Từ khi mua nhà trong hẻm này, đạo diễn Hoài An bắt đầu có thói quen uống cà phê sáng. Không phải trước đó ông không uống cà phê. Ông uống, thậm chí có thời ông ghiền nữa. Đấy là thời ông yêu Thúy Loan, một cô gái mới bước vào làng kịch nói sau đó ông đã lấy cô làm vợ. Lúc ấy ông bốn mươi và Thúy Loan mới mười chín. Mười hai năm chung sống trong một căn hộ tập thể lem luốc chật chội khiến cô thấy chán nản, một bữa xách va ly theo một gã làm nghề cung cấp thuốc Tây lậu. Gã hấp dẫn bởi bộ râu quai nón và túi quần lúc nào cũng xủng xoảng tiền. Hai người đi về phương nào ông không hề biết. Thói quen uống cà phê cùng với người vợ yêu cũng mất từ đó.
Bây giờ ông đã sáu mươi, chuẩn bị nhận cuốn sổ hưu trí như mọi người lớn tuổi. Nhưng may mắn hơn nhiều người, đoàn ca kịch thành phố vẫn muốn ký hợp đồng tiếp với ông. Chuyện đời sống như vậy đối với ông không có gì phải lo nữa. Chuyện tình cảm riêng tư cũng vậy. Sau khi Thúy Loan bỏ đi có mấy cô gái trẻ tự nguyện đến với ông, chịu làm vợ hẳn hoi nhưng ông lại từ chối. Ông vui đùa chống chế rằng các cô gái đẹp quá, nhiều tài quá, ông lấy cô ta làm vợ cô ta chẳng phải là vợ của riêng ông. Phải chăng một lần bị vợ bỏ ông đã thấm cái trống rỗng, cái xuống thứ hạng của một thằng đàn ông. Chẳng gì ông cũng có vai vế trong đoàn ca kịch, nổi tiếng trong công chúng yêu sân khấu của thành phố.
Cô gái bán cà phê không biết ông là ai, chỉ thấy ông là một ông già gầy gò, làm việc ở một sở nào đó, luộm thuộm và hơi lập dị. Ông vẫn thường ngồi trên chiếc ghế nhựa nhỏ, tựa lưng vào gốc bàng, đó là nơi xa nhất đối với cô chủ quán. Ông ngồi một mình không chuyện trò với ai, thảng hoặc trên tay ông có tờ Văn Nghệ hay tạp chí Sân Khấu. Cái động tác mà cô hiểu được là khi ông đưa cánh tay ra, bàn tay nắm lại, ngón tay cái chĩa lên trời thì đấy có nghĩa là một ly cà phê đen. Ngày đầu, khi chĩa ngón tay cái lên như thế, ông hô một tiếng "Đen!". Những lần sau thì ông không còn hô lên nữa. Cô đã đọc được tín hiệu. Và thế nào ông cũng nhận được nụ cười có chiếc răng khểnh của tuổi mới lớn.
Ông yêu nụ cười ấy, nó hơi quê kiểng, nhưng chân tình, tươi vui và duyên dáng. Nó đi nhẹ nhàng vào trái tim ông, làm mất hết mọi khoảng cách. Giờ đây đến tuổi sáu mươi ông mới bắt gặp nụ cười dễ mến như thế. Ông tìm lại tuổi xuân của mình. Đúng, chưa có nụ cười nào nhẹ và gần, ẩn chứa cả một khoảng tuổi thơ trong trẻo lạ lùng đến vậy. Ông sinh ra ở phố, lập nghiệp ở đoàn nghệ thuật, toàn gặp những nụ cười giao đãi, vay mượn, tính toán làm ăn. Về già ông càng chán ngán những nụ cười đó. Ông muốn tìm kiếm cái gì chân thật, những giá trị đích thực. Thì đây, cô bé đã thả vào lòng ông một cánh hoa còn nguyên mùi hương đồi núi. Bởi thế, nhiều lúc dợm đứng lên, bắt gặp nụ cười cô bé, ông lại ngồi xuống, dành vài giây ngắm gương mặt làng quê chưa kịp nhuốm bụi thị thành, rồi nhắm mắt lại, hình dung tiếp vẻ đẹp ông tưởng tượng ra cho mình. Cô bé gật đầu mỉm cười. Ông đưa tay ra, ngón tay cái chỉ ngang như một dấu trừ. Cô bé không hiểu, sán tới, hỏi:
- Thưa, chú gọi chi?
