Những giấc mơ trong tiểu thuyết của Thuận

Đăng lúc: Thứ tư - 21/11/2012 10:18

Thuận là nhà văn khi vừa xuất hiện đã gây ngay được tiếng vang, tiểu thuyết đầu tiên của chị, Made in Vietnam, ra mắt bạn đọc vào năm 2003 đã có được những ấn tượng tốt. So với các nhà văn đương thời, đặc biệt là các nhà văn nữ, Thuận được đánh giá là một nhà văn khá nổi bật. Trong tiểu thuyết của mình, Thuận đã có những thể hiện mới mẻ về tâm thức con người thời đại, mạnh dạn, công khai đưa vào trong tác phẩm những vấn đề vốn được coi là nhạy cảm, tế nhị như tình dục, ham muốn bản năng của con người...

 Bài viết này tập trung tìm kiếm ý nghĩa của giấc mơ trong tác phẩm của Thuận. Đó là những giấc mơ phản ánh một thế giới tinh thần bấn loạn tương ứng với một thế giới hiện thực đầy tàn nhẫn được nhà văn thể hiện với một bút pháp biến ảo theo cú pháp huyễn hoặc của chính những giấc mơ.

Nhân vật trong tác phẩm của Thuận thường có một cuộc sống đa đoan, nhiều uẩn khúc trắc trở, mang trong mình những vết thương tinh thần không dễ gì xóa bỏ. Những áp lực cuộc sống không chỉ khiến con người mệt mỏi trong thực tại mà còn theo cả vào trong giấc mơ, nơi vẫn được coi là chốn nghỉ ngơi của tâm hồn. Thuận đã phát huy triệt để vai trò của những giấc mơ trong việc thể hiện trạng thái bất an của con người.

Sự đối xử nghiệt ngã đầy định kiến của dư luận xã hội với người chồng gốc Hoa của nhân vật “tôi” trong Chinatown đã trở thành một ám ảnh thường trực trong tâm trí nhân vật chính. Nó hiện hình trong những cơn ác mộng.“Ác mộng lớn nhất của tôi là không được gặp lại Thụy. Tôi bị ngã trên đường đến trường. Phải nghỉ học ở nhà một tháng. Một tháng liền tôi nằm mơ Thụy ốm. Thụy được đưa đến bệnh viện mà không được chữa.” Giấc mơ ấy chính là bản sao của một hiện thực chưa xa, bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ, “tôi” đã mơ hồ hình dung tới một kết cục đáng buồn trong tương lai. Để được sống bên cạnh Thụy, “tôi” đã phải đánh đổi, hi sinh tất cả, vượt qua bao nhiêu rào cản, chấp nhận bao nhiêu thử thách, vậy mà hạnh phúc có được quá mong manh, chỉ chực tuột ra khỏi tầm tay. Nỗi lo sợ, ám ảnh giống như bóng ma vô hình đeo đuổi, bám riết lấy suy nghĩ của “tôi”, bao phủ lên cuộc đời “tôi” một mảng màu u xám. Từng ngày, “tôi” phấp phỏng đợi, chờ cái giây phút định mệnh gõ cửa tổ ấm của mình, bất lực nhìn hạnh phúc nhỏ nhoi bấy lâu vun đắp, gìn giữ tan biến.

Cuối cùng thì dự cảm mà “tôi” tiên liệu cũng trở thành hiện thực, Thụy lặng lẽ ra đi, rời bỏ căn hộ mười tám mét vuông, dứt bỏ quá khứ buồn đau với mặc cảm trĩu nặng để kiếm tìm cho riêng mình một cuộc sống bình yên. Hạnh phúc của “tôi” chỉ còn lại một nửa, ấy là thằng Vĩnh - kết quả tình yêu của hai người. Đứa con là hiện thân của Thụy, vừa là quá khứ, vừa là tương lai, vừa là niềm hoài vọng, vừa là hi vọng của người phụ nữ bất hạnh. Nỗi sợ hãi như mối họa truyền kiếp, gắn chặt lấy cuộc đời “tôi”, trong những giấc mơ “tôi” lại run rẩy sợ hãi trước những tai họa (tưởng tượng) có thể xảy ra với thằng Vĩnh - đứa con trai giống Thụy như hai giọt nước: “Thằng Vĩnh mới cuốc nhát đầu đã cuốc đúng chân. Thụy phải vác nó trên lưng đến bệnh viện… Nó khóc rất to. Tôi cũng khóc rất to.”

Tình huống diễn ra trong giấc mơ chính là sự phóng chiếu của quá khứ buồn đau cay đắng mà Thụy đã từng phải chịu đựng. Cái gia đình pha trộn hai dòng máu Việt - Hoa giống như con thuyền lênh đênh trên biển cả không nơi neo đậu, họ là những kẻ không có căn cước, vong thân, vong quốc, bị cộng đồng cô lập xa lánh. Ám ảnh thân phận đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm nhân vật tôi, vừa ở hiện thực, vừa thường xuyên hiện hữu trong những giấc mơ.

