Trần Đỗ Liêm: Đau đáu niềm quê

Đăng lúc: Thứ năm - 30/10/2008 10:03
Bìa tập thơ

Bìa tập thơ

(Đọc tập thơ “Quê hương tình yêu”, Nxb Hội Nhà văn 2007)

Đây là đầu sách thứ tư và là tập thơ thứ hai của tác giả Trần Đỗ Liêm. Cứ xem tên gọi của cả bốn đầu sách bạn đọc cũng thấy được người viết này nặng lòng với những miền quê dấu yêu trong cuộc đời mình. Nào là “Con người và sông nước Cửu Long” rồi “Nỗi niềm sông nước” (hai tập văn xuôi), rồi lại “Đi dọc Việt Nam” (tập thơ) và đến bây giờ là “Quê hương tình yêu”!

Miền quê và nỗi niềm quê trong văn thơ Trần Đỗ Liêm được vọng lên và vọng về từ hai đầu đất nước; ấy là Thái Bình tận mãi châu thổ sông Hồng, cội nguồn bản quán của anh và Tiền Giang giữa mênh mông đồng bằng sông nước Cửu Long nơi anh đã đến và… “định đô” mấy chục năm ròng.

Có phải vì mãi đau đáu tình quê nên đề tài khác trong tập thơ này có phần mờ nhạt hơn giữa vô vàn những câu thơ viết về tình quê tình đất. Ngay ở đề tài tình yêu là mảng sáng tác dễ khiến các cây bút tung tẩy nhất thì thơ Trần Đỗ Liêm cũng không có được sự gia công, chiếu cố đến nhiều, còn để vương vất một số từ, ý, hình tượng đã cũ mòn, ít còn phù hợp với giọng điệu và ngôn ngữ thơ hôm nay như “giọt sầu”, “nợ tình”, “kiếp này, kiếp khác”, “áo trắng nhẹ bay”, “tóc thề buông xõa”, “chữ tình”, “tóc tơ” v.v… Người đọc ít gặp những câu đằm thắm, ý vị như:

- “Nhớ em muốn cháy cả lòng/ Thương em đầy khắp mặt sông mặt hồ/… Dòng sông cho nhạc cho thơ/ Em cho ta những ước mơ cháy chiều!” (Em cho ta…); hoặc: -“Cánh cò khiêng nắng qua sông/ Em đi đem cả má hồng đi theo/ Tình tôi bạc sóng sông chiều/ Càng xô bờ cát càng nhiều bọt bay!” (Tình tôi)

Nếu tác giả có thêm nhiều những “thương em đầy khắp mặt sông mặt hồ”, những “ước mơ cháy chiều”, những “bạc sóng sông chiều”… thì đã cống hiến cho bạn đọc nhiều dòng thơ hay hơn nữa!

Quay lại với mảng thơ viết về tình quê tình đất của Trần Đỗ Liêm. Những ký ức và hoài niệm về một miền quê đất Bắc xa xăm gần như là trạng thái tâm lý thường trực trong tâm tưởng Trần Đỗ Liêm. Khi bắt gặp một điều nhỏ nhặt vô tình nhất, cũng khiến anh liên tưởng đến quê xưa. Ví như một tiếng chim se sẻ:

- “Se sẻ reo giữa lòng thành phố/ Bất chợt hiện về nỗi nhớ quê” (Hồn quê), nghe một tiếng ve: -“Hồn quê lấp loáng trong tàn lá/ Một tiếng ve kêu gió lặng cành” (Vô đề II); khi uống một ly rượu gạo được chưng cất từ hạt lúa quê: -“Nâng ly rượu trắng nồng hương cốm/ Một thoáng hồn quê mắt lệ nhòa” (Vô đề I)… Miền quê ấy có con sông: -“Bến sông quê ký ức một đời con/ Đi xa mãi về mọi miền cổ tích” (Ngày mai); có chiêm mùa hai vụ khó nghèo: -“Làng tôi ở giữa… quê tôi/ Mùa chiêm hai vụ theo trời đổi nhau” (Lời anh); và hơn thế nữa là mẹ già tựa cửa chờ mong: -“Sẽ tìm nơi ấy - Mẹ quê/ Người xưa còn đó, lối về nhớ không?” (Kiếp sau gặp lại)… “Lối về nhớ không?” chỉ là cách nói thi ca chứ với nỗi niềm ấy sao không còn nhớ lối về.

Tình quê tình đất còn được Trần Đỗ Liêm hình tượng hóa bằng một hình ảnh rất giản đơn dung dị nhưng giàu biểu cảm:

- “Tay bầu tay bí vấn vương/ Theo tôi suốt cả đoạn đường bôn ba” (Lời anh). Từ nỗi vấn vương dây bầu dây bí đó nên suốt đời khó mà nguôi nghỉ tình quê: -“Lang thang gần trọn một đời/ Hồn quê khắc khoải trong tôi tháng ngày” (Hồn quê). Khắc khoải tháng ngày vì quê nhà không chỉ đơn thuần là một vùng đất bình thường mà nó đã trở thành một miền tâm tưởng tâm linh: -“Chúng tôi lớn lên rủ nhau di trú/ Gửi lại cha ông chua ngọt nghĩa tình/ Nơi neo đậu hồn quê hồn nước/ Mãi trong lòng nơi ấy chốn tâm linh!” (Quê). Quê nhà muôn đời là chốn tâm linh dẫu cho còn nhiều xót xa khó khổ: -“Tôi qua bao dốc bao đèo/ Trở về - quê vẫn đói nghèo như xưa!” (Lời anh). Vâng, vẫn cứ phải quay về cái nơi “một cõi đi về” ấy như nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đã từng xác tín “Dẫu đen bạc là nơi cố xứ/ Nhưng đi biền biệt cũng không đành” !

