Hướng đến một nền văn chương tốt đẹp

Đăng lúc: Thứ sáu - 14/09/2012 10:18
Phê bình văn học vốn vẫn là một thể loại văn chương thụ động, bởi theo nghĩa chung nhất, những sự cảm thụ và lượng giá về thẩm mỹ chỉ xuất hiện sau khi có đối tượng để thụ hưởng và phán xét; nói đơn giản, không có tác phẩm văn chương thì làm sao có phê bình văn học.

Cũng bởi thế, nếu người ta hay kết luận về văn chương bằng cách nói chung chung rằng tác phẩm sẽ cần có một “độ lùi thời gian” để chứng tỏ phẩm chất, thì chính hành động phê bình đối với tác phẩm ấy sẽ cung cấp cho nó cái “độ lùi thời gian” rõ rệt và đáng kể đầu tiên.

Để cung cấp được cái “độ lùi” hầu như tức thời đó, hành động phê bình thường mang tính phản tư trong khi bình giải hay phê phán đối với tác phẩm văn chương, và bởi thế các nhà lý luận ưa gọi phê bình như là một thứ “ý thức”/ “ý thức triết học” của văn học, cho dù, thật rõ ràng, đấy là “ý thức”/ “ý thức triết học” của chính phê bình văn học chứ không trùng khớp với cái tự ý thức trong tác phẩm văn chương.

Theo đó, tính chất thụ động vốn có của phê bình văn học sẽ ở vào vị thế có tiềm năng, có thế năng của sự tỉnh táo, chứ không chỉ là các hành động phản ứng trong khi tiếp nhận văn chương nữa; lại càng không phải là các hành động phản ứng chỉ vì sự nhạy cảm cảm tính như là yêu ghét hay phẫn nộ hay nhất thời bất mãn.

Tuy nhiên, từ nhiều năm gần đây trong đời sống văn học của chúng ta, trong số những bài viết về văn chương sách vở, về tác giả hay sự kiện văn học nào đấy mà vẫn được đặt chung dưới cái mũ “phê bình văn học”, có rất nhiều bài viết chỉ là những phản ứng thành văn của những nỗi nhạy cảm cảm tính trước các thực tế văn chương.

Dẫu vậy, đó trước hết cũng là một thực tế thông thường, hơn nữa còn thu hút người đọc trên báo chí, đáp ứng một trong những nhu cầu giao tiếp hàng ngày.

Sự lan tràn những bài báo nhỏ phê bình văn chương như vậy trước hết là kết quả của nhiều năm mở rộng thông tin và dân chủ hóa đời sống xã hội, đồng thời là hệ quả của cũng những quá trình dân chủ hóa ấy trong địa hạt của hoạt động sáng tác văn chương, đặc biệt đáng lưu ý là những sáng tác và người sáng tác ở bên ngoài các hoạt động tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam.

Và phải tính vào thực tế phê bình văn học ấy các hoạt động văn học và phê bình trên các diễn đàn liên mạng internet.

Tất cả chúng ta đều biết, lâu nay các website văn học hay có liên đới, có quan tâm đến văn học đã thành các địa chỉ internet quen thuộc phổ biến, thêm vào đó mấy năm nay là các trang blog của một số nhà văn, nhà báo và của rất nhiều cá nhân, nhiều sinh viên, giảng viên, người nghiên cứu, người làm nghề văn học nghệ thuật - đều có lúc này lúc khác tham gia bình luận về văn chương và văn học; đặc biệt là các trang mạng của các Viện nghiên cứu và các Đại học KHXH&NV, những địa chỉ có thể coi như gần nhất với hình dung về một khu vực được gọi là “phê bình hàn lâm” hay “phê bình đại học”.

Hoạt động bình luận về văn chương văn học trên các địa chỉ internet đó gần đây hầu như là nguồn chính tạo nên những làn sóng dư luận văn học bởi tính nhạy cảm đi cùng tốc độ phản ứng và lan truyền nhanh, với dung lượng không hạn chế cho các bài viết và các bình luận tương tác; các thông tin bổ sung hay tham chiếu có thể đưa lên lúc nào và dạng nào cũng được gần như tùy theo năng lực/theo nhu cầu của nguồn hay của người viết – điều rất quan trọng mà trong biên tập báo chí gọi là những thông tin bối cảnh, có thể tăng mạnh mẽ sức tác động và ý nghĩa của một trình thuật hay bình luận.

