Tiếng khóc mèo hoang

Đăng lúc: Thứ ba - 24/11/2009 08:14
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

- Cô ơi con đau bụng quá! Giọng Thúy đầy đau đớn và hơi thở gấp gáp.

Tôi chỉ nghe được bấy nhiêu thì con bé đã cúp máy. Gần một năm rồi Thúy không đến nhà, chỉ liên lạc với tôi qua điện thoại. Tôi bấm máy gọi lại, con bé nói yếu ớt:

- Con đang thuê nhà số... đường...

Tôi lên xe và lao đi, một lần đã vô tình vượt luôn đèn đỏ. Căn phòng thật gọn sau tàn cây bằng lăng. Thuý nằm co người trên chiếc giường hộp. Môi tái nhợt. Trán hầm hập nóng và đẫm mồi hôi.

- Bệnh sao vậy con?

Nó nắm chặt tay tôi, cắn môi cố nén cơn đau, lắc đầu:

- Cô kêu taxi đưa giùm con đi bệnh viện!

Tôi gọi taxi. Quơ vội mấy bộ đồ của Thúy bỏ vào túi xách thì taxi tới. Thúy choàng tay qua người tôi, toàn thân nó mềm như cọng bún. Nghe tiếng rên nó nén qua cổ họng, tôi động viên:

- Ráng chút xíu vô bệnh viện bác sĩ điều trị nghe con!

Thúy ngồi tựa hẳn vào người tôi, đôi rèm mi cong khép lại. Mái tóc duỗi thẳng, suông mượt, thoang thoảng mùi dầu gội đắt tiền.

- Đi bệnh viện nào? - Tài xế hỏi

- Đa khoa! - Tôi đáp

Thúy cướp lời:

- Phụ sản!

Tôi nhìn vào mặt con bé, nói như hét

- Cái gì? Đi đâu?

Nó nghẹn lời:

- Cô đưa con vào khoa sản!

Tôi nghe như từng nơron thần kinh của mình dãn ra, dãn ra.

Vậy là hai lần năm đã rõ mười! Hơn một năm qua con nhóc đã yêu nên nó không màng đến tôi. Những lần điện thoại cho tôi nó vui như sáo. Cách đây không lâu nó khoe đi Đà Lạt. Thấy nó vui tôi cũng mừng. Còn bây giờ thì...

Bây giờ mặt Thúy đỏ lên. Làn da non sữa như căng ra. Nó được đặt nằm trên băng ca, chép miệng bảo khát. Tôi chạy ra căn-tin mua chai trà xanh không độ. Vừa bước vào thì một “chị áo trắng” có tuổi, quắc mắt nhìn tôi, giọng nói bị thiếu đường:

- Sao để ra nông nổi này mới đưa đến đây? Lại đằng kia làm hồ sơ đi!

Chắc chị ta nhầm bệnh viện là nhà của mình và chị đang ra lệnh cho chồng, con. Thúy đang nằm thiêm thiếp nên tôi dằn lòng.

Người ghi hồ sơ hỏi tình trạng bệnh của Thúy, tôi ú ớ và bảo:

- Cháu nó ở một mình, nó điện thoại bảo đau bụng rồi kêu đưa vào đây, thật tình tôi chưa rõ nó bệnh gì.

- Thế chồng cô ấy đâu?

- Tôi... tôi không biết nữa

Cô y sĩ rời ghế, tôi thấy bảng tên là Nguyễn Kim Hương. Hương bê giấy tờ đến bên băng ca của Thúy. Bây giờ thì tôi choáng váng và sẽ không tin nếu như không nghe chính miệng con bé khai: Hôm qua người quen đưa nó đi phá thai trong hẻm nào đó, cái thai đã hơn tám tuần tuổi. Có cho thuốc uống nhưng bụng vẫn đau và nửa đêm đau dữ vội cho đến sáng nay.

Một cô áo trắng khác đến ghim kim vào tay nó lấy đi mấy cc máu. Người ta bảo tôi kéo băng ca đưa Thúy đi siêu âm. Đi đóng tiền để Thúy nhập viện, lên lầu lấy kết quả xét nghiệm... Họ quay tôi như chong chóng. Khi tôi trở lại con bé đâu mất. Y sĩ Hương bảo tôi chờ. Thấy Hương nhỏ nhẹ, dễ tính nên tôi hỏi:

- Cuối cùng thì con bé bị gì hả em?

- Có thể bị tổn thương khi lấy thai, huyết ứ bên trong nên em nó bị sốt và đau bụng. Nếu trễ hơn nữa thì nguy hiểm cho tính mạng.

Tôi nghe hơi lạnh chạy dọc sống lưng và tức mình rủa thầm: “Thằng khốn nào đã để lại hậu quả thảm thương cho con bé nếu có ở đây bà sẽ cho biết tay”.

Bên ngoài xe cấp cứu dừng, hai người đàn ông khiêng băng ca vào. Người phụ nữ mắt nhắm nghiền, tiếng rên hừ hừ thật tội nghiệp. Hỏi ra mới biết chị bị té cầu thang, thai nhi mới hơn bảy tháng.