Trong giấc mơ nếu không có sự hãi hùng, kinh hoàng bởi cái chết của Thụy hay của thằng Vĩnh thì cũng hết sức bi đát. Những giấc mơ ấy chính là hình bóng không xa lạ của một cuộc sống mà gia đình “tôi” đã phải trải qua trong quá khứ - một quá khứ buồn đau bất hạnh đủ để ám ảnh người ta suốt quãng đời còn lại. Trong giấc mơ của mình, nhân vật “tôi” vừa có ước vọng về một gia đình trọn vẹn, vừa có ám ảnh về thân phận lưu vong. Đó giống như là sự lắp ráp của những mảnh vỡ tưởng như không liên quan gì với nhau: câu chuyện của cô Feng Xiao về những người Việt gốc Hoa lưu lạc sang Tứ Xuyên hồi những năm tám mươi, cuộc hành trình tưởng tượng của gia đình “tôi” sang đất Hồ Nam, cuộc sống mưu sinh khốn khó trên miền đất lạ và rồi cả nỗi ám ảnh của những mùa đông nước Nga phải ăn bắp cải triền miên… Cả yếu tố thực lẫn kì quặc hoang đường cùng song song xuất hiện trong giấc mơ. Những giấc mơ là hình bóng của cuộc sống thực đã ghi dấu lại trong cả ý thức và vô thức của con người, đặc biệt là ám ảnh về thân phận lưu vong, về một cuộc sống bất toàn, nhiều cay đắng cả ở quá khứ và hiện tại.

Tác giả Thuận

Thuận đã bắt bắt sóng tần số của những dải tần tâm lí trong tâm thức con người đương đại, một trong số đó chính là trạng thái bất an, cảm giác lo sợ, bị đe dọa, tình trạng tồn tại yếm thế, nhỏ nhoi, vô nghĩa trước cuộc đời rộng lớn, trước những hiểm họa cả hữu hình và vô hình đang bủa vây xung quanh.

Trong Paris 11 tháng 8, cuộc sống của những thân phận người bé mọn - cả những người lao động bản địa, và những người đang phải chịu kiếp sống tha hương, được vẽ lên bằng những gam màu xám xịt, mịt mờ. Giấc mơ quái đản của Liên trên chuyến tàu điện ngầm ở một phương diện nào đó đã phản ánh tình trạng sống của con người trong xã hội đương thời: “Giấc ngủ như một trò chơi xếp hình, có khả năng mỗi tích tắc tạo nên một quái đản. Năm phút gục đầu trên thành ghế, hiện ra ba trăm quái đản khác nhau, từng cái một, nhịp nhàng, như thể một máy chiếu vô hình đã lắp sẵn ba trăm tấm phim, rồi vài giây nhả ra một hình ảnh. Quái đản đầu tiên, nửa trên của Tom Cruise, nửa dưới của hà mã. Quái đản thứ hai, tóc và miệng của Pát, mắt của cô thư kí ANPE, mũi của bà gác cổng. Quái đản thứ ba...”   

Đó là những hình ảnh người méo mó về nhân dạng, không có một khuôn mặt và bản ngã của riêng mình trong đời sống. Họ giống như một tập hợp quái đản, hỗn loạn, phi trật tự mà người nọ núp sau hình hài của người kia để tồn tại, ranh giới cá nhân bị nhòe mờ. Sự hiện hữu của cá nhân không còn được trọn vẹn nữa mà chỉ còn là một vài dấu hiệu bề ngoài đã bị biến dạng. Phải chăng những giấc mơ ấy chính là một âm bản của bản thân đời sống đương đại? Một cuộc sống mỗi ngày một đẩy nhanh tình trạng tha hóa của chính con người.

Ngay sau giấc mơ ngắn ngủi“Đúng năm phút không giây một tích tắc” diễn ra trên tàu điện ngầm, Liên mở mắt nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi giấc mơ kinh hãi. Trong mắt Liên, người đàn ông vô tình gặp trên đường đang đội lốt hình hài một con gấu. Cuộc giằng co giữa Liên và người đàn ông xa lạ đang diễn ra trong thực tại nhưng lại mang tính chất của một cơn ác mộng:“Liên mở mắt. Đã tưởng phải chứng kiến quái đản thứ ba trăm linh một. Một cục thịt chìm nghỉm trong mũ lông, chừa ra hai lỗ rộng, liên tục phả những làn khói đục... ”

Hư và ảo, mộng và thực nhòe vào trong nhau làm cho tri giác của nhân vật trong hoàn cảnh đó cũng bị đánh lừa một cách ngoạn mục. Thủ pháp ảo hóa hiện thực khiến cho cả nhân vật trong truyện và người đọc đều không có một ý niệm rõ rệt về cả thời gian và không gian.

