Mùa trái chín

Đăng lúc: Thứ năm - 29/04/2010 14:59
Mùa trái chín

Mùa trái chín

Con chim trao trảo nhận biết trái chín bằng màu nên những loại trái màu đỏ rực nó rất thích. Con dơi quạ nhận ra trái chín bằng mùi, nên nó không bao giờ ăn trái sống. Mỗi loại trái chín có mùi thơm khác nhau, có thứ phát tiết bên ngoài như nhãn, sầu riêng, ổi sẻ..., có thứ tiềm ẩn bên trong khi cắn vào mới cảm nhận như vú sữa, chôm chôm..., nhưng cũng có thứ “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, một chút thoang thoảng bên ngoài và đậm đà mãnh liệt bên trong như các loại xoài hay quả cóc.

Cho nên muốn tận hưởng hương vị trái cây tùy theo loại mà người ta để trái chín trên cành mới hái hoặc có nhiều loại phải giú mới ngon. Chuyện giú trái xưa như quả đất, nhưng nhắc lại cũng có nhiều điều suy gẫm.

Nhớ hồi nhỏ một lần bị đòn vì lén giở nắp khạp giú chuối. Người ta thường giú chuối bằng khí đá, còn mẹ tôi thì cho rằng khí đá giú trái cây mau chín mà ăn bịnh nên không xài. Cách giú chuối của mẹ tôi khá cầu kỳ. Thoạt tiên bà xả buồng chuối ra từng nải đem hong nắng cho ráo nhựa rồi xếp vào lu, vào khạp. Nải lớn nằm dưới, nải chót nằm trên..., lót thêm một mớ lá chuối khô rồi bà đốt lửa than để trong cái mẻ vùa đặt vào để giữ nhiệt. Lấy bao bố đậy lại xong xuôi, bà dặn bốn hôm nữa chuối mới chín.

Tuổi nhỏ hiếu kỳ, lại thèm ăn nên tôi rình đợi lúc mẹ đi chợ, lén vô giở nắp khạp thăm chừng xem chuối đã chín chưa. Thực tình thì cũng không biết chuyện thăm chừng như vậy làm lu chuối đi hơi, giảm nhiệt chuối càng lâu chín và bị sượng. Sau vụ nằm sấp trên bộ ngựa hứng mấy cây roi mới học được điều này.

Mẹ tôi còn có cách giú xoài khá độc đáo. Ngày xưa xoài thanh ca, xoài cát trắng hay cát đen là giống xoài ngon nhất. Xoài trong vườn được hái lúc đỏ dạ, đem vào để cho ráo mủ rồi mới đem giú. Bẻ một mớ lá quao nước xếp chung xen kẽ từng trái, mẹ tôi bảo giú bằng lá quao xoài chín đều, rất thơm và có màu đẹp. Còn tôi thì tranh thủ cắp vài trái đem vùi vào bồ lúa, làm dấu cẩn thận, thỉnh thoảng lén moi ra ăn dần. Cũng có khi bị thằng em phát hiện phổng tay trên nhưng không dám nói ra vì sợ cái roi mây.

*

Hơn nửa đời trôi qua, mùi xoài chín đi vào trong ký ức như một kỉ niệm trân quí đến cực đoan. Cho nên nhiều khi ra chợ thấy người ta bày bán những trái xoài vừa chín tới mà cứ nghĩ người thời nay không biết giú xoài. Cũng không trách họ được, giú xoài theo kiểu mẹ tôi, lỡ bán trong buổi chợ không hết thì có nước đem đổ. Còn người mua thì cứ lựa đại vài chục đem về để tự nhiên cho xoài chín dần mà ăn, cho nên quả xoài thường hay bị sượng, cơm chín không đều từ trong ra ngoài, màu sắc lại không đẹp. Mẹ tôi bảo chín mà không muồi là như vậy.

Đúc kết kinh nghiệm người xưa để gẫm lại cái chuyện “văn minh miệt vườn” đôi khi là những tiểu tiết nhỏ nhặt ngay cả những người làm vườn cũng chẳng cần để ý. Người ta đổ thừa cho cái tính thực dụng thời kinh tế thị trường. Đâu phải người xưa không thực dụng. Tổ tiên của các thế hệ làm vườn trong điều kiện chưa được hội nhập không có nhiều giống loài cây trái mới như hiện nay, nhưng tiêu chí rõ ràng là trái phải đẹp từ cái tên đến cái vỏ bên ngoài và ngọt lành với cái vị bên trong. Bởi lẽ, các loại trái cây không chỉ để ăn mà còn để chưng cúng và khi cúng xong phải còn ăn được, gọi là hưởng lộc ông bà. Cho nên trên dĩa quả tử không thấy những cái tên chôm chôm, sầu riêng, cóc hay chuối..., nghe nó xấu xí và buồn thảm. Rồi từ đó, người ta “tính toán” với cả thần thánh đem “mảng cầu, dừa, đu đủ, xoài” lên mâm ngũ quả, nói trại đi là “cầu vừa đủ xài”. Vật chất đẻ ra nhu cầu, nhưng nhu cầu bao giờ cũng cao hơn, biết có vừa đủ hay không?

Trở lại chuyện nay, đọc báo thấy thông tin ở mười huyện, thị trong tỉnh Tiền Giang hiện nay đều trồng được cây ăn quả, mỗi vùng đất có một loại cây đặc trưng riêng: thanh long Chợ Gạo, khóm Tân Phước, sầu riêng, chôm chôm Cai Lậy, sơ ri Gò Công, bưởi lông, xoài cát Hòa Lộc Cái Bè, mãng cầu xiêm Tân Phú Đông... Đặc trưng ấy là do thiên nhiên qui định, người ta không thể đem sơ ri trồng ở vùng Cai Lậy, hay đem sầu riêng xuống đất Gò Công được. Thiên nhiên cũng qui định luôn cả hương vị từng loại cây trái, cho nên có lúc vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đem nơi khác trồng không khéo chỉ thu được... trái mù u mà không ngọt ngào thơm tho bằng nơi nó sinh ra. Bây giờ phương tiện kỹ thuật tân tiến, thuốc men nhiều, vườn này trồng được, vườn kia cũng có thể trồng được, chuyện cây trái nghịch mùa không còn là chuyện lạ. Người làm vườn xưa cũng đã đúc kết “nhứt sớm nhì muộn”, trễ một chút, sớm hơn một chút thì bán được giá. Nhưng trái cây nghịch mùa không thể nào sánh bằng chính vụ, bởi các thứ hormon tăng trưởng đã làm mất dần hương vị. Tiêu chí quả ngon thay đổi rất nhanh theo tâm lý tiêu dùng “trái to, ít hạt, cơm nhiều”, cho nên quả ổi sẻ thơm lừng phải nhường chỗ cho trái ổi không hạt lạt nhách mà chẳng thơm tho.

Có phải chăng ngày xưa mùa nào thức nấy cho nên cái hương vị đặc thù từng loại trái làm mình nhớ mãi khôn nguôi.
Trà My
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 272
  • Hôm nay: 21985
  • Tháng hiện tại: 2390410
  • Tổng lượt truy cập: 48764537