Tôi bước ra bên ngoài, nóng lòng chờ đợi. Mẹ, cha Thúy đang ở đâu? Nó chưa bao giờ nói địa chỉ gia đình cho tôi biết. Tôi ngồi xuống ghế đá lòng thắc thỏm.

Bốn năm trước, khi tập thơ in chung của tôi ra đời. Trong số thư bạn đọc gởi về có một bức thư con bé lớp 7, với những lời lẽ ngộ nghĩnh dễ thương, bảo tôi dạy nó làm thơ. Thư nào nó cũng dặn tôi hồi âm. Thỉnh thoảng con bé đến điện thoại công cộng gọi cho tôi nói rằng nhớ tôi, thích nghe giọng tôi nói. Một buổi tối khi tôi vừa dừng xe trước cổng nhà mình. Bà Ba hàng xóm nói vói qua: “Cô Lý đi đâu mà khách chờ từ chiều!”. Một vòng tay từ sau ôm siết lấy tôi, đôi tay nhỏ dài, gầy, trắng xanh. Tôi quay lại, bắt gặp một gương mặt non chẹt, xinh xắn, đôi mắt đen láy thân thiện nhìn tôi qua rèm
mi dài.

- Cô biết ai không?

Giọng nói thanh mà mỏng tôi đã quá quen từ ba năm qua điện thoại. Nhưng tôi vẫn giả vờ đáp:

- Lạ quá làm sao mà biết!

Con bé  buông thỏng hai tay.

-  Cô không nhận ra con thật à?

- Có gặp hồi nào đâu mà nhận ra - Tôi bẹo má nó -  Sao đến mà không điện thoại cho cô?

- Điện thoại cho cô biết trước mất hay.

Rồi Thúy tung tăng theo tôi vào nhà. Nó nói bà Ba bảo điện thoại nhưng nó sợ làm lỡ dở công việc của tôi. Nó phụ tôi làm bữa cơm tối. Tôi trộm nhìn con bé rồi ước ao phải chi nó là con của mình nhỉ. Thằng Quang thì chỉ biết chờ mẹ phục vụ cho thôi, cái thằng chỉ được cái đẹp trai và học giỏi còn mọi việc khác lười biếng cực kỳ. Thái độ thân thiện, tự nhiên của Thúy, tôi cứ ngỡ nó là người trong nhà .

Cơm nước xong, nó nhìn bức ảnh sinh nhật của Quang rồi bảo:

- Gia đình cô hạnh phúc quá!

Tôi hỏi lại:

- Ai nói?

Nó chỉ bức ảnh:

- Cô và chú rất đẹp đôi còn anh Quang nửa giống chú, nửa giống cô sướng nhỉ! Chú đi công tác hả cô?

- Ừ.- Tôi đáp cho qua chuyện, thật ra chưa bao giờ con bé hỏi về chồng tôi, nó chỉ nghe tôi kể về thằng con trai lười của mình.

Gần chín giờ đêm, Thúy xin phép tôi về nhà người quen. Tôi không đồng ý, bởi nó không có điện thoại, tôi không chủ động liên lạc được. Thành phố này không lớn lắm nhưng cũng không thiếu thứ gì kể cả bọn ma cô.

- Con điện thoại bảo ở lại đây sáng rồi về.

Thúy ở lại. Nó sợ phiền tôi nên bảo:

- Dạ! Cô cứ làm công việc của mình, đừng xem con là khách.

Nó thay bộ đồ mặc nhà, cũn cỡn và cũ kỹ, trông nó như cây sậy. Nó thích thú ôm con gấu bông rồi lại tò mò:

- Chú đi đâu mà tới giờ chưa về hả cô?

Tôi không giấu:

- Chú ấy và cô chia tay hồi anh Quang học lớp 4.

- Sao lại có tấm ảnh này?

- Năm ngoái sinh nhật anh Quang cũng là lúc được kết quả Quang đậu đại học, nó muốn cho ông ấy thấy được nỗ lực của hai mẹ con nên mời về.

Thúy tỏ ra phẫn nộ:

- Chú ấy điên rồi. Cô xinh đẹp, tài giỏi, sinh cho chú ấy con trai. Chú ấy còn đòi gì ở cô nữa.

- Dĩ nhiên cô chưa hoàn hảo nên chú ấy đã tìm thấy người hoàn hảo hơn cô.

- Hoàn hảo cái con cóc khô, biết đâu bây giờ ông ta đang ngậm bồ hòn làm ngọt.

Sau đó con bé im lặng. Khi vào mùng, nó nằm bên tôi thì thầm kể về bà ngoại, kể về em bé của mẹ rồi không biết nó và tôi ai ngủ trước. Tiếng kêu động dục của con mèo hoang làm tôi giật mình. Nhìn quanh. Thúy ôm con gấu, ngồi thu mình dưới chân tôi. Tôi hỏi:

- Lạ chỗ không ngủ được à?

- Dạ không, con sợ tiếng khóc của con mèo.

