Văn học 2012, những lời đáp và những câu hỏi còn lại

Đăng lúc: Thứ hai - 18/02/2013 12:27
Thường vẫn có một câu hỏi hàm ẩn sau mỗi bản tổng kết công việc hàng năm: chúng ta đã đủ lạc quan hay chưa? Một năm văn học của Hội Nhà văn Việt Nam lâu nay mở ra với Ngày Thơ tiết Nguyên Tiêu và khép lại khi Giải thưởng văn học thường niên của Hội được công bố. Song, cũng như hầu hết việc trần gian, cuốn lịch văn chương đó không gói ghém hết được những thành tựu đang thành và những khiếm khuyết đang chữa.

Năm văn học được nhìn lại ở đây qua một vài sự kiện như vậy, những sự kiện củng cố và mở rộng về cơ sở của thực tại văn học với tư cách một thực thể xã hội, bao gồm cả những đóng góp thuần túy là văn hóa và tinh thần của khu vực ấy, tất nhiên cũng bao gồm sự đóng góp đặc thù về con người cho xã hội của khu vực ấy. Đó là điều thuộc về cái ta quen gọi là tinh thần lạc quan – không phải sự hào hứng bất chấp những điều kiện nào đấy, mà là một niềm tin bền bỉ, trong lặng lẽ, rằng ta có con đường và khả năng đạt tới những mục tiêu ta không ngừng suy nghĩ, vạch ra, và hướng tới.

Một bậc thầy văn học từng viết: “Những lời đáp qua đi, nhưng các câu hỏi còn lại.” Và không cần phải rất lạc quan để thấy trong đó một hàm ý về tính năng động của các mục tiêu con người đặt ra cho các công việc của mình.

Điều ấy cũng đúng với đời sống văn học chúng ta. Một trong vài ba câu hỏi lớn như thế từng được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp VHNT VN, Chủ tịch HNV VN, nêu lên trên diễn đàn hai hội thảo quan trọng vài năm trước do HNV tổ chức, tại Đồ Sơn năm 2006 và tại Ninh Bình năm 2008, khi đề cập thực tế sáng tác và PBVH những năm gần đây – ông đề nghị các nhà văn nhìn thẳng vào thực trạng có quá nhiều sáng tác chỉ “trung bình” về chất lượng; và ông thấy câu hỏi luôn đặt ra, như ông nhắc đến trên diễn đàn trọng thể lễ kỷ niệm 55 năm HNV VN hôm 19-12-2012 , khi suy nghĩ về nhiệm vụ trước mắt : “… với tư cách là người có sứ mệnh kiến tạo đạo đức xã hội, các nhà văn chúng ta phải chịu trách nhiệm gì trước tình hình suy thoái đáng lo âu hiện nay? Phải chăng tác phẩm chưa xứng tầm? Phải chăng là còn hời hợt và né tránh? Và phải chăng là tự ru mình trong những lo toan cá nhân vụn vặt hoặc xúng xính khoa trương hình thức cũ người mới ta?”; câu hỏi lớn hướng đến mục tiêu làm sao để có những tác phẩm hay, thậm chí là trội vượt trong hy vọng, và có được các tài năng mới trong văn chương.

Từ góc độ một định chế truyền thống của văn học nước nhà, HNV VN dĩ nhiên phải tìm các câu trả lời có thể trong phạm vi hiệu lực hoạt động của mình – tức là trong những hành động tổ chức nhằm liên  kết các nhà văn, hỗ trợ và thúc đẩy sáng tác. Và cũng như trong suốt những năm qua, các hoạt động tổ chức này không ngừng tăng tiến, mỗi năm có trọng điểm khác nhau, song thường xuyên vẫn là việc mở các lớp bồi dưỡng cho sáng tác-phê bình, mở các tọa đàm văn học, phối hợp tổ chức các hội thảo văn học, tổ chức các cuộc thi văn chương, các giải thưởng văn học; và năm 2012 thêm một điểm nhấn về hoạt động giao lưu văn chương quốc tế  đầy tính gợi ý.