Ông nhướng đôi lông mày, rồi gỡ kính. Vẫn nụ cười như mang cả làng quê đến với ông, gần gũi và dễ mến. Ông đáp:
- Cà phê sữa đá! Nhớ nhé!
Cô bé lại nở nụ cười đáp một tiếng "dạ" thật nhẹ. Ông gật đầu nhắm mắt, không chỉ nghĩ về nụ cười nữa. Ông nghĩ đến những điều ngoài nụ cười. Tất cả đều dễ thương lắm, chân thành lắm. Tất cả những điều ấy không có ở Thúy Loan, ở nhiều cô gái diễn viên khác. Cà phê của cô bé không ngon, nhưng ông không uống cà phê, ông biến sự tưởng tượng của ông thành một loại cà phê đặc biệt, hương vị của nó ở các quán khác không thể nào có được, ở đây là chất đồng quê thôn dã, không cần đến sự pha trộn, ở đây là hương vị của sự trinh nguyên tươi trẻ.
Ông đổi "tông" cà phê đen thành cà phê sữa đá vì lý do gì không rõ. Ông uống như thế chừng một tháng thì đột nhiên ông lại đổi "tông". Ông đưa cánh tay ra, nắm tay lại, ngón tay cái chỉ xuống đất. Cô bé lại nhìn ông, mỉm cười. Hẳn cô bé nghĩ: “Ông già này kỳ cục quá đi, tự dưng ra ám hiệu mới”. Cô tới gần, lại mỉm cười. Đó là điều ông muốn. Nụ cười hiền lành, thôn dã, trong trắng, xinh tươi quá, làm ông lúng túng.
- Cà… cà phê đá thôi… nhé!
Mỗi sáng ông đến sớm hơn. Cô bé không muốn mất khách, cũng dậy thật sớm. Giờ đám thanh niên chộn rộn chưa tới. Chỉ một mình ông. Ông không đổi chỗ cho gần hơn, vẫn chiếc ghế tựa gốc bàng. Trong mắt ông, cô bé đã trở thành một diễn viên tự lúc nào không hay, và ông không còn là một đạo diễn nữa. Ông đã trở thành một khán giả hâm mộ một diễn viên chỉ với một nụ cười.
Một hôm trời đổ cơn mưa sáng. Ông bưng ly cà phê đến gần quầy, nơi có một tấm bạt nhỏ che mưa. Cô bé mỉm cười, hỏi cho có chuyện:
- Nhà chú gần đây?
Ông đáp:
- Tôi ở trong hẻm này, cách đây chừng một trăm thước.
- Không thấy chú chở thím uống cà phê?
Ông lắc đầu:
- Không có thím.
- Chú đuổi thím đi?
Ông lại lắc đầu:
- Không. Có thím đâu mà đuổi.
Cô bé buông một tiếng thở dài:
- Ba cháu thì khác, ba cháu rất thương má cháu nhưng má cháu đã bỏ đi.
- Sao bỏ đi?
- Tại nghèo. Nhà cháu nghèo nhưng má cháu không cam phận làm người nghèo.
Ông thở dài:
- Vậy ư? Đàn bà đều như thế, cứ cho rằng đồng tiền làm nên hạnh phúc.
Cô bé có vẻ giận:
- Chú nói gì vậy? Chú nói đàn bà đều như vậy hết sao?
Ông xua tay:
- Tôi xin lỗi. Chỉ một số người thôi. Đúng ra là một số rất ít người, còn đại đa số là dịu hiền trong sáng, trong đó có mẹ tôi…
- Chú còn mẹ à?
