Xu thế mới hội nhập, cha mẹ cũng đặt tên ở nhà của con theo tiếng nước ngoài. Tiếng cha mẹ gọi giờ đây nghe “kêu” và sang lắm. Tên nhân vật hoạt hình nước ngoài, nhân vật nổi tiếng, đến cả những cái tên đậm chất phương Tây đều được sử dụng rộng rãi.
Những ngày tết, mợ tôi ẵm em bé đến nhà chơi, bé chưa nói rành tiếng Việt đã được tập kêu tên anh trai là Stephanie, tự giới thiệu tên mình là Susan. Tôi bỗng cảm giác điều gì mơ hồ, gia đình mình đang ở Việt Nam hay nước ngoài mà những cái tên gợi lên một miền đất xa xôi quá!
Đến trường, bạn bè thân hay gọi nhau bằng nickname (biệt danh) cho thêm thân mật. Chỉ cách đây vài năm khi tôi còn học cấp III, những biệt danh vừa gắn với tên vừa gắn với món ăn ra đời sao mà đáng yêu lạ. Bảo Châu thì gọi bằng Bắp Cải, Minh Trang bị gắn với Mắm Tép, Phương Linh lại là món Phá Lấu thơm lừng… Những cái tên “Việt Nam đặc” và không hề bị lẫn lộn.
Ai cũng bảo bây giờ phải sống “Tây”, sống “9x” hơn, tên là phải tên nước ngoài mới chuẩn không cần chỉnh. Khi bạn bè hỏi tôi ở nhà tên gì, không ngần ngại tôi trả lời: “Chiền Chiện”. Không ai hiểu “Chiền Chiện” là tên một loài chim nhỏ, có sức sống mãnh liệt và tiếng hót lạc quan.
Dù đất nước mình đang trong tiến trình hội nhập, nhưng đến cái tên cũng không giữ được bản sắc thì sẽ buồn lắm. Gọi tên tôi, gọi tên bạn bằng tiếng Việt thân thương nhé!
Ý kiến bạn đọc