Thời gian đã thực sự cuốn trôi tất cả những gì tôi từng trải, đồng thời cũng tạo nên lớp phủ vô tình vùi lấp để không một lần nào ngoái lại, đến khi mái tóc chớm bạc trên đầu mới chợt nhận ra bao điều quý giá vẫn còn hiện diện trong ký ức sâu thẳm từ lâu.
Như vậy là thời thơ ấu, tôi được chứng kiến cảnh gia đình với nghề dạy chữ, bốc thuốc. Cha tôi có lẽ là một trong số ít ỏi những nhà nho còn tồn tại được ở vùng ven thời ấy, cũng bởi đó là sự nghiệp truyền lại từ đời của ông tôi.
Dạy chữ không đòi hỏi nhiều phương tiện, chỉ cần bàn ghế trong nhà là được. Học viên cũng không đông, thường xuyên khoảng mươi, mười lăm người cho một buổi “nghe sách”.
Người học xa gần cũng có, còn nhớ một số như anh Thái, anh Bé Ba, anh Triển… từ Thanh Bình, Ông Văn, Chợ Gạo lặn lội đến trọ học, tự nấu cơm ăn. Học viên các phòng thuốc đông y thành phố Mỹ Tho của thầy Tư Giao, thầy Hồ Duy Thiệt… và một số người Hoa buôn bán tại chợ cũng tìm đến như chú Sáu Từ, chú Tám Chức, chú Năm Tải...
Đó là lớp học dành cho người lớn, với nhiều trình độ, diễn ra vào những buổi sáng. Đến giờ “nghe sách” con nít không được bén mảng vào, nhưng tôi vẫn thấy được sách chữ Nho, bút lông, nghiên mực... lời giảng của ba tôi sang sảng, giải thích tỉ mỉ, đôi lúc thi hứng giữa thời buổi nho sinh đi học không phải để
làm quan.
Học viên chăm chú lặng lẽ huơ bút lông, mực tàu trên mặt giấy của những quyển tập được đóng riêng với các trang mỏng gấp đôi để có thể lót tấm kẻ ô vuông bên trong, căn cứ vào đó chữ viết được ngay ngắn.
“Tiểu miêu”
“Tam chích”
“Tứ chích” ...
Đó là những bài vỡ lòng đầu tiên dành cho học viên mới làm quen mặt chữ đọc và viết.
“Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu,
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu”...
Ở trình độ cao hơn có thể “nghe” đến Kinh Thi cùng nhiều sách rối rắm khác, tôi chẳng quan tâm.
Ngoài việc dạy chữ, nghe sách, ba tôi còn là thầy bốc thuốc chữa trị bệnh được nhiều người biết đến.
Một chiếc tủ lớn với nhiều ngăn hộc cùng vật dụng khác phục vụ chuyên môn là nơi làm việc hàng ngày của ba. Mỗi khi nhà vắng, bầy con nít hay nhắc ghế lục lọi các ngăn tủ một cách thích thú để tìm kiếm. Táo tàu, nhãn nhục là thứ được ưa chuộng nhất vì ngọt ngon, quế chi cay nồng nồng, sa nhân cay cay cũng nếm, đôi lúc còn nhắm thử đương quy, trò chọc phá thì có khi dùng đỗ trọng thả lòng thòng như da rắn, hay chất “xi-pin” làm cho ai nấy nhảy mũi liên hồi không ngớt.
Cũng lạ, thuốc toàn là thảo mộc vậy mà trị được nhiều thứ bệnh. Bệnh nhân đến đều tỏ ra tin tưởng ở thầy và ba tôi lúc nào cũng thành khẩn trong việc điều trị bệnh cho
bà con.
Đầu tiên là chăm chú “nghe mạch” ở cả hai tay, trên cơ sở đó ba tôi đoán bệnh cùng những triệu chứng của từng người để bệnh nhân tự xác nhận rồi mới bốc thuốc.
Rõ ràng “nghe mạch” là kỹ thuật thần diệu, không tốn kém nhưng hiệu quả tuyệt vời, nhất là chẳng những đoán được căn bệnh mà còn biết được cả việc có thai nhi chỉ qua nhịp mạch đập trên cổ tay.
