Thủ tướng Võ Văn Kiệt trò chuyện cùng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Bình. |
Trước năm 1975, vùng Đồng Tháp Mười còn hoang sơ, dân cư thưa thớt. Mỗi năm có sáu tháng mùa nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước mênh mông, nhiều nơi ngập sâu tới 3-4 mét. Sáu tháng mùa khô hết sức khắc nghiệt, nắng nóng nung người, đất dậy phèn đỏ quạch, nước ngọt không đủ uống. Đã vậy, đây còn là vùng tranh chấp ác liệt, giặc oanh kích ngày đêm. Vô số đạn bom, chất hóa học hủy diệt ném xuống, Đồng Tháp Mười trở thành vùng đất chết. Để có lương thực phục vụ chiến đấu, cách mạng vận động và tổ chức cho bà con khai mở trồng lúa mùa trên những gò đất cao. Hằng năm khi mùa mưa đến thì dùng sức trâu, sức người cày ải phơi đất cho bớt phèn rồi mới gieo sạ. Loại lúa này có đặc điểm nước dâng cao tới đâu thì ngọn lúa ngoi lên đến đó, khoảng tháng 11 lũ rút cũng là lúc lúa chín. Do đất nhiễm phèn nặng nên lúa thất, năng suất chỉ 700kg/ha. Có năm lũ lớn bị sóng to, nước chụp mất trắng, có lúc chưa kịp gặt thì bị lửa thiêu rụi.
Sau ngày giải phóng đất nước, cuộc sống người dân rất khó khăn, thiếu ăn, nghèo khổ. Tiền Giang thực hiện chương trình khai hoang và điều động hàng chục ngàn người đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Năm 1976, UBND tỉnh ký ban hành chỉ thị đào kinh 500 để mở màn chiến dịch khai phá Đồng Tháp Mười. Đất bị nhiễm phèn, phải rửa phèn thì mới trồng cây, trồng lúa được. Vì vậy phải đào nhiều kinh dẫn nước, rửa phèn.
Năm 1977 tỉnh vận động hàng ngàn thanh niên xung phong, thanh niên, phụ nữ, bộ đội, công an vào Đồng Tháp Mười đào kinh 500. Kinh này bắt đầu từ xã Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy) kéo dài đến xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước ngày nay) dài gần 20km. Đích thân đồng chí Nguyễn Công Bình (Sáu Bình) và đồng chí Nguyễn Công Bằng (Hai Lai) trực tiếp chỉ huy đào kinh 500. Việc đào đất lao động bằng tay rất vất vả. Anh chị em tham gia đào kinh toàn ăn cơm với muối, nước mắm, rất ít khi được ăn thịt cá. Ba tháng sau con kinh này đào xong. Người lãnh đạo, người chỉ huy, người lao động nhìn thấy dòng nước son cuồn cuộn đổ về Đồng Tháp Mười, ai nấy đều lâng lâng niềm vui sướng như ngày quê hương giải phóng.
Đào kinh xong, tỉnh thành lập Nông trường Tân Lập, Nông trường Nguyễn Văn Phùng rồi vận động nhân dân các huyện về khai hoang. Biết bao nhiêu công sức bỏ ra phát cỏ, đào gốc tràm, vỡ đất nhưng trồng chuối, chuối chết; trồng lúa, lúa chẳng sống nổi. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy cho chủ trương đào tiếp kinh Trương Văn Sanh song song và cách kinh 500 khoảng 5km. Hàng ngàn người tiếp tục được huy động đào kinh. Một năm sau, kinh Trương Văn Sanh hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang bắt đầu chuyển mình.
Chương trình khai hoang vùng đất này vẫn diễn ra liên tục, nhưng do thiếu lực lượng lao động, thiếu phương tiện cơ giới và khoa học kỹ thuật nên tiến độ khai hoang diễn ra chậm, hiệu quả thấp. Đời sống của người đi lập nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều người không chịu nổi gian khổ bỏ về quê cũ hoặc đi nơi khác làm ăn. Đồng chí Võ Văn Kiệt đến thăm và ở đêm tại nông trường Tân Lập. Tại đây đồng chí gặp, hỏi thăm công việc làm ăn và tìm hiểu điều mong ước của mọi người. Tất cả đều mong muốn có nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất. Ngay sau đó, tháng 5-1983, Chương trình khoa học "Điều tra cơ bản tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long" được thành lập trong hệ thống chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm cấp nhà nước chính thức ra đời để phục vụ khai phá vùng Đồng Tháp Mười.
