Bà nói:
- Mầy nghèo, tiền đâu mà tặng tao, để dành mua gạo ăn!
Không biết người khác thì sao, chứ riêng tôi, dù đầu đã hai thứ tóc, nhưng mỗi khi nhìn thấy mẹ, tôi cứ nhớ đến mùi sữa thơm ngọt ngào và đôi tay mềm mại ấp iu ngày nào mẹ dành cho mình, cứ muốn gieo mình vào lòng bà để nương dựa tìm lại cái cảm giác êm ái thuở nào. Nửa đêm thức giấc thấy bà khó ngủ ngồi chong đèn bên cửa sổ, lòng tôi đau như cắt. Lãnh tiền giải thưởng văn học, tôi trích ra một nửa đi trị bệnh cho bà, nhưng không tìm ra nguyên nhân. Già rồi, khó ngủ vậy thôi, biết làm sao bây giờ. Ở gần, tôi biết mẹ tôi ngủ không yên cũng có lý do.
Sở dĩ anh chị em có mặt ngày hôm nay là do tôi vận động đứng ra chủ trì, đây là một thắng lợi lớn mang rất nhiều ý nghĩa.
*
Ngày Vu lan báo hiếu, anh em tụ họp về nhà cha mẹ có gì gọi là thắng lợi với không thắng lợi. Tôi cứ đắn đo mãi, không biết có nên viết ra câu chuyện này không, đắn đo đến mất ngủ mấy đêm liền. Xấu lá thì xấu nem, tốt lá thì tốt nem, đắn đo mãi cuối cùng tôi quyết định phải nói, bởi đây là chuyện thường tình, nỗi buồn đau, thống khổ của kiếp người không thể không nói. Tôi mong rằng mình viết truyện này với tấm lòng độ lượng, thẳng thắn, không vì sự bực bội riêng tư, dù tôi ngồi viết mà hai hàng nước mắt trào ra nhòe cả mặt chữ.
Mười năm trước khi mất ba tôi đã dựng lại nhà mới rất khang trang bằng bốn khối gỗ thao lao, vách căm xe, tôn bíp -rô nền cao tám tấc. Ấy vậy mà thằng em giờ làm có tiền, nó dỡ bỏ, xây lên căn nhà tây trị giá gần nửa tỉ bạc. Tôi cố sống chết can ngăn vì muốn giữ lại kỷ niệm của ông già. Tôi đã quá quen ở trong căn nhà ấy với biết bao vật dụng quen thuộc. Nào là cái cối xay lúa thời mới giải phóng vì mỗi lần đi chà phải xin giấy và chờ đợi cả buổi. Nào là chiếc ghế phô - tơi của ông nội để lại, trưa nằm ngủ rất mát. Nào là bộ đồ mộc của ông già với cưa, bào, đục đủ đầy. Ấy vậy mà bây giờ, chú thím nó xây lại nhà mới vứt hết ra chuồng heo, thiệt là đứt ruột.
Chuyện đó cũng nhỏ, cái quan trọng là nhà của mình, nếp nhà mình làm chủ, nhà của người ta người ta làm chủ. Xây được nhà to cửa rộng, thím Tám nó nắm hết quyền bính, sinh sát trong tay. Nhà vừa xây xong ba ngày, chú Tám nó đã phải bỏ nhà ra đi ở đậu ông anh rể thứ hai vì không chịu nổi cái thói độc đoán của vợ. Chồng bỏ nhà đi, vợ không cần biết, không hỏi han, kiếm tìm, mặc xác. Ông anh rể gọi điện thử lòng, nói chú Tám nó nhậu say đánh lộn bị công an huyện bắt rồi, vẫn không nhúc nhích. Tức quá, ông gọi thím ra nhà chửi cho một trận, ngồi khóc hu hu. Tưởng đâu đã biết ăn năn hối cải, anh em đến nhà mặt thím hầm hầm, đôi khi đuổi khéo. Từ đó, ai cũng ngán, không muốn đến nữa, để cho thím một mình tha hồ vặc một vặc hai với bà già. Ở gần kế bên tôi thấy hết, biết hết, xử lý ra sao với cô em dâu dữ như cọp. Anh chị cả còn chạy mặt, hạng tôi bõ bèn gì. Đất này là đất hương hỏa, giải phóng xong ba tôi mới về ở, thân cô thế cô. Còn nhà thím Tám ở đối diện bên kia lộ, bà con anh em, rân rác trùng trùng, sợ gì ai nào.
