Năm Tỵ tản mạn chuyện Rắn

Đăng lúc: Thứ ba - 22/01/2013 15:35
VNTG - Rắn là con giáp thứ 6 trong 12 con giáp, nếu tính theo Âm lịch. ( Âm lịch là cách tính ngày tháng theo sự vận chuyển của mặt trăng). Trong Âm lich, có hai chu kỳ là tiểu chu kỳ và đại chu kỳ. Trong tiểu chu kỳ có 12 con giáp mà đứng đầu là năm Tý hay năm chuột tiếp theo là Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi (chuột, trâu ,hổ, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và lợn). 

Trong một đại chu kỳ, có 60 năm. Như vậy 60 năm nữa, chúng ta lại có một năm Quý Tỵ khác. Vậy nếu ai sinh vào năm tỵ thì ta gọi những người đó là họ cầm tinh con rắn. Những nhà chiêm tinh, hay các ông bà thầy bói thì rất rành về cách tính ngày tháng, tuổi này hợp hay kỵ với tuổi kia. Thí dụ ai mang tuổi tỵ thì kỵ với tuổi dần, thân và hợi… Người bình dân quan sát các vật chung quanh thì lại có cái nhìn khác như không chịu gả con gái có tuổi tý (chuột) cho anh chàng nào có tuổi Tỵ (rắn), vì không ai dại gì mà dâng chuột vào hàm rắn cả ! Sợ nó sẽ ăn tươi nuất sống con gái mình .

Rắn là con vật bị ghét bỏ, ghê tởm. Trong thánh kinh của người Thiên Chúa giáo thì rắn là con vật bị chúc dữ. Sau khi rắn lừa phỉnh Adam và Eva, thì con rắn bị Thiên Chúa trừng phạt: Bởi vì ngươi đã làm việc đó, thì ngươi hãy là đồ bị chúc dữ, giữa mọi súc vật, cùng tất cả các muông dã. Ngươi phải bò bằng bụng và ăn bùn đất mọi ngày trong đời ngươi. Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ (St 3,14-15). Chúng ta thấy đó, rắn là cự thù của nhân loại cho đến... Tận thế.

Con người cũng không ưa gì rắn, thường gắn những cái xấu xa tồi tệ cho con vật nầy: Người có lòng dạ nham hiểm thì bị  gọi là lòng dạ rắn rết. Những người lừa phỉnh người khác, nói lành, hành ác thì gọi là cái quân “khẩu phật, tâm xà”. cái miệng độc ác, chuyên môn nói hành, bỏ vạ cho người khác thì người ta gọi là “ngậm máu phun người”. Con nít hư đốn, ngỗ nghịch, bướng bỉnh thì gọi chúng là “rắn đầu, rắn mặt"!

Rắn là loài vật có ích

Có một thời kỳ tại Ấn Độ, người ta đồn rằng, rắn là thần dược chữa bệnh... Thế là người ta đổ xô ra đi tìm rắn, nhất là những chú rắn lừng danh thiên hạ là rắn đeo kính (king cobra)... Chẳng bao lâu thì rắn hầu như tuyệt nòi. Mùa lúa năm đó gần tới, chuột bọ sinh sôi nẩy nớ rất nhanh, chúng phá nát mùa màng hoa mầu của dân Ấn, thế là cái lợi nho nhỏ bán rắn không thể nào bù vào cái hại gấp ngàn lần vì thiệt hại do chuột phá hại mùa màng gây ra! Thế là người ta lại lo gầy dựng rắn trở lại!

Cả Đông y và Tây y đều coi rắn là thần dược để chữa bệnh phong thấp mà không có một loại thuốc nào có thể thay thế! Tây y đã lấy hình hai con rằn cuộn lấy một khúc cây là huy hiệu cho ngành của mình. Những năm gần đây các bác sỹ Tây y đã lấy từ trong cái độc giết người là nọc rắn ra một chất mà họ cho rằng có thể trị được bệnh ung thư. Thử nghiệm trên các con vật thì thấy nọc rắn có thể chữa được một số loại ung thư dù chúng trong thời kỳ mãn thính (thời kỳ bệnh nhân chờ về với Chúa). Vài năm gần đây bắt đầu thử nghiệm trên con người. Các ông lang tây này đã đưa được một số bệnh nhân từ tử môn quan trở về! Do đó, nọc rắn bây giờ, còn đắt hơn cả vàng nữa!