Bây giờ thì Trần Đỗ Liêm đã định cư nơi phương nam mênh mang sông nước. Quê hương thứ hai này ùa tràn vào thơ anh với nhiều cảnh sắc, nhiều tình huống, nhiều tâm trạng cũng… đau đáu không cùng! Trần Đỗ Liêm nói về quê mới: - “Cũng dòng sông chảy về đông/ Cũng vàng đồng lúa cũng mông mênh trời/ Như nơi tôi khóc chào đời/ À ơi cánh võng đầy vơi thân cò…” (Em).

Đấy là một miền quê con người sống chung… với lũ! Đến mùa nước sông Tiền, sông Hậu dâng cao, làng mạc chìm trong mênh mang sóng nước làm khó khăn khốn đốn bà con, nhất là các em nhỏ: - “Chìm nghỉm úa vàng màu xanh hy vọng/ Xé rách nụ cười dập tắt ước mơ/ Vở ướt sũng trường bơi trong sóng/ Hoang vu mắt biếc em thơ…” (Lũ mùa thu).

Trước cảnh thiên nhiên nghiệt ngã ấy, Trần Đỗ Liêm đẩy niềm thương cảm của mình lên bằng một tứ thơ vừa như trách hờn phi lý vừa xót xa tâm bào: -“Lỡ sinh ra biển ra người/ Sao sinh bão tố cho đời đớn đau/ Tượng in núi đá khắc sầu/ Nhìn đời đau đáu tím màu nhân gian!” (Bão tan).

Nhưng hết lũ thì miền quê ấy cũng như bao miền quê khác, rất đẹp và thơ trong mắt Trần Đỗ Liêm: -“Đua nẩy mầm non lá xanh/ Bông xoài nở rộ cam sành trắng hoa/ Khói vươn ấm áp mái nhà/ Cánh cò kéo nắng rải ra ngoài đồng” (Sau lũ).

Và thế là anh yêu, anh mến và gắn bó với quê mới: -“Hương quê thơm góc vườn quê/ Ngửa nghiêng cánh bướm mải mê quên chiều/ … Tình quê chân chất lạ lùng/ Lỡ thương thương đến tận cùng yêu thương!” (Tình quê) Người đọc tin rằng Trần Đỗ Liêm sẽ thương đến tận cùng yêu thương những vùng quê của cuộc đời mình.

Trong tập thơ tác giả còn có ý sắp xếp những bài cùng viết theo chủ đề về một vùng đất, một chuyến đi, một sự kiện… thành chùm liên hoàn. Việc làm này không dở nhưng dễ khiến người đọc rơi vào tâm lý nhàm chán, nhất là có cảm giác rằng tác giả làm thơ kiểu nhật ký, ghi chép, đề vịnh, thù tạc… vì hình tượng, ý tưởng, ngôn từ sử dụng nếu không khéo sẽ rất dễ bị dễ dãi hóa dẫn đến khách sáo trùng lặp. Ví dụ chùm bài viết về Đất Phật mà xem ra cũng chưa được… “đắc đạo” lắm!

Rải rác đây đó người đọc còn bất ngờ gặp được những cảm nhận, suy nghiệm và triết lý rất nôm na giản dị chân chất nhưng đầy thú vị của Trần Đỗ Liêm: -“Trời xa ta quá/ Nên xanh/ Đất gần ta quá/ Trở thành/ Đất thô!” (Xa gần); -“Thi bá - danh nhân lưu tứ xứ/ Không về không nhớ cố hương sao?/ Rượu tăm đầy ắp trong bầu tía/ Vắng ai… lọt cửa ánh trăng vào!” (Vắng ai…)

Hay có khi anh ngẫu hứng về cái địa thế địa lý của hình thể đất nước Việt Nam cũng đầy thi vị: -“Bên đầy - dài dãy Trường Sơn/ Bên vơi - biển rộng dập dờn sóng xô/ Tôi tìm chưa trọn tứ thơ/ Câu hò ai đã xô bờ bay lên!...” (Đầy vơi)

Chuyện được và chưa được của một tác phẩm văn học thì là chuyện vô cùng theo cảm nhận cảm quan của từng độc giả, chỉ mong rằng một doanh nhân và một thi nhân luôn phải được song hành ngang thứ ngang bậc trong một Trần Đỗ Liêm.

Tạ Văn Sỹ
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 30)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 407
  • Khách viếng thăm: 402
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 1361
  • Tháng hiện tại: 1867140
  • Tổng lượt truy cập: 48241267