Nó nằm xuống bên tôi và kể:

- Hồi mẹ con theo chồng, đêm đầu tiên con ngủ một mình. Con nhớ mẹ lại sợ ma. Gió cứ thổi vào cánh cửa sổ nghe như ai đang bước ngoài hè lại thêm mấy con mèo hoang kêu như tiếng khóc của trẻ con. Cứ như vậy mà mỗi chiều xuống con lại khóc một mình. Mẹ về cùng dượng, con xin theo nhưng mẹ không cho. Có đêm con lấy bông gòn bịt kín hai tai nhưng tiếng kêu của những con mèo vẫn xoáy vào. Có đêm sợ quá, chẳng dám ra khỏi mùng, con tè cả trên giường. Sáng mợ Ba giặt mền, chiếu, miệng lầm bầm mắng nhiếc.

- Còn bà đâu? - Tôi vuốt ngược mái tóc trên trán nó.

- Bà ngủ một mình, có ai nằm chung bà không ngủ được. Bây giờ mẹ đã có hai em gái và gần sanh một em trai. Hình như mẹ quên sự có mặt
của con.

Tôi lựa lời an ủi nó. Kể một hồi, nó thiếp đi. Tôi không ngủ lại được. Nó chưa bao giờ kể về nỗi sợ khi nghe tiếng mèo hoang nhưng nó đã một lần viết thư cho tôi, kể về “xuất xứ” của nó. Mẹ nó đẹp lắm, thường đi lựa trái cây ngoài vựa. Bà chưa kịp gả chồng thì đã mang thai. Mẹ chưa tròn mười tám, nó đã ra đời. Cha nó là ai? Bà không tiếc mấy cây chổi lông gà tả tơi vì muốn biết. Mãi đến tận bây giờ nó cũng chưa dám hỏi điều đó với mẹ. Nó nói, mẹ có chồng khác bỏ nó, nó không buồn bằng mẹ không nói cha nó là ai.

Một khúc nhạc ngoại sôi động vang lên từ máy di động của con bé. Tên người nổi lên màng hình là “C. Khanh”,  tôi do dự rồi quyết định nghe vì biết đâu đó là người thân của Thúy.

Giọng đàn ông ấm áp, vang như phát thanh viên, ngập ngừng khi nghe tiếng tôi. Hình như giọng nói kia có bối rối khi hỏi về Thúy. Tôi nói con bé đi bệnh viện nhưng không bảo là bệnh viện phụ sản. Một lúc sau “C.Khanh” điện lại dặn Thúy điện cho anh ta.

“Ai là người nhà của Trần Thị Diễm Thúy?” câu hỏi được lặp lại lớn hơn tôi mới giật mình. Bác sĩ Uyên đưa toa bảo tôi theo người điều dưỡng đẩy băng ca đưa Thúy ra phòng nằm rồi mua thuốc, những loại này bệnh viện không có. Tôi nhón chân chạy theo hỏi:

- Bác sĩ ơi con bé ổn không bác sĩ?

- Tốt rồi, nếu chậm hơn thì  khó cứu kịp.

Tôi thấy nhẹ người như ai vừa sang gánh nặng.

Thúy đang được truyền dịch. Mắt nhắm nghiền. Toàn thân nó như dán chặt vào chiếc băng ca. Người hộ lý giúp tôi kéo băng ca đi theo hành lang hun hút.

Định khi thằng Quang nghỉ hè, hai mẹ con đi Tây Nguyên nhưng tôi đã hi sinh mười ngày phép của mình để chăm sóc cho Thúy. Hơn bảy ngày nằm viện, hôm nay về nhà, nó đã tươi tỉnh rất nhiều. Nó ngồi trên giường, ngã đầu vào vai tôi, mắt đăm đắm nhìn những chùm bằng lăng tím. Thúy nói như tuyên thệ nhưng không nhìn tôi:

- Không nhờ cô là con chết rồi. Khi thật khỏe, con sẽ làm cái tiệc nhỏ, xin được gọi cô là mẹ. Cô có sẵn lòng nhận đứa con hư hỏng như con không?

Tôi chưa kịp nói gì thì có tiếng xe ngừng. Một người đàn ông, lịch lãm hiện ra trước cửa, gật đầu chào tôi. Tay cầm bó hoa hồng nhung, tay xách giỏ trái cây đủ loại.

Tôi ngờ ngợ, chẳng lẽ Thúy có người cha sang đến thế? mà chẳng lẽ...

Tôi mời ông ngồi và xuống bếp, làm chưa xong ly nước thì nghe tiếng đổ vỡ cùng tiếng uất nghẹn của Thúy:

- Đồ đốn mạt, ông muốn vứt đi của nợ, ông chỉ biết lo cho bản thân mình mà không hề thương lấy mạng sống của tôi. Đi ra khỏi đây ngay!

Thúy gục xuống gối, toàn thân run lên theo tiếng nấc.

Gã “trâu già” đứng như trời trồng. Dưới chân ông những cánh hồng tả tơi, trái cây lăn lóc.
Ngọc Lệ
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 140
  • Khách viếng thăm: 136
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 16795
  • Tháng hiện tại: 2249345
  • Tổng lượt truy cập: 46216578