Đọc lại những "Giông tố", "Vỡ đê", "Số đỏ", "Làm đĩ" và những truyện ngắn khác của ông, ngẫm thấy người xưa vẫn không hề xưa cũ. Tư duy của ông vẫn rất mới, đáng để cho các nhà văn Việt Nam thời nay soi vào, và ngẫm lại mình chút ít nào chăng?
100 năm ngày sinh của "Vua phóng sự" đất Bắc Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 - 20/10/2012). Nhìn lại những "siêu" nhân vật trong tác phẩm của ông, từ những năm 30 của thế kỷ trước, những nhân vật trong xã hội thời đó, từ thượng lưu trí thức Tây học đến hạ lưu dưới đáy xã hội, thấy hình như vẫn đang "tồn tại" một cách sống động trong thời công nghệ cao, toàn cầu hóa, kinh tế thị trường của thế kỷ 21 đương đại.
Họ là những "Xuân tóc đỏ", "Bà Phó Đoan", "Văn Minh"... đã trở thành "thành ngữ" khái quát những tính cách đại diện cho một lớp người trong xã hội hiện tại.
Lớp người hàm chứa tất cả, sự lố lăng, kệch cỡm và hài hước của một xã hội nhiều nhiễu nhương. Nơi mọi thứ chuẩn mực của đạo đức truyền thống, quan hệ tôn ti trật tự bị đảo lộn bởi trào lưu Tây hóa, bởi sức mạnh đồng tiền, và sự tha hóa nhân cách....
Và cũng lại giật mình, hình như văn chương Việt Nam đương đại đang mất đi tính hiện thực điển hình, tính chiến đấu trực diện với thói hư tật xấu, tính dự báo tương lai như văn chương thời ông. Phải chăng các nhà văn Việt Nam đang ru mình, ngủ quên hay viết văn trong phòng máy lạnh, nên ngòi bút không còn sắc bén?
Những mũi dao mổ xẻ cay đắng
Vũ Trọng Phụng sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Nội, vào thời người Pháp đang áp dụng những cuộc "khai hóa văn minh" cho dân "An Nam" để cai trị. Vì thế ông may mắn là một trong những lớp thanh thiếu niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và cả chữ Quốc ngữ.
14 tuổi đã bắt đầu vào đời lăn lộn mưu sinh. Đó là tuổi 14 non nớt, nhưng số phận đã khiến ông phải trải nghiệm, phải thâm nhập vô thức và vô tình tích lũy dần vốn liếng những thái cực đa dạng của đời sống.
Sau hai năm làm thư ký ở Goda và ở nhà in IDEO, Vũ Trọng Phụng chuyển hẳn sang viết báo, viết văn chuyên nghiệp. Từ 1930- 1939, ông đã viết cho các báo: Hà Thành ngọ báo, Nhật Tân, Hải Phòng tuần báo, Hà Nội báo, Tương lai, Tiểu thuyết thứ năm,
Sông Hương, Đông Dương tạp chí, Thời vụ, Tao Đàn tạp chí.
Hai tác phẩm báo chí đầu tiên của ông đã tạo được tiếng vang, như một mũi dao đâm thẳng vào xã hội nhiễu loạn đầy xáo trộn bởi sự "Tây hóa" thời đó. Phóng sự Cạm bẫy người (ký bút danh Thiên Hư), đăng trên báo Nhật Tân, xuất bản tại Hà Nội, từ số 1 (2-8-1933) đến số 14 (1-11-1933) nói về thế giới cờ bạc bịp đẩy con người ta xuống địa ngục.
Kỹ nghệ lấy Tây (từ số 69 - 5-12-1934) khái quát những chiêu trò "nghệ thuật" làm me Tây. Hay nói trắng ra là bán rẻ nhân phẩm đạo đức truyền thống của người phụ nữ phương Đông, chỉ vì cám dỗ của đồng tiền, của thói xa xỉ, của những phù phiếm hào nhoáng...
Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô, Lục xì, miêu tả chi tiết đến rướm máu cảnh đời của những kẻ làm thuê làm mướn.
Năm 1934, Vũ Trọng Phụng có tiểu thuyết đầu tay Dứt tình (hay Bởi không duyên kiếp) đăng trênHải Phòng tuần báo. Năm 1936, giới văn chương báo chí Việt Nam đã không khỏi sững sờ khi bốn tiểu thuyết được lần lượt xuất hiện trên các báo: Giông tố (Hà Nội báo từ số 1/1-1-1936), Vỡ đê(Tương lai, từ số ngày 27-9-1936), Số đỏ (Hà Nội báo, từ số 40, 7-10-1936), Làm đĩ (đăng trên Sông Hương, Huế năm 1936).
Cả một xã hội Việt Nam đương thời dưới ngòi bút của nhà văn Vũ Trọng Phụng được miêu tả kỹ càng từng ngóc ngách.
Và cả một xã hội đảo điên, mọi chuẩn mực đạo đức truyền thống như là trò hề, mọi quan hệ xã hội lấy đồng tiền và quyền lực để đo..., được phô bày sống động đến cay đắng, xót xa trong bốn cuốn tiểu thuyết.
Những truyện ngắn của ông cũng là những cảnh đời, những gương mặt điển hình của tầng lớp "dưới đáy", hoặc tầng lớp thượng lưu. Những người dân nghèo, nghèo đến mức chỉ vì muốn tồn tại nên bất chấp tất cả nhân phẩm con người như trong "Bà lão lòa", "Bộ răng vàng"...
Hay những kẻ giàu chỉ vì tiếc một đồng xu dẫn đến cái chết thảm của kẻ ăn xin, dẫn đến qủa báo đứa con trai nhỏ xâu hổ vì bố mà tự tử như trong "Một cái chết".
