Chợ Tết

Đăng lúc: Thứ tư - 03/03/2010 09:04
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Còn nhớ những ngày xưa, thuở còn ấu thơ tôi hay theo bà ngoại đi chợ Tết, mỗi lần đi chợ như thế là bà tôi lại tỉ mẩn xếp những thứ hàng nông sản mà ở nhà làm được đem ra chợ bán, và mua lại những thứ cần thiết cho những ngày xuân trong gia đình. Hàng hóa đem đi có khi chỉ là vài con gà béo mượt, vài xấp bánh phồng, bánh tráng làm từ hạt gạo, hạt nếp quê nhà. Và mua về thường là những gói trà “bánh ú” hiệu “Con dơi”, những chai rượu nếp trong như mắt mèo để ông tôi có cái mà lai rai, vài mét vải để may cho tôi manh áo mới. Chứ các loại bánh, mứt ở nhà đã làm từ hăm mấy Tết rồi, cũng không cần mua cúc, vạn thọ hay mai vì tất cả ở vườn nhà đều có sẵn.

Rồi nào là pháo đùng, pháo chuột về cho tôi và mấy đứa cháu ngoại khác có cái mà đốt, chứ các cậu tôi  - hồi chính quyền Sài Gòn chưa ra lệnh cấm đốt pháo - mỗi khi tới giao thừa toàn đốt pháo bằng “khí đá” đựng trong những ống tre. Một người bỏ cục khí đá vô ống tre, chế miếng nước và cầm ống “súc” thật mạnh rồi đổ cục khí đá đó ra, một người cầm mồi lửa châm vào nơi miệng ống tre, tiếng nổ do “pháo ống tre” này phát ra to kinh khủng, điếc cả tai những đứa nhóc đứng xớ rớ gần đó nếu không kịp bịt lỗ tai lại! Sau chiến dịch Mậu Thân chính quyền cũ cấm đốt pháo, mãi tới giải phóng mới được đốt lại, rồi vì lý do an toàn, phòng chống cháy, nổ ngày Tết pháo đùng cũng bị cấm luôn. Không sao, ngày Tết cần gì phải có tiếng pháo mới ra Tết? Nội đêm giao thừa ra xem pháo bông muôn hình, vạn trạng tung toé hoa cà, hoa cải trên bầu trời đêm trừ tịch cũng thấy lâng lâng trong lòng rồi. Chợ Tết ở phố huyện nhóm không lâu, chỉ một ngày là tan, nếu ai còn muốn mua gì về đón Tết thì cứ tới mấy tiệm “chạp phô” của người Hoa tha hồ mà mua sắm, có tiệm mở cửa bán luôn cả ba ngày Tết không kiêng cữ gì hết.

Lớn lên, về sống nơi thành phố không khí chợ Tết vui hơn, phiên chợ cũng dài hơn. Lại có cả chợ hoa với hàng ngàn loại hoa cho người chơi hoa mua về thưởng thức, rồi nào là đèn chớp, dây vàng, các thứ trang trí trong nhà đều có… Thời buổi kinh tế thị trường tất tần tật những thứ “thượng vàng, hạ cám” đều có sẵn, chỉ cần bỏ tiền ra mua mà thôi. Thế nhưng, tôi lại cứ đau đáu nhớ về những ngày Tết ở chợ quê, mà mỗi lần đi chợ như vậy là bà cháu tôi phải thức dậy từ lúc gà gáy canh hai, bó vài cây đuốc đem theo, hết cây này mồi tới cây khác. Toàn đi bộ với khoảng đường dài chừng vài cây số là ra tới bến xe ngựa – mà tôi gọi là “ô tô hí” - xe tới chợ huyện lại đón khách trở về, nếu không về kịp chuyến thì… chịu khó đi bộ! Không hiểu sao lúc nhỏ tôi lại dẻo dai như vậy? Đôi chân bé nhỏ cứ vậy mà đi theo bà tôi vượt chừng ấy cây số ra đến chợ huyện vừa lúc trời tờ mờ sáng. Nói cho công bằng, mua hàng xong bà tôi chất vào một đầu thúng trên gióng, còn thúng kia là… tôi! Cứ thế, bà gánh vừa hàng, vừa đứa cháu ngoại - tức là thằng tôi đó - đi từ chợ huyện về tới quê nhà. Có năm bà yếu, không đi bộ nhiều được thì một mình đón đò dọc đi luôn lên chợ Mỹ mà mua sắm, sẵn ghé nhà gửi mẹ tôi những món quà quê hương, thường là bánh tráng dừa, bánh phồng nếp, phồng mì mà bà tôi đã bõ công ngồi xay, giã, tráng bánh và phơi… Từ nhà ra đến bến đò cũng đâu có gần, cũng phải đi từ lúc trời còn tối thui mới kịp chuyến đò duy nhất đi Mỹ Tho. Vậy mà năm nào nếu tôi không về quê ăn Tết, bà cũng “quá giang” đò dọc đi lên Mỹ Tho thăm tôi và gửi cho tôi những lít gạo “lúa tiêu” hạt tròn, những con tôm bạc đất to, đỏ au rang bằng muối “ba thắc” với nước dừa Xiêm béo ngầy ngậy.

Bây giờ, ngày tư, ngày Tết lúc nào cũng có chợ Tết, nhiều bạn hàng chỉ nghỉ có ngày mùng một, ra mùng hai lại bày hàng ra bán chứ không như ngày xưa, có người nghỉ tới… mùng bảy, hạ nêu mới ra bán. Bây giờ giao thông tiện lợi bước vài bước là tới chợ phường, muốn đi chợ tỉnh thì chỉ cần cỡi xe đạp là tới ngay, chứ đâu như ngày xưa mỗi lần đi chợ Tết về là rã rời cặp giò ống điếu của tôi. Thế nhưng, trong lòng tôi sao cứ nôn nao nhớ về một vùng quê không yên ả bởi chiến tranh, có phố huyện với phiên chợ Tết ngắn ngủi, bày bán lèo tèo vài ba món bánh mứt của thời ấu thơ. Những phiên chợ Tết của phố huyện quê tôi.

Hoàng Đức
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 204
  • Khách viếng thăm: 201
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 28611
  • Tháng hiện tại: 2473501
  • Tổng lượt truy cập: 48847628