- Mẹ tôi mất từ lâu rồi, lúc tôi còn nhỏ. Bà đã tảo tần nuôi cả một gia đình đông con chúng tôi. Trên hết bà có nụ cười thật đẹp. Tôi còn giữ tấm ảnh của bà hồi bà mới về nhà chồng.
Cô gái trêu chọc:
- Chắc chú không giống mẹ. Chú cười… xấu lắm...
Ông thật thà gật đầu:
- Bởi thế tôi muốn đi tìm hình ảnh của mẹ tôi.
- Chú tìm được chưa?
- Đang tìm.
- Vậy là chưa thấy?
Ông uống cạn ly cà phê:
- Có thể tôi đang thấy.
- Đâu vậy?
Ông nhìn vào mắt cô bé:
- Xin lỗi. Cô cười đi!
Cô bé quay lưng, cúi đầu, nở một nụ cười rất duyên lấy tay che miệng...
Sau buổi sáng trời mưa ấy, cô bé không thấy ông đến uống cà phê. Mãi hơn một năm sau, tự nhiên ông đến. Ông kéo ghế ngồi tựa gốc cây bàng. Cánh tay ông đưa thẳng về phía cô bé, ngón tay cái chĩa lên trời. Cô bé reo lên:
- Ôi lâu quá không thấy chú uống cà phê! Chú khỏe không? Cháu đem cà phê ra liền đây.
Cô bé hối hả pha cà phê, bưng vội đến chiếc bàn nhỏ đặt trước chỗ ông ngồi. Ông lột kính, nhìn chằm chằm vào cô bé:
- Em quên tôi rồi ư?
Cô bé bước lùi lại, vẻ sợ sệt:
- Cháu quên sao được? Cháu nhớ chú nhiều lắm. Chú đi đâu lâu vậy?
Giọng ông gằn lại:
- Em chỉ nhớ mấy thằng thanh niên kia thôi. Còn ngón tay cái của tôi chỉ là thứ vứt đi. Phải không?
- Sao chú nói vậy? Ở đây cháu chỉ nhớ chú thôi. Chú từng nói cháu cười giống mẹ chú đó mà.
Ông rút tiền đặt lên bàn nói:
- Em cất đi, tôi không gọi ly cà phê này.
Cô bé rưng rưng nước mắt. Ông bước tới, tay đỡ lấy đầu cô bé, định đặt một nụ hôn. Nhưng không hiểu sao, ông rụt tay lại, buông một tiếng thở dài. Thoáng chốc, ông bước đi, lảo đảo như một người say rượu. Khi ông đi rồi, cô bé sực nhớ ra, ông gọi cà phê đen, không phải cà phê sữa đá.
Từ hôm ấy, ông không trở lại quán cà phê của cô bé nữa. Cô bé sáng sáng chờ bước chân của ông, mong được thấy bóng ông ngồi tựa gốc cây bàng và cánh tay đưa ra phía cô, ngón tay cái bật lên như thể một sự khen ngợi.
Năm sau, một hôm cô bé chuẩn bị dọn dẹp bàn ghế từ trong hẻm đối diện bỗng vang lên tiếng kèn đám ma. Đám ma đi qua trước quán cà phê, cô nhận ra bức ảnh của ông. Cô bé gọi:
- Chú ơi! Chú ơi!
Không ai để ý đến tiếng gọi của cô bé. Mấy hôm sau trên một tờ báo thấy đăng tin công bố bản di chúc của nghệ sĩ - đạo diễn Hoài An. Theo đó, cô bé được hưởng toàn bộ gia tài của nhà nghệ sĩ.
Quán cà phê lèo tèo, không tên của cô bé trở nên khang trang đẹp đẽ, theo ước nguyện của nhà đạo diễn được mang tên quán KHÁN GIẢ. Ở tấm bảng hiệu người ta thấy có bức hình vẽ hình ngón tay cái chĩa lên, cạnh đó là gương mặt một cô gái trẻ với nụ cười lung linh huyền diệu...
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc