Hương Sen!

Đăng lúc: Thứ sáu - 28/12/2012 14:15
Ánh chiều tà đang buông dần và treo lơ lửng trên lũy tre đầu xóm,chiếc xuồng nhỏ nhẹ nhàng cưỡi đầu những con sóng lăn tăn. Được một đoạn ông cắm cây sào dài để thả luồng câu. Gió bắt đầu lên, gió rì rào làm lật những lá sen to đầu ruộng, lớp lá trắng phau phản chiếu với ánh chiều lóa cả mắt, những cánh sen mơn mởn khẽ đu đưa theo sóng nước như má ai hay ửng hồng trong ánh hoàng hôn trĩu bóng.
Lũ về làm những vuông sen dâng cao theo con nước, ông thường đem câu thả cặp theo mé sen. Ông nói:

 - Cá lóc hay cá trê thường tìm nơi nước mát và có tán râm để trú và làm tổ đẻ…!

 Chốn Tháp Mười phèn chua, đất mặn, rừng tràm ngút ngàn trải dọc những bờ kênh, bông trắng ngọt ngào hương mật. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt, mùa khô thì đồng lúa bao la bạt ngàn xen với những vuông sen bát ngát hương hoa, khoe cánh rực hồng làm ai đi ngang qua củng không khỏi xao xuyến. Còn khi lũ về thì cả biển nước mênh mông nhấp nhô xuồng ghe bé bỏng.

 Nắng đã đứng bóng.

 - Cu Thuận à…!! Bây coi chèo ghe ra hái vài lá sen già vô cho nội nướng mớ cá, ông với bác Ba mày lai rai !

 - Dạ!

 - Sẵn tiện hái mớ tai tượng với đọt xoài nha...! - Tiếng ông vang từ trước sân.

 - Dạ, con đi liền!

 Cu Thuận đang say xưa với mớ sen luộc bà vừa mới nhắc xuống khói còn nghi nghút. Sen hội này mới bùi mà ngọt làm sao, hương vị đặc trưng của sen Tháp Mười, lớp vỏ dai dai, nhụy đắng nhẹ và xanh ngắt. Ông thường chọn những gương sen già để riêng và dặn bà luộc cho cu Thuận cắn chơi. Nhìn cái răng sún của nó cắn hạt sen mà ông xoa đầu cười âu yếm. Sen mới luộc nhâm nhi với chén nước trà sen nóng hổi, không gì bằng. Gió mát lao xao theo sóng nước, bác Ba với những người cùng xóm,người đàn người hát, buông vài câu vọng cổ để đón trăng lên. Cá lóc nướng lá sen là món mà ông thường dùng đãi bạn bè mỗi khi có người tới chơi. Ngồi nhâm nhi với bình rượu tắc kè trước khoảng sân nhỏ mà nước chưa vươn tới, tay cầm ly rượu, ông nói khẽ:

 - Thằng Ba mày coi đó…! Năm ngoái nước lên chỉ tới gò đất đằng kia là xuống rồi, từ hàng râm bụt cho tới mé nước, thằng cu Thuận với tụi nhỏ còn chia phe kéo mo cau, mà năm nay ngập mất hẳn tới hàng cau rồi...!

 Ông chắt lưỡi thở dài, giọng khàn hẳn, mắt hướng nhìn những đọt cau vi vu đưa mình trong gió, ánh mắt buồn thiu chứa đựng bao suy tư.  Còn nhớ mấy mùa nước năm trước, ông tập lội cho cu Thuận, thằng nhóc coi vậy mà sợ nước. Ông thường bảo:

 - Mày á…! Là con nhà thành thị mới đúng à, xuống nước là nhắm mắt mà uống đầy bụng…!

Biết bà thích ăn trầu, trước ngõ vào, ông trồng hẳn hai hàng cau xanh ngát, dưới gốc là những khóm cúc mâm xôi rũ rượi, nhưng có lẽ số phận chúng đang bị thần nước đe dọa.

 Lại một mùa lũ nữa tràn về, điên điển đã nhuốm vàng, một màu vàng biếc miên man.

 - Lay hoay mãi mới hái được mớ điên điển. Cũng tại con Bé Tư, con của bác Ba. Nó bơi xuồng y như người ta xay bột vậy, cứ quay vòng vòng rồi đâm thẳng vào bụi rậm. Ô... chèng ơi...! Ngay tổ ong vò vẽ, hai đứa nháo nhào lặn hụp, mãi một hồi sau mới dám quay lại kéo xuồng về.

