Hành trình kỳ lạ của một bài thơ

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/11/2012 15:47

Thật hiếm có bài thơ nào ra đời mà chịu số phận lênh đênh trôi dạt, “vô thừa nhận” trên bốn thập kỷ, rồi mới được in báo lần đầu với đầy đủ tên bài, tên tác giả.

                                                 Dặm về
                              
                               Mai chị về em gửi gì không
                               Mai chị về nhớ má em hồng        
                               Đường đi không gió lòng sao lạnh
                               Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong


                              

                               Quê chị về xa tít dặm xa
                               Rừng thu chiều xao xác canh gà
                               Sương buông khắp lối đường muôn ngả
                               Ngựa lạc cành hoang, qua lướt qua

                               Ngựa chị dừng bên thác trong veo
                               Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
                               Nơi đây lá dạt vương chân ngựa
                               Hươu chạy quay đầu, theo ngó theo

                               Rừng đêm nhòa bóng nhớ hoang mang
                               Ngựa chị vừa qua thác sao vàng
                               Sao trôi đáy nước, rơi chân ngựa
                               Buồn dựng đôi mi, ngàn lại ngàn…
                                                                                       

                                                                                       Thu 1945
                                                                               Nguyễn Đình Tiên

       Thật hiếm có bài thơ nào ra đời mà chịu số phận lênh đênh trôi dạt, “vô thừa nhận” trên bốn thập kỷ, rồi mới được in báo lần đầu với đầy đủ tên bài, tên tác giả như bài thơ này! Lại nữa, cả đời tác giả: đại tá Nguyễn Đình Tiên, nguyên phó cục trưởng cục xuất bản bộ quốc phòng chỉ xuất bản cuốn Chân dung tướng ngụy Sài Gòn  và một tập truyện ngắn cuối đời Ra giêng anh lại đi tìm (NXB Quân đội nhân dân, 1990), vì không làm thêm bài thơ thứ hai nào nữa, cho nên khi “lấy lại được bản quyền” bài thơ trên, ông không biết in vào đâu, bèn in vào… trang bìa 4 của tập truyện ngắn, với vài dòng chú thích về “cuộc điều tra văn học” (Đi tìm xuất xứ một bài thơ - Vân Long, báo Văn Nghệ số 37, 16/9/1989) đã gạt bỏ dư luận cho bài thơ đó là của Quang Dũng, mặc dầu bài thơ này đã được đã lưu truyền trong các vùng kháng chiến, trong Hà Nội, Huế, Sài Gòn tạm chiếm, thu đĩa thu băng ở Sài Gòn và hải ngoại trước 1975…đều được giới thiệu là thơ Quang Dũng…

    Qua những thông tin trên, nay phải chứng minh tác giả bài đó là một    người “vô danh” trong làng thơ, thì ai tin?
    Trước hết, muốn có được số phận “bèo dạt mây trôi” đó, nó phải là bài thơ hay. Nếu không hay, nó đã không sống nổi một ngày, còn đâu mà lênh đênh, trôi dạt! Sau này, khi tác giả…thật ghi thời gian sáng tác thu 1945
vào cuối bài, ta mới thấy: có thể đây là một trong mấy bài thơ cuối cùng của giai đoạn thơ mới 1932-1945, như Trưa quê của Sao Mai, Trưa rừng của Trần Lê Văn mà nghệ thuật và chất lãng mạn đã nhuần nhuyễn đến đỉnh điểm của thi pháp này. Dặm về chinh phục người yêu thơ bằng sự bâng khuâng, buồn, mà trong sáng, mượn thiên nhiên để thể hiện tình người! Đặc biệt, tác giả đã đan vào bài thơ một điệp khúc nhỏ ở cuối câu thứ tư cho mỗi khổ thơ:
                                 Bụi vướng ngang đầu, mong nhớ mong
                                 ……………………         
                                 Ngựa lạc cành hoang, qua lướt qua
                                 …………………….
                                  Hươu chạy quay đầu, theo ngó theo
                                  …………………….
                                  Buồn dựng đôi mi, ngàn lại ngàn…
Cách lặp lại đó, với bài thơ giầu thanh bằng này là thủ pháp tác giả nhằm tạo cho bài thơ một giai điệu riêng biệt, thường chỉ có ở những nhà thơ tài năng  hoặc từng đọc nhiều thơ Pháp, cho nên ai cũng tin khi nói đó là thơ Quang Dũng, chàng thi sĩ hào hoa và lãng mạn…

