thân”. Má hay để ý những món đồ lạ xuất hiện trong nhà và đòi nghe cho được lời giải thích - mà lại không bao giờ chấp nhận cách nói quanh co. “Không có đồ xài thì thôi, mượn của người ta làm gì vậy? Thôi đem trả liền cho Má!”
Cái tánh Má là vậy, mà hễ nói là phải làm liền, đừng viện cớ trời nắng mà không đem đồ đi trả là bị “giảng” đến khuya.
Mà đâu chỉ có một chuyện, mặc dù với Má trăm chuyện cũng như một: đồ đạc thì dù là chị em ruột nhưng của ai nấy xài, hễ mượn tiền dù là mẹ con cũng phải trả sòng phẳng, muốn hái dù trái ổi trong vườn cũng “nói với Má một tiếng” chứ không được tùy tiện mà làm trước, nói sau.
Dù là con, rồi còn dâu hay rể khi đứng trước mặt Má phải có chút lễ phép dù Má không đòi hỏi phải “kính trọng” hay “bằng mặt chẳng bằng lòng”. Cho đến tận lúc gần mất, khi Má thấy vợ của em trai đi làm về không qua nhà thưa thì cũng chỉ nói bằng một giọng ôn tồn “Má không biết con đã về sớm, nhưng vì không nghe tiếng nên rất lo lắng!”, chỉ vậy thôi mà em dâu của tôi đã xin lỗi suốt. (Theo nhận định của hàng xóm thì gia đình tôi vốn có truyền thống là đi thưa về trình đấy). Điều đó chẳng theo một quy định nào cả, song, chỉ là một thói quen. Và, Má cũng vậy, dù có đang buồn bực cách mấy mà thấy “đối tượng đang nhắm tới” cất tiếng thưa gởi thì cũng phải “ừ!”dù gương mặt không... vui!
Tôi sống bên cạnh Má gần bằng một phần ba cuộc đời bà và có đến hai phần ba cuộc đời của mình để nghe những câu chuyện đời Má kể.
Nào là chuyện ông ngoại từ biệt đại gia đình bên Tàu với nỗi buồn của người chệt tha hương, rồi còn các cuộc mưu sinh nghiệt ngã nơi đất khách,... Tới lúc ông phải lòng bà là cô gái An Nam 16 tuổi khi đang gánh nước (do xăn quần để lộ bắp chân trắng nõn và hai gót chân hồng). Theo câu chuyện Má kể thì ngôi nhà bè trên sông chứa tuổi thơ vàng son của cô sẩm lai là Má đến 16 tuổi thì chấm dứt sau khi ông ngoại qua đời - cùng nghĩa với cuộc sống không còn vàng son - và người vợ góa vẫn gót chân hồng lại xăn quần, gánh nước nuôi con.
Má thường kể chuyện cô thợ dệt xinh đẹp với những khung cửi và hàng cẩm tự với hoa văn sắc sảo. Tan buổi các cô gái dệt ra về luôn có những chàng trai làm nghề mộc theo trêu, rồi những lần các cô nàng xinh đẹp đi hội chợ bao giờ cũng có “đuôi” bám theo sau... Còn chuyện thầy giáo trẻ có nước da trắng như thư sinh làm thơ về những bông hoa nở ngày tim tím mà người yêu trồng trong chiếc miểng vùa nho nhỏ - là Má. Tuy gia cảnh người thầy giáo trẻ nghèo nhưng mối tình thơ cũng có một kết thúc có hậu với một đám cưới nho nhỏ mà rộn rả, rồi sự ra đời của những đứa con trong mái nhà đơn sơ mà hạnh phúc luôn hiện diện.
Sau hai mươi lăm năm luôn hiện diện bên nhau, Cha đã ra đi vội vã sau ba tháng chịu đau đớn về thể xác do mảnh đạn lạc cắm vô đầu... Hình ảnh Má mang khăn tang ngồi bên mộ Cha là người vợ chan chứa tủi hờn và lũ con nheo nhóc đang ngơ ngác.
Từ đó, trong hoài niệm của Má khi nhắc nhở về Cha là những điều tốt đẹp và mẫu mực khiến chị em chúng tôi lúc nào cũng lấy làm tự hào, hãnh diện.
Cũng như phần nhiều các người góa phụ thờ chồng nuôi con khác, ngoài việc quẫy trên vai gánh nặng của cơm, áo, gạo, tiền thì phần thời gian ít oi còn lại Má đặt trọn niềm tin vào tín ngưỡng của mình. Khi còn đi đứng nhanh nhẹn thì cứ ngày rằm, 30 Má lại đến chùa. Ở đó, khi các vị sư gõ mõ, giọng chuông tụng sám hối còn Má và các Phật tử khác chấp tay quỳ lạy chí thành. (Thường thì tôi hay đi theo Má để tối về có mẹ có con vì đường đất nhỏ trong vườn vừa quanh co lại mấp mô và bước thấp bước cao theo ánh sáng khi mờ khi tỏ từ bó lá dừa của người trước đi cùng).
Trong các ngày vía hay dịp Tết Má hay đi Chùa lễ Phật vừa cúng dường trai tăng bằng số tiền chắc mót mà có được. Tôi thấy vậy thường xót của, khuyên can “Má cúng tùy khả năng thôi đừng dốc hết”. Đời nào Má nghe tôi mà còn trách “Cúng dường mà còn tính toán, so đo... hổng có nên!” Sau này, khi chân yếu mỏi thì Má sai tôi sang chùa cúng dường y như Má dặn mà còn cẩn thận viết pháp danh mỗi vị lên mỗi phong bì - rồi, khi tôi trở về hân hoan vì không gặp vị sư nào đó thì mặt Má buồn hiu và cất lại tiền vừa nói “Lần sau gặp được Thầy đó thì sẽ cúng bổ sung”
(Sợ Má luôn!).
Còn khi tôi tỏ ra xét nét các vị sư về một vài gút mắc trong phần đời của họ thì Má cũng hay rầy “Mình đến chùa để chiêm ngưỡng Phật, chứ ai biểu con ngó mấy ông sư?”(?!)
Nếu nói về Má thì biết bao nhiêu mới đủ đây? Má như cái cây cổ thụ đứng thẳng băng với cái gốc to chắc và vững chãi. Bao năm qua tôi đã nương náu dưới bóng mát của cội cây già. Đã bao nhiêu ngần thời gian trôi vùn vụt qua đời cùng với bão giông, sấm chớp,... dù cành lá xác xơ mà cội cây vẫn chở che lũ chim và tổ ấm của chúng đến tận cùng. Hãy điểm danh lại xem mấy đời con cháu, hết lứa này đến lứa khác, hết thế hệ này đến thế hệ kia, ai đã không từng dụi vào lòng thương của Má? Ai đã không từng được Má móc tiền từ cái áo túi mặc hàng ngày để dúi cho? Có ai gặp khổ đau mà Má bỏ? Có ai vấp ngã mà Má chẳng nâng lên? (Nhưng nếu ai làm sai quấy thì đừng hòng lạy lục, năn nỉ xin Má đồng tình
với họ).
Bởi Má là vậy mà, vì Má vốn là cái cây cổ thụ chẳng đời nào chịu uốn cong!
Ý kiến bạn đọc