Vĩnh biệt nhà thơ Lê Hà!

Đăng lúc: Thứ tư - 19/11/2008 13:51
Nhà thơ Lê Hà trong lễ mừng thượng thọ 80 tuổi

Nhà thơ Lê Hà trong lễ mừng thượng thọ 80 tuổi

Tại các buổi lễ kỷ niệm những ngày trọng đại ở Tiền Giang, sau quốc ca, nhạc mặc niệm tử sĩ, là bài “Ta lớn lên từ đất này” (Nhạc Phạm Tuyên, thơ Lê Hà).
Chỉ trong một bài hát đã khắc họa cả quá trình chiến đấu chống ngoại xâm của quân dân Tiền Giang: Đất này vang Rạch Gầm Xoài mút. Đất này lừng khởi nghĩa bốn mươi. Đất này Giồng Dứa lừng danh tiếng. Đất nầy Ấp Bắc phất cao cờ… Lời thơ xuất phát từ trái tim và những giai điệu rộn rã hào hùng ấy mãi mãi là niềm tự hào những người Tiền Giang. Có thể nói đây là một trong những bài hát hay và có ý nghĩa nhất viết về Tiền Giang.

Nhà thơ Lê Hà sinh ngày 15 tháng 3 năm 1924 tại xã Hòa Trị, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Lúc nhỏ học ở Tuy Hòa, Qui Nhơn, Huế, sau vào Sài Gòn học sư phạm, rồi về dạy học ở Hà Tiên, tại đây ông giác ngộ cách mạng, tham gia khởi nghĩa tháng 8/1945, rồi kháng chiến chống Pháp ở Bến Tre.

Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở báo Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam (phụ trách mục Tiếng Thơ). Năm 1966, vượt Trường Sơn vào Nam, ông công tác ở thông tấn Báo chí chiến trường Trung Nam bộ, tham gia Văn nghệ Giải Phóng miền Nam VN.

Sau 30/4/1975 về Tiền Giang công tác ở báo Ấp Bắc, Hội Văn học Nghệ thuật, Nhà xuất bản Tổng hợp Tiền Giang cho đến lúc nghỉ hưu về quê vợ ở xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre.

Tám mươi bốn mùa xuân, nhà thơ đã đi qua những chặng đường gian truân, hào hùng của dân tộc. Những chặng đường đã để lại cho nhà thơ những Hương Sen (do Văn nghệ Giải phóng xuất bản năm 1973), Lời tình tôi viết (Nhà xuất bản Tổng hợp Tiền Giang năm 1989), Một trăm mùa xuân và Chiều cẩm Sơn, sáng Mỹ Tho (Nhà xuất bản Tổng hợp TG 1990), Tường Vi (Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu xuất bản năm 2001), Bông Sen (Hội VHNT TG 1998, Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu tái bản 2001).

Nhà thơ Lê Hà còn là một trong những người sáng lập ra Hội VHNT TG (nguyên là phó chủ tịch Hội), là nhà báo năng nổ trong những ngày đầu báo Ấp Bắc hoạt động sôi nổi phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh giai đoạn đầu đất nước hoàn toàn giải phóng.

Ở cương vị quản lý hay là người sáng tác, ông luôn đem hết nhiệt tình và tâm huyết hoàn thành tốt trách nhiệm mà Đảng và cuộc đời giao phó cho mình. Đặc biệt ông đã đóng góp công sức rất lớn trong việc đào tạo lực lượng viết trẻ trưởng thành sau 30/4/1975 ở Tiền Giang. Cả trong lãnh vực văn nghệ cũng như báo chí có thể kể: Thu Trang, Lê Ái Siêm, Đức Lập, Thiện Phương, Nguyễn Mạnh Tiến, Hoàng Kim Âu, Ngọc Thủy, Nguyễn Ngọc Phan, Dương Minh Tâm…

Là nhà thơ, với hơn 60 năm cầm bút ông luôn gắn bó cuộc đời với những bước thăng trầm, gian khổ hào hùng của dân tộc, từ trong cuộc chiến đấu, từ trong ngóc ngách của cuộc chiến tranh, từ trong khó nhọc của công cuộc xây dựng, Lê Hà cứ đi và viết. Một buổi sáng tập kết ở Cà Mau sau hiệp định Genève được nhà thơ ghi lại:

