Về Miền Tây: ĐI CÂU RẠO !

Đăng lúc: Thứ hai - 24/12/2012 06:04

Tôi có đứa bạn quê ở Trà An. Sẵn cuối tuần rảnh tôi theo nó về Miền Tây cho biết.

 Chiếc xe đò bắt đầu một chuyến hành trình mệt nhọc. Từ lâu đã nghe thằng bạn mình huyên thuyên nhiều điều; nào Miền Tây nó đẹp dữ lắm, bốn mùa cây trái đưa hương, ruộng lúa chín vàng, còn cá với chim thì ôi thôi, nhiều vô số kể, cò bay gãy cánh, rơi rớt đầy đồng. Hỏi nó chứ xưa nay tui toàn nghe cò bay thẳng cánh, sao giờ nghe "gãy cánh" là sao?

 Nó tỉnh bơ:

 - Tại mày không biết chứ quê tao ruộng lúa bạt ngàn, dài thăm thẳm, đến mùa cò về kiếm ăn, sẵn đường dài, bay không đặng, gãy cánh là chuyện bình thường!

 Tôi ớ ra, không biết nó nói đúng không mà thấy cũng hơi hơi có lý?!

 Sáng hôm đó - tức là sau một chuyến xe đò và ăn một bụng ốc no - hai đứa tôi bắt đầu một chuyến đi câu. Hai thằng chuẩn bị đồ đạc xong cũng hơn bảy giờ. Vừa gạt mái chèo rẽ đám rong rêu cản đường, nó vừa giải thích cho tôi nghe về một vài kinh nghiệm "chân truyền":

 - Này nhá, muốn câu được cá thì đầu tiên phải mần cái cần câu cho thiệt đẹp. Phải chọn lựa được cây trúc dài tầm ba mét, phải thẳng, không một chút vênh và quan trọng hơn là không dính phải tổ kiến. Đốn về, tới cái công đoạn này mới khó nè, mày biết làm sao không?

 - Không!

 Nó nhìn tôi, cười:

 - Thì đem cất chứ làm sao?

 Tôi thắc mắc:

- Nhưng tui nghe nói là phải uốn nắn, hơ lửa hay làm gì đó nữa mà?

 - Ờ, còn nhiều công đoạn phức tạp cực kỳ (thằng này nói gì cũng làm vẻ mặt quan trọng), nhưng mà tao biết nhiêu đó thôi, chừng nào tao biết nhiều hơn rồi tao kể cho mày nghe.

 - Chưng hửng??!!!!!

 

 Thoáng cái mà tới cái khúc sông. Thằng bạn tôi chẹp miệng:

 - Để mày xem, rồi sẽ phục ngay tài sát ngư của tao!

 Miệng nói, tay nó cầm con trùn nước uốn theo vòng lưỡi câu.

 - Cái khó là ở đoạn này nè! Phải móc mồi cho khéo, cá ở đây khôn lắm, thấy bẫy là nó né ngay.

 Tôi thắc mắc:

 - Ủa mà hôm qua tui thấy ông nướng cục gạch làm chi vậy?

 - Để mày xem, cái này để dụ bọn cá tới đó.

 Thả mồi đã lâu mà không thấy cá đớp. Mặt trời cũng đã lên cao, thấy phía sau lưng nóng ran, tôi hỏi:

 - Hay là mày chọn sai địa điểm rồi?

 - Im!

Ở phía xa, cái phao động đậy. Trồi lên, hụt xuống rồi lút mất tăm. Nó giật mạnh. Căng cước. Ở phía cuối dây câu có thứ gì đó. Hồi hộp. Vừa kéo lên khỏi mặt nước, tôi đã thấy nó tròn mắt ngạc nhiên. Phía đầu dây, hai con rẹm treo toòng teng, cái càng bám vào lưỡi câu, giương đôi mắt ngạc nhiên không kém ngó vào bọn tui.

 - Ha ha. tụi bây đi câu rạo đó hử? Ai đời câu cá mà ra cái chỗ này. Bậy rồi, thả dây đụng đất thì kiểu gì không dính rẹm? May là nó chưa cắn đứt lưỡi câu của tụi bây đó!

 Thằng bạn tôi im thin thít. Tôi cũng im. Tụi tôi lặng nghe ổng kể một hồi.