Ở Việt Nam ta có rất nhiều trại nuôi rắn, nhưng vẫn không làm sao cung cấp đủ cho giới tiêu thụ, vì vậy mà giá rắn, nhất là loại rắn hổ, càng ngày càng đắt giá. Cái gì của rắn cũng mắc cả. Mắc thứ nhất là nọc rắn, rắn càng độc thì nọc càng mắc. Da của rắn cũng không rẻ, còn thịt rắn thì lại là cái thứ thịt vừa thơm ngon, trân quý, lại chữa được bệnh. Do đó mà rắn rất có giá! Một gia đình mà nuôi được mấy cặp rắn hổ đeo kính (king cobra) thì một năm chỉ cần sản xuất lấy mươi mười lăm con rắn con là đủ nuôi sống cả nhà.

Trong văn học Việt Nam thì rắn cũng được ghi dấu ấn.

Rắn đã đi vào đời sống, sinh hoạt văn hoá dân gian của người đồng bằng. Từ lời ca, điệu hò, câu lý, đến những truyền thuyết, cổ tích, giai thoại, … rắn ít khi vắng mặt.

Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội tợ bánh canh
Cỏ mọc cọng thành tinh
Rắn đồng đà biết gáy


Nhưng lừng danh nhất phải kể là cái “Rắn đầu biếng học” của Lê Quý Đôn:

Lê Quý Đôn là một thần đồng trong văn học Việt Nam. Ngay từ lúc còn để chỏm, Lê Quý Đôn đã tỏ ra một danh tài xuất chúng, nhưng phải cái là biếng học và nghịch ngợm quá mức. Sợ con hư hỏng nên thân phụ của Lê Quý Đôn nọc ông xuống mà đánh đòn cậu bé Lê Quý Đôn. Bị đòn đau, vừa khóc vừa nài nỉ xin tha, thương con thân phụ ông nói:

- Tha cũng được, nhưng phải làm cho ta một bài thơ, trong đó câu nào cũng phải có chữ rắn hay liên hệ đến rắn.
Ngẫm nghĩ một lát, ngẩng mặt lên thưa với cha:

- Thưa cha con làm ra rồi, con xin phép cha cho con ngồi dậy để con đọc bài cho cha nghe.
Lê Quí Đôn ngồi dậy mà đọc cho cha một bài thơ về rắn, đó là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, một thể thơ khó nhất trong các thể thơ.

Chẳng phải LIU ĐIU cũng giống nhà
RẮN đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn HỔ LỬA đau lòng mẹ
Nay thét MAI GẦM rát cổ cha
RÁO mép chỉ quanh lời dối trá
LẰN lưng chẳng quản vệt dăm ba
Từ nay CHÂU LỖ xin chăm học
Kẻo HỔ MANG danh tiếng thế gia


Cha của Lê Quý Đôn vui vẻ  tha cho cậu.

Các bạn học sinh thời trước thì ai ai cũng phải biết câu đối lừng danh sau đây:  Ô quạ bắt gà.

Câu đối này rất khó, vì chữ ô vừa là tiếng than oán, nó lại còn có nghĩa là con quạ, thế mà câu họa lại rất chỉnh: Xà rắn bắt ngóe.
Xà vừa là tiếng than oán, nó lại còn có nghĩa là con rắn nữa. Vậy câu đối và họa như sau: Ô quạ bắt gà/Xà rắn bắt ngóe.

