Hơn cả một phong tục…

Đăng lúc: Thứ tư - 14/11/2012 15:16
Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, ăn trầu không đơn thuần chỉ là một thói quen, một tập tục mà còn là một yếu tố cấu thành những giá trị. Gần 100 hiện vật, hình ảnh, tư liệu trong triển lãm chuyên đề Văn hóa trầu cau ở Việt Nam từ ngày 24-10 với sự phối hợp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, không chỉ mang lại những hình ảnh của quá khứ mà còn gợi nhiều suy nghĩ về văn hóa tương lai.


Mời trầu

Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ truyền thống quan trọng: lễ hội, cúng tế, hỏi cưới, tang ma… Trầu cau là “đầu câu chuyện” của giao tiếp, ứng xử. Miếng trầu là sự bắt đầu, khơi (gợi) mở tình cảm để người với người gần gũi nhau hơn. Trầu cau biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, gia đình hạnh phúc.

Trong huyền sử, tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương. Trầu cau được “cổ tích hóa” với câu chuyện xúc động về tình cảm vợ chồng thuỷ chung, anh em gắn bó, trèo non vượt suối tìm nhau. Số phận nghiệt ngã không cho họ ở cùng nhau trong thế giới vật chất hiện hữu. Mắt thường người đời chỉ nhìn thấy họ trong hình tượng cây cau, dây trầu, tảng đá quấn quýt bên nhau.



Thiếu nữ têm trầu đầu thế kỷ 20.
 

Tục ăn trầu đã từng phổ biến ở mọi tầng lớp, từ cung đình cho đến bình dân. Người xem triển lãm có thể thưởng lãm dấu tích vật chất của tục ăn trầu còn lại trên những bộ dụng cụ ăn trầu từ thời Lý – Trần tới ngày nay. Trong bộ dụng cụ ăn trầu, bình vôi rất quan trọng, không thể thiếu. Nhiều loại bình vôi lắm: loại dùng trong gia đình, loại dùng cho nhiều người và nhiều bộ xà tích (bình vôi) chau chuốt tinh vi bằng bạc được phụ nữ duyên dáng mang theo bên người để tiện sử dụng khi ra ngoài. Có những loại bình vôi dành cho tầng lớp quý tộc, nhiều loại bình vôi khác dành cho giới bình dân… Trong nhà, bình vôi được coi trọng và tôn kính như một vị thần nên được gọi là Ông. Ông Vôiđược coi trọng như Ông Táo trong bếp. Khi bình vôi đã đặc ruột hoặc lỡ bị sứt mẻ thì người ta không (dám) đem vứt bỏ mà cẩn thận treo, xếp ở gốc đa đầu làng. Đây là loại vật dụng duy nhất còn hiện tồn thuộc đủ các niên đại khác nhau từ thời Lý – Trần tới ngày nay. Điều này gây ngạc nhiên nếu so với các loại vật dụng khác hầu như chỉ còn giữ được từ thời Nguyễn về sau.



Bộ dụng cụ ăn trầu thể hiện rõ bàn tay khéo léo của người thợ chế tác, thể hiện khiếu (đẳng cấp) thẩm mỹ của chủ nhân. Trong nhiều trường hợp nó đã vượt lên những giá trị của những vật dụng thông thường để trở thành những tác phẩm mang nhiều giá trị mỹ thuật – văn hóa – lịch sử. Miếng trầu không chỉ để “nhai chơi” mà đã trở thành một nét trong nghệ thuật ẩm thực. Cách têm trầu thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế. Trên miếng trầu đã têm hiện ra nét tài hoa, khéo léo và cả tính nết của người làm ra nó. Trầu được têm theo nhiều cách khác nhau với ý nghĩa biểu trưng phù hợp với hoàn cảnh khác nhau: trầu cánh phượng, cánh kiến, cánh quế, mũi mác… Trong đó người ta biết nhiều nhất đến trầu têm cánh phượng, biểu trưng cho sự duyên dáng và tinh tế, khéo léo và quyến rũ của phụ nữ Việt Nam.


Cối giã trầu.


Bình vôi.



Nhiều dân tộc ít người khác, trải dài suốt dọc đất nước, từ phía bắc (Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Sán Dìu, Khơ Mú) đến miền trung, Tây Nguyên (Bru, Êđê) cho tới vùng người Chăm, người Khmer ở Nam Trung bộ, Nam bộ đều có tục ăn trầu. Những điểm khác biệt của việc ăn trầu ở các nơi vẽ nên những nét đa dạng, làm cho “bức khảm văn hóa” Việt Nam dày hơn, phong phú và nhiều màu sắc.

Nhịp sống hiện đại hối hả khiến tục ăn trầu bị “già hóa”, bị “đẩy” xa dần vùng đô thị. Thói quen ăn trầu chỉ còn tồn tại với những người cao tuổi, ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, ngay ở vùng “lõi” các đô thị hiện đại nhất, trầu cau vẫn giữ vai trò là một lễ vật biểu trưng không thể thiếu trong các lễ hội, nghi lễ cúng tế, cưới hỏi, giỗ, tết, vẫn lắng đọng, sâu đậm trong dân gian, dân ca, vẫn ghi dấu trong thơ và nhạc…

Các thế hệ sau có thể chỉ được xem lại việc ăn trầu trong phim ảnh tư liệu. Miếng trầu có thể trở thành một hóa thạch với các nhà khảo cổ học đời sau nhưng những nét đẹp của “tinh thần trầu cau” từ quá khứ vẫn cần được nâng niu và sống./.


Ngữ Thiên
(Theo thegioif5.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 283
  • Khách viếng thăm: 278
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 71277
  • Tháng hiện tại: 2439702
  • Tổng lượt truy cập: 48813829