Trên chuyến xe về Paris cùng người đàn ông xa lạ (con gấu), Liên lại tiếp tục chìm trong một giấc mơ khủng khiếp:“Mùi rượu nồng nặc và tiếng thở phì phò đưa Liên vào một giấc mơ khủng khiếp. Pát nằm trong một căn phòng trắng toát, chăn phủ kín cằm, hai tay giang hai bên, ống truyền ngang dọc. Trên đầu là hai chai chất lỏng lộn ngược, màu sắc rung mình.”

Cũng giống như “tôi” trong Chinatown luôn bị ám ảnh về sự ra đi của người chồng, nỗi lo sợ của Liên biến hình thành những cơn ác mộng trong mơ, đó chỉ là ảo giác hay là một điềm báo cho số phận bi thảm mà Pát có thể phải gánh chịu trong hiện thực? Liên không thể giải đáp được. Chất liệu cấu thành nên những giấc mơ ấy là tổng hòa của nỗi ám ảnh, lo lắng sợ hãi luôn tồn tại trong suy nghĩ của Liên từ ngày Pát mất tích và những mảng kí ức về Pát mà Liên vẫn còn giữ nguyên vẹn trong trí nhớ.

Nhân vật “tôi” trong Chinatown là một người phụ nữ có đời sống hôn nhân không trọn vẹn, người chồng, vì không chịu được những áp lực của cuộc sống mà đã lặng lẽ ra đi chỉ sau một năm chung sống. Kể từ ngày đó, từng ngày từng giờ chị sống trong sự chờ đợi khắc khoải, vô vọng. Thụy đã ra đi nhưng kí ức thì mãi tồn tại. Khát khao, mong mỏi gia đình được sum vầy, vợ chồng đoàn tụ luôn hiện hình qua những giấc mơ triền miên của “tôi” suốt mười hai năm xa cách. Những giấc mơ đã trở thành liều thuốc an thần, giúp “tôi” vượt qua những cơn giông bão của hoài nghi, khát khao, mong nhớ. Giấc mơ là mong ước giản dị của “tôi” về một mái ấm gia đình trọn vẹn. Chính bởi vậy mà “tôi” chủ động tạo ra những giấc mơ như là cách lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, như một thế giới riêng khi nhân vật muốn tách mình ra khỏi cuộc sống phức tạp, nhiều hệ lụy, buồn tủi. “Tôi” sống trong cuộc đời thực như một cái bóng với những công việc đơn điệu buồn chán, chỉ trong những giấc mơ, “tôi” mới lại được là mình với những cảm xúc rất thật.

Trong tiểu thuyết của Thuận, bên cạnh những giấc mơ ám ảnh còn có những giấc mơ thể hiện khao khát yêu đương và ham muốn nhục dục của nhân vật. Mỗi giấc mơ như viên thuốc an thần giúp cho họ lấy lại được sự thăng bằng trong đời sống. Cuộc làm tình chóng vánh với cô y tá Anna đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với nhân vật tôi trong T mất tích. Hình ảnh về cuộc ân ái giữa hai người cứ bám riết lấy đầu óc của anh ta, thậm chí còn trở thành liều thuốc an thần giúp anh ta giải tỏa những căng thẳng do áp lực công việc đem lại.

Với Liên trong Paris 11 tháng 8, một người phụ nữ quá lứa lỡ thì, luôn sống trong mặc cảm vì vẻ ngoài xấu xí thì giấc mơ lại liên quan đến quan hệ nam nữ như sự hiện hữu thầm lặng của những khát vọng hạnh phúc trong tâm hồn tưởng như đã trở nên vô cảm, chai sạn. Tâm trí Liên thường bị ám ảnh bởi những cảnh ái ân của Mèo ốm và Sư tử, những người khách trọ bất đắc dĩ trong căn phòng chật chội của chị. Sau đêm ân ái bất thành với người đàn ông trung niên người Pháp, Liên chìm vào một giấc mơ khác thường - một giấc mơ mà ham muốn tình dục đã bị “biến dạng, bóp méo” đi ít nhiều:“Liên thức dậy khi trời vẫn tối. Giường thênh thang. Còn chăn thì đẫm nước. Đệm vẫn êm ái và có thêm một mùi nữa, cũng chưa bao giờ biết tên. Liên quay mặt vào tường nhớ lại chuyện đêm qua. So sánh với cảm giác bồng bềnh ở Salsa Cuba. Chỉ thấy một bàn tay mềm mềm. Và một cơn mơ khác thường...”

Những giấc mơ trong tiểu thuyết của Thuận đã phần nào khai lộ thế giới vô thức đầy uẩn khúc, trắc trở trong tâm hồn nhân vật, từ đó tái hiện bộ mặt tinh thần của con người. Giấc mơ cũng chính là một cách thức đặc biệt để nhà văn vừa phản ánh hiện thực đời sống, vừa đào sâu mở rộng chiều kích của chính hiện thực đó. Những giấc mơ đã góp phần đáng kể trong thành công của tiểu thuyết của Thuận.

 

Tâm Đan
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 178
  • Khách viếng thăm: 170
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 57
  • Tháng hiện tại: 281171
  • Tổng lượt truy cập: 67255662