Nghe nói ở thời Thơ Mới, một nhà nho sau khi đọc hai câu: “Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo/ Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da” trong bài“Lời kỹ nữ” của Xuân Diệu, đã chê trách tác giả “học lực” kém và quả quyết nếu Xuân Diệu chuyên học thơ 10 năm sẽ không viết những câu như thế. Không biết nếu nhà nho nói trên sống cùng thời với Phạm Tiến Duật, “cụ” sẽ có phản ứng thế nào khi “vấp” phải những câu thơ này của anh: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”, hoặc “Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo” - những câu thoạt nghe thấy ngang phè, cứ như ai đó đang…cãi nhau.
Là người mở ra cả một khuynh hướng mới trong thi ca, buộc cái dòng chảy đã đi vào ổn định tự nghìn năm phải cồn lên, loang ra, lập nên một nhánh mới, Phạm Tiến Duật là một tiếng thơ độc đáo. Anh có cách làm thơ chẳng giống ai. Anh không dựng cho mình một “chuẩn” thơ. Anh lấy cuộc sống, lấy sự yêu thích của đối tượng phản ánh làm thước đo. Anh bỏ rơi, hoặc không chút đoái hoài tới những định nghĩa thế nào là thơ hay của các nhà lý luận văn học kinh điển. Hãy nghe Phạm Tiến Duật tâm sự bên lề bài thơ “Công việc hôm nay”: “Bài này tôi không viết dưới ánh sáng truyền thống của thi ca. Gần như nó có hơi nóng của các bản tin chiến sự nhiều hơn là văn chương. Nhưng ai mà biết được nơi nào có văn chương mà nơi nào không”. Ở bài viết “Nhân vật chính trong thơ” (in trong tập tiểu luận “Vừa làm vừa nghĩ”, NXB Văn học, 2003), Phạm Tiến Duật rất lấy làm tâm đắc với ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Chung khi ông cho rằng, hiện đang có một xu hướng “thơ phá mình ra để đến gần văn xuôi”. Có lẽ khi nhắc điều này, Phạm Tiến Duật đang nghĩ tới hướng đi của thơ mình. Thơ Phạm Tiến Duật quả là một minh chứng hùng hồn cho chân lý: Không một định nghĩa nào về thơ là bất biến. Nó liên tục được điều chỉnh bởi chính các tài năng và để chào đón các tài năng.
Đây là đoạn mở đầu bài thơ “Lửa đèn”, một trong những bài thơ hay nhất, tầm vóc nhất của Phạm Tiến Duật. Cái hay dễ thấy và độc giả cũng dễ đồng nhất, chưa báo hiệu gì cho một bước chuyển đổi về thi pháp sắp được khai mở. Những câu “Mạch đất ta dồi dào sức sống/ Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương” dẫu hay thì cũng vẫn là cái hay của một phương thức khái quát mà các cây bút trẻ thời ấy thường hướng tới. Lối miêu tả cây trái: “Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu/ Trỏ lối sang mùa hè” rất thú vị, lại… Tây nữa (trái nhót chín vào lúc chớm hè nên được tác giả ví như ngọn đèn tín hiệu báo… mùa về), song dẫu gì thì trước Phạm Tiến Duật, Pablo Neruda cũng đã làm rồi: “Trong căn phòng từ trước khi em đến/ Đã có mùa hè với bàn chân hoa tím” (trên tường nhà, sợi dây leo đã bắt đầu trổ những bông hoa tím, như thể bước chân của mùa hè đã tới. Vậy cái mà người ta gọi là “hướng bay mới”, là sự “cách tân thơ” của Phạm Tiến Duật nằm ở đâu?
Nó nằm ngay ở chùm bài “Gửi em, cô thanh niên xung phong”, “Nhớ”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã cùng “Lửa đèn” đưa Phạm Tiến Duật đến với giải Nhất cuộc thi thơ năm 1969 - 1970 của Báo Văn nghệ. Còn nhớ, vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, Báo Văn nghệ thường trao giải nhất cho chùm tác giả. Riêng cuộc thi ấy, mình Phạm Tiến Duật đứng ở vị trí “độc tôn”. Điều này chứng tỏ Ban giám khảo đánh giá rất cao chùm thơ của anh. Đó thực sự là một giải thưởng thơ sáng giá, có thể nói là sáng giá nhất, thuyết phục nhất của Báo Văn nghệ cho tới hôm nay. Và với Phạm Tiến Duật, chùm thơ nói trên cũng là một cột mốc lớn trong sự nghiệp sáng tác của anh.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật (thứ hai từ phải qua) trong Hội nghị mừng công mùa khô 1970-1971 tại chiến trường Trường Sơn.
Trước Phạm Tiến Duật, trong những bài thơ thành công của thi ca kháng chiến, hiện thực đời sống hiếm khi được phản ánh một cách sắc cạnh, xù xì, ngang tàng với những câu chữ mang đậm khẩu ngữ đời thường như vậy. Những chữ tách riêng có thể là thô tháp, dung tục, kiểu như “nằm ngửa” (“Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” - bài “Nhớ”), như “cái miệng em ngoa” (“Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn” - bài “Gửi em, cô thanh niên xung phong”), đã có một chỗ đứng đĩnh đạc trong thơ. Cũng lâu lắm rồi, từ thời Nguyễn Vỹ cất lên tiếng cười “hê hê” (“Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê” - bài “Gửi Trương Tửu”), nay tới Phạm Tiến Duật mới lại có tiếng cười “ha ha” (“Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” - bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”) được cất lên một cách sảng khoái trong thơ ca chính thống Việt Nam. Cũng phải tới Phạm Tiến Duật, những từ ít thông dụng vì khó đọc khó viết như “toòng teng” (“Con trai đội nón bao giờ/ Vì mưa mới phải đi nhờ nón em/ Bấy lâu mũ sắt đội quen/ Buồn cười cái nón toòng teng trên đầu” - bài “Cái chao đèn”) mới có cơ “xuất đầu lộ diện”.
“Văn hoa bao giờ cũng tôn cái điêu lên, giảm cái thực đi” - ấy là Phạm Tiến Duật quan niệm vậy. Đọc các bài “Gửi em, cô thanh niên xung phong”, “Nhớ”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, cũng như hàng loạt bài thơ viết về chiến trận của Phạm Tiến Duật sau này, ta thấy anh có chủ ý viết sao cho câu chữ thật tự nhiên, lời thơ như lời nói thường, và để tự thân sự việc lên tiếng. Nhà thơ Vũ Quần Phương kể: Khi tập thơ đầu tay “Vầng trăng quầng lửa” của Phạm Tiến Duật sắp ấn hành, thể theo yêu cầu của nhà xuất bản và sự nhờ cậy của chính tác giả (bấy giờ đang ở chiến trường), anh và nhóm bạn thơ Hà Nội đã tính chuyện sửa một số câu của Phạm Tiến Duật sao cho “xuôi” hơn. Nhưng sửa xong thì mọi người ngờ ngợ nhận thấy, hình như họ đã đánh mất một yếu tố nào đó của tác giả. Đó chính là cái giọng, một cái giọng chỉ mình Phạm Tiến Duật có, đọc là nhận ra ngay. Vậy là họ đề nghị với nhà xuất bản và được chấp thuận: Không sửa gì cả. Bản thân Phạm Tiến Duật, trong lời tự thuật về quá trình sáng tác bài “Mùa cam trên đất Nghệ” cũng đã chê mình viết… kỹ quá, “kỹ lưỡng đến từng chữ”, và coi đấy là “một nhược điểm mà sau này tôi đã cố gắng chống lại”. Một chuyện thoạt nghe có vẻ như…ngược đời.
Không chỉ đem đến cho thi đàn một giọng nói mới mẻ, một cách phản ánh hiện thực giàu sức khái quát, Phạm Tiến Duật còn thu hút được đông đảo bạn đọc bởi đã đưa được vào thơ những nhân vật trước đó chưa từng xuất hiện, hoặc chưa được tô đậm trong thơ ca Việt Nam. Đó là những người lính lái xe tải và các cô gái thanh niên xung phong ngày đêm gắn bó sinh mệnh mình với con đường Trường Sơn huyền thoại. Có thể nói, nhắc tới đường Trường Sơn, đến kỳ tích Trường Sơn (nơi suốt 16 năm ròng từ ngày mở đường tới ngày toàn thắng, phía ta đã phải hứng chịu một lượng bom đạn khổng lồ lên tới trên 4 triệu tấn, với hơn 15 vạn trận oanh kích của đối thủ), ta không thể không nhắc đến hai lực lượng nói trên, vốn dĩ được xem là “đặc sản” ở nơi đây. Với một tiếng thơ hội tụ được nhiều yếu tố: Vừa lạc quan, yêu đời vừa dí dỏm, thông minh, lại giàu tình cảm và truyền tải được một số kiến thức, kinh nghiệm chiến trường, Phạm Tiến Duật đã và mãi mãi là nhà thơ tiêu biểu nhất của Trường Sơn. Chính Phạm Tiến Duật cũng từng thừa nhận: “Trường Sơn đã sinh ra Phạm Tiến Duật”.
