Từ nỗi ám ảnh trẻ – già trên văn đàn

Đăng lúc: Thứ năm - 01/11/2012 09:32
Trẻ – già là một thứ ám ảnh dai dẳng đeo bám đời sống văn học. Những người mang nỗi ám ảnh này thường khó tránh khỏi việc lấy thành kiến nhân thân của nhà văn (căn cứ tuổi nghề, sau đó là tính cách) áp đặt vào cách nhìn nhận giá trị tác phẩm.

Trẻ không ham, lại thích già!

Đây là con đẻ của một đời sống văn chương cung đình, mang đậm sắc thái thứ bậc. Điều nguy hiểm mà nó sinh ra là: nếu không nhân rộng thói ứng xử luồn cúi, thoả hiệp cốt để được chấp nhận, định danh trong những tập thể văn học có định hướng, tôn chỉ, uy quyền chính thống thì cũng tạo ra không ít chia cắt, thậm chí đổ vỡ, điều tiếng ồn ào trong cộng đồng viết giữa những người khác thế hệ, khác chọn lựa, quan điểm hành xử nghề nghiệp. Trong cả hai trường hợp đó, giá trị của tác phẩm văn học thường bị bỏ qua.

 

Những thành tựu của Thơ mới và Tự lực văn đoàn hơn nửa thế kỷ sau mới được công nhận chính thức. Trong ảnh: GS Huỳnh Như Phương và đồng nghiệp đang xem triển lãm ấn phẩm Tự lực văn đoàn bên lề hội thảo “Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn – 80 năm nhìn lại”.
 

Trong những văn bản nghiên cứu phê bình của những tên tuổi được coi là uy tín và cả trong tham luận báo cáo, cách đặt tên hội thảo, hội nghị do các hội văn học trong nước tổ chức, thường nghiễm nhiên xuất hiện các khái niệm đại loại: nhà văn trẻ, nhà văn trung niên, nhà văn lão thành, đội ngũ nhà văn trẻ, lực lượng cầm bút trẻ, hội nghị nhà văn trẻ, ban công tác nhà văn trẻ... Sự phân chia thứ bậc, hàng ngũ, phân luồng văn chương theo độ tuổi thật phi lý nhưng được đa số người viết chấp nhận, như thể một thứ luật bất thành văn. Gán cho cái nhãn trẻ, có nghĩa là đi cùng với những tính cách nhiệt tình, sôi nổi, chưa có nhiều năm tuổi nghề, phải chấp nhận tình trạng bị người nhiều tuổi nghề xoa đầu. Còn già, thì có nghĩa là ổn định, đã được định vị danh phận, có trách nhiệm dìu dắt, đưa ra những lời phán bảo, thậm chí định hướng thế hệ hậu sinh.

Đáng nói là, vì ngay từ đầu đã không dựa trên nền tảng chuyên môn mà chỉ xây dựng những “thoả thuận” trên quan hệ kinh nghiệm (của người nhiều tuổi nghề với kẻ ít tuổi nghề, người lớn tuổi với kẻ ít tuổi đời hơn), nên sự trên bảo dưới nghe không cho thấy dấu hiệu phát triển về chất của văn học, mà chỉ là những hành xử có tính áp đặt đạo đức, nền nếp xã hội. Và một khi cái nền nếp đạo đức trong hành xử đời sống đó bị kẻ đáng lý ra ngồi chiếu dưới lật đổ, phá vỡ, thì lập tức, xuất hiện những tiếng ta thán khó nghe của những người chiếu trên. Lần này, những thành kiến nhân cách lại sẽ chi phối tính khách quan, công bằng trong nhìn nhận giá trị văn học. Không ít những “nhà văn trẻ” đã bị các nhà phê bình lớn tuổi chê là ngạo ngược, không biết lắng nghe, coi thường đánh giá của thế hệ đi trước và vì thế tác phẩm chẳng ra gì.

Sự triệt tiêu cá tính sáng tạo, chống lại tính đa dạng và duy trì tình trạng ù lỳ nhưng hiền hoà, ồn ào nhưng rập ràng của đời sống văn học xem ra, gắn với sự phải đạo được hệ thống hoá.

 

Mới hôm qua chưa cũ hôm nay
 

Không lấy làm lạ, trong một hội thảo văn học “Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn – 80 năm nhìn lại” (hôm 20.10 tại đại học Sư phạm TP.HCM), GS Nguyễn Đăng Mạnh, trong vai trò chủ biên sách giáo khoa những năm cuối thế kỷ 20, người được xem có công phổ biến Thơ mới và một ít văn chương Tự lực văn đoàn vào nhà trường, đã không giấu được sự thất vọng với thế hệ hậu sinh. Ông nói: “Hoài Thanh đã đọc hàng vạn bài thơ để làm cuốn Thi nhân Việt Nam. Nếu ngày nay, ai làm công việc tập hợp tương tự Hoài Thanh sẽ phải đọc hàng triệu triệu bài thơ nhưng không có bài nào tử tế. Hiện nay, theo tôi, chưa có triển vọng cải tiến thơ ca. Các nhà thơ trẻ hiện nay rất kiêu ngạo, giỏi đập phá nhưng chưa tạo ra giá trị mới”. Phản bác lại ý kiến trên, từ một cái nhìn có vẻ cởi mở hơn, GS Nguyễn Văn Hạnh cho rằng: “Người trẻ có cái ngạo mạn của người trẻ, người già có cái ngạo mạn của người già. Vấn đề là khi trẻ thì người ta không giấu được, còn người già thì giấu được”.

Những giá trị của Thơ mới, văn chương Tự lực văn đoàn hơn nửa thế kỷ sau mới được biện hộ và công nhận. Hẳn, một phần là do những trở lực từ hoàn cảnh lịch sử. Nhưng cũng để cho thấy rằng, việc đánh giá những giá trị mới luôn cần một độ lùi thời gian và sự bình tĩnh, khoa học, không thể căn cứ trên những cảm nhận chung chung về đạo đức, tính cách của người viết, thế hệ người viết. Càng không nên đem nỗi ám ảnh trẻ – già vào cuộc luận định giá trị một thời kỳ văn học một khi chưa có sự tập hợp, tiếp cận, nghiên cứu chứng minh được tính khoa học, bài bản cần thiết.

Đánh giá văn học qua quan điểm chính trị, lý lịch tác giả trong quá khứ đã gây ra biết bao tổn hại cho đời sống văn chương, sáng tạo, hẳn là điều mà những người làm nghiên cứu văn học cần nhận ra. Nhận ra, không chỉ để trả lại vị trí xứng đáng cho những giá trị hôm qua mà còn để biết cách hành xử đúng mực với những giá trị văn học hôm nay.

Nếu không có giải pháp trị liệu nỗi ám ảnh trẻ – già, cũ – mới thì khó mà trông chờ một không khí văn học lành mạnh, công bằng.


 

Nguyễn Nguyên Thảo
(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 176
  • Hôm nay: 30139
  • Tháng hiện tại: 2194799
  • Tổng lượt truy cập: 46162032