Duyên và “Khúc tình buồn” của Nguyễn Tất Nhiên

Đăng lúc: Thứ hai - 03/09/2012 15:43
Có người cắc cớ hỏi đố: Vì sao lại “thà như giọt mưa khô trên mặt... Duyên?” (Bài thơ “Khúc tình buồn” của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy phổ nhạc với tựa “Thà như giọt mưa”). Câu trả lời cũng... cắc cớ luôn: “Ai biểu Duyên không yêu tôi thì tôi xin làm giọt mưa... để được khô trên mặt nàng”.

“Duyên”, cái tên để nghêu ngao ấy có lẽ là không còn thuộc về riêng nhà thơ nữa rồi, mà đó chính là nỗi lòng thốt lên của những chàng trai... thất tình! 

Chân dung Nguyễn Tất Nhiên do Đinh Cường vẽ năm 1973

Nhà báo Lưu Đình Triều (Báo Tuổi Trẻ), người học cùng trường thuở trung học với người đẹp tên Duyên và cả nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên ở Biên Hòa, Đồng Nai, kể với người viết: Nhà thơ của “Thà như giọt mưa” tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952, sau mới lấy bút danh Nguyễn Tất Nhiên. Còn cô Duyên, tên đầy đủ là Bùi Thị Duyên, dân miền Bắc vào định cư trong Nam. Tình yêu này của Hải dành cho Duyên cả trường trung học ai cũng biết, vì thơ được in báo và phổ nhạc hát từ phòng trà đến trên sóng phát thanh. Nhưng thực ra, bài thơ “Khúc tình buồn” của Nguyễn Tất Nhiên, sau được Phạm Duy phổ thành “Thà như giọt mưa”, không có cái tên Duyên nào cả. Tên Duyên xuất hiện trong “Thà như giọt mưa” là do “bố già làng nhạc” Phạm Duy đọc được trong các bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên rồi ông đưa vào. Riêng việc đưa tên cô Duyên vào “Thà như giọt mưa” có thể xem Phạm Duy như một người tri âm của nhà thơ. Vậy tên cô Duyên xuất hiện ở đâu trong các bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên? Với những ai yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên, hẳn sẽ thuộc vài câu trong bài “Duyên của tình ta con gái Bắc”: Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc - Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền - Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang - Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt... - Nếu vì em mà ta phải điên tình - Cơn giận giữ đã tận cùng mê muội - hì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối...

Em bây giờ có lẽ toan tính chuyện lọc lừa – Anh bây giờ có lẽ xin làm Người tình thua
(Phạm Duy phổ từ bài thơ “Hai năm tình lận đận”)

Duyên còn là nguyên mẫu trong các ca khúc "Cô Bắc kỳ nho nhỏ", “Em hiền như ma soeur”, “Hai năm tình lận đận”...

Những tưởng nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên sẽ chiếm trọn trái tim người đẹp khi có chừng ấy bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc hát dành cho nàng. Thế nhưng, người đẹp tên Duyên và nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên vẫn đường “hai lối rẽ”...

Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng rất sớm. Vì thơ anh đi nhanh hơn bước chân còn ngại ngùng bỡ ngỡ của thế hệ trẻ thời ấy trước sự tràn ngập của văn hóa phương Tây, qua hình ảnh người lính viễn chinh Mỹ và qua phong trào hiện sinh mô phỏng trễ tràng trên đất nước đói nghèo, chiến tranh. Anh mạnh dạn nói được tiếng nói của tình yêu tuổi trẻ với sân trường, kỳ thi, mất mát, hoài vọng, tuyệt vọng... Chẳng phải sớm gì trong thể loại thơ, mà sớm trong phong cách biểu hiện. Anh dùng thứ ngôn ngữ của thời đại, rất hiện thực, không đẽo gọt; vậy mà thứ ngôn ngữ ấy bỗng nhiên mới, lạ và được đón nhận nồng nhiệt. Bắt được giọng thơ tươi rói và đầy sức thu hút của anh, nhạc sĩ tài danh Phạm Duy phổ ngay thơ Nguyễn Tất Nhiên thành nhạc, làm rung động bao trái tim cuồng nhiệt yêu đương thời chiến loạn. Vậy rồi thơ anh cất lên thành cơn sóng lớn, vượt bờ. Ít ai chẳng biết thơ anh, ít ai mà không hát nhạc phổ thơ của anh.

Có thể nói rằng trong tình yêu, thơ Nguyễn Tất Nhiên táo bạo vay mượn những hình ảnh thánh thiện để ví von mình, ví von người tình. Lối vay mượn này là bước khai phá có một không hai của anh vào thời ấy, khiến thơ anh càng thêm phần đặc dị, ngời sáng, mà lại gần gũi biết bao với tâm tình giới trẻ. Hãy đọc một vài đoạn trong vô số bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc và xin nhớ rằng lúc ấy, Nguyễn Tất Nhiên chỉ mới xấp xỉ ở tuổi hai mươi, để thấy cái tài hoa dị thường của anh:

Chiều xưa có ngọn trúc đào - Mùa thu lá rụng bay vào sân em - Chiều thu lá rụng êm đềm - Vàng sân lá đổ cho mềm chân em (Ngọn trúc đào); Thà như giọt mưa - vỡ trên tượng đá - thà như giọt mưa - khô trên tượng đá - có còn hơn không... (Khúc tình buồn); Đưa em về dưới mưa - nói năng chi cũng thừa - phất phơ đời sương gió - hồn mình gần nhau chưa? (Ma soeur); Hai năm tình lận đận - hai đứa cùng hư hao - em không còn thắt bính - nuôi dưỡng thời ngây thơ - anh không còn luýnh quýnh - giữa sân trường trao thư! (Hai năm tình lận đận).

Hồng Phúc
(Theo Báo Bình Dương)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 423
  • Khách viếng thăm: 420
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 69777
  • Tháng hiện tại: 1935556
  • Tổng lượt truy cập: 48309683