Trúc Giang và giáo sư hướng dẫn.
Trúc Giang sở hữu khuôn mặt trắng trẻo, thư sinh với nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên môi. Giang cũng là "đầu têu" chọc cười mọi người trong những lần họp mặt Hội Việt Nam 2020 (Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore). Dù trong hoàn cảnh nào, Giang cũng luôn lạc quan, tươi cười. Vẻ "hồn nhiên" ấy của Giang khiến cho những ai mới tiếp xúc khó hình dung là anh đã sở hữu tấm bằng tiến sĩ Y sinh ở một trường ĐH danh giá của Singapore. Và cũng ít ai ngờ rằng, dù mới bước sang tuổi 27, nhưng Giang đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh người bản xứ ở Trường ĐH Công nghệ Nanyang. Giang từng tham dự và đọc 2 bài tham luận tại hội thảo khoa học ở Nhật Bản, 1 bài tham luận tại hội thảo khoa học ở Hàn Quốc, 3 bài tham luận tại hội thảo khoa học ở Mỹ. Ngoài ra, Giang còn đứng tên 5 bài báo đăng trên 2 tạp chí khoa học Biological Chemistry và Angewandte Chemie.
Là cựu học sinh chuyên Hóa của Trường THPT Chuyên Tiền Giang (khóa 2000 - 2003), với thành tích học tập nổi trội, Giang được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với ước mơ được "thử thách lớn" và "trải nghiệm thú vị", nên Giang đã đăng ký dự thi vào Trường ĐH Quốc Gia Singapore, chuyên ngành Hóa và ĐH Công nghệ Nanyang, chuyên ngành Y sinh. Kết quả thật bất ngờ, Giang đỗ cả 2 trường. Giang chọn học ngành Y sinh của Trường ĐH Công nghệ Nanyang, vì "Từ nhỏ em đã có đam mê về lĩnh vực này, nó có thể giúp chữa bệnh cho hàng triệu người trên thế giới" - Giang chia sẻ.
Nhắc đến cậu con trai út hiếu học, mẹ Giang - cô Nguyễn Thị Lang tự hào: 12 năm liền Giang luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và xuất sắc. Những năm còn học tiểu học và THCS, Giang đều xem bài trước khi đến lớp. Bài tập nào không hiểu, Giang kêu mẹ chỉ để vào lớp xung phong trả lời. Giang không đi học thêm mà tự học là chính, tự lên thời khóa biểu học tập và tuân thủ rất nghiêm túc, không cần ai nhắc nhở. Giang không quan tâm đến hình thức bên ngoài. Giang tự nhận phần lớn thời gian đều dành cho việc học tập, nghiên cứu, nhưng hễ chơi là chơi hết mình.
Để tiết kiệm chi phí học tập và sớm ra trường, năm cuối ĐH, Giang đăng ký học chương trình vượt cấp, hoàn tất khóa học chỉ trong 3,5 năm thay vì 4 năm. Đó là khoảng thời gian đầy vất vả, mỗi ngày Giang phải học từ 9 giờ sáng cho đến 2 giờ đêm, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Giang sụt mất 8 kg, phải nhập viện vì suy kiệt. Đổi lại, Giang tốt nghiệp đại học (cuối năm 2006) với tấm bằng ưu hạng nhất, được Trường ĐH Công nghệ Nanyang cấp học bổng học thẳng lên tiến sĩ, chuyên ngành Y sinh. Khi ấy Giang mới 20 tuổi. Giang chia sẻ về kết quả học tập luôn đạt loại ưu của mình: Không có khó khăn nào là không thể vượt qua bằng sự nỗ lực và phấn đấu của bản thân.
Bước sang tuổi 21, Giang bắt đầu làm nghiên cứu sinh. Sau 4 năm miệt mài trong phòng thí nghiệm, đến năm 2011, Giang bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, với đề tài "Nghiên cứu về hoạt tính sinh học của protein mạch vòng (cyclotides) trong cây thuốc và ứng dụng trong y học". Theo quy định của trường, để được phong hàm Giáo sư thì phải có ít nhất 15 công trình nghiên cứu khoa học. Vì vậy, Giang đang nỗ lực nghiên cứu và viết để gởi công bố trên các tạp chí khoa học. Hiện tại Giang đang hoàn thiện 3 bản thảo về các công trình nghiên cứu khoa học, chuẩn bị gởi cho các tạp chí.
* Đam mê nghiên cứu
Mẹ là dược sĩ, cha và chị gái là bác sĩ, nên từ nhỏ, Giang đã được làm quen với các loại thuốc. Do đó, niềm đam mê nghiên cứu để bào chế y dược, giúp chữa bệnh cho mọi người dần lớn lên trong cậu học trò hiếu học Trúc Giang. Rồi khi được tiếp cận với khoa học, Giang lại đau đáu nghĩ đến việc hiện nay có nhiều siêu vi khuẩn kháng thuốc đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người trên thế giới. Vì vậy, khi vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ, Giang bắt tay ngay vào thực hiện nghiên cứu thuốc kháng khuẩn thế hệ mới. Giang giải thích: Đây là vấn đề rất cấp bách, vì hàng năm có hàng triệu người chết vì khuẩn kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đã nhiều lần kêu gọi khoa học gia trên toàn thế giới đóng góp công sức để tìm ra giải pháp, cho nên em nghĩ nghiên cứu để bào chế thuốc kháng khuẩn thế hệ mới là một việc làm có ý nghĩa lớn. Nếu thành công thì có thể giúp đỡ được nhiều người. Đó là niềm vui và cũng là động lực để em phấn đấu nghiên cứu.
Giang nhớ lại: Thời gian đầu nghiên cứu, Giang chỉ thử nghiệm trên những chủng vi khuẩn vô hại. Sau khi có được những thành công bước đầu, Giang mạnh dạn liên hệ với Bệnh viện Quốc gia Singapore để thu thập 6 loại siêu vi khuẩn kháng thuốc khác để nghiên cứu. Đây là 6 loại vi khuẩn gây ra hơn 2/3 số ca nhiễm trùng toàn cầu và có tỷ lệ tử vong rất cao. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy những hợp chất Giang đang nghiên cứu có thể tiêu diệt siêu vi khuẩn như: MRSA (khuẩn tụ cầu vàng đa kháng thuốc), VRE (khuẩn cầu ruột kháng Vancomycin), hay siêu vi khuẩn NDM-1 (kháng hầu hết các loại kháng sinh thông dụng)... Giang chia sẻ: "Làm việc với vi khuẩn nguy hiểm như vậy, thời gian đầu em cũng lo lắm. Có một lần em bị cảm trong lúc làm việc, sợ bị nhiễm khuẩn nên em đem mấy chuẩn đang nuôi cấy đi tiêu hủy. Sau khi hết bệnh thì lại lăn vào làm tiếp". Hiện nay, Giang đang có 2 dự án hợp tác nghiên cứu (Bệnh viện Quốc gia Singapore và Trường Công nghệ Y sinh của ĐH Công nghệ Nanyang), với 64 loại vi khuẩn.
Ước mơ lớn nhất của Giang là thành lập một doanh nghiệp và có thể giúp đỡ được nhiều người trong xã hội, nhất là giúp cho những học sinh, sinh viên nghèo có thể chắp cánh ước mơ. Giang luôn tự nhủ lòng: Để làm được một điều gì đó lớn lao hơn cho xã hội, cho đất nước thì mình còn phải nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn nữa...
Hiện tại, Nguyễn Kiến Trúc Giang đang hướng dẫn 7 sinh viên gồm có 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 4 sinh viên nằm trong tốp 5% của trường và 1 làm luận văn tốt nghiệp. Cả 7 sinh viên hiện tại đều là người bản xứ. Giang cũng đã từng hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp cho Lưu Thanh Thủy (2 lần đoạt Huy chương đồng Sinh học quốc tế năm 2005 và 2006, hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Thụy Điển), Nguyễn Thị Kim Ngân (Huy chương bạc Sinh học quốc tế năm 2005, hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ chương trình SMART liên kết giữa Singapore và MIT) và Lý Phương Thảo (hiện đang năm 3 ĐH, nằm trong tốp 1% của khóa).
Trước bối cảnh nhiều bạn trẻ có trình độ, năng lực sau khi du học thì ở lại nước ngoài làm việc, trong khi đất nước đang rất cần họ. Trao đổi vấn đề này, Trúc Giang chia sẻ: "Em nghĩ khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, em sẽ về Việt Nam, hoặc sẽ tổ chức hợp tác nghiên cứu giữa Singapore và Việt Nam. Hiện tại vẫn còn rất nhiều thứ để phải học hỏi, nên em quyết định ở lại Singapore làm việc, vì ở đây điều kiện làm việc tốt hơn. Em nghĩ phần lớn là do điều kiện làm việc ở Việt Nam còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, Việt Nam chưa có nhiều chính sách đãi ngộ thỏa đáng để sinh viên du học về nước. Nếu có thể đảm bảo được một cuộc sống tương đối và không phải lo nghĩ nhiều về cơm áo gạo tiền và đặc biệt là môi trường làm việc với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, em nghĩ nhiều người sẽ sẵn lòng về Việt Nam phục vụ cho Tổ quốc.
Singapore khá tập trung đầu tư về mặt giáo dục. Singapore có 2 ĐH lớn có thứ hạng cao trên thế giới là ĐH Quốc gia Singapore (NUS) và ĐH Công nghệ Nanyang (NTU). Họ tập trung khá nhiều về mặt khoa học ứng dụng. Trong khi đó, ĐH ở Việt Nam dạy nền tảng lý thuyết khá vững, nhưng về mặt thực hành thì còn phải cải tiến nhiều".
Trúc Giang sở hữu một thành tích học tập mà bất kỳ bạn trẻ nào cũng mơ ước: - Lớp 9: Giải Nhất tỉnh môn Hóa - Lớp 10: Huy chương Vàng Olympic Lê Hồng Phong 30-4, giải "High Distinction" Hóa Hoàng Gia Úc. - Lớp 11 đạt 4 giải thưởng: Huy chương Bạc Olympic Lê Hồng Phong 30-4, giải "High Distinction" Hóa Hoàng Gia Úc, giải Nhất tỉnh môn Hóa, giải Nhì Hóa học trong cuộc thi học sinh giỏi cấp Quốc gia. |
Ý kiến bạn đọc