Phòng GD-ĐT đã kiểm tra và đề nghị UBND tỉnh ra quyết định công nhận phường Tân Long đủ điều kiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) THCS tại thời điểm tháng 10-2012.
Để đạt được kết quả này, đối với phường Tân Long không phải là điều dễ dàng. Bởi, theo thống kê của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, số học sinh bỏ học hàng năm của phường khá nhiều, bắt đầu từ thời điểm tốt nghiệp tiểu học.
Nguyên nhân bỏ học của các em chủ yếu là đi làm ăn kiếm sống, phụ giúp gia đình. Mặt khác, việc đi lại học tập của học sinh cũng là một khó khăn không nhỏ. Là một phường cù lao nên các em muốn đi học phải đi, về bằng phà. Vì thế, nhiều khi các em rất ngại đến trường. Để các em có thể tốt nghiệp THCS, phường Tân Long cũng như ngành Giáo dục đã có nhiều biện pháp tích cực để hỗ trợ các em.
Lớp phổ cập THCS tại điểm trường Tiểu học Tân Long.
Ông Lê Văn Nghiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân Long cho biết: Để huy động học sinh ra lớp, ban chỉ đạo đã tiến hành nhiều biện pháp có hiệu quả như xây dựng quy trình phổ cập giáo dục chặt chẽ, bảo đảm sự phối hợp giữa trong và ngoài nhà trường, kịp thời phát hiện ra các em học sinh bỏ học, điều tra nắm rõ hoàn cảnh cụ thể và phân công các đoàn thể, thành viên ban chỉ đạo phụ trách từng đối tượng, tác động với từng gia đình bằng nhiều hình thức như tạo điều kiện cho vay xóa đói giảm nghèo, quan tâm đến từng hộ gia đình trong những ngày lễ, tết… để cùng gia đình đưa các em trở lại lớp.
Ban chỉ đạo cũng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình các lớp phổ cập, quan tâm đến tỷ lệ chuyên cần của từng lớp, gắn chỉ tiêu huy động và duy trì sĩ số vào các tiêu chuẩn thi đua của khu phố, nhằm tạo thêm sự quan tâm, động viên cho những người tham gia công tác.
Do trên địa bàn phường Tân Long chưa có trường THCS như các đơn vị khác, nên học sinh theo học THCS tại trường THCS Xuân Diệu. Đây cũng là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện phổ cập cho phường.
Bên cạnh tạo điều kiện cho các em đến trường, tình hình huy động học sinh ra lớp bổ túc THCS cũng được quan tâm. Đây là một trong những việc làm thiết thực của phường giúp các em học hết lớp, hết cấp. Ban Chỉ đạo chống mù chữ, phổ cập giáo dục của phường đã phối hợp với các ngành, đoàn thể và trường THCS Xuân Diệu tổ chức các lớp phổ cập ngoài nhà trường.
Tùy tình hình từng năm, trường sẽ phối hợp với phường mở các lớp phổ cập cho các em. Cụ thể, trong năm học 2010-2011 trường mở 2 lớp với 16 học sinh; năm học 2011-2012 trường mở 2 lớp với 18 học sinh và trong năm học này, trường mở 1 lớp với 15 học sinh.
Ông Nguyễn Quang Dũng, giáo viên phụ trách phổ cập THCS phường Tân Long cho biết: Vận động các em trở lại các lớp phổ cập là cả một sự cố gắng của tập thể. Từng thành viên của Ban chỉ đạo phải điều tra, xác minh xem vì sao các em không đến lớp, cần trợ giúp gì để các em có thể đi học trở lại. Số quá khó khăn thì vận động trở lại lớp đêm.
Theo ông Dũng, 15 học sinh học lớp phổ cập năm học này có hoàn cảnh khác nhau. Hầu hết các em đều thuộc diện khó khăn, phải phụ gia đình làm nhiều việc như: chạy đò du lịch, vá lưới mướn… Vận động các em trở lại lớp là cả một sự khó khăn vì không phải em nào cũng ham học.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, hầu như em nào cũng muốn về nhà nghỉ ngơi. Chính vì thế, mỗi ngày giáo viên phụ trách lớp đều phải đến kiểm tra, phát hiện em nào nghỉ học là ngay hôm sau phải đến nhà vận động các em trở lại lớp ngay. “Không thể để các em nghỉ quá lâu vì như thế sẽ quen, khi vào lớp lại không theo kịp bài, sinh chán thì khó kêu các em trở lại lớp lắm”- ông Dũng chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Lan, giáo viên trường THCS Tân Mỹ Chánh là một trong những giáo viên thỉnh giảng thâm niên của lớp phổ cập. Từ sự gắn bó, cô gần như hiểu hoàn cảnh của từng học sinh, cả nhu cầu lẫn nguyện vọng của các em.
3 năm liên tiếp làm công tác phổ cập, cô phải đối mặt với không biết bao nhiêu khó khăn. Mỗi ngày, tập hợp được hơn phân nửa học sinh đã cảm thấy mừng. Hôm sau, những em vắng ngày trước đến lớp lại phải tìm cách củng cố lại kiến thức, sao cho không nhàm với những em đã học rồi và cũng không quá xa lạ với những em mới đến.
Nhiều lúc các em không tập trung nên chậm hiểu, lại hay quên nên luôn phải tìm cách nhắc lại. Kiến thức truyền tải là kiến thức phổ thông nhưng lại không thể dùng cách đã dạy các em lớp phổ thông để dạy lớp phổ cập mà phải tìm cách khác, sao cho các em có thể hiểu được.
Cô Lan chia sẻ: “Khó thì khó, nhưng thấy các em đến lớp cặm cụi học sau một ngày làm việc mệt mỏi, mình thương lắm. Vì vậy, dù có cực thế nào cũng không bỏ các em được. Chỉ mong sao các em học thật tốt, có được tấm bằng THCS, có tìm việc cũng dễ dàng hơn”.
Ý kiến bạn đọc