Học sinh trường TH Tân Thuận Bình đang tập thể dục giữa giờ.
Thầy Nguyễn Hữu Lượng, Hiệu trưởng nhà trường kể: Năm 1982, Trường Phổ thông cơ sở Tân Thuận Bình tiếp nhận cơ sở từ Trạm y tế của xã đang thi công dang dở, bị bỏ hoang với 8 phòng và diện tích khoảng 1.000 m2. Thầy và trò của trường đã gắn bó với cơ sở ấy và cố gắng khắc phục khó khăn để đưa từng con chữ đến với các em.
Mười năm sau, khi trường TH Tân Hòa được tách ra, trường TH Tân Thuận Bình chính thức được thành lập với 8 điểm trường, trải dài trên các ấp của xã Tân Thuận Bình. Lúc mới thành lập, trường gặp rất nhiều khó khăn: Có đến 8 điểm, mỗi điểm lại cách khá xa nhau, diện tích ở điểm chính lại nhỏ, hẹp, cơ sở vật chất các nơi hầu như không có gì, các phòng học đều là phòng tạm, chưa có phòng chức năng… Ban Giám hiệu nhà trường lúc đó chỉ mong mỏi có được một nơi học tập thật tốt cho các em.
May mắn, sau một thời gian, trường được đầu tư xây thêm cơ sở vật chất. Các dãy phòng học khang trang lần lượt mọc lên cùng lúc với kết quả dạy và học ngày một nâng lên, trường bắt đầu đặt ra quyết tâm mới: Vươn lên chuẩn Quốc gia.
Với quyết tâm cao, kế hoạch xây dựng Trường TH Tân Thuận Bình đạt chuẩn Quốc gia được trường đưa vào nghị quyết Hội đồng giáo dục từ nhiệm kỳ 2005-2009. Biết mình còn khó khăn, các thành viên của trường quyết chia nhỏ kế hoạch ra để hành động. Kế hoạch được xây dựng ngắn hạn theo từng năm học (bắt đầu từ năm học 2004-2005) và kế hoạch dài hạn đến năm 2008. Trong kế hoạch có xây dựng cụ thể từng biện pháp cũng như phân công trách nhiệm theo từng tiêu chí, tiêu chuẩn, các biện pháp phối hợp của các thành viên trong trường.
Sau khi đạt chuẩn, các cán bộ, giáo viên nhà trường càng tự nhủ phải phấn đấu hơn nữa để đáp lại lòng tin yêu của phụ huynh, học sinh và giữ vững danh hiệu. Với 441 học sinh trong 13 lớp, trường đã triển khai học 2 buổi/ngày trên 100% số lớp, 100% số lớp cũng được tổ chức dạy theo nhóm bộ môn. Khối 2, 3, 4, 5 được học Tiếng Anh; các khối 3, 4, 5 cũng được bố trí học Tin học từ nhiều năm trước.
Chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng cao. Có thể thấy điều này qua tỷ lệ xếp loại 2 mặt giáo dục của các em. Tổng kết học kỳ I năm học 2012-2013, 100% học sinh của nhà trường được xếp loại hạnh kiểm là thực hiện đầy đủ; có 280/441 học sinh đạt loại giỏi môn tiếng Việt và 308/4.421 học sinh đạt loại giỏi môn Toán; các học sinh còn lại đều đạt loại khá và trung bình.
Cùng với tiếp thu kiến thức theo quy định, các em còn được tham gia nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp như: Đố vui ôn tập, sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt Đội-Sao, sinh hoạt chủ đề An toàn giao thông, Quyền và bổn phận trẻ em, phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, bảo vệ vệ sinh môi trường…
Các hoạt động đã giúp học sinh nâng cao kiến thức, hiểu sâu về truyền thống cách mạng của địa phương, đất nước, rèn luyện cho học sinh tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Trong các năm qua, trường cũng đã thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, vận động 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 và 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, cũng như thực hiện tốt các phong trào của ngành Giáo dục đề ra.
Trường tham gia hội đồng giáo dục, phối hợp cùng hội cha mẹ học sinh thực hiện các hoạt động nhằm tạo mối dây liên kết giữa gia đình-nhà trường - xã hội. Hội đồng Giáo dục họp 2 lần/năm để bàn bạc, thảo luận kế hoạch, theo dõi, hỗ trợ, tổ chức các hoạt động giáo dục của xã, tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất, vận động toàn dân đưa trẻ đến trường; tìm biện pháp nhằm hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học; thực hiện tốt phong trào CMC-PCGD, bảo vệ trường lớp, hỗ trợ giáo dục đạo đức cho học sinh, hỗ trợ học sinh nghèo.
Mỗi lớp có một tổ đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục học sinh, là cầu nối chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Ban đại diện CMHS có những hoạt động thiết thực hỗ trợ nhà trường trong việc xây dựng cơ sở vật chất, bảo vệ trường lớp, cảnh quan, giáo dục học sinh, chăm sóc học sinh nghèo, khen thưởng học sinh giỏi…
Trường luôn đặt việc giáo dục đạo đức học sinh lên hàng đầu. Bởi hầu hết các giáo viên của nhà trường đều quan niệm: Đạo đức chính là nền tảng để các em phát triển. Trong nhiều năm, trường đã đề ra nhiều bài học giáo dục đạo đức, được lồng ghép trong mỗi bài học: Lòng yêu nước, nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, kính trọng thầy cô, thương yêu ông bà cha mẹ, tôn trọng bạn bè, yêu thương con người…
Đặc biệt, 8 năm qua trường đã triển khai thực hiện chương trình hoạt động từ thiện “Nắm gạo tình thương”. Thực hiện chương trình, mỗi học sinh có hoàn cảnh ít khó khăn hơn bạn sẽ hỗ trợ để bạn có một cái tết vui vẻ ấp áp bằng cách vận động cha, mẹ một ít bánh, kẹo hoặc một lon gạo để giúp bạn. Ban giám hiệu và các giáo viên trong trường cũng sẽ vận động bạn bè, người quen một phần quà giúp các em. Và năm nào cũng vậy, cứ tết đến là mỗi học sinh nghèo của trường đều được nhận một món quà nhỏ gồm: gạo, bánh, kẹo, mứt. Trong Tết Quý Tỵ 2013 trường đã vận động được 68 phần quà, mỗi phần là 45, 46 kg gạo và bánh, mứt…
Thầy Đào Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Chương trình như một làn sóng, có sức lan tỏa ngày càng lớn. Những năm đầu, chương trình vận động được còn ít. Càng về sau, thấy được ý nghĩa, số người tham gia càng nhiều và số tiền, quà vận động được cũng tăng lên. Nhưng cái hay nhất của chương trình chính là tạo cho học sinh thói quen giúp đỡ bạn bè và luôn biết đến tinh thần tương thân tương ái…
Thầy Nguyễn Hữu Lượng cho biết: “Để có được ngày hôm nay, trường đã phải trải qua một quá trình phấn đấu rất dài. Đó không chỉ là công sức của các giáo viên hay hội đồng sư phạm nhà trường, mà còn là công sức của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, cũng như các tổ chức khác trong trường. Đạt được danh hiệu chuẩn Quốc gia, được phụ huynh và học sinh tin tưởng, đó là niềm vui rất lớn của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Đó vừa là nền tảng, vừa là động lực để trường phấn đấu đạt nhiều thành tích hơn nữa trong thời gian sắp tới”.
Ý kiến bạn đọc