Khi Tố Hữu viết “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, ông chưa từng đặt chân tới Trường Sơn (tương tự trường hợp Phạm Tiến Duật khi viết “Gửi em cô Thanh niên xung phong” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”). Trong sáng tạo, thi thoảng vẫn xảy “nghịch lý” thú vị như vậy. Cho đến năm 1973, sau chuyến đi thực tế đầu tiên tới Trường Sơn, Tố Hữu đã viết nên bài thơ dài “Nước non ngàn dặm”, trong đó có hai câu thực ám ảnh: “Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”. Dẫu hiểu thông điệp sâu xa mà vị Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương (chức vụ của nhà thơ Tố Hữu khi ấy) nhắn nhủ, tôi vẫn muốn được mượn câu thơ để nói sang một ý khác: Đó là, chỉ những người từng sống, chiến đấu ở Trường Sơn, từng “đá mòn mà chân bước không mòn” (lời bài hát của Vũ Trọng Hối) trên dải Trường Sơn mới thấm thía hết cái hay của thơ Phạm Tiến Duật, mới thấy hết được tầm vóc lớn lao của Phạm Tiến Duật. Sự thật thì trong số rất nhiều tác giả từng viết về thơ Phạm Tiến Duật, những người cảm thụ được cái hay, cái đẹp của thơ Phạm Tiến Duật một cách dễ dàng, đúng đắn và sâu sắc nhất - theo tôi - lại chính là những người lính từng chiến đấu cùng anh trên cung đường huyền thoại năm xưa (chứ không hẳn là các nhà văn, các nhà phê bình cả đời chỉ quen náu mình trong tháp ngà đâu).
Còn nhớ, trước đây, đọc một truyện ngắn của nhà văn nọ, tôi đã bắt gặp đoạn đối thoại giữa hai nhân vật ông - cháu. Đứa cháu cầm cuốn sách giáo khoa, vừa đọc vừa hỏi: “Ông ơi, có phải “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” không?”. Người ông nghe vậy độp luôn: “Sư bố mày, chỉ nói nhảm!”. Đại ý là như vậy. Chúng ta đều biết, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” là một câu trong bài thơ trứ danh “Trường Sơn đông Trường Sơn tây” của Phạm Tiến Duật”. Kể từ Đổi mới tới nay, câu thơ từng nhiều lần được đưa ra soi xét với những ý kiến không phải đã đồng nhất. Có người thẳng tưng: Đường ra trận thì không thể “đẹp” được. Có người nói lý: Bác Hồ không thích dùng từ “đẹp” để nói về một trận đánh, vậy dùng từ “đẹp” trong trường hợp này có nên không?
Từ lâu, đọc thơ Phạm Tiến Duật, tôi thấy anh có nhiều câu phản ánh sự khắc nghiệt của thời tiết nơi chiến trường, kiểu như: “Bụi mù trời, mùa hanh/ Nước trắng khe, mùa lũ” (bài “Gửi em, cô thanh niên xung phong”), bởi vậy mà như một lẽ tự nhiên, đọc “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, tôi nghĩ ngay tới việc tác giả nói về cái thuận của thời tiết. Và tôi mừng rằng, chính nhà văn Nguyễn Văn Thọ - một người lính từng có mặt trên cung đường Trường Sơn năm ấy - cũng đã trùng ý nghĩ với tôi khi anh viết: “Ngay tại nơi bom đạn ác liệt nhất, kể cả khi đói nhất và khát nhất, chúng tôi cũng không hiểu câu thơ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” theo một nghĩa nông cạn, thô thiển. Có phải chăng cái mùa mà anh nhắc tới trong câu thơ là mùa khô, là mùa của các binh đoàn nối nhau ra mặt trận…” (bài “Phạm Tiến Duật - đây là một con đường”, in trong tập “Toàn tập Phạm Tiến Duật”, NXB Hội Nhà văn, 2009).