Năm này ghi dấu sự kiện quan trọng khi HNV đã đi thêm chặng đường kể từ dịp được ghi nhận công lao nửa thế kỷ hoạt động văn học của mình bằng các tấm huân chương cao quý nhất của Nhà nước –  mốc 55 năm quan trọng bởi tiến trình chuyển tiếp với ba thế hệ nhà văn mà rường cột vẫn là thế hệ thứ ba của Hội, với sự thức tỉnh văn học về một “sứ mệnh kiến tạo đạo đức xã hội” thông qua đặc thù văn học (mà các cuộc thi tiểu thuyết và trào lưu viết tiểu thuyết gần đây là một biểu hiện rõ rệt), với việc khởi đầu một “pha” mới trong cuộc hội nhập qua văn chương vào thế giới đương đại.

Bước đi mới đó gắn liền vào một sinh hoạt văn học truyền thống mới – Ngày Thơ Việt Nam – lần này còn trùng hợp với dịp kỷ niệm 80 năm phong trào Thơ Mới đưa thơ ca tiếng Việt vào chu trình hiện đại. Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ I, do sáng kiến của HNV VN, được tổ chức cùng Ngày Thơ lần thứ X, bên bờ Hạ Long từ ngày 2-2-2012, với một nghi thức thả thơ tưởng niệm dưới chân núi Bài Thơ lịch sử và Hội thảo thơ quốc tế cùng các nhà thơ và dịch giả từ hai mươi tám quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự liên hoan.

Sự kiện ngoại giao nhân dân-văn hóa chưa từng có này còn được tiếp nối với các sự kiện tương tự trải hơn nửa năm, với Diễn đàn văn học Việt-Mỹ tại thành phố Huế vào tháng 3-2012, chuỗi tọa đàm về thơ Mỹ đương đại do HNV VN tổ chức, cho đến sự kiện cột mốc đánh dấu Hội nghị nhà văn Việt Nam-Lào-Campuchia mở rộng lần đầu, với sự tham gia của Thái Lan và ấn Độ hồi tháng 9-2012. Những sự kiện này không quá gây kinh ngạc trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã sâu rộng của đất nước, song rõ ràng có tác dụng mở rộng giao tiếp trên các kênh giao lưu đã có lâu nay, và đó là một sự mở rộng có ý nghĩa – với một Liên hoan thơ và một Hội nghị văn học vươn ra tầm khu vực, đặt những đầu cầu cho giao lưu vào những xứ văn chương còn mới hay còn rất ít liên hệ với chúng ta, kể từ ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, cho đến Sri Lanka, Hồng Kông, New Zealand, Philippin, Indonesia.

Tác động của giao lưu đánh thức ý thức tự trọng và lòng tự tin. Những hoạt động văn học liên vùng như vậy thúc đẩy việc dịch văn thơ Việt Nam ra ngôn ngữ quốc tế, mặc dù đó là một việc đầy thách thức ngay cả với những xứ như ấn Độ. Với những bước đi mở rộng giao lưu và hội nhập trên lĩnh vực văn học như vậy, HNV VN gợi ý sự tăng cường điều chúng ta quen gọi là bản sắc văn hóa bằng việc đưa bản sắc đó lên một tầm thử thách mới, cũng là một cơ hội để đổi mới hơn nữa.

Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch hiện nay” do HNV tổ chức vào tháng 8-2012 cũng nằm trong bước chuyển “pha” của tiến trình hội nhập khi đưa ra một câu hỏi, nhìn lại mười năm việc dịch văn học chủ yếu đáp ứng nhu cầu thị trường sách và sách giải trí, và trên cơ sở đó, xúc tiến hình thành một nghị trình quốc gia về dịch thuật văn học, thành lập một trung tâm dịch thuật của HNV VN.

