Tọa đàm khoa học: Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại

Đăng lúc: Thứ sáu - 30/11/2012 08:58
Sáng 29/11/2012, tọa đàm khoa học: “Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại” được tổ chức tại Viện Văn học (số 20 Lý Thái Tổ - Hà Nội). Tham dự tọa đàm có PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học (chủ trì) cùng các cán bộ công tác tại Viện Văn học; các nhà văn, nhà nghiên cứu LLPB; các dịch giả trong và ngoài nước; phóng viên và bạn đọc quan tâm.

Tọa đàm khoa học với chủ đề “Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại” nhận được khá nhiều sự quan tâm từ phía các nhà nghiên cứu LLPB văn học, tác giả (đặc biệt là các nhà văn nữ), bạn đọc và báo chí. Sau thời gian chuẩn bị, có 23 tham luận được gửi tới, trong đó tập trung bàn thảo một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn sáng tác văn học nữ đương đại. Trong chương trình làm việc buổi sáng, có 6 tham luận chọn trình bày và các ý kiến phản biện nêu lên những vấn đề cần được nghiên cứu một cách hệ thống và kỹ càng hơn.

 

Toàn cảnh tọa đàm

Khai mạc tọa đàm, Thạc sỹ Trần Thiện Khanh (Viện Văn học) đọc bản đề dẫn: “Kháng cự tình trạng mất tiếng nói” để “lên tiếng” về hai luận điểm chính: đó là “tiếng nói trong sáng tác” và “tiếng nói trong phê bình”. Từ những môtip đặc sắc trong văn học dân gian (về nhân vật nữ bị câm), Thạc sỹ Trần Thiện Khanh gợi mở vấn đề: hiện tượng người nữ bị câm và hành trình những tiếng nói nữ xuất hiện trở lại; và kết luận: “…Một khi văn học nữ quyền, nữ quyền luận và phê bình văn học nữ quyền ở Việt Nam được tiếp nhận rộng rãi, cởi mở hơn nữa, nó sẽ mở ra nhiều triển vọng sáng sủa trong việc hình thành một thứ mỹ học mới, một sự “giải các thiết chế phổ biến” trong đọc văn, sáng tác văn học… Đó cũng chính là những thách thức lớn đối với các cách đọc văn học lâu nay.”

 

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân trình bày tham luận

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân (Khoa Việt Nam học, trường Đại học Hà Nội) trình bày tham luận: “Xét lại” thế giới đàn ông bằng cái nhìn đàn bà”, trong đó nhấn mạnh: “….Ở Việt Nam, ý thức phái tính đã được manh nha hình thành trong lý luận phê bình văn học đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, phải từ năm 1986 trở đi, âm hưởng nữ quyền trong văn học mới thực sự được các nhà văn, nhà phê bình và độc giả chú ý. Các tác giả nữ đã dùng ngôn ngữ như một phương tiện hữu hiệu để tìm lối thoát, để “cởi trói” và để khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong nghệ thuật. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong tác phẩm của các nhà văn nữ thời gian gần đây ở cả nội dung và nghệ thuật, trong đó việc “xét lại” thế giới đàn ông bằng cái nhìn đàn bà là một biểu hiện cụ thể…. Đành rằng có thể là phiến diện khi người phụ nữ viết về đàn ông trong tác phẩm với cái nhìn đàn bà của mình, nhưng có một điều chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng rằng, những người phụ nữ đã bước qua khỏi nỗi ám ảnh về thân phận, về kiếp đàn bà bé mọn trong văn học truyền thống. Họ đã đứng lên đối diện với đàn ông, đi sâu tìm hiểu để “xét lại” bản chất của những người đàn ông mà xưa kia họ chỉ cỏ một mối quan tâm là phục tùng và dâng hiến. Hình ảnh người đàn ông bất toàn trong con mắt những người phụ nữ là sự thể hiện một phần âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại những năm gần đây.”

Thạc sỹ Lê Hương Thủy trình bày tham luận

Thạc sỹ Lê Hương Thủy (Viện Văn học) khẳng định: “Truyện ngắn nữ đã dần có “thương hiệu” với lập luận và dẫn chứng từ nhưng trường hợp cụ thể: “Những thập niên gần đây, con số các nhà văn nữ tăng lên đáng kể - một sự tăng lên đột biến với đông đảo các cây bút văn xuôi (nhất là truyện ngắn) có lối viết và giọng điệu khác nhau. Khuynh hướng “thiên nữ” hay “âm hưởng nữ quyền” đã được nói tới trong thực tiễn đời sống văn học Việt Nam đương đại. Điều này xuất phát từ thực tiễn sáng tác của các cây bút nữ. Những cây bút như Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh đã sớm thành danh với những giải thưởng trên các báo và tạp chí có uy tín cũng như giải thưởng của các hội nghề nghiệp. Quan trọng hơn sáng tác của họ đã tạo được dư luận, gây được sự chú ý của độc giả. Những năm đầu thiên niên kỷ mới, các cây bút nữ lại thêm một lần làm nóng văn đàn bởi sáng tác của những cây bút nữ trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu. Gần đây trên thị trường sách Việt Nam xuất hiện nhiều tập truyện ngắn mà phạm vi và tiêu chí lựa chọn của người làm sách, của nhà xuất bản là sáng tác của các cây bút nữ. Chẳng hạn nhưTruyện ngắn bốn cây bút nữ, Truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam, Truyện ngắn nữ văn nghệ quân đội, Truyện ngắn các tác giả nữ Hà Nội, Truyện ngắn nữ 2000 – 2006, Truyện ngắn nữ thập niên 90, Truyện ngắn chọn lọc 14 tác giả nữ, Truyện ngắn nữ chào thiên niên kỷ mới, Vũ điệu thân gầy - truyện ngắn 12 cây bút nữ, v.v và v.v. Không phải tất cả đều là những cuốn sách đọc được nhưng qua đó để thấy rằng, truyện ngắn nữ đã dần có “thương hiệu”.  Đây là dấu hiệu đáng chú ý dù rằng cùng với những thành tựu đáng ghi nhận sáng tác của họ cũng còn có nhiều vấn đề gây tranh cãi.”