 - Đi câu nghe dễ chứ thiệt không đơn giản. Tùy theo loại cá mình muốn câu mà chọn thời gian và địa điểm cho phù hợp. Thí dụ muốn câu trê thì nên đi lúc trời mờ sáng hay lúc sẩm tối, khi đó bọn nó đi kiếm ăn. Cái hồi mà cá tôm còn nhiều, tao đi thả câu một đêm là thấy bộn.

 Tôi xen vào:

 - Đi câu đêm vất vả chú ha?

 - Ừ!

Ổng cười khà khà:

- Nhưng nếu người chuyên đi câu thì cũng hổng mệt cho lắm. Muốn bắt cá ăn đêm thì ta chọn câu cắm là hợp nhất. chọn những đoạn tre ngắn đốt, vàng óng rồi chuốt bỏ ruột, vuốt phần cật cho đàn hồi, đuôi thì vuốt nhọn (câu cắm mà). Tùy địa điểm mà đặt cần cho hợp lý (tránh bọn ếch nhái táp bậy táp bạ), xong việc về ngủ một giấc khoẻ re, sáng mai thì đi thu cần. Còn những bọn rô tạp ăn ở ruộng thì chọn nhiều cần, móc mồi rồi cắm gốc lúa là tha hồ mà bén.

 Nói chung ổng kể nhiều mà tôi chỉ nhớ nhiêu đó! Nói chuyện một lát thì ổng bảo:

 - Sẵn đường ghé nhà tao chơi luôn. Thấy hai thằng bay ná quá. Qua tao chỉ cho một chút đặng lần sau có về Miền Tây thì còn biết.

 Thằng bạn tôi cười. Còn tôi ớ ra, mình có quen biết gì đâu mà ổng mời mình ha? Thôi kệ đi đại, thấy ổng cũng vui vui.

 Chúng tôi đến nhà ông Năm Cần (tên của ổng) thì được quất ngay một bữa rượu chuối mà ổng chuẩn bị sẵn từ hồi nào. Uống được vài ly, ổng cười khà khà, (hàm răng ổng bay đâu hết còn sót lại mấy cái), lấy cái áo quệt ngang lau nước mắt, nước mũi, ổng kể:

 - Miền Tây giờ khác nhiều rồi tụi bây à! Cái thời tao giờ đã lui vào dĩ vãng… Ta nói chứ cái gì nó cũng có hai mặt, được cái này thì mất cái kia. Bay coi đó, cần gì tao nói, người ta đến miền Tây, thăm miền Tây, khen nó đẹp, mà có ai biết cái nơi nó đến? Nó tin thì tự nó đã ngỡ rằng miền Tây thật? Láo, láo cả thôi!

 Ông cười mếu máo:

 - Có một điều mà miền Tây không thay đổi đó là bà con mình vẫn nghèo!

 Tôi cũng cười mà sao sống mũi cay cay. Thằng bạn nãy giờ im lặng, chợt thấy nó ngập ngừng:

 - Không đâu chú ạ! Miền tây mình đổi thay thật, nhiều điều đã bị lãng quên, nhưng con chắc một điều mãi không thay đổi là cái tánh dân quê chú ạ! Tự nhiên, hồn hậu và giản dị nhất! Con nghĩ dầu đi tới đâu bà con mình cũng thế thôi, chỉ cần trong lòng ta luôn giữ được hình bóng của quê hương thì sá gì những đổi thay của cuộc đời!

 Chợt thấy ổng cười, nụ cười thật vui, chắc có lẽ ổng đang hài lòng lắm lắm. Rồi thằng bạn cũng cười, cười to vang cả nhà!

 Sau đó tới đoạn ba chú cháu lai rai hết con cá lóc nướng trui. Ổng nướng sao mà ăn tới đoạn trong còn đỏ òm, vậy mà cũng quất sạch.

 Chợt tới đây, tôi ngẫm được nhiều điều, về đất miền Tây, về những con người chân quê như ông Năm Cần, muốn phát biểu suy nghĩ mà không biết bắt đầu từ đâu cho đặng, thôi thì cứ để nó vào trong dạ vậy!

Minh Trường
(Theo lophocvuive.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 188
  • Khách viếng thăm: 185
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 12866
  • Tháng hiện tại: 2245416
  • Tổng lượt truy cập: 46212649