“Sáng hôm nay
Chợ nghỉ bán, lưới ngừng buông
Lòng Cà Mau đổ ra vàm
sông Đốc
Câu căn dặn, nỗi hẹn hò chẳng ngớt
Tiễn quân đi tập kết chuyến cuối cùng
Giờ chia tay sau phút giã từ chung
Đoàn Vệ quốc rước cờ và ảnh Bác”

Và đây là không khí sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975 tại Mỹ Tho:

“Sáng nay
Cô bác Mỹ Phong gác lại buổi cày
Cuồn cuộn kéo vào Mỹ Tho mở hội
Mới hôm qua, bộ đội ta còn vây cầu Mới
Giờ, tràn ngập phố phường, gom súng bảo an…”

Nhà thơ Lê Hà có thế mạnh về ghi chép, thế mạnh về ký họa. Chỉ vài câu, vài nét giản dị, có lúc không cần phải gọt giũa, đã hiện ra hình ảnh, hiện ra bức tranh sinh động, có sức lay động lòng người.

Hãy nghe nhà thơ kể về buổi chiếu phim trong vùng mới giải phóng:

“Buổi chiếu phim đến đoạn hay phựt đèn sáng bãi xem ai lào xào
bà con ngoài lộ tới sau
tắt đèn chiếu lại từ đầu bộ phim”

Cách đi, cách kể, cách vẽ này thật có duyên, thật tinh tế, tưởng chừng nó đơn sơ nhưng đọng lại mãi trong lòng người đọc, như bài “Gót chân”, ông viết từ năm 1950:

“Chưa khi nào tôi được thấy bước em đi
Nhưng chân em có lần đã giẫm
Lên hồn tôi - Những bước chân đằm thắm
Gót thon thon không tan xóa bao giờ.”

Cách ký họa không phải ai cũng làm được như thế đã nâng tầm tác phẩm làm cho tác phẩm tự lớn lên, bởi chính trong tác phẩm có một thứ kim loại quý, có một giá trị đặc biệt, được bọc bởi một vỏ bọc đơn sơ, thô ráp. Như chính ở cuộc đời này, sự quí giá thường ẩn chứa tiềm tàng bên trong buộc người ta phải háo hức kiếm tìm. Nghệ thuật nói chung, và thơ ca nói riêng cũng nằm trong qui luật ấy.

Nhà thơ Lê Hà đã đi qua những chặng đường khó khăn nhất, oanh liệt nhất, đẹp nhất của dân tộc, đã để lại cho chúng ta 5 tập thơ qua hơn 60 năm cầm bút, như nhà thơ tâm sự:

“Hoa nở… hoa xàu, hoa rụng
Lời tình tôi viết từ tuổi xanh”

Năm tập thơ ấy đã khẳng định bản lĩnh sáng tạo và phong cách riêng của ông.

Từ năm 1994, ông về hưu sống ở Bến Tre, vừa sinh hoạt ở Hội VHNT TG, và tham gia Bạch Mai thi hội (Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu) mà như ông nói vui “Đứng dang chân một ở Tiền Giang, một ở Bến Tre”. Mấy năm gần đây, dù đã bước qua tuổi 80, nhưng năm nào ông cũng lặn lội qua phà, mang thơ, câu đối góp mặt cho Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang và báo Ấp Bắc Xuân. Khi mắt đã mờ, tay đã run, ông nhờ người viết hộ. Cho đến cuối cuộc đời, ông vẫn không ngừng khát khao sáng tạo.

Tám mươi bốn mùa xuân của một nhà thơ sinh trưởng ở thị xã Tuy Hòa đầy gió, và trưởng thành, thành đạt ở vùng châu thổ sông nước bốn mùa hoa trái - Cửu Long, đã khép lại, nhưng tấm lòng, những trang thơ của ông vẫn còn sống mãi…
Thu Trang
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 28)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 191
  • Hôm nay: 37579
  • Tháng hiện tại: 2270129
  • Tổng lượt truy cập: 46237362