Chú Tám ngày xưa có quen một cô giáo ở Bến Tre, gia đình truyền thống nề nếp, hiền thục đoan trang. Hai đứa yêu nhau định đi đến hôn nhân, nhưng má thím Tám thường qua lại òn ỉ, quà cáp, làm má tôi xiêu lòng, buộc chú phải bỏ cô Bến Tre, cưới thím Tám. Con dâu dữ phá chín họ, biết bao chuyện đau lòng bắt đầu từ đây.
*
Bà Sáu Sự, má thím Tám thường tỏ ra nhân đức giúp đỡ người hoạn nạn nhưng khi bà nổi trận lôi đình thì tất cả mọi người đều chạy mặt. Hồi đó thợ cấy thường đem theo cơm trưa, nhưng cấy cho bà thường được đãi một bữa bánh xèo. Hôm đó, sáng sớm bà đi chợ mua rau, giá, tôm thịt về lui cui đổ đầy một thúng bánh nhờ ông Sáu, chồng bà đem ra ruộng cho thợ cấy ăn trưa. Bà nói có ăn ngon thì cấy mới đẹp. Ông Sáu bị bệnh quanh năm, tay chân rất yếu, đội thúng bánh đường xa thấm mệt, khi đi ngang cây cầu khỉ nhà thằng Năm Ống Thụt, ông sẩy tay làm đổ cả thúng xuống kinh. Ông lội xuống vớt được cái thúng không lên bờ ngồi thở, bà Sáu tức quá lấy cái thúng ụp lên đầu ông. Ông vừa lết vừa la: Tao yếu, tao yếu. Ổng lết đến đâu bà ụp đến đó, vừa ụp vừa gào: Thằng già, thằng già.
Thím Tám hồi nhỏ cũng không vừa, đòi mua đồng hồ xin-cô-phai không được, nằm trong buồng tuyệt thực ba bữa, đến khi có đồng hồ mới thôi.
Hồi mới vừa cưới xong, ngay ngày hôm sau, trong lúc ngồi soạn chén bát, má tôi kêu thím Tám: Bỏ đó đi con, vô ăn cơm đi con. Bà kêu đi kêu lại bảy tám lần, thím vẫn trơ trơ không trả lời. Nằm trong buồng đừ rượu, ngủ không được, tôi nghe rất bực mình. Ăn hay không ăn cũng trả lời một tiếng, thím ấy cứ làm thinh. Tôi bèn bước ra nói: Thím có lỗ tai không mà má nói không nghe. Nó liền chạy ù về nhà má nó nằm khóc suốt một buổi. Chết cha rồi, sai lầm to rồi, thay vì nói nhẹ nhàng: Thím vô ăn cơm đi, để đó từ từ làm sau. Tôi đã quá thô lỗ. Từ đó nó hận tôi suốt đời, đeo đẳng quấy phá tôi, làm tôi khốn đốn, lao lư không kể xiết. Ghê rợn nhất, có một lần, con chó tôi qua nhà nó ăn vụng, nó đâm cho một nhát dao Thái Lan lút đùi. Con chó về nằm dưới sàn nước im thin thít, thở phập phồng, máu ra lai láng. Sáng hôm sau thức dậy thấy nó đã chết cứng. Đó là con chó cưng của thằng con tôi, hai đứa thường ôm nhau ngủ trưa với nền gạch. Thằng con tôi nó khóc nó gào cả buổi đòi bắt đền cho bằng được.
Năm hai ngàn, nó đẻ được thằng con trai tên là thằng Nhóc. Tôi cũng xin được thằng con đặt tên là Hòa, mong cho vạn sự thái hòa. Những ngày tháng êm đềm nhất là những ngày thằng nhỏ còn chưa biết đi. Đến khi nó đi chập chững được rồi, oan khiên, nợ báo bắt đầu từ đây.