Thực tế là những tờ báo in hiện có đều không thể so với các trang mạng trong việc phê bình kịp thời văn chương: các tờ nhật báo có lượng phát hành lớn nhất hiện nay đều chỉ dành cho văn học một diện tích mặt báo rất nhỏ, trong khi còn lại chỉ có vài tờ tuần báo văn học và vài tạp chí văn học đôi lần một tháng.

Và một trong những điều dễ thấy nhất về tính cạnh tranh của internet về mặt báo chí là mấy năm qua một số blogger tạo dựng được tên tuổi nhanh chóng, trở nên quen thuộc với người đọc trên mạng. Đấy chính là điều trước nay báo chí truyền thống phải làm: xây dựng các chuyên mục bằng một số cây bút thành danh trong mắt người đọc, có uy tín riêng trong một số chủ đề hay lĩnh vực nhất định.

Như vậy là, với vị thế hợp thức mạnh hơn trong đời sống xã hội hiện nay, văn chương và phê bình văn học trên báo chí có thể coi như khu vực trung tâm, ít nhiều mang chức năng chính thống với dư luận, trong khi văn chương và phê bình văn học trên mạng internet tạo thành khu vực ngoại vi năng động, cập nhật và đi trước về hiệu quả thông tin.

Thực ra cách định vị trung tâm - ngoại vi có vẻ đã cũ và chỉ để hình dung một cách tình huống. Tính chất ngoại vi nay đã dần bị trở nên một thứ “tiêu chuẩn kép”: chẳng hạn có thời gian rất nhiều người viết văn chương mới và cũ đều tìm cách khai thác sự nhấn vào chủ đề đời sống tình dục của con người đương đại, rồi theo cái đà đó mà tưởng tượng cả chuyện tình dục gán cho một vài nhân vật lịch sử, coi như đấy là một thứ biểu đạt động cơ tâm lý nhân vật văn học, một biểu hiện hình ảnh về nhân cách, v.v.; mặt khác thì, chẳng hạn, các địa chỉ internet đã được dùng như địa chỉ tham chiếu hợp thức trong hàng loạt luận văn sau đại học, tức là trực tiếp hay gián tiếp cấp cho các diễn đàn liên mạng một vị thế chính thống, ít nhất về mặt tư liệu.    

Điều có thể rút ra từ thực tế ấy, trước hết, là văn chương nói chung hầu như đã dạt toàn bộ ra khu vực ngoại vi trong các mối quan tâm xã hội.

[Để dễ hình dung, ta hãy xem qua một thống kê chính thức: năm 2007, tổng số bản sách đã xuất bản là 276.446.872 bản, trong đó, phần lớn nhất thuộc về lĩnh vực sách giáo khoa, giáo trình và sách tham khảo với 222.734.052 bản; phần lớn thứ hai là sách cho thiếu niên, nhi đồng với 24.670.554 bản; phần nhỏ nhất thuộc về mảng sách văn học (trong số 7 lĩnh vực theo phân tổ thống kê) với 2.134.534 bản (nguồn: Cục Xuất bản/ Báo cáo…).]

Nhưng đó là một thực tế đầy mâu thuẫn, bởi văn chương, đặc biệt là thơ ca, vẫn luôn luôn được xã hội chúng ta nhìn một cách trọng thị, thậm chí là kỳ vọng trong một số trường hợp; người viết văn làm thơ nói chung vẫn được đề cao, từ phạm vi nhóm, cộng đồng, cho đến tầm mức xã hội đất nước.Tức là, từ trong sâu xa, văn chương vẫn không mất đi vai trò người trông nom mảnh đất hương hỏa của truyền thống dân tộc, và do đó  nhìn chung vẫn có địa vị một nguồn tái sinh các giá trị tinh thần cho xã hội đương thời.

Và như thế ta thấy hợp lý việc đòi hỏi một sự phát triển xứng hợp của khu vực phê bình văn học vừa làm đối tác vừa là đối trọng cho văn chương dù sao cũng đang trong tình trạng lan tràn theo đà tiến chung của xã hội đất nước.

Thực tế tình trạng vượt trội của dư luận văn học trên internet so với báo chí đưa đến một ấn tượng chung về sự “nhiễu loạn” trong phê bình văn học lâu nay, bởi rõ rệt các ý kiến bình luận hay lý giải sáng tác văn chương đương thời đã ở trong cảnh “trăm nhà đua tiếng”, mà một trong những nguyên nhân hàng đầu là do thiếu sức thuyết phục vượt trội của một hệ tiêu chí thẩm mỹ văn chương đủ khả năng bình giải đối với các sáng tác đa dạng, đưa ra những phán định sáng tỏ, thiết thực hữu ích.