Một lần không kềm được tò mò tôi nằn nì xin thử “nghe mạch” của một bệnh nhân quen, nhưng thật thất vọng, có “nghe” cũng bằng không, chẳng hề thấy mạch nào cả, được cái là nhận một tràng cười thích thú của vị khách.
Ngoài bốc thuốc, nhà tôi còn làm được thuốc tễ. Đó là loại thuốc viên màu đen, to bằng viên bi như Thập toàn đại bổ, kiện tỳ... dùng cho trường phục. Làm thuốc tễ thì tốn công phu nhưng chỉ với phương pháp thủ công.
Lúc ấy vào khoảng mười hai tuổi, tôi rất sẵn sàng phụ việc nhà cùng người lớn ngoài công việc học tập ở trường.
Toa thuốc tễ sau khi được hốt xong phải đem phơi thật khô rồi qua công đoạn tán nhuyễn.
Bàn tán bằng sắt hình dạng như chiếc thuyền nhọn đáy dùng với bánh lăn sắt có cán gỗ dài ở hai bên. Người sử dụng đứng chân trên hai cán ấy và xích đu qua lại để cán thuốc, đây là một trò ngộ nghĩnh mà tôi học được rất nhanh.
Tán thuốc phải kiên nhẫn đến khi thấy vụn nhuyễn mới đem rây để được thứ bột thật mịn, phần còn lại tiếp tục tán cho kỳ hết mới thôi. Sau đó còn phải thắng mật ong thật keo, trộn bột thuốc vào rồi nhào nặn để tất cả thành một khối dẻo đặc quánh sẵn sàng cho việc vò viên...
Những quy trình bào chế như thế này ở trong nhà hầu như ai cũng biết, còn nghe nói thời của ông tôi có lúc phải tìm mua gạc hươu nai về chẻ ra nấu để tạo được loại cao tốt nhất dùng trong việc chữa bệnh.
Vậy đó, tôi đã nhớ được nhiều thứ trong gia đình mình từ những ngày còn bé nhỏ. Hồi ấy, cũng không ít lần tôi tự hứa khi lớn lên sẽ phải nắm vững được kiến thức về chữ nghĩa cũng như tài “nghe mạch”, làm thuốc của cha, người đã luôn điềm đạm, lạc quan không chút ồn ào vội vã.
Nhưng nào có ai đoán trước được điều gì khi cuộc sống của con người luôn hãy còn nhiều biến cố.
Lớn lên tôi đi làm xa, nhà cửa phải mấy lần dời dạt trong chiến cuộc, cha mẹ già còn gánh vác thêm bao công việc khác để cưu mang gia đình trong những năm tháng gian khổ ấy.
Ngày ba mẹ lần lượt qua đời tôi hiểu rằng mình đã phải hụt hẫng như thế nào. Giữa cuộc đời, tôi đâu có khả năng để còn giữ được bao nề nếp văn hóa gia đình từng nuôi dưỡng mình lớn lên và hạnh phúc. Vốn liếng chữ Hán sơ sài ở đại học không thể giúp tôi giải mã được kho tàng sách vở còn đầy trong tủ. Việc mơ ước sở hữu điều tinh diệu về “nghe mạch” làm thuốc của ba cũng sẽ mãi mãi chìm trong ước mơ còn đó. Tất cả trọn vẹn ra đi theo các bậc sinh thành như một giấc chiêm bao.
Cuộc hẹn tìm về khu vườn xưa với nếp Nho phong, với tiếng giảng bài của cha trong buổi sáng, với âm thanh đâm, tán thuốc, cùng mùi thơm phảng phất của hương nhu, quế khâu... như còn hiển hiện ngay trước mắt của mình, nhưng sao lại xa thăm thẳm quá.
Khi nào mới được trở về nơi ấy? Điều đó là không thể, bởi tất cả đều chìm sâu trong ký ức một đời người, dù chỉ là với ước mơ viễn tưởng cũng sâu lắng tận đáy lòng mình một niềm hạnh phúc vô biên.
Ý kiến bạn đọc