Các cử tọa nữ tham dự tọa đàm

Trong số những tham luận gửi tới tọa đàm, bài viết “Ảnh hưởng của lí luận thân thể của Foucault  đối với chủ nghĩa nữ quyền” của Nguyễn Thị Minh Thương (Viện Văn học, ĐH Nhân Dân Trung Quốc) gây được sự chú ý với cách đặt vấn đề:  “Luận điểm chủ yếu trong lý luận thân thể của Foucault là sự vận hành của quyền lực trong xã hội thông qua thân thể con người. Ông cho rằng, giới tính không chỉ là thuộc tính bên trong của tự nhiên, mà còn là sản phẩm của quan hệ quyền lực đặc thù, chính những quan niệm, định kiến trong xã hội đã hình thành nên ý thức về vấn đề giới tính, tức là hình thành nên sự phân biệt đẳng cấp giữa đàn ông và đàn bà. Vì thế, thông qua vấn đề thân thể con người, có thể nhận ra dấu ấn của quyền lực xã hội, nhận ra sự phân chia đẳng cấp, nhận ra sự áp bức, sự thống trị của nam giới với nữ giới. Trong thời kì mẫu hệ, thân thể phụ nữ lại có uy quyền hơn thân thể đàn ông, nhưng trong chế độ phụ hệ, thì thân thể đàn ông lại có uy quyền với thân thể phụ nữ. Điều này cho thấy vấn đề "giới tính" là sản phẩm của quan hệ quyền lực. Chủ nghĩa nữ quyền căn cứ vào quan điểm của Foucault đã nhận ra: bản thân sinh lý, tự nhiên của đàn ông và đàn bà là không phân biệt đẳng cấp, nhưng chế độ chính trị, xã hội, quan niệm văn hóa, quan hệ quyền lực đã tạo nên sự bất bình đẳng về giới. Và trên cơ sở lý luận của Foucautl, chủ nghĩa nữ quyền cho rằng: bản thân người phụ nữ, với đặc điểm tự nhiên, hoàn toàn có thể có những thể nghiệm phong phú, thậm chí mãnh liệt và đa dạng. Quan điểm này đã cung cấp cho những người theo chủ nghĩa nữ quyền một khung lí luận để phân tích những thể nghiệm sinh tồn của phụ nữ tại sao lại đơn điệu nghèo nàn, phụ nữ vì sao lại bị ràng buộc bởi những áp chế của văn hóa truyền thống. … Những người theo chủ nghĩa nữ quyền cho rằng nam giới chiếm hữu ngôn ngữ nhân loại, dùng ngôn ngữ đem kẻ khác (bao gồm phụ nữ) khách thể hóa, để tiến hành khống chế với những người này. Nam giới dùng ngôn ngữ cướp quyền được nói của nữ giới, để được làm người nói thay. Cho nên những người theo chủ nghĩa nữ quyền Pháp chủ trương khai quật ngôn ngữ cắm rễ vào thân thể phụ nữ, đề xuất  chủ trương “phụ nữ nhất thiết tham gia viết, nhất thiết phải viết về chính mình, nhất thiết viết về phụ nữ”, cho rằng “cũng như cái thân thể bị truy đuổi của họ, phụ nữ luôn bị truy đuổi một cách bạo ngược trong lĩnh vực sáng tác”. Chủ trương mới này lần đầu tiên đem lập trường giới một cách sáng rõ vào trong văn bản, “lối viết thân thể” mà họ đề xướng đem đến cho sáng tác văn học và thực tiễn mỹ học của nửa cuối thể kỉ 20 những thay đổi cực lớn. Trong đó có ảnh hưởng nhất là Helene Cixous, Lucy Irigaray, Julia Kristeva….”

Tọa đàm “Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại” được tổ chức  trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa thiết thực: nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu viên trẻ; nhận diện – lý giải một hiện tượng văn học nổi bật trong đời sống văn chương những năm gần đây; đánh giá khách quan hiện tình và dịch thuật văn xuôi nữ trong bối cảnh Việt Nam đương đại… Và quan trọng hơn, đó là hướng tới một nền văn học Việt Nam phát triển toàn diện.


Phong Lan
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 185
  • Khách viếng thăm: 181
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 26058
  • Tháng hiện tại: 2470948
  • Tổng lượt truy cập: 48845075