Những niềm tin trong mùa xuân mới

Đăng lúc: Thứ năm - 07/02/2013 10:30
VNTG - Tôi chẳng biết mình có nên xông đất trụ sở Hội Văn học -Nghệ thuật tỉnh hay không - nơi đã hằng bao năm đùm bọc những con người đầy tâm huyết - hun đúc nhiều tác phẩm giá trị, trong khi các cơ quan Đảng và chính quyền sở tại chưa hỗ trợ được gì nhiều cho Hội cũng như anh chị em nghệ sĩ.
Dẫu biết văn hóa là nền tảng cuộc sống, cái nôi sinh ra nhân phẩm con người, là hạt nhân hình thành tính nhân văn cho cả một cộng đồng xã hội. Nhưng để cho nền văn hóa thăng hoa trong giai đoạn hiện nay thật khó khăn dường nào, có người bàn luận rằng hoàn cảnh càng nguy khốn, cơ hàn càng dễ thúc đẩy tính sáng tạo, nền văn hoá càng đa dạng, tác phẩm càng phong phú. Chúng ta không mong mỏi một động lực cho nền văn hóa mới phát sinh theo hình thái đó, nhưng biết làm sao trước những hụt hẫng hiện nay, không phải chỉ là vật chất, mà hơn hết là sự giảm sút về niềm tin trong nhân dân, trong đó có lực lượng văn nghệ sĩ.

Hẳn như vậy, trong những ngày đầu năm mới, dù chỉ mời “bác đến chơi đây ta với ta”, nhưng cũng phải “chúc nhau hạnh phúc, phát tài”, không vì cả năm qua lạm phát cao hơn tăng trưởng, nợ xấu, hàng tồn kho tăng nhanh, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tín dụng mất cân đối nghiêm trọng, số lượng doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp gia tăng… mà lại nói mãi với nhau câu năm nay khó khăn hơn năm trước, trong thời điểm giao hòa của đất nước.

Vấn đề đặt ra là độ xác thực của những con số báo cáo và hệ thống biện pháp giải quyết tình thế trước mắt lẫn lâu dài. Nỗi bất hạnh đối với người bệnh là bị định sai bệnh, kế đến là vị lương y bốc nhầm thuốc điều trị và cuối cùng là người bệnh không còn niềm tin mình sẽ hết bệnh. Độ hữu dụng của các giải pháp trị bệnh thuộc về các cơ quan đề ra quyết sách và tổ chức thực hiện quyết sách, người cầm bút hôm nay cần ra sức thổi luồng gió xuân, tạo niềm tin cho người người vững bước tiến về một tiền đồ sáng lạn.

Tất nhiên, một sự kỳ vọng chân phương trong cục diện hôm nay cần phải có quyết tâm cao, khi mà tình hình tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; về tính chất thì ước chừng khá rộng, nhưng vụ việc giải quyết còn hạn hẹp, cái giá của sự mất mát nghe chừng không nhỏ nhưng kết quả xử lý xem ra còn rất ít.

Thực chất trong cuộc sống đời thường, cái nhỏ dễ giải quyết hơn cái lớn, cái dưới dễ xử lý hơn cái trên, tự soi rọi mình khó hơn đánh giá người khác, tự sửa mình phức tạp hơn điều chỉnh người xung quanh và theo thói thường, kẻ sĩ, người cầm bút đứng trước một tổng thể nền kinh tế - xã hội ngổn ngang, thế sự thăng trầm hay thể hiện trong sáng tác thông qua hai phương thức: Một là cho xuất hiện trong tác phẩm một hình tượng đại thể như Chí Phèo để phá vỡ cái “trật tự” do Bá Kiến lập nên ở làng Vũ Đại ngày ấy, sau cùng cả hai phải tự kết liễu do những bất công, nghiệt ngã mà mình tạo nên; Hai là kêu gọi đấu tranh làm trong sạch bộ máy, lành mạnh hóa và hiệu lực hóa cho cả hệ thống chính trị, mang lại niềm tin cho nhân dân về con đường chúng ta đang tiến bước.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc
phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động Hội VHNT năm 2012.

 
Trong bao niềm tin giữa phút giao mùa, đón mừng ngày mới sang trang, có lẽ niềm tin đối với chính mình là vô cùng quan trọng. Người văn nghệ sĩ đã đi trên con đường mình đã chọn, đang bơi trong một dòng sông nhập nhằng, chưa rõ các yếu tố văn hóa tiên tiến và bản sắc dân tộc đậm đà, một dòng sông không thẳng tắp như mong đợi, có cả chất thải ô nhiễm pha lẫn phù sa, có những khóm lục bình xen lẫn rác rưởi, phù sinh, một dòng nước chưa xác định được hết cội nguồn kết tụ và nơi đến có những hợp lưu cần gạn đục khơi trong, con đường đã chọn vẫn là con đường định hướng.

Giữa trăm nỗi niềm riêng, cũng phải nhấn mạnh một sự bất tương xứng, mà có lẽ là sự bất tương xứng lớn nhất giữa giá trị sử dụng sản phẩm sáng tạo và giá trị lao động sáng tạo. Bản chất nghệ sĩ không so đo mối tương quan giữa kết quả cống hiến và chi phí cấu thành như trong sản xuất - kinh doanh, vì loại chi phí vô hình này vô cùng khả biến, nhưng ít ra cũng phải xác định được những tiêu chí để công nhận giá trị đích thực của tác phẩm một cách tương đối.

Bên cạnh đó, vai trò của Hội Văn học - Nghệ thuật trong huy động đội ngũ văn nghệ sĩ đã hình thành và vận hành từ lâu, đến nay chắc hẳn đã bộc lộ một số bất cập trong cơ chế quản lý và hoạt động, thể hiện qua sự trầm lắng của các phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng kể cả chuyên nghiệp, mà đây là hơi thở của cuộc sống, phần hồn của một xã hội văn minh, bề nổi biểu trưng bản sắc văn hoá của con người mới và là niềm tin hướng thiện của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Niềm tin, có vô vàn niềm tin trong những ngày đầu Xuân Quý Tỵ, năm hệ trọng cho cả kế hoạch 5 năm 2011-2015, hướng về một tương lai ấm no, phồn thịnh, xin chúc tất cả thế hệ văn nghệ sĩ một năm mới hạnh phúc, tràn đầy niềm tin và thành công trong sáng tạo
TS Trần Thế Ngọc
(Theo VNTG số 56 - xUÂN 2013)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 232
  • Khách viếng thăm: 173
  • Máy chủ tìm kiếm: 59
  • Hôm nay: 2918
  • Tháng hiện tại: 2235468
  • Tổng lượt truy cập: 46202701