Về truyện ngắn của các cây bút trẻ

Đăng lúc: Thứ năm - 22/11/2012 09:37
 Trước hết tôi muốn nói đôi điều về thể loại truyện ngắn với người viết hôm nay, nhất là với người viết trẻ vì đa phần truyện ngắn trong cuộc thi này là sáng tác của người trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người viết trẻ đã chọn truyện ngắn làm thể loại thử sức. Với những người mới bước những bước đi ban đầu trên bước đường đến với văn chương thì truyện ngắn được coi là thể loại, là “mảnh đất” dễ cày xới, là địa hạt để người viết có thể thử sức mình, bởi lúc này viết tiểu thuyết còn là quá sức, khi mà cả vốn sống, sự trải nghiệm và kinh nghiệm viết còn ít ỏi.


Bên cạnh đó, so với tiểu thuyết thì truyện ngắn là thể loại có nhiều đất diễn, người viết có nhiều cơ hội để công bố tác phẩm bởi truyện ngắn là “hình thức văn chương phù hợp với việc chuyển tải trên trang báo vốn có yêu cầu giới hạn về lượng chữ” .

Sự phân biệt ranh giới trẻ - già vẫn có tính tương đối bởi lẽ cũng có những người viết dù không trẻ về tuổi đời nhưng lại có cách nhìn của người trẻ, viết về đời sống của giới trẻ; lại có những người mới bắt đầu sáng tác và công bố tác phẩm ở độ tuổi không còn trẻ. Trong cuộc thi này có nhiều cái tên còn rất mới như Nguyễn Thị Việt Hà, Nguyễn Hương Duyên, Ngô Nguyên, Trần Minh Hợp, Nông Văn Lập, Phạm Thanh Thúy, Hoàng Hải Lâm, Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Hoa Xuân, Đoàn Nhất Trí, Phong Linh, Cao Nguyệt Nguyên,…. Với nhiều người đây là sự thử sức, cũng có thể là những “bài tập văn chương” và vì thế sẽ không tránh khỏi những hạn chế, những khuyết thiếu mà ngoài tố chất cần có thời gian, vốn sống, kinh nghiệm và kỹ thuật, người viết mới có thể hóa giải được.

Theo quan sát của tôi, trong số những truyện ngắn dự thi của người viết trẻ lần này chưa thấy nhiều những tìm tòi, khám phá về hình thức nghệ thuật. Đa phần vẫn là cách viết truyền thống bên cạnh một số truyện ngắn được viết theo hình thức hiện thực huyền ảo và thay đổi trật tự tuyến tính trong kết cấu cốt truyện. Tôi chú ý đến điều này vì rằng, với người viết trẻ họ thường quan tâm đến việc viết như thế nào, luôn có ý thức tìm cho mình một hướng đi mới, cách viết mới. Có thể nghĩ đến các khả năng. Thứ nhất, người viết còn non tay. Thứ hai, họ lựa chọn “giải pháp an toàn” khi tham dự cuộc thi. Thứ ba, việc hướng đến những kỹ thuật tân kỳ chỉ như là một thứ “mốt” và điều này sẽ được sàng lọc. Dù không nổi bật ở hình thức của tác phẩm nhưng tác giả Nguyễn Phú với truyện ngắn Nước mắt Thúy Vân đã chọn được một cái “tứ” lạ với cách tiếp cận mới về một nhân vật trong Truyện Kiều (Nguyễn Du). Mượn hình tượng Thúy Vân, tác giả truyện ngắn đã xây dựng một nhân vật Thúy Vân với nhiều uẩn khúc tâm trạng. Đặt Thúy Vân vào trạng huống khi Kim Trọng là chồng nàng, nàng cũng đã có với chàng những đứa con nhưng tình yêu, tâm hồn chàng nàng lại không thể nắm giữ; người viết đã đi sâu vào tâm lý nhân vật, khắc họa nỗi cô đơn trống trải, những dằng xé với nhiều cung bậc tình cảm. Có thể coi đây là một cách thức để làm mới của người viết.