Trong một số truyện khác, ông công kích sự chướng tai, gai mắt, của "xã hội chó đểu" đương thời. Ông giễu cợt lối sống nô dịch, cái gì cũng muốn tỏ ra theo Tây, phục Tây, nói tiếng Tây... Nhưng nhiều khi chỉ là cái vỏ bên ngoài, còn thực chất thì khác hẳn (Từ lý thuyết đến thực hành).
Cả một xã hội Việt Nam đương thời dưới ngòi bút của nhà văn Vũ Trọng Phụng được miêu tả kỹ càng từng ngóc ngách, được phân tích đủ các chiều, cứ thế lồ lộ hiện lên.
Lồ lộ sự tha hóa của con người trong một xã hội mà đồng tiền và quyền lực ngự trị, chi phối hết thẩy. Lồ lộ sự khốn cùng đến ti tiện, đến thảm thương của những người nghèo, những kẻ dưới dáy xã hội.
Từ người xưa ngẫm lại hôm nay
Đọc Vũ Trọng Phụng, cho dù viết cách đây gần thế kỷ, nhưng vẫn cảm giác như xã hội đó đang diễn ra ở ngay "thì hiện tại", dù đó là thời của công nghệ cao, toàn cầu hóa, thời của kinh tế thị trường.
Thời nay cũng có rất nhiều "Xuân tóc đỏ", nhưng "Xuân tóc đỏ" thời nay nguy hại hơn gấp nhiều lần thời xưa. Đó là những kẻ cơ hội, dốt nát nhưng rồi biết luồn lách tìm các kẽ hở trong những lỏng lẻo cơ chế, để leo lên chiếc ghế quyền lực.
Vì lòng tham, vì những ảo vọng về quyền lực và tiền bạc có không ít "Xuân tóc đỏ" hôm nay tự tung tự tác, tham lam vô đáy, tạo nên bao nhiêu vụ tham nhũng kinh tế, những vụ lừa dối trong khoa học, trong giáo dục, y tế..., dẫn đến những thiệt hại không thể cân, đo, đong, đếm.
Và cũng lại giật mình, hình như văn chương Việt Nam đương đại đang mất đi tính hiện thực điển hình, tính chiến đấu trực diện với thói hư tật xấu, tính dự báo tương lai như văn chương thời ông. Phải chăng các nhà văn Việt Nam đang ru mình, ngủ quên hay viết văn trong phòng máy lạnh, nên ngòi bút không còn sắc bén? |
Chưa kể có loại người vô nhân khác là những người không xem trọng đạo đức nghề nghiệp, chối bỏ trách nhiệm của mình gây ra những cái chết thương tâm, chẳng khác gì những kẻ vô đạo trong truyện của Vũ Trọng Phụng.
Những "chân dài" với các scandal "lộ hàng", "chân dài- đại gia", khoe giàu sang phú quý từ trang phục, trang sức đến người tình... cũng chả hơn gì các "me Tây" thời Vũ Trọng Phụng. Chỉ có điều họ táo bạo hơn, họ nhân danh nhiều thứ hoa mỹ hơn, họ có cả giới truyền thông PR cho họ để công khai khoe... coi như một thứ "chuẩn mực" khác của cái đẹp
Thời nay, những kẻ táng tận lương tâm như ác quỷ cũng không thiếu. Gần như ngày nào trên truyền thông cũng đưa tin các vụ cướp, giết, hiếp.
Nhà văn hôm nay viết gì?
Không chỉ riêng nhà văn Vũ Trọng Phụng, mà cùng thời của ông, những tên tuổi như Nguyên Hồng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam... Đó là những cây bút sắc xảo, xuất sắc, phản ánh một xã hội Việt Nam đương thời với tất cả những hiện thực vừa đắng cay, chua xót, vừa báo hiệu một sự thay đổi tích cực, tất yếu không thể khác.
Gần cả thế kỷ sau những tác phẩm văn chương, những ký sự, phóng sự báo chí của họ vẫn như tươi mới, chưa hề xưa cũ với hiện thực xã hội hôm nay. Phải chăng họ là những tài năng đích thực có thể nhìn thấu tương lai thông qua ngòi bút của mình.
Hay họ viết bằng cái tâm, cái tài của nhà văn, trong đó có cả dũng khí, có cả sự dấn thân, muốn chuyển thông điệp cho mọi người hãy vì một xã hội công bằng, nhân đạo và bình yên.
Lại muốn hỏi nhà văn Việt Nam hôm nay viết gì? Những nhà văn trẻ trạc tuổi của Vũ Trọng Phụng ngày ấy, họ có tác phẩm nào để có thể như một điển hình hiện thực của thế hệ? Hay với xã hội hiện tại, tác phẩm của họ chỉ là những mô tả nhàn nhạt, những cái tôi cá nhân ích kỷ, những bóng bảy màu sắc, và rồi nhanh chóng bị quên lãng?
Văn chương Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây, liệu có được những nhân vật diển hình kiểu "Xuân tóc đỏ", "Bà Phó Đoan", "Văn Minh"...? Trong khi xã hội Việt Nam hôm nay có không ít những hiện thực gai góc còn hơn cả hiện thực xã hội thời Vũ Trọng Phụng.
Và có nhà văn Việt Nam nào dám dấn thân, dám dũng cảm để đi đến tận cùng những cái xấu xa?
100 năm ngày sinh của Vũ Trọng Phụng, đọc lại những "Giông tố", "Vỡ đê", "Số đỏ", "Làm đĩ" và những truyện ngắn khác của ông, ngẫm lại thấy người xưa vẫn không hề xưa cũ. Tư duy của ông vẫn rất mới, đáng để cho các nhà văn Việt Nam thời nay soi vào, và ngẫm lại mình chút ít nào chăng?
Ý kiến bạn đọc