Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhanh: Tiếng hát cất lên từ trái tim của người nghệ sĩ - chiến sĩ

Đăng lúc: Thứ hai - 23/07/2012 08:29

Từ một cô bé "mê mẩn" với các bài bản, làn điệu của bộ môn nghệ thuật cải lương, Thanh Nhanh nhanh chóng được phát hiện, bồi dưỡng để trở thành nghệ sĩ phục vụ cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, tiếng hát của cô vẫn vút lên trên khắp các chiến trường miền Nam, cổ vũ tinh thần hăng say chiến đấu của bộ đội.

Từ một cô bé mê cải lương

Ngay từ nhỏ, những bài vọng cổ, các vở cải lương được phát trên đài phát thanh, đĩa nhựa... cô bé Thanh Nhanh đều thuộc lòng. Từ đó, cô đã bị cải lương mê hoặc từ lúc nào cũng không biết. Các đoàn cải lương về Long Tiên (Cai Lậy) hát, thấy nhà của gia đình Thanh Nhanh rộng nên họ xin ở nhờ. Vì vậy, cô bé Thanh Nhanh có dịp được xem hát miễn phí. Họ hát tuồng nào, Thanh Nhanh thuộc hết tuồng đó. Gánh hát đi, Thanh Nhanh rủ các bạn cùng trang lứa ở xóm đến nhà để hát cải lương. Khu vườn sau nhà trở thành "sân khấu" của những cô cậu nhỏ đam mê cải lương. Khi Đội Văn nghệ Măng non của xã Long Tiên được thành lập, Thanh Nhanh trở thành một trong những "diễn viên" đầu tiên của đội.

Đội thường xuyên đi biểu diễn văn nghệ trong và ngoài xã để phục vụ bà con. Có lần các cô, cậu bé của đội biểu diễn xong vừa rút đi thì địch pháo kích. Biết nguy hiểm, nhưng cha Thanh Nhanh vẫn động viên cô đi để trả thù cho người chú vừa hy sinh. Chú ruột của Thanh Nhanh là nghệ sĩ Ái Dân, Đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho, là người đầu tiên phát hiện và dìu dắt Thanh Nhanh vào nghệ thuật. Lúc ấy cô chỉ mới 10 tuổi. Hai năm sau, nhạc sĩ Vũ Thành rút Thanh Nhanh về Đoàn Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam (nhạc sĩ Xuân Hồng làm Trưởng đoàn). Cái ngày 23/11/1963 ấy thực sự là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời nghệ sĩ Thanh Nhanh mà đến giờ cô vẫn không thể quên.

"Tiếng hát át tiếng bom"

Là diễn viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn nên Thanh Nhanh rất được mọi người yêu mến, nhưng cô vẫn hay khóc vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ và các em. Vừa về Đoàn Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam, Thanh Nhanh được giao vai Em bé giao liên trong vở kịch "Ống mồi câu" (tác giả, đạo diễn Huyền Thương). Chưa kịp qua các khóa học diễn viên, lại phải diễn một vai "nặng ký", Thanh Nhanh đã được "đào tạo cấp tốc" về chuyên môn để hoàn thành vai diễn. Nhờ có năng khiếu, Thanh Nhanh đã để lại trong lòng các chiến sĩ Quân giải phóng về vai diễn thiếu niên đầu tiên của mình đầy ấn tượng khó quên.

Sau thành công vai diễn Em bé giao liên, Thanh Nhanh được "thử sức" tiếp vai em bé trong vở ca kịch 1 màn "Hai vết thương". Một lần nữa, Thanh Nhanh đã vào vai em bé ấy với nhiều xúc cảm, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng các chiến sĩ trên các chiến trường. Tiếp theo, Thanh Nhanh cùng nghệ sĩ Thành Điển thể hiện bài vọng cổ "Quyết giữ màu xanh đất mẹ" trên sân khấu Đoàn Văn công Quân đội, trong dịp Đại hội dân quân toàn miền. Không ngờ bài ca cổ đầu tiên ấy lại thành công ngoài sức tưởng tượng. Khán giả cứ nhiệt liệt vỗ tay hết đợt này đến đợt khác. Từ đó, lời ca, tiếng hát cùng tên tuổi của Thanh Nhanh ngân vang mãi trong lòng các anh bộ đội trên khắp các chiến trường miền Nam.