Có một nhận xét thường trở đi trở lại trong các bài viết về Phạm Tiến Duật: Anh là người đưa được vào thơ nhiều dấu tích Trường Sơn nhất. Thơ anh là một “bảo tàng thu nhỏ”, sống động về Trường Sơn. Thật ra, nếu ta hiểu điều này theo nghĩa vật chất (nói nhiều, nhắc nhiều tới Trường Sơn) thì sẽ không thấy được hết ý nghĩa lớn lao của thơ Phạm Tiến Duật. Thời gian trôi đi, nhiều dấu tích Trường Sơn sẽ được lưu lại cùng các hiện vật, các bức ảnh, các cuốn hồi ký, bút ký, những thước phim… Nhưng để lưu lại dấu tích tâm hồn con người - trước hết là của những người lính Trường Sơn trong những năm tháng cam go ấy - thiết nghĩ không gì hữu hiệu bằng thơ. Mà về mặt này, thơ Phạm Tiến Duật là một “bảo tàng tâm hồn” không gì thay thế được.
Nhiều người đã nói về sự hóm hỉnh trong thơ Phạm Tiến Duật. Chứng minh điều này không khó, song sức hút của thơ Phạm Tiến Duật đâu chỉ là sự hóm hỉnh. Đọc thơ Phạm tiến Duật, ta thấy thương hơn những cô thanh niên xung phong đêm đêm dũng cảm bám trụ mặt đường, tắm mình dưới sự cày xới của bom đạn địch, ngày ngủ để nguyên chân lấm và “nói mớ vang nhà” (bài “Gửi em, cô thanh niên xung phong”); thấy yêu hơn những anh lính đã biết tế nhị kìm nén nhận xét thật của mình để động viên cô “ca sĩ không chuyên”: “Nghe em hát mà anh buồn cười/ Nhịp với phách xem chừng sai cả/ Mồ hôi em ướt đầm trên má/ Anh với mọi người nhìn nhau, khen hay” (bài “Nghe em hát trong rừng”). Ngoài đời, Phạm Tiến Duật luôn thể hiện là một người thông minh, thích thuyết lý, kỳ thực anh là người nặng về tình cảm. Anh từng viết về giây phút chia tay nơi rừng sâu núi thẳm giữa một nữ chiến sĩ phải chuyển đơn vị với các nam chiến sĩ ở lại: “Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay/ Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá” (bài “Cô bộ đội ấy đã đi rồi”). Đọc những câu này, không chỉ tác giả mà cả người đọc cũng phải kìm lắm mới không sa nước mắt. Phạm Tiến Duật từng không ít lần phải tiết chế tình cảm như thế (“Anh lên xe, trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ” - bài “Trường Sơn đông Trường Sơn tây”), mặc dù cũng có lúc anh để nó bung ra thành những lời bùi ngùi xa xót: “Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa, ngủ ngày, chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà”/ Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa/ Thương em, thương em, thương em biết mấy” (bài “Gửi em, cô thanh niên xung phong”).
Thơ Phạm Tiến Duật thường tạo cho người đọc một cảm giác ồn ào. Hầu hết các bài đều có nhân vật và thường là từ hai nhân vật trở lên (thơ anh rất hiếm độc thoại nội tâm). Các tít bài nghe cũng bộn bề công việc và rất có vẻ… hướng ngoại. Không ít người từ ấn tượng này mà nâng lên khái quát, rằng thơ Phạm Tiến Duật giàu vốn sống, và với cách làm thơ như viết…bút ký, Phạm Tiến Duật là một tấm gương hoàn hảo của việc xử lý thực tế trong thơ. Kỳ thực chưa hẳn vậy. Đã có một số trường hợp Phạm Tiến Duật thất bại cay đắng khi bài thơ của anh rơi vào tình cảnh “nửa giăng nửa đèn”, chẳng thành thơ mà cũng chẳng ra báo. Ấy là khi tác giả quá nệ thực tế, đưa quá nhiều chi tiết sống sít vào trong thơ. Lại có trường hợp, như thể một nghịch lý, bài thơ được ghi nhận là hay song ở từng chi tiết thì lại chưa thật đúng lắm, như trường hợp câu thơ “Hết rau rồi em có lấy măng không?” (bài “Trường Sơn đông Trường Sơn tây”. Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu từng khen cách hỏi như trên của Phạm Tiến Duật là ân tình, trong khi về phía mình, đã có lúc Phạm Tiến Duật phải thật thà “khai báo” rằng: “Có một dòng không đúng sự thật: “Hết rau rồi em có lấy măng không?”. Cả măng và rau đều chỉ có vào mùa mưa, hết rau thì cũng hết măng. Ở phía Tây Trường Sơn, nhiều nơi vào mùa khô bộ đội phải ăn cả củ móng ngựa, một loại củ còn chát hơn cả củ nâu. Nhưng chẳng nhẽ lại viết: “Hết rau rồi em có đào củ móng ngựa hay không”. Đến đây, nhà thơ nổi tiếng với cách viết lắm khi “thẳng tưng ruột ngựa” đã đi đến kết luận: “Đôi khi, thơ chỉ cần gợi mà không cần thực vậy”.