Điều hiển nhiên là những sự khuếch trương vị thế văn học như vậy một phần lớn trông chờ ở các trào lưu sáng tác trong nước. Nhân đây cũng có thể thấy rằng, với đà lan rộng không ngừng của internet, từ mấy năm trước đã từng có luồng dư luận thổi mạnh vào cánh buồm mới của cái được xem là “văn học mạng”, tin vào khả năng xuyên quốc gia vốn có của việc xuất bản trên internet; nhưng, cho đến tận một vài sáng tác gần đây nhất của một vài người viết có cách viết táo bạo thách thức nhất, cũng chỉ tồn tại trên mạng như một “ngõ vào” cá nhân, thiếu một quyết định mang tính hợp thức do các định chế truyền thống về xuất bản và văn học.

Sự thức tỉnh về mặt ý thức xã hội và công dân của văn học “ với tư cách là người có sứ mệnh kiến tạo đạo đức xã hội” , như đã nói ở trên, có một biểu thị rõ rệt trong nhiệt tình sáng tác tiểu thuyết lan rộng từ cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba do HNV VN tổ chức (2006-2010). Để thúc đẩy cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư ( 2011-2013), HNV tổ chức một trại viết vào đầu năm 2012, bế mạc vào tháng 4-2012 trong một buổi tọa đàm về tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Buổi tọa đàm này không lớn về quy mô diễn đàn nhưng đã nêu ra và thảo luận mấy câu hỏi thực sự thực chất, như: hiện nay người viết về đề tài lịch sử rất nhiều, ý kiến phê phán cũng nhiều, vậy viết về lịch sử thế nào là đúng đắn? Vấn đề trung tâm trong tiểu thuyết hiện nay là gì và gắn với lợi ích của con người như thế nào? …

Trên bình diện “vấn đề” chung đó, một tọa đàm khác tại trại viết dành cho lý luận-phê bình văn học mà HNV tổ chức vào tháng 8-2012, tọa đàm “Văn học góp phần chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đời sống xã hội”, đã minh   xác và định hướng “vấn đề” sứ mệnh truyền kiếp của văn học. Tiếp đó một hội thảo quy mô đã được tổ chức vào tháng 9-2012 tại HNV VN quanh chủ đề “Sáng tác văn học về đề tài lịch sử” . Đây là một trong số ít những cuộc thảo luận sôi nổi kéo dài, phản ánh mối quan tâm của số đông cả người đọc và người viết đối với những hư cấu trên nền lịch sử thành văn của đất nước.

Điều được gọi là biên độ của hư cấu có thể đi xa đến đâu ngoài phạm vi những quan điểm quen thuộc hay đã được chấp nhận của chính sử, hay cách khác là hư cấu văn chương có thẩm quyền đưa ra sự “phát hiện” riêng về lịch sử, kéo theo đó là tư liệu nhà văn dựa vào, đến độ nào – là vài ba vấn đề thu hút tranh luận. Hội Nhà văn đã đưa ra các quan niệm xác định khái quát, hướng tầm nhìn của khu vực về đề tài lịch sử - dự kiến sẽ còn mở rộng và thu hút dư luận – đến các tiêu chí đạo lý và thẩm mỹ như ý chí, lẽ sống, v.v. của nhân vật thuộc về lịch sử, và cái đẹp của văn chương phù hợp với chân lý lịch sử.

Một năm văn học nhiều sự kiện và chuyển biến như vậy, với đỉnh cao là kỷ niệm 55 năm HNV VN, thực ra chưa kết thúc khi danh sách giải thưởng văn học thường niên của HNV chưa được công bố.Năm nay cũng là năm có nhiều giải thưởng được trao cho các nhà văn: Giải thưởng văn học sông Mê-Kông lần thứ IV, cho Tô Đức Chiêu, Kiều Vượng, Hà Đình Cẩn, Trần Thị Thắng, Bùi Thanh Minh, cùng Bằng khen cho Bùi Bình Thi, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Minh Nhân (đã mất); Giải thưởng Văn học Đông Nam Á của Hoàng gia Thái Lan trao cho Trung Trung Đỉnh với tiểu thuyết “Lính trận”; và quan trọng hơn, cùng những ấn tượng ý nghĩa khơi gợi hơn là các Giải thưởng Hồ Chí Minh (cho bảy cụm tác phẩm) và các Giải thưởng Nhà nước (cho ba mươi tám cụm tác phẩm, trong lĩnh vực văn học mà trong các danh sách được nhận giải ta thấy những tên tuổi quen thuộc của văn đàn gần bốn mươi năm qua cũng như một vài danh tiếng từng có thời bị khuất lấp; và từ những “Màu tím hoa sim” đến “Trường ca biển”, “Đường dài và những đốm lửa”, “Thấp thoáng trăm năm” ..., từ những “Ao làng”, “Phá vây”, những “Mưa mùa hạ”, “Cao điểm mùa hạ” , “Họ cùng thời với những ai”... đến những “Sao mai”, “Những ngày thường đã cháy lên”, “Tiếng khóc của Nàng Út”, “Một loài chim trên sóng”, “Đời người-đời văn”, “Rừng thiêng nước trong” ... ta không chỉ thấy các đường nét, nền tảng và bối cảnh, những hình và bóng, màu và sắc, mà cả những nét khuất đã dựng lên không gian văn học của một thời đại; thấy ảnh hình chính mình và rất nhiều người khác, lớp cha anh, lớp bè bạn trên mấy chặng đường đã đi dài đến thế, sống động như chính cuộc sống, tự thân là những phần hợp thành lịch sử, thành nền văn hóa, trả lại những món thặng dư văn học cho tiếng Việt mà họ đã dùng với tư cách nhà văn.

Các danh sách được giải thưởng như vậy cũng cho ta thấy biểu đồ của cuộc chuyển tiếp thế hệ văn học đang diễn ra, nhưng luôn trong một trạng thái đan cài tương đối – điều có nghĩa quen thuộc với lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, là văn chương không mấy phần tuổi tác. Nhìn qua các giải thưởng văn học năm nay ở các khu vực trung tâm như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh cũng thấy điều đó: giải thưởng và tặng thưởng 2012 của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trao cho tập thơ “Chất vấn thói quen” của nhà thơ Phan Hoàng và tập thơ “Chim Lạc trở về” của nhà thơ Nguyễn Công Bình – hai tác giả một già một trẻ rất khác nhau trong văn chương; giải thưởng 2012 của Hội Nhà văn Hà Nội rõ rệt hơn khi trao cho Hồ Anh Thái với tiểu thuyết “SBC là săn bắt chuột”, Nguyễn Bình Phương với tập thơ “Buổi câu hờ hững”, Ngô Thảo với tập hồi ký “Dĩ vãng phía trước” và dịch giả Dương Tường với bản dịch “Lolita” đầu tiên ở Việt Nam. Và nếu những tác phẩm được chú ý và đồn đoán nhiều ở vòng xem xét sau cùng của giải thưởng HNV VN năm nay được trao giải, người ta sẽ thấy rõ hơn bước chuyển tiếp thông qua các chủ đề văn học cùng phong cách thể loại nói chung trên các tác phẩm, hơn là qua những lứa tuổi các thế hệ nhà văn.

Trên một số điểm được đề cao hơn của kết quả sáng tác như thế, có thể nhìn ra sự tương ứng của thực tại văn chương với những mối quan tâm trong các hành động tổ chức khu vực văn học của HNV VN, đặc biệt là ở phần văn xuôi lấy cảm hứng từ các thời kỳ lịch sử hiện đại của đất nước. Và cũng rất rõ, nếu xem những tác phẩm và giải thưởng ấy như những lời đáp lại không mệt mỏi của văn giới trước thời cuộc nói chung, thì đòi hỏi từ phía người đọc và dư luận văn học vẫn là những mục tiêu năng động, cũng không ngừng tiến xa ngay trước tầm tay của người viết.

Nguyễn Chí Hoan
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 309
  • Khách viếng thăm: 307
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 44408
  • Tháng hiện tại: 2412833
  • Tổng lượt truy cập: 48786960