Con tôi và con nó chơi với nhau suốt ngày. Con tôi thì hay ghẹo chọc, còn con nó thì mít ướt, đụng đến một tí là khóc. Có một lần tôi thấy rõ ràng, con tôi vừa níu tay con thím, thằng kia liền khóc ẹ ẹ, thím chạy ra tát con tôi một cái muốn tét miệng. Thằng nhỏ khó không ra hơi, chết giấc đến tím mặt. Tôi thổi vào mũi nó mới sống lại. Tôi giận quá la ó om sòm.
Ngày sau, con tôi qua chơi, thím Tám đuổi về. Suốt ngày nó cứ đòi qua thằng Nhóc chơi, khóc khản cả giọng, nhưng mỗi lần qua thím Tám lại đuổi về. Đau lòng quá, tôi đem nó về ngoại gởi ít bữa, chơi với con cậu Chín. Lúc tôi chở nó đi, nó cứ hỏi mẹ đâu, mẹ đâu? Tôi nói mẹ đi sau, nó cứ ngoái lại hỏi mẹ đâu, mẹ đâu, ruột tôi đứt từng khúc, nước mắt cứ chảy ròng ròng trên má.
Mới xa con một ngày, tôi chịu không thấu, ba giờ khuya chạy về rước nó. Đến bốn giờ sáng, đứng trước cửa nhà bà già vợ định kêu, nhưng nghĩ đến cảnh đem nó về nó lại vật vã, khóc lóc, đòi qua thằng Nhóc chơi, tôi đành ra về trong nước mắt
đầm đìa.
“Con chim xa cành còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi”. Mới ba ngày xa nó, tôi ốm lỏng lưng quần. Vợ dọn cơm không buồn ăn một hột, cứ nhậu, nhậu suốt đến phát ốm.
Cuối tuần, tôi về thăm nó. Nó cứ ngồi im một chỗ cười bẽn lẽn nhìn tôi không ra, không biết mừng vui gì cả.
Chịu không nổi, tôi bắt nó về, ở nhà ngoại mười hai ngày có bạn chơi, bắp tay, bắp chân nở nang thấy rõ nhưng nó đã quên mất cảnh nhà, cứ khóc khản giọng hỏi: Bé Cường đâu, bé Cường đâu. Bé Cường là con cậu Chín, chết cha, trượt vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Nó cứ khóc, khóc đến khản giọng. Bị sai lệch hoàn cảnh, nó khóc đến sanh nhiệt, nóng bức muốn điên. Vợ tôi đi dạy về, hai đứa tắm táp dỗ dành cho nó suốt một chiều nó mới thôi. Dù nó là con nuôi, nhưng mới có một tuổi rưỡi mà đã chịu nỗi đau đớn chia ly thật là tội nghiệp quá đỗi! Tôi ray rứt, ân hận mãi.
Từ đó hai cha con chơi với nhau, tôi tập cho nó cái đức tự chủ, tự mình vui với mình, ai chơi được thì chơi, không chơi được thì thôi. Buồn thì đi tắm sông, câu cá, đi chụp, đi lưới, bắt dế, bắt cào cào…. riết rồi cũng quen, có khi nó như con mèo tự chơi với cái đuôi của mình, cả ngày cũng thấy vui.
Đến tuổi, tôi đưa nó đi nhà trẻ, nó bị viêm phổi bội nhiễm bốn mươi ngày liền, đến ngày thứ bốn mươi mốt tôi định để nó ở nhà, nhưng rất may, đến hôm đó nó hết sổ mũi, hết bệnh luôn, chịu cơm nhà trẻ ba năm liền, tôi mới được yên thân.
Thằng con tôi đi nhà trẻ rồi, thằng Nhóc suốt ngày ngồi thui thủi một mình ôm cây cột trước hiên nhà. Lẻ bạn, nó buồn không chịu ăn uống gì cả. Mỗi bữa có ép gì đi nữa, nó chỉ ăn vài muỗng rồi thôi. Nó ốm o vàng vọt như nhiễm chất độc da cam.