Đáng chú ý trong những truyện ngắn dự thi của người viết trẻ lần này là người viết khá tung tẩy và mạnh dạn đi vào nhiều đề tài, nhiều vấn đề của đời sống. Từng có ý kiến cho rằng, người viết trẻ hiện nay không quan tâm, hoặc né tránh đề tài chiến tranh cách mạng hay những vấn đề của nông thôn, miền núi. Điều đáng mừng là trong cuộc thi này có khá nhiều truyện ngắn viết về cuộc sống và con người nông thôn, miền núi cả trong quá khứ và hiện tại (Diêu linh trắng giữa rừng – Cao Nguyệt Nguyên, Thần giữ cửa hẻm mả - Đoàn Hữu Nam, Gió rừng hoang vẫn thổi – Triệu Văn Đồi, Mộc táng– Trần Minh Hợp, Bông dẻ đẫm sương – Chu Thị Minh Huệ, Cái bóng của rừng – Nguyễn Thị Việt Hà, Mưa buồn Hoong Coc – Hoàng Hải Lâm, Nỗi đau dòng họ -Nguyễn Đức Lợi…). Với những tác phẩm viết về miền núi thì đề tài chưa phải là yếu tố duy nhất để “ăn điểm”. Điều quan trọng là cách tiếp cận và xử lý chất liệu hiện thực, là việc chuyển tải được hồn cốt và những vấn đề đặt ra với cuộc sống con người miền núi đồng thời cho thấy những suy nghĩ sâu sắc về nhân thế. Truyện ngắn Mưa buồn Hoong Coc (Hoàng Hải Lâm) đặt ra vấn đề cuộc sống của những con người vùng cao trước những thay đổi của đời sống, họ phải di dời nơi ăn chốn ở, thay đổi tập tục và hình thái lao động khi các công trình thủy điện được xây dựng. Số phận của người phụ nữ miền núi được khắc họa bằng những trang viết giàu hơi thở của cuộc sống và con người miền núi qua truyện ngắn Bông dẻ đẫm sương (Chu Thị Minh Huệ). Ở truyện ngắn này, Chu Thị Minh Huệ đã có những trang viết tinh tế và giàu lòng trắc ẩn khi khắc họa đời sống và thân phận người phụ nữ miền sơn cước.

Truyện ngắn trong cuộc thi lần này cho thấy cách tiếp cận của người viết khá đa dạng, phản ánh được nhiều chiều kích, bình diện của cuộc sống, con người hôm nay.Mộ gió (Lê Mạnh Thường) khắc họa đời sống của những ngư dân ngày ngày bám biển, đối mặt với đầu sóng ngọn gió để sinh tồn. Ngủ một giấc trưa (Vũ Thị Huyền Trang) ám ảnh người đọc bởi những suy tư của nhân vật được lồng ghép với những giấc mơ. Điểm gặp gỡ của Ngủ một giấc trưa (Vũ Thị Huyền Trang), Chỉ là chờ đợi thôi (Phong Linh) với những truyện ngắn của nhiều cây bút 8x gần đây là những khát vọng, nỗi băn khoăn và cả sự hoang mang của những người mới bước chân vào thực tế đời sống. Tuy nhiên người viết không dẫm chân ở việc đi vào những mối tình không lối thoát mà là sự khám phá chiều sâu của tâm hồn con người, ở nỗi niềm trắc ẩn trong cuộc đời nhân vật.

Thường thì các cây bút trẻ vẫn là những người khá nhạy bén với cái mới, với những vấn đề nảy sinh trong xã hội hiện nay. Nhiều truyện ngắn đã đề cập đến những thực trạng đáng quan ngại gần đây vẫn được báo chí, truyền thông đề cập đến như trào lưu lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc (Nhị đi lấy chồng – Trần Tùng Chinh) hay những vấn đề rất nhạy cảm như nhu cầu được có con của những phụ nữ đơn thân hiện nay, việc thụ tinh trong ống nghiệm và những hệ lụy của nó (Kẻ rao bán hậu thế - Văn Thành Lê), rồi những hình thức lao động mới nảy sinh trong cuộc sống hôm nay (Một ngày và một đêm – Đoàn Nhất Trí) cùng những vấn đề nhân tình thế thái đặt ra trước những thực trạng đó.

Trong số các tác phẩm dự thi cũng đã có những truyện ngắn viết về chiến tranh hay những vấn đề nảy sinh của đời sống hậu chiến. Truyện ngắn Bên chiếc bàn đuy- ra(Thụy Anh) đề cập đến số phận của một người lính từ chiến trường trở về khi họ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho dân tộc, liệu anh ta phải làm thế nào để được sống bình thường trong hoàn cảnh không bình thường. Mộc táng (Trần Minh Hợp) là trường hợp một người lính Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên với những ám ảnh day dứt về hành động gieo rắc cái chết của những kẻ tham chiến và quyết định “giã từ vũ khí” của anh ta đồng thời còn đề cập đến những khía cạnh nhạy cảm và nhân bản là việc chấp nhận và cảm hóa con người này của đồng bào Tây Nguyên. Quê mẹ màu tháng tư (Phạm Thanh Thúy) không chỉ là những kỷ niệm về mối tình đầu “dịu êm mà khắc khoải” của nhân vật “tôi” mà còn là hiện thực đời sống của của người phụ nữ có chồng hy sinh ngoài mặt trận, liệu họ có thể được sống đúng với con người mình?. Bên cạnh đó còn có những tác phẩm về đề tài lịch sử trong đó Uông Triều là cây bút có đóng góp.

Có thể thấy nhiều sắc thái giọng điệu trong những truyện ngắn dự thi lần này. Cùng với những câu chuyện đầy thương cảm, lối viết giàu trắc ẩn về những thân phận, những góc khuất của con người, những tình cảnh trái ngang trong cuộc đời (Bên kia sông – Trần Quỳnh Nga, Tìm anh ở đất nước mặt trời – Nguyễn Hữu Tài); những truyện ngắn mang âm hưởng trữ tình (Nước mắt chảy nghiêng – Lê Đình Trường, Mặt trời xanh của tôi – Lữ Thị Mai, Quê mẹ màu tháng tư – Phạm Thanh Thúy), nhiều suy tưởng (Người quản mộng – Tuệ Anh) là chất giọng mỉa mai, hài hước về những nghịch cảnh đời sống trong xã hội đương đại (Một ngày và một đêm – Đoàn Nhất Trí, Kẻ rao bán hậu thế - Văn Thành Lê),... “Đa sắc” là đặc điểm nổi bật trong giàn truyện ngắn của các tác giả dự thi, tuy nhiên lại chưa có nhiều “âm sắc” đáp ứng được sự kỳ vọng.

Với nhiều người viết, qua mỗi cuộc thi, dù có hay chưa có giải thưởng thì đó cũng là dịp để thử sức, để từng bước khẳng định mình. Với một số truyện ngắn, có thể nhận thấy sự non nớt trong kỹ thuật viết hoặc chưa có sự dụng công trong lựa chọn và sử dụng ngôn từ, triển khai cốt truyện. Có những truyện ngắn mới chỉ dừng lại ở những xúc cảm, những tâm trạng, những suy nghĩ cảm nhận về đời sống. Từng có quan niệm cho rằng viết truyện ngắn là làm những “bài tập văn chương” và có thể coi cuộc thi lần này là một “bài tập lớn”, qua đó, người viết có thêm kinh nghiệm, trau dồi kỹ thuật và lối viết để có thể vững vàng hơn trên con đường văn chương của mình./.

Lê Hương Thủy
(Theo phongdiep.net)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 170
  • Khách viếng thăm: 168
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 44919
  • Tháng hiện tại: 2544305
  • Tổng lượt truy cập: 48918432