Cách đây ít năm, tôi có đọc đâu đó rằng trong một lần gặp gỡ, nhà thơ Tố Hữu đã khuyên bậc đàn em Phạm Tiến Duật nên tiếp tục phát huy mạch thơ cũ, mạch thơ đã giúp anh nổi đình nổi đám trong những năm chống Mỹ. Cứ theo nhận định của Tố Hữu thì nếu tiếp tục phát huy mạch thơ ấy, chắc chắn Phạm Tiến Duật sẽ lại tiếp tục được bạn đọc hoan nghênh như mấy chục năm trước…
Phạm Tiến Duật có một bài thơ khá kịch tính. Bài thơ kể chuyện một người đàn ông phát hiện thấy chiếc áo của người yêu cũ (vốn là nữ thanh niên xung phong) phơi ở nông trường nọ. Trời sắp mưa, anh muốn kéo áo hộ người song ngại ngần không dám, vì biết người phụ nữ giờ đã có nơi có chốn. Bài thơ được tác giả đặt cho cái tên “Áo của hôm nào, người của hôm nay”. Liên hệ với việc làm thơ của Phạm Tiến Duật sau này, tôi thấy lời khuyên của nhà thơ Tố Hữu có phần… bất cập. Sự thật thì sau ngày giải phóng, Phạm Tiến Duật vẫn túc tắc làm thơ và cách viết trong nhiều trường hợp vẫn phóng túng như trước đây. Không thể nói tay nghề của Phạm Tiến Duật ngày càng kém đi. Chỉ có điều, sự đời làm sao vẫn mãi “áo của hôm nào” trong khi người đã là “người của hôm nay” được?
Phạm Tiến Duật thuộc típ nhà thơ thích xôm tụ, thích thơ như truyện - luôn có nhân vật. Nếu như trước đây, anh dành sự ưu ái của mình cho các cô thanh niên xung phong, cho những anh lái xe tải… thì sau này, anh dành tình cảm ấy cho những người cửu vạn chực chờ tìm việc ở “chợ lao động” Giảng Võ (bài “Chợ lao động ở Giảng Võ”), cho những em bé đánh giày lang thang mưu sinh trên các hè phố Thủ đô (bài “Tiễn các cháu đánh giày về quê ăn tết”). Thơ dẫu không còn hào khí như trong “Gửi em, cô thanh niên xung phong”, như trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, song phong độ vẫn khá ổn định và lối viết thì gần như không thay đổi. Tiếc là tâm thế của người đọc giờ đã khác. Những việc, những người mà Phạm Tiến Duật đề cập không còn nhận được sự quan tâm, ưu ái của độc giả như thời xa xưa nữa. Vả chăng, giọng thơ của tác giả cũng có vẻ trầm lắng chứ không ánh lên nét reo vui, nét hoan ca như thời xa xưa nữa. Biết làm sao được, cái gì cũng có một thời. Sự thăng hoa của Phạm Tiến Duật năm nào và ánh hào quang thời đại đã ngày một lùi xa. Lại nhớ, khi viết về Phạm Tiến Duật, cả hai nhà văn Hữu Ước và Nguyễn Quang Thiều đều có chung nhận xét: Phạm Tiến Duật là người “đi lạc trong thời bình”. Theo tôi, không chỉ trong tâm thế, trong lối sống mà hình như trong đường thơ sau này, Phạm Tiến Duật cũng đã “đi lạc” như vậy…
Ý kiến bạn đọc