 Mớ bông điên điển cho bà đổ bánh xèo, bác Ba tay cầm mớ lá lốt từ nhà sang, chợt buông lời:

 - Thằng cu Thuận, bây rán ăn nhiều vô nghen! Đi chuyến này là không biết chừng nào mới được ăn bánh xèo do nội mày đổà…!

 Ông đang ráp lại mái chèo, chuẩn bị đưa cu Thuận ra lộ lớn. Bà thì khéo léo xếp từng cái áo chiếc khăn cho vào va-li, bà khẽ giọng run run:

 - Nội nghe đài họ nói... bên đó mùa đông lạnh lắm…! Bây đi ra đường thì nhớ mà quấn cái khăn rằn nội xếp theo đó, cho ấm cổ, kẻo lại ho đó nghen…!

 Ông gằn giọng nói với sang:

 - Bây đi qua đó… thì nhớ mà gõ điện thoại về nhà bác Ba mày, rồi bảo sắp nhỏ nó chạy qua kêu nội nói chuyện cho đỡ nhớ làng nhớ xóm…!

 Nói xong ông xuống bếp gói mớ sen luộc trong chiếc lá, cho vào túi ni lông cẩn thận.

 - Lên xe rồi lấy ra mà cắn cho đỡ buồn ngủ…!!

 Một chiều mưa nhạt nhòa nơi xứ kim chi buốt giá, tin giữ từ trời nam vang lên như sét đánh... Ông đã đi xa, ông ra đi quên cả những gương sen già để dành cho cu Thuận. Sẽ còn ai cùng nó đem câu thả mỗi khi chiều tà? Cả món cá lóc nướng lá sen nữa, chỉ có bàn tay của ông mới thoăn thoắt khéo léo làm cá vàng óng và tỏa mùi ngây ngất. Hàng cau già trước sân giờ chắc củng đìu hiu trong gió, vắng ông rồi chắc chúng buồn rũ rượi, cau mùa này trái cũng không lớn vì thiếu từng gàu nước của ông chăm sóc... Gian nhà trống giờ chỉ còn mình bà thui thủi ra vào. Cái chõng ông kê trước sân, giờ đây mỗi chiều bà ngồi tay run run, ngoáy cơi trầu, đôi mắt nhăn nheo trông về nơi trời xa.

 Cu Thuận giờ đây đã trưởng thành. Nó trưởng thành nhờ những giờ tan ca ngồi nhìn mớ sen héo. Nó trưởng thành trong những lần tay phải đặt lên ngực trái trong tư thế nghiêm trang của lễ thượng cờ nước bạn. Không ai hiểu tại sao môi nó chưa hề mấp máy bài quốc ca nước bạn, bởi trái tim nó chỉ có mỗi một quê hương, một tổ quốc duy nhất, là nơi hằng đêm nó vẫn mơ về.

 Gió lại về, khẽ cuốn đi những chiếc lá già úa cuối thu, tuyết sẽ lại phủ kín kỉ niệm. Hỡi những cơn gió chiều nay, có đợt gió nào về phía trời nam nơi vùng tả ngạn, xin cho hồn nó quá giang, hãy cho nó xuống nơi có dòng sông chín nhánh, quanh năm trĩu nặng phù sa, là mạch máu của quê hương, là dòng sữa mẹ ngọt ngào, là chiếc nôi bao đời che chở cho những đứa con miền tây yêu dấu... Tất cả sẽ còn đọng lại trong những ai đã là trẻ thơ. Sẽ khó để tìm lại được những ngày xưa, có hay chăng chỉ là trong những khung trời phủ màu kỉ niệm.

 

Viềt về Miền Tây là loạt bài dự thi tuyển chọn từ cuộc thi "Viết Về Cảm Xúc Miền Tây Quê Tôi" do  Fanpage Miền Tây Quê Tôi (https://www.facebook.com/mientayquetoi) tổ chức. Bài viết được đăng dưới sự cho phép của tác giả và MTQT.

Nguyễn Duy Dang
(Theo lophocvuive.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 225
  • Khách viếng thăm: 219
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 31173
  • Tháng hiện tại: 2263723
  • Tổng lượt truy cập: 46230956