Quà quê: tội nghiệp như giấc mơ chắp vá

Đăng lúc: Chủ nhật - 23/12/2012 07:11

Tôi vẫn còn nhớ một buổi sáng ở quê, khi bà bán xôi đẩy chiếc xe đạp lạch cạch đi qua cửa nhà, vài đứa trẻ con xôn xao xin tiền mẹ, chạy theo bà, mua gói xôi giá vài ngàn đồng.

Những khoảng trời chợ quê hẳn đã đi qua đôi mắt của mọi người cũng vậy. Tất tần tật những người nhập cư đi vào thành phố này đều mang theo trong tim một khoảnh gia sản quê mùa và giữ nó ở trong tim. Ở đó, đám trẻ con bu lấy một gánh bánh canh, húp tô nước ngọt lịm mùi thơm của cá, hoặc ngây ngây vì mùi gạo thơm phức từ thúng xôi nghi ngút khói.

Niềm hạnh phúc và ngọt ngào ấy đọng trong tim mỗi người giống như một cái phím trên cây đàn, chỉ cần nhấn vào đó, âm hưởng và mùi vị của trái tim lại rung lên đúng y như cao độ, trường độ như vậy.

 

Cũng giống như một chiều nọ, chị bạn tôi cầm cây đũa tre, thò vào cái đĩa bánh bột lọc được làm trong một nhà hàng cỡ bự ở Sài Gòn, cứ háo hức tưởng nhớ đến “độ rung kỉ niệm” của đĩa bánh bột lọc được làm ở vùng quê xa tít mù nhà chị. Khi chị cắn vào con tôm, giống như một tay nhạc công rởm đời lạc nhịp, con tôm không tươi và cũng chẳng tròn căng, thơm phức như trong cái gánh bánh của bà già nghèo khổ trong chợ quê ngày nào.

Lạc nhịp.

Thật là khổ sở.

Tôi mơ hồ nghĩ chẳng cứ gì chị mà bất cứ ai trong cái thành phố to khổng lồ này đều đang đeo những bẽ bàng nho nhỏ ấy kín đáo trong tim mình. Không ai kịp nói ra.

Tôi ăn một tô bánh canh trong quán xá bự, với những muỗng nước lèo nhạt thếch, sặc lên mùi knorr uân uẩn đầy cổ họng.

Tôi giở gói lá một chiếc bánh chưng, miệng cười méo xệch khi nhìn những chiếc lá bên trong cũ dần và đầy cái mùi khó chịu của thứ đồ ăn đã gói vài ba ngày trước vẫn được đem lên mâm bày.

 

Tôi mở gói xôi ra và nhìn thấy những hạt gạo ỉu xìu dựa dẫm vào nhau trong một làn khói yếu ớt kiểu “nhân tạo” vì đã để xôi cả ngày chứ không phải bà hàng nấu nồi xôi tươi rói hăng hái đem ra chợ trong buổi sáng quê mùa hôm nào.

 Buồn cười đến tội nghiệp những thằng tôi, đã lớn lên và mê mẩn bao nhiêu thứ quà ăn đầy miệng ở quê nhà khắp chốn đi qua. Tôi thèm cháo trắng với tôm kho ở Hà Tiên. Tôi mê mẩn bánh canh Phan Rang. Tôi bị khuất phục bởi mấy cái bánh bò dừa của bà bán hàng trong cái chợ ngoài cù lao. Tôi cũng hớn hớn hở hở ôm luôn tô mì quảng to tướng và tô cơm hến vào lòng mà ăn lấy ăn để khi ngồi ở Huế và Hội An. Bao nhiêu niềm vui ấy, chỉ là một niềm tội nghiệp, trong bàn tay thô lậu và bẽ bàng của những hàng quán phố thị này.

Ở bánh canh Hoàng Ty, người ta bưng lên cho bạn một tô bánh canh to như tô cám (cho lợn) với những mảng nước lèo nhạt thếch đầy bột ngọt. Người ta lười nhác pha một loại mắm chỉ có mắm và nước cho cả chục món quà quê trong một cái nhà hàng rõ to. Người ta nấu một nồi xôi bán 24 giờ và cứ thế đổ lên, đổ lên cho đầy những lứa xôi mới, gạo cũ, lẫn lộn vào nhau. Người ta vứt vào nồi lẩu những con nghêu chết, bầy ốc bươu đã hôi rình hay con cá đã quẳng trong tủ lạnh cả tuần lễ.  Người ta bắc lên bếp nướng đám chân gà đã mềm rục rặc vì để quá lâu quá cũ.

Người ta chưng biển: Bánh xèo quê, bánh khọt quê,  mì quảng quê, xôi quê, bún đậu quê….

 

Quê: Thật là dễ bán dễ mua và dễ bịp bợm những kẻ mê ăn cả tin và khờ dại.

Ở trong ánh đèn nhà hàng mắc tiền – nơi 6 cái bánh bèo giá 50 nghìn – tôi tưởng tượng ra gương mặt vô hồn của những bà đầu bếp nhà hàng phía sau. Chắc là họ không có ánh mắt lấp lánh giống bà bán xôi ở miền Tây. Họ không biết chút ngọt ngào nào như cô bán bánh canh thêm chút cá dầm cho đám trẻ ngồi xu bu quanh gánh ăn quà sáng. Họ thậm chí còn rất ngu dốt và vô trách nhiệm, chẳng thèm nhìn vào cái cái lũ tôm ươn thui ươn thủi nằm ệch ra và được dán vào cái bánh bột lọc ngu ngốc – tính 40 nghìn/dĩa.

Các bà đầu bếp ấy và các ông chủ nhà hàng ấy đã buôn bán và giàu có xiết bao dựa trên những kí ức ngọt ngào của hàng triệu con người xa xôi quê nhà tìm về phố kiếm ăn và cực khổ. Nhưng chắc là bao năm qua, họ vẫn chưa bao giờ thèm học cho được chút tử tế của những người bán quà quê già nua, vốn chẳng giỏi giang buôn bán gì và rất khờ khạo khi phục vụ đám khách trẻ con nhà quê nữa.

Họ không biết làm những cái bánh bột lọc trong suốt có con tôm tươi rói, không biết nấu một nồi phở, bún, bánh canh có nước dùng ngọt ngào thật sự. Họ cũng không biết giã mớ đậu phộng mới rang với đường sao cho thơm phức để rắc lên món xôi nóng hổi.

Tử tế – thì chỉ bán xôi trong chợ đồng và kiếm 3000đ/gói.

Ở nhà hàng – nhà hàng quê – không nên buôn bán sự tử tế và ngọt ngào làm gì.

Quê lắm!

Khải Đơn
(Theo wordpress.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 278
  • Khách viếng thăm: 271
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 49947
  • Tháng hiện tại: 2282497
  • Tổng lượt truy cập: 46249730