Nhìn nó tôi muốn đứt ruột đứt gan. Có hôm tôi bày kế để dụ nó, cha con tôi vác cần câu đi câu, đi qua đi lại, nó chạy theo, vừa lúc đó thì có một tiếng quát: Nhóc vô nhà! Buồn quá, anh em mà để người ta chia lìa thật là tủi.
Chủ nhật, thằng con tôi ở nhà ngồi thui thủi một mình, thằng Nhóc cũng ngồi ôm cột thui thủi một mình, tôi thấy khổ tâm quá chừng! Tôi thấm thía một câu của tây nói: La vie sans I’amour comme la terre sans solei (Cuộc sống không có tình yêu như trái đất không có mặt trời). Không có mặt trời, hoa không nở, gió không hát, đường không ai đi, trẻ con không được vui đùa.
Ông bà ta từ lâu có lẽ đã biết rõ cơn cớ chuyện này nên mới đặt ra bài hát ru con thấm thía.
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mượn chén ăn cơm
Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi
Kéo chơi ba bữa đứt dây
Đứt dây cái “bựt” quên hò xự xang
Xự xang cá bống hai hang
Cá trê hai ngạnh, tôm càng sáu râu
Ông bà xưa thật là thâm sâu, thấu suốt tâm tình con người qua bài hát trên. Hồi còn thương nhau, cầu tre lắt lẻo khó đi, khó mấy, trời mưa trơn trợt cũng đến tìm nhau. Nghèo lắm, nghèo đến mượn ly, mượn chén, mượn đờn cũng đến với nhau. Nhưng đờn đứt dây rồi, giận hờn rồi, mất đoàn kết rồi, nhớ là đã quên câu hò xự xang: cá bống hai hang, cá trê hai ngạnh, tôm càng sáu râu. Bây giờ mưa gió sụt sùi, ngồi thui thủi một mình héo hon, sầu não mới biết làm người phải có đôi, có bạn, một mình sống sao nổi. Ngồi đó, nhìn thấy đó mà không đến với nhau được, bởi lòng đố kỵ, chia cắt.
Tôi đã trải hết lòng hết dạ, tìm mọi cách giao hòa, nhưng thím Tám vẫn giữ một mực lòng sân hận, còn tìm cách phá đám, gây phiền hà không biết bao chuyện. Số là tôi mua bán vật liệu xây dựng, phải đẩy nhờ xe ba bánh ngang nhà chú Tám, anh em với nhau chuyện đó là bình thường. Vậy mà thím Tám tìm cách chất củi bít cả đường đi, tôi phải vác bộ. Thay vì một ghe hàng tôi đẩy xe chỉ mất nửa giờ, bây giờ phải vác bộ nửa ngày. Thấy tôi vác nặng, mồ hôi ướt đẫm thở ra đằng họng, xỉu lên xỉu xuống, má tôi lấy câu liêm giựt dừa cho tôi uống.
Bây giờ tụi nhỏ đã lên lớp ba, con tôi đã biết chạy xe đạp, nó chơi tưng bừng với chín thằng bạn trai trong xóm. Còn con thím Tám suốt ngày vẫn ngồi một chỗ khóc nhèo nhẹo, đòi cái này, đòi cái kia, ghẹo nó một chút là nó mét cha: Cha ơi, cha ơi.
*
Bữa Vu lan hôm đó, có làm món gỏi cuốn bì chay chấm tương xay, bọn trẻ ăn ngon quá, cứ xin hoài. Thấy ba bốn đứa ngồi tụm lại vui vẻ, tôi mừng đến chảy nước mắt. Bữa đó, thím Tám cũng vui vẻ cười nói bô bô, thật tình không ai mà biết được. Nhưng cái thắng lợi lớn nhất là anh em tôi đã đoàn kết thành một khối vững chắc, một sức mạnh vô song, đố ai dám làm mưa làm gió trong gia đình tôi được nữa, dù người đó có bạc tỉ trong tay.
ngày rằm, họp mặt, đầy đủ, từ đường, vấn an, sụt sùi, ấm áp, thành tâm, khấn vái, bàn thờ, gia đình, bình yên, siêu độ, quây quần, ngon miệng
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc