Thiếu lý luận, văn học dịch đang làm loạn ngữ pháp tiếng Việt

Đăng lúc: Thứ tư - 20/03/2013 14:17
PGS. TS Nguyễn Văn Dân: "Dịch giả không cần phải là một bách khoa thư sống, nhưng cần có một nguyên tắc làm việc, khi đứng trước một tác phẩm dịch, anh ta luôn phải nghĩ rằng, mình cần có sự hỗ trợ kiến thức của tất cả các ngành khoa học khác. Muốn nhận sự hỗ trợ đó, phải có tính kiên trì, khi gặp một sự kiện hay một từ ngữ nào đó mình không hiểu, mình cần tìm hiểu xem nó liên quan đến những kiến thức nào để có thể dịch cho độc giả hiểu được điều mà tác giả gốc muốn nói. Đó chính là lao động của nhà dịch thuật, nó có tính chất giống như một nhà khoa học..."

PGS. TS. Nguyễn Văn Dân trong Hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch hiện nay (ảnh: Đỗ Hiếu)

Phóng viên: Thưa ông, có thể nói, thị trường văn học dịch thời gian qua rất sôi động. Gần như những tác phẩm vừa xuất hiện trên thế giới đã được giới thiệu một thời gian ngắn sau đó tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với việc cập nhật những tác phẩm văn học thế giới, cũng có ý kiến cho rằng, hệ thống lý luận phê bình về văn học dịch lại chưa phát triển tương xứng với thực tiễn này. Vậy theo ông, vai trò của hệ thống lý luận – phê bình văn học dịch với nền văn học dịch của Việt Nam là như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Văn Dân: Tình hình nghiên cứu về văn học dịch, hay nói chính xác hơn là các công trình lý luận phê bình về dịch thuật, không phong phú như các công trình nghiên cứu văn học nói chung cũng là chuyện phù hợp với tình hình phát triển của văn học, chứ không có chuyện không quan tâm hay không coi trọng ở đây. Thực ra, mảng lý thuyết về văn học dịch trên thế giới cũng không có nhiều. Theo tôi, cũng đã có những tác phẩm nghiên cứu về lý thuyết dịch thuật, nhưng nhiều khi đó chỉ là những công trình đi sâu về góc độ ngôn ngữ học chứ không nghiên cứu từ góc độ văn hóa, văn học. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể rút ra được từ các công trình khác nhau những nguyên tắc về dịch thuật hay những nguyên lý, lý thuyết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, rõ ràng, ta không thể bê nguyên một tác phẩm, một công trình nào đó để dịch, mà phải là một công trình được biên soạn hoặc nghiên cứu một cách bài bản, từ đó có thể rút ra những lý thuyết về dịch thuật. Bản thân tôi cũng đã làm công việc này với một số bài viết có tính chất nhập môn về lý thuyết dịch thuật. Tôi cũng đã đưa ra một số nguyên tắc dịch thuật nhất định. Nếu sau này tập hợp lại, tôi cũng có thể làm được một công trình có tính chất như tài liệu tham khảo phục vụ những người yêu văn chương có thêm thông tin bổ trợ trong quá trình dịch văn học. Nhưng ở Việt Nam, theo tôi, chúng ta chưa có một công trình nghiên cứu dày dặn chuyên về dịch thuật.

PV: Tình trạng thiếu những công trình nghiên cứu dày dặn và không nhiều các nhà nghiên cứu chuyên môn về lý luận văn học dịch là do chúng ta thiếu đội ngũ nhân sự hay do chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này?

PGS.TS. Nguyễn Văn Dân: Cái này có thể là cả hai. Một là về phía đội ngũ dịch thuật, nhiều người dịch văn học hiện nay có quan điểm rất đơn giản. Họ cho rằng, chỉ cần có ngoại ngữ, người ta có thể dịch, không cần phải lý thuyết hay nguyên tắc chỉ đạo. Thứ hai, những người chuyên nghiên cứu về các lý thuyết văn học dịch thì lại không quan tâm lắm. Những yếu tố này khiến chúng ta chưa phát triển được mảng lý luận dịch thuật. Tôi lấy ví dụ, ở nhiều cuộc hội thảo tranh luận với nhau về vấn đề dịch thuật, có rất nhiều quan điểm khác xa nhau, thậm chí trái ngược, mâu thuẫn với nhau. Chẳng hạn, có người cho rằng, dịch là phải biến mình thành đồng tác giả với tác giả của bản gốc, và người ta có quyền đưa dấu ấn cá nhân của mình vào đó. Thậm chí có người cho rằng, cần phải biến tác phẩm gốc thành một tác phẩm dịch hay hơn. Lại có người cho rằng, dịch là phải tham gia vào đấy như là một người sáng tác. Trong khi đó, có những quan điểm lại cho rằng, dịch là phải trung thành với bản gốc, anh không được làm sai lạc tư tưởng cũng như ý đồ nghệ thuật của tác phẩm. Anh không được phép biến tác phẩm đó thành tác phẩm của mình. Dấu ấn của người dịch ở đây, theo tôi, vẫn có thể tạo ra được, nhưng chỉ giới hạn trong vấn đề gọi là sáng tạo cách diễn đạt từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo tính trung thành với bản gốc. Tôi nhấn mạnh rằng, sự sáng tạo chỉ nên giới hạn ở mặt đó thôi, người dịch không được phép tạo ra hay gán ghép thêm, đưa thêm vào những ý đồ hoặc sự việc không nằm trong bản gốc.

PV: Ông là người làm nghiên cứu lý luận đồng thời cũng là một dịch giả, vậy ông nhận thấy vai trò cũng như tác dụng của việc am hiểu lý luận về dịch thuật trong công việc của một dịch giả như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Văn Dân: Tôi cho rằng, có cơ sở lý thuyết để dịch thuật là rất quan trọng. Điều này sẽ đảm bảo để một bản dịch có chất lượng. Chất lượng này trước hết phải thể hiện ở việc diễn đạt, truyền đạt được trung thành bản gốc, ý đồ nghệ thuật của tác giả. Thêm nữa, việc diễn đạt sang ngôn ngữ thứ hai phải dễ hiểu. Nếu người đọc không hiểu được thì có nghĩa người dịch vẫn thiếu một cơ sở lý luận và mới chỉ dịch theo ý kiến và cảm hứng cá nhân của mình. Do đó, cơ sở lý thuyết là rất quan trọng, đặc biệt là những nguyên tắc về dịch thuật.

PV: Như vậy là theo ông, muốn trở thành một dịch giả chuyên nghiệp, người dịch cần phải được đào tạo, hoặc chí ít là tự học lý luận về văn học dịch?

PGS.TS. Nguyễn Văn Dân: Theo tôi, dịch giả không nhất thiết phải học theo một trường lớp chính thống nào. Anh ta có thể tự học, nhưng quan trọng là phải biết học từ những nguồn nào, dựa vào những cơ sở nào và đặc biệt là phải dựa vào kiến thức lý luận văn học, đồng thời cũng phải có kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ. Có thể nói ngắn gọn thế này, dịch giả vừa là một nhà khoa học, vừa là một nghệ sỹ. Là một nhà khoa học thì phải am tường nhiều lĩnh vực khác nhau, cho nên cũng có thể nói một cách khác, dịch giả là một nghệ sỹ uyên bác, không đơn thuần là một người sáng tác ngẫu hứng. Anh ta cần có nhiều kiến thức, tuy nhiên, kiến thức đó không nhất thiết phải là của mình, anh ta cần biết cách khai thác chúng trong kho tàng văn hóa nhân loại. Dịch giả không cần phải là một bách khoa thư sống, nhưng cần có một nguyên tắc làm việc, khi đứng trước một tác phẩm dịch, anh ta luôn phải nghĩ rằng, mình cần có sự hỗ trợ kiến thức của tất cả các ngành khoa học khác. Muốn nhận sự hỗ trợ đó, phải có tính kiên trì, khi gặp một sự kiện hay một từ ngữ nào đó mình không hiểu, mình cần tìm hiểu xem nó liên quan đến những kiến thức nào để có thể dịch cho độc giả hiểu được điều mà tác giả gốc muốn nói. Đó chính là lao động của nhà dịch thuật, nó có tính chất giống như một nhà khoa học.

PV: Khi các công trình lý luận về văn học dịch tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều và cũng chưa đạt chất lượng như mong muốn, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam, trong thời gian tới, ông đã có kế hoạch hay dự định gì để thay đổi điều này?

PGS.TS. Nguyễn Văn Dân: Tất cả những kế hoạch hay dự định thì không phải mình muốn là được. Có những điều mình muốn làm, nhưng nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan. Chẳng hạn, mình muốn soạn thảo một cuốn sách về lý thuyết dịch thuật, nhưng về mặt xuất bản hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế thị trường. Các nhà xuất bản bây giờ rất ngại in những cuốn sách nghiên cứu lý luận, trong khi đó, các tác giả lại không đủ khả năng để tự in. Rõ ràng, đấy là một trong những điều rất hạn chế. Do vậy, trước mắt, tôi cho rằng, vẫn chỉ là cách viết các bài tạp chí để mọi người cùng trao đổi, tranh luận, hoặc mở những cuộc tọa đàm, hội thảo để có thể đi đến một sự nhất trí nào đó về phương hướng, cách thức phổ biến lý luận về dịch thuật cho mọi người cùng hiểu. Trên thực tế hiện nay, có những điều tưởng nhỏ nhặt nhưng lại rất quan trọng. Chẳng hạn, chỉ nói riêng về cách diễn đạt, các dịch giả Việt Nam đã rất khác nhau. Người ta còn lệ thuộc quá nhiều vào cách diễn đạt của một tác phẩm gốc, một ngôn ngữ gốc. Mỗi ngôn ngữ, mỗi dân tộc lại có cách diễn đạt khác nhau, nếu ta không chuyển sang được cách diễn đạt của người Việt để họ có thể hiểu thì khi đọc văn học dịch, người đọc sẽ thấy, mỗi dịch giả lại có một ngữ pháp riêng. Và như vậy, ngữ pháp tiếng Việt đang bị lũng đoạn vì các tác phẩm văn học dịch.

Đó là điều tưởng nhỏ nhưng lại không hề nhỏ. Nhưng để thống nhất được điều đó lại không đơn giản. Nhiều người vẫn cho rằng, bản gốc như thế nào thì tôi cứ để nguyên như thế, cứ truyền đạt nguyên như thế. Theo tôi biết, ở các nước khác không có chuyện đó. Chẳng hạn, ở Pháp, khi dịch tác phẩm của người Anh, bao giờ người ta cũng chuyển sang hệ thống các nguyên tắc ngữ pháp của tiếng Pháp, để người Pháp đọc có thể hiểu. Và điều quan trọng hơn, họ có thể duy trì ngữ pháp của tiếng Pháp, ngữ pháp của ngôn ngữ dịch. Chúng ta không nên đưa lý do cho rằng, mình cứ để nguyên nguyên tắc ngữ pháp của ngôn ngữ gốc thì mới đảm bảo tính trung thành trong khi dịch. Tuy nhiên, trung thành theo cách đó là sự trung thành máy móc. Trung thành là phải diễn đạt tương đương chứ không phải diễn đạt một cách sao chép, làm như thế là làm hỏng ngữ pháp tiếng Việt. Đó là điều mà về mặt nguyên tắc ngôn ngữ học, người dịch phải tôn trọng. Thế nhưng trên thực tế, những dịch giả không quan tâm đến lý luận chỉ nghĩ rất đơn giản, tôi biết ngoại ngữ và tôi cứ truyền đạt sang tiếng Việt, người ta viết thế nào thì tôi cứ dịch như thế. Những người dịch hiện nay phần lớn làm việc ở nhiều chuyên ngành khác nhau, đa số không có lý luận về dịch thuật, vì vậy không quan tâm, thậm chí coi thường, có người bảo rằng cứ để như vậy cho tiếng Việt thêm… phong phú! Do vậy, ngữ pháp tiếng Việt hiện nay cứ loạn lên là vì thế.

PV: Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với ông trong quan điểm, khi người ta có một ý thức tôn trọng và có kiến thức về lý luận văn học dịch, người ta mới có thể tiếng nói chung trong những trao đổi về cách dịch cũng như sự đồng thuận về một phương án dịch sao cho hiệu quả nhất. Xin cảm ơn PGS. TS. Nguyễn Văn Dân về cuộc trò chuyện.


Dương Kim Thoa
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 321
  • Khách viếng thăm: 315
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 12933
  • Tháng hiện tại: 2381358
  • Tổng lượt truy cập: 48755485