    Nhưng chỉ xuất phát từ việc nhà thơ Quang Dũng, trên giường bệnh, kiên quyết không cho nhà thơ Trần Lê Văn (người tuyển chọn Mây đầu ô khi bạn đã nằm liệt nửa người) đưa bài đó vào tập. Nhà thơ Vân Long chứng kiến việc này, thấy không thể để một bài thơ hay như vậy “vô chủ”. Sau đó ông liền lần ngược thời gian, tìm hỏi những người đã thuộc bài thơ và gần gụi Quang Dũng, xem có một lúc nào Quang Dũng nhận là thơ mình không, thì kể cả người khăng khăng nói là thơ Quang Dũng cũng  thừa nhận chưa trực tiếp nghe điều đó. Duy nhất có một chứng cớ thành văn là trang sổ chép thơ của bác sĩ Phan Quang Chấn (trưởng ban quân y trung đoàn Tây Tiến) chữ Quang Dũng chép thơ tặng bạn có bài Tây Tiến và Đôi mắt người Sơn Tây đều ghi tắt dưới bài QD, đến bài thơ trên, Quang Dũng  lại ghi dưới bài là không tác giả, còn tên bài đề là Không đề, cuốn sổ đó Phan Quang Chấn cho biết được chép vào năm 1949, 50. Vậy là ngay từ ngày đó, Quang Dũng đã không biết của ai, nhưng thích thì cứ ngâm ngợi, cứ chép tặng bạn. Và có thể khẳng định suốt ngần ấy năm, từ 1949 đến 1988, năm ông qua đời, Quang Dũng chưa hề một lần nhận bài thơ đó của mình!

Sau khi bài Đi tìm xuất xứ một bài thơ in trên Văn Nghệ, nhiều bạn văn nghệ và độc giả đã thư về, oái oăm thay, phần lớn khẳng định lại là thơ Quang Dũng ( Hoàng Cầm, Nguyễn Dậu…), kèm theo là …không chứng lý. Nhưng đến ngày 27 tháng 9-1989 thì tòa soạn báo Văn nghệ được thư ông Nguyễn Đình Tiên, nhận là tác giả bài thơ đó và nêu tên những nhân chứng. Lập tức, nhà thơ Vân Long tìm đến một nhân chứng ông quen: nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, người từng phổ nhạc bài thơ đó. Họ rủ nhau đến thăm ông Nguyễn Đình Tiên. Hai ông nhận ra nhau ngay và ôn lại những chuyện xưa liên quan đến bài thơ. Nhân chứng cuối cùng là GSTS Đình Quang, nguyên thứ trưởng bộ Văn Hoá, em ruột tác giả. Bài thơ đó tác giả làm ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, tuy không mang nội dung Cách mạng. Người sưu tầm gặng hỏi, vì sao ông không tiếp tục làm thơ, khi bài thơ đầu đã hay đến thế ? Ông trả lời: “Lúc ấy tôi cho là thơ Cách mạng phải như bài Nhớ máu của ông Trần Mai Ninh, không làm được thế thì đừng làm!”

Vậy là ngay sau đó, báo Văn Nghệ in lần đầu bài thơ với đầy đủ tên tác giả Nguyễn Đình Tiên sau 44 năm trôi dạt. Một bài thơ hay nhiều người thuộc như vậy không thể vắng mặt trong tuyển tập thơ Việt Nam. NXB Hội nhà văn khi tái bản Tuyển tập thơ kháng chiến 1945-1954 đã bổ sung bài thơ này vào tập.

Có lẽ đây là bài thơ duy nhất trong Tuyển thơ kháng chiến, lại của một tâm hồn thơ lãng mạn…trước Cách mạng. Nếu sống đến hôm nay, hẳn ông được chứng kiến: vườn thơ Cách mạng cần Nhớ máu, cần cả Sao trôi đáy nước vương chân ngựa / Buồn dựng đôi mi, ngàn lại ngàn… 

Thi Nguyễn
(Theo Văn Nghệ Quân Đội số tháng 9-2011)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 189
  • Khách viếng thăm: 185
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 30927
  • Tháng hiện tại: 2263477
  • Tổng lượt truy cập: 46230710