Có thể nói bắt đầu từ đây, Chính phủ chính thức tập trung nghiên cứu, đầu tư khai hoang Đồng Tháp Mười. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã thường xuyên về đây cùng các nhà khoa học khảo sát và chỉ đạo sát sao việc khai hoang. Nước ngọt dẫn tới đâu, người dân tụ họp về hai bên bờ kinh cất nhà, khai hoang tới đó và đã xuất hiện nhiều nhân tố điển hình sản xuất có hiệu quả. Tuy nhiên, cuộc sống và sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Khi đồng chí Võ Văn Kiệt đến Tiền Giang biết chuyện về ông Hai Bắc (xã Tân Hòa Đông) người trồng khoai mỡ thành công trên vùng đất mới, đồng chí đề nghị địa phương nhân điển hình, học tập cùng làm giàu chính đáng. Đồng chí Võ Văn Kiệt là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước thường xuyên đến vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang làm việc, chỉ đạo công việc cụ thể, như đê bao, thủy lợi, giữ lớp đất mặt để trồng trọt, giữ rừng tràm để bảo vệ môi trường sinh thái... Đồng chí khẳng định: Công việc tuy khó khăn, nhưng chúng ta nhất quyết phải thực hiện cuộc khai phá này. Vì đây sẽ là vựa lúa của cả nước. Trong cuộc họp với lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang bàn về biện pháp khai thác vùng đất này, trước nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí Võ Văn Kiệt kết luận: "Chúng ta phải làm, nếu có mất thì chỉ mất một phần của ba tỉnh, nếu thành công thì có lợi cho cả nước".
Sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt và sự hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch nhằm khôi phục và cải tạo nền kinh tế, trong đó vấn đề được quan tâm là khai hoang vùng Đồng Tháp Mười. Toàn vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang đã hình thành 7 nông, lâm trường, xí nghiệp; 10 đơn vị trạm, trại với 7 xã thuộc 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành. Toàn tỉnh tập trung huy động toàn bộ lực lượng lao động cán bộ và nhân dân, với hàng triệu ngày công lao động xã hội chủ nghĩa và lao động nghĩa vụ để đào kinh, đắp đường, vỡ đất khai hoang.
Mặc dù tập trung hết sức để khai hoang, song do chưa có dự án khả thi, chưa có công trình nghiên cứu khoa học về giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, thiếu phương tiện cơ giới, nhân dân chưa có kinh nghiệm canh tác trên vùng đất phèn, nên kết quả còn hạn chế. Hoạt động của các nông, lâm trường chưa đạt hiệu quả cao. Tuy vậy, kết quả bước đầu trong giai đoạn này cũng khẳng định vùng Đồng Tháp Mười không phải là "vùng đất chết" mà là vùng đất đầy tiềm năng về nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Năm 1987, trên cơ sở thực hiện Chỉ thị 74/CP về việc "phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười trong kế hoạch 1988-1990" của Hội đồng bộ trưởng với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang có bước phát triển quan trọng, tạo nền tảng cho chương trình di dân, giao đất khai hoang lập nghiệp. Trên cơ sở các dự án hoàn chỉnh, có cơ sở khoa học được nghiệm thu đưa vào thực nghiệm, được Nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bằng nhiều hình thức và bước đi thích hợp tạo đột phá quan trọng trong quá trình khai hoang. Lúc này, các nông, lâm trường hoạt động kém phải giải thể, để thực hiện chủ trương cấp đất lâu dài cho hộ nông dân định cư đầu tư sản xuất.
Với tiềm năng to lớn vùng Đồng Tháp Mười, việc thành lập một đơn vị hành chính cấp huyện nơi đây để trực tiếp lãnh đạo, điều hành việc khai thác, phục vụ phát triển kinh tế xã hội là khoa học và khách quan. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thống nhất đề nghị thành lập huyện Tân Phước và được Chính phủ chấp thuận.
Ngày 11/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 68/CP về việc thành lập huyện Tân Phước thuộc tỉnh Tiền Giang. Huyện Tân Phước có 32.992 ha; 42.031 nhân khẩu; 13 đơn vị (1 thị trấn, 12 xã). Ngày 27/8/1994, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Nghị định 68/CP của Chính phủ về việc thành lập huyện Tân Phước. Đây cũng là cơ sở lãnh đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên vùng đất mới. Sự ra đời của huyện Tân Phước có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt. Ngay từ những năm cuối thập niên 1980, đồng chí đã gợi ý về việc này và thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình chuẩn bị của địa phương, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh Tiền Giang về thủ tục thành lập huyện mới Tân Phước để đẩy mạnh khai thác vùng Đồng Tháp Mười.
Những ngày đầu mới thành lập huyện, diện tích đưa vào sản xuất khoảng 15.000 ha, chủ yếu là lúa (1 vụ), mía, khóm, khoai mỡ... năng suất thấp. 15.000 ha còn lại chưa được khai hoang. Cơ sở hạ tầng thấp kém, hệ thống giao thông chỉ có 2 tuyến chính là tỉnh lộ 865 và 867, các tuyến đường huyện, xã còn thô sơ.
Trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học, đường điện chỉ có ở 7 xã nhưng chưa hoàn chỉnh, 6 xã còn lại bắt đầu làm mới hoàn toàn. Bộ máy cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến xã... thiếu và yếu; trình độ dân trí thấp, cuộc sống người dân chưa ổn định, mức sống thấp, hộ nghèo chiếm 45%, hộ đói thường xuyên chiếm 5%.
Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, huyện Tân Phước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đánh thức và khai thác đúng mức tiềm năng của vùng đất vốn ngủ yên hàng ngàn năm. Trên cơ sở xác định đúng đắn cơ cấu kinh tế: nông, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, Đảng bộ huyện Tân Phước lãnh đạo nhân dân tiến công trên mọi mặt đưa tổng thu nhập quốc dân hàng năm đều tăng, nổi bật là thực hiện thắng lợi chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, hoàn thành cơ bản mục tiêu khai hoang, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ phong trào cách mạng của quần chúng xuất hiện nhiều mô hình, điển hình nhân tố mới được tôn vinh, ghi nhận công lao vươn lên làm giàu cho gia đình và cộng đồng. Giờ đây, nơi này trở thành vùng sản xuất lúa ba vụ với 5.300 ha, vùng trồng khóm phục vụ chế biến xuất khẩu với hơn 12.000 ha, còn lại là diện tích rừng tràm sinh thái.
Hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị 74/CP, huyện Tân Phước tạo sự chuyển biến vượt bậc như một cuộc cách mạng mà bao đời nay chưa làm được ở vùng Đồng Tháp Mười; những bài học kinh nghiệm được rút ra từ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang vẫn còn nguyên giá trị. Khai thác vùng Đồng Tháp Mười là chủ trương đúng đắn có sự thống nhất cao giữa Trung ương và địa phương, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và được nhân dân đồng tình thực hiện. Có tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, được các Bộ, ngành chức năng đồng tình và chủ động thực hiện. Thủy lợi là mũi nhọn, nhưng xây dựng thủy lợi cần kết hợp hài hòa với phát triển giao thông, dân cư. Sống chung với lũ là khai thác triệt để mặt có lợi và hạn chế tối đa tác hại của lũ. Sản xuất cây trồng, vật nuôi phải giữ lớp đất mặt, ém phèn, lên liếp, làm đất, tưới tiêu hợp lý để giữ đất màu mỡ. Để nhân dân bám trụ phải xây dựng đồng bộ từ thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng xã hội đến thành lập đơn vị hành chính. Phát triển kinh tế xã hội phải có quan điểm toàn vùng, toàn diện và có hệ thống...
Thành tựu đạt được của huyện Tân Phước trong 2 thập niên qua chứng minh cho bài học thắng lợi của sức mạnh nội lực được khơi dậy đúng mức thông qua Nghị quyết, chính sách, giải pháp của Trung ương và Tỉnh ủy Tiền Giang hợp với lòng dân. Nhiều đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tuy chưa gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với đồng chí Võ Văn Kiệt, nhưng ai cũng trân trọng tình cảm và việc làm thiết thực của đồng chí với Tiền Giang. Có thể nói, trong mỗi bước tiến của vùng Đồng Tháp Mười - tỉnh Tiền Giang đều có sự quan tâm chỉ đạo, nhắc nhở của đồng chí Võ Văn Kiệt. Qua phong cách làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã học tập được rất nhiều về tư duy quan sát, quản lý, điều hành và phong cách làm việc khoa học. Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang ghi nhận sự đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ đã hỗ trợ về mọi mặt (vật chất lẫn tinh thần) để nhân dân Tiền Giang vững bước tiến công khai phá vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt - người đặt nền móng ban đầu cho công cuộc tái thiết và khai thác vùng Đồng Tháp Mười và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ TRẦN THẾ NGỌC
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang
Nguồn: Báo Ấp Bắc
Ý kiến bạn đọc