Năm 1972, cô được cử ra Bắc học Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Cuộc hành trình băng rừng, vượt suối, trèo đèo của cô phải mất ba tháng rưỡi mới đến được Thủ đô Hà Nội, dưới mưa bom của giặc Mỹ trên khắp dãy Trường Sơn và miền Bắc Việt Nam. Trong giai đoạn này, tiếng hát của nghệ sĩ Thanh Nhanh đã được thu và phát liên tục trên Đài Phát thanh giải phóng để phục vụ cho bộ đội ngoài chiến trường. Hàng loạt bài ca cổ như: Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Hương sen Đồng Tháp, Đêm vành đai nhớ chị (viết về chị Lê Thị Hồng Gấm), Tiếng hát với cung đàn đã được Thanh Nhanh song ca cùng NSUT Thành Điển, Thanh Hùng, Thanh Vũ... đã hun đúc thêm tinh thần "quyết chiến quyết thắng" của bộ đội trên khắp chiến trường. Đến năm 1973, Thanh Nhanh vượt Trường Sơn, trở về chiến trường xưa để tiếp tục đem lời ca, tiếng hát phục vụ cho bộ đội.

Vang mãi lời ca

Sau giải phóng, Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam được chia thành hai bộ phận. Thanh Nhanh về Đoàn Quân khu 9. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, Thanh Nhanh lên đường phục vụ chiến trường Tây Nam. Có những lần hành quân sang đất bạn Campuchia, cả đoàn bị địch tập kích, xe đổ đèo đứt thắng, nhưng cô và anh em nghệ sĩ đã may mắn thoát chết thần kỳ. Ở Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9, nhiều vai diễn của cô đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả mộ điệu cải lương, như vai Kham La trong vở Mưa nguồn, vai Liên trong vở Mùa bông tràm... Đặc biệt, vai Hiếu trong vở cải lương Hai dòng nước (soạn giả Ngô Hồng Khanh) đã giúp cô đoạt 2 Huy chương vàng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quân và Hội diễn toàn quốc. Cũng trong thời gian này, nhiều bài ca cổ ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi cuộc cách mạng của dân tộc, cổ vũ phong trào thi đua lao động, sản xuất được cô thể hiện thành công với những giọng ca nam tên tuổi: Thanh Tuấn, Thanh Sang, Hoài Thanh, với những bài ca như: Dòng kinh năm cũ, Tiếng hát Trường Sơn, Mùa vú sữa...

Đến cuối năm 1985, trong chuyến đi quay hình cho Đài Truyền hình Cần Thơ, xe bị lật, cô bị chấn thương nặng. Sau khi bình phục, cô quyết định chia tay với ánh đèn sân khấu để ở nhà chăm sóc 2 cô con gái, vun vén gia đình cho chồng an tâm công tác (chồng cô là soạn giả Ngô Hồng Khanh, nguyên Giám đốc Sở VH-TT Cần Thơ, nguyên Vụ Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương). Đến hôm nay, ngồi nhớ lại chuyện cũ, cô thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn. Hai người con gái của cô có bàn tay mẹ chăm sóc nên đã được học hành đến nơi đến chốn, hiện con gái lớn là cán bộ Sở VH-TT&DL TP. Hồ Chí Minh, cô con gái út làm việc cho một tập đoàn nước ngoài.

Ghi nhận sự đóng góp của Thanh Nhanh trên mặt trận văn hóa - văn nghệ, năm 1990, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho cô như sự tri ân giọng ca của một thời "tiếng hát át tiếng bom... Dù đã hơn 26 năm Thanh Nhanh không còn xuất hiện trên sân khấu, nhưng lời ca, tiếng hát của cô vẫn còn vang mãi trong lòng những người mộ điệu, nhất là đối với các thế hệ tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nguyên Võ
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Thanh Nhanh

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 194
  • Khách viếng thăm: 191
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 41359
  • Tháng hiện tại: 2273909
  • Tổng lượt truy cập: 46241142