Và trong khuôn khổ xã hội đất nước hiện thời, sẽ cần đến một guồng máy cùng cơ chế linh hoạt phù hợp thực hiện các bước đi nhằm kiến lập hệ tiêu chí thẩm mỹ đặc trưng cho thể chế văn hóa - văn học - nghệ thuật, tạo ra sức thuyết phục của hệ tiêu chí đó thông qua thực tiễn phê bình văn học và văn học nói chung.

Việc ứng xử với thực trạng đa tạp của phê bình văn học trên báo chí và trên các trang mạng đương thời gắn bó cơ hữu với sự phát triển báo chí - truyền thông đại chúng suốt từ nhiều năm qua, với quá trình thực tiễn dân chủ hóa đời sống, với quá trình tin học hóa toàn diện đời sống xã hội đất nước, đều là những quá trình có tính khách quan mà một chuyên ngành như phê bình văn học không thể đơn phương tạo lập những điều chỉnh theo mong muốn hay yêu cầu đặc thù của mình.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đa tạp đó là một thách thức thì nó cũng tiềm ẩn cơ hội: đó là môi trường yêu cầu luận chiến, và ta có thể chủ động tiến hành luận chiến thông qua hai cuộc đối thoại – đối thoại với truyền thống, đối thoại với các đối tác đương thời.

Trên thực tế lâu nay cuộc đối thoại với truyền thống đã có nền tảng bước đầu trong những nghiên cứu của giới đại học và các nhà nghiên cứu độc lập khi họ vận dụng những phương pháp tiếp cận của thời đại mới để soi rọi trở lại toàn bộ di sản văn học dân tộc, đặc biệt là văn học hiện đại nước nhà kể từ khi có chữ quốc ngữ. Tình hình đó gợi ý cho việc tìm kiếm trở lại những giá trị và ý nghĩa từ kho tàng văn học của thời đại cách mạng. Đó là một cuộc đối thoại nếu ta có thể, như một nhà nghiên cứu nổi tiếng từng nói, nếu ta có thể làm cho các tác phẩm quá khứ lên tiếng trả lời cho các câu hỏi hôm nay đang đặt ra, nếu ta có thể đưa những câu hỏi của hôm nay vào các tác phẩm đó, chẳng hạn như những câu hỏi về lý tưởng thẩm mỹ hay giá trị văn chương..

Thậm chí một cuộc đối thoại thẳng thắn, sâu sắc với truyền thống sẽ trở thành một động lực và điều kiện cho cuộc đối thoại với đương thời.

Việc đối thoại với đương thời trước hết có mục tiêu ở những sự cực đoan mà sáng tác văn chương luôn luôn có tiềm năng tạo ra trên những ngả đường sáng tạo cá biệt, và cả những cực đoan trong tìm kiếm hay vận dụng các lý thuyết văn chương, trong chính phê bình văn học hay trong sự mở rộng của văn học vào các khu vực xã hội nhân văn khác nữa.

Hai cuộc đối thoại này sẽ đặt cơ sở trên ý niệm rằng một trong những yêu cầu của phê bình văn học là thuyết phục độc giả của mình – cả người đọc và người sáng tác – hướng tới một nền văn chương tốt đẹp. Vận dụng một phân tích của triết học đạo đức, nền văn chương tốt đẹp là nền văn chương thực hiện cái mục đích làm hoàn thiện diện mạo tinh thần cho con người, vận hành cái mục đích ấy qua con đường đánh dấu bởi các chuẩn mực luân lý không phải lúc nào cũng dễ nhận thấy và đi theo trên mặt đất trần gian.

Bởi lẽ phê bình văn học cũng nằm trong diện trường của văn chương, nó đòi hỏi không chỉ luận lý mà còn cả thẩm mỹ đặc thù của nó, để có thể không những đạt hiệu quả tranh luận mà còn phải có khả năng đương đầu với thực tế phê bình sự phê bình, một thực tế chắc chắn sẽ xảy đến trong đấu tranh tư tưởng.

Nguyễn Chí Hoan
(Theo Văn nghệ số 35-36/2012)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 412
  • Khách viếng thăm: 408
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 82939
  • Tháng hiện tại: 1948718
  • Tổng lượt truy cập: 48322845