Rắn cũng là loài vật độc

Rắn có hai loại: rắn trên bờ và rắn sống dưới nước. Rắn trên bờ thì có những con rất to như một loài trăn ở Nam Mỹ, có con dài cả mười mấy mét, nhưng có con chỉ ngắn có 10cm. Rắn trên bờ thì thường ăn các con vật nhỏ như chuột, bọ, ếch, nhái. Những con rắn sống dưới nước thì gọi là rắn nước. Rắn ở nước mặn thì gọi là con đẻn. Rắn nước thì ăn cá.Con đẻn được xếp vào loại cực độc trong các động vật sống trên quả địa cầu này. Nếu chẳng may bị con đẻn cắn, thì có lẽ bạn không sống được quá 15 phút!

Rắn hổ là loài động vật hoang dã tồn tại trong thiên nhiên, và lẽ tất nhiên nó không thể tách khỏi đời sống con người. Rắn hổ ăn chuột, thứ gậm nhắm là kẻ thù của đồng ruộng, giúp cân bằng môi trường sinh thái.

Rắn hổ được con người chế biến làm thức ăn, làm rượu rắn vừa bổ dưỡng vừa để chữa bệnh. Nọc rắn được các nhà khoa học sử dụng chế biến ra nhiều dược liệu quý hiếm phục vụ con người.

Hình tượng con rắn trong dân gian thường tượng trưng cho hạng người xấu, lòng sâu dạ hiểm, cần phải tránh xa nơi hang hùm nọc rắn, hay hạng người như Sư hổ mang … !


Một số món ăn từ rắn

Rắn có thể chế biến thành những món ăn tốt cho sức khỏe, trong dân gian luôn truyền tụng một số món ăn ngon bổ từ loài vật này.

1. Rắn nấu cháo
Cần chi cá lóc cá trê
Thịt chuột thịt rắn
                  nhậu mê hơn nhiều

Độc chiêu là rắn hổ đất xé phay với cháo đậu xanh cà ăn rất mát, mà ngon hết ý. Rắn hổ làm sạch, chặt ra làm hai hay làm ba bốn khúc nấu cháo với đậu xanh cà. Gạo nấu cháo phải chọn gạo nàng thơm mới, có nhiều nhựa càng tốt. Muốn nồi cháo rắn hổ thêm ngon, cần phải có thêm nước cốt dừa. Khi thịt rắn thật chín, người ta lấy rắn ra để nguội, dùng tay xé tách thịt để vào một cái dĩa to hoặc trong cái thố lớn, hành củ thái mỏng ngâm giấm có thêm một ít đường cát, để một lát cho thấm giấm, đem trộn với thịt rắn, rau răm xắt nhỏ rải lên cùng với đậu phộng rang đâm nhuyễn, rắc nhiều tiêu và hành, ngò rí. Muốn ăn nồi cháo rắn hổ cho ngon là phải ăn thật nóng, tiêu phải đủ cay. Cháo rắn hổ để nguội sẽ tanh và ăn không ngon. Nhâm nhi ly rượu đế với chén cháo rắn thì ngon miệng không gì bằng.

  2. Rắn hầm sả

Rắn làm sạch chặt thành từng khúc, sả ớt băm nhuyễn, một số lá sả cuộn tròn, gia vị, … 
Bắc nồi lên bếp cho nóng, phi ít mỡ heo với sả ớt đã băm nhuyễn cho thơm. Đổ thịt rắn vào đảo đều cho săn. Đổ nước săm sấp rồi bỏ lá sả, cọng sả xắt khúc vào, đậy nắp cho kín, chụm lửa cháy đều, vừa, cho nước hầm sôi đều đến khi thịt rắn mềm, là ăn được.

 Tóm lại, rắn theo quan niệm dân gian là loài vật có một số công dụng trong chữa bệnh, và cũng rất phù hợp để chế biến món ăn. Tuy nhiên, đây là loài vật có tính sát thương cao đối với con người. Có nghĩa rằng vừa nguy hiểm vừa có ích nếu chúng ta biết tránh xa lúc nguy hiểm và sử dụng lúc cần thiết.
Phong Lan
(Theo Văn Nghệ Trẻ TG số 43- Xuân 2013)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

con rắn, món ngon

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 482
  • Khách viếng thăm: 476
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 16282
  • Tháng hiện tại: 1238959
  • Tổng lượt truy cập: 63467927