Thái Phong: Ngọn gió lớn không bay xa

Đăng lúc: Thứ năm - 19/02/2009 14:40
Thái Phong: Ngọn gió lớn không bay xa

Thái Phong: Ngọn gió lớn không bay xa

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê lắm dừa, dừa cây trên bờ và dừa bẹ dưới nước, nhưng lại mang tên Bến Tre, cậu bé Thái Văn Phong - tên tục là Thanh, may mắn nằm trong số những trẻ em được cắp sách đến trường.
Gia đình cậu bé Thanh thuộc hàng trung nông nhưng thường túng thiếu do đông con, 5 trai 5 gái, không thể cho các con đi học đồng đều. Thanh là một trong vài ba anh em được cho đi học. Sau khi hết bậc tiểu học ở trường tiểu học xã Mỹ Lồng, Thanh tiếp tục học cấp hai (các lớp đệ thất, đệ lục) tại Trường Trung học Phụ huynh - Học sinh xã Mỹ Lồng. Đây là giai đoạn quan trọng hình thành định hướng chính trị của Thanh và các bạn đồng môn.

Trường Trung học Phụ huynh - Học sinh do những người tham gia kháng chiến, hoặc có cảm tình với kháng chiến lập ra, hầu hết giáo sư (theo cách gọi bấy giờ) là cán bộ kháng chiến trở về. Thanh cùng bạn học không chỉ học các kiến thức phổ thông mà còn được bồi dưỡng, giáo dục về chính trị, thời sự lồng ghép, trong các môn, lịch sử, địa lý, công dân giáo dục, văn chương, âm nhạc… Địch đánh hơi biết được chúng mở cuộc vây bắt giáo viên, những người sáng lập trường và ra lệnh giải tán trường. Trường không còn hoạt động nhưng những gì trường gieo vào tim óc của học sinh được giữ lại, biến thành mục đích, lý tưởng sống của họ.

Thanh được gia đình cho đi học tiếp ở thị xã Bến Tre đến lớp đệ tứ, rồi sang thị xã Mỹ Tho thi đậu trung học đệ nhất cấp, được nhận vào lớp đệ tam Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Lúc này cuộc đồng khởi đã nổi lên ở quê nhà Thanh, người anh thứ hai đã thoát ly gia đình vào bộ đội giải phóng, càng tác động mạnh đến Thanh và bạn bè. Thanh xác định học thì vẫn học nhưng phải làm điều gì đó góp trí, góp sức cùng cách mạng, và không phải dò dẫm đâu xa, ngay ngôi trường Thanh đang học đã có Trung đội học sinh võ trang đang hoạt động nửa kín nửa hở nên rất dễ biết. Thanh cùng người bạn học tên Lê Quang Thông từng học chung từ trường tiểu học xã Mỹ Lồng nhanh chóng được kết nạp vào trung đội học sinh võ trang.

Hè 1961, trên đường từ gia đình trở qua Mỹ Tho, Thanh bị cảnh sát ngụy xét hỏi giấy tờ, đồ đạc tại bến Bắc Mỹ Tho. Chúng giữ Thanh lại và hạch hỏi cho đến xế chiều mới cho đi. Cả Thông cũng được nhắc tới khi chúng tra hỏi Thanh. Hai người báo cáo ngay với cấp trên, và được tổ chức đưa ngay vào vùng giải phóng. (Tà Yến - Kiến Vàng trên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp thuộc xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành). Đây chính là căn cứ của Tỉnh ủy Mỹ Tho và các ban ngành của tỉnh lúc đó.

Ban đầu, Thanh được nhận vào Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và được phân công vào đoàn văn công tỉnh Mỹ Tho đang lúc tập hợp lực lượng để gầy dựng. Bí danh Thái Phong ra đời để đánh dấu bước ngoặt cuộc đời, và đã trở thành tên tuổi quen thuộc trong giới báo chí văn nghệ sau này.

Đoàn văn công gồm hầu hết những học sinh từ đô thị mới vào, được một số cán bộ tuyên huấn, văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp vắt óc nhớ lại những bài bản, điệu múa cũ kết hợp với sáng tác mới, tập dợt truyền đạt cho các diễn viên, cũng làm nên đình đám, đi biểu diễn khắp tỉnh, thu hút mạnh mẽ đồng bào đến xem, gây thanh thế lớn cho cách mạng.

Thái Phong biết chút ít nhạc lý lúc học ở trường phổ thông, chơi được đàn Mandoline dạng trung bình nhưng bộc lộ năng khiếu viết văn tốt qua các bản tin, bài viết cộng tác với báo Ấp Bắc nên được điều qua Tiểu ban Báo chí. Đầu năm 1963, khi Ban Tuyên huấn R (Trung ương Cục miền Nam) triệu tập học viên cho lớp thông tin - báo chí - văn nghệ khóa đầu tiên. Thái Phong được cử đi học cùng với bốn đồng chí khác.

Tại lớp học, sau phần giới thiệu chung về Triết học, về chủ trương, chính sách của cách mạng miền Nam, học viên được chia ra học theo hai phân ngành báo chí và văn nghệ. Văn nghệ thì chủ yếu là văn học, đi sâu vào hai thể loại: truyện và ký. Thái Phong được đưa sang phân ngành văn nghệ. Tại đây, khi viết thực tập, truyện ngắn Em Đức của anh được đánh giá cao cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể hiện.

Về tỉnh, Thái Phong tiếp tục công tác ở Tiểu ban Báo chí, nhưng vẫn viết văn, làm thơ khi nào có đề tài có cảm hứng. Anh viết nhiều nhưng tác phẩm của anh không được lưu giữ đầy đủ. Đến nay chỉ tìm được một vài truyện ngắn, ghi chép và thơ: Thầy Tư Đa và đứa em trai của tôi, Bông trang đỏ, Phía trước, Trăng biển Hồ, Người trồng hoa cho tết. Riêng truyện ngắn Em Đức được giải Nguyễn Đình Chiểu tiếc thay, đã không còn lưu giữ.

Một trong những truyện ngắn được dư luận giới văn nghệ trong tỉnh đánh giá cao của Thái Phong là Bông trang đỏ. Tác giả mượn chuyện nhân chuyến đi công tác trở lại rừng, gặp cháu bé trong một ngôi nhà bên bờ suối đang khóc, người mẹ trẻ dỗ con bằng cách đuổi bươm bướm, nhưng cuối cùng bằng một đóa bông trang đỏ bẻ được bên đường, bé rất thích. Từ đó tác gỉả liên tưởng đến đóa bông trang đỏ mình đã gặp ở Côn Đảo sáu năm về trước, và từ đó dẫn dắt nên cốt truyện chính. Tác giả tiếp tục lấy nhân xưng “tôi” viết về người bạn tù đàn anh ở Côn Đảo trước mình 8 năm, đã nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên trung bất khuất trước các đòn thù dã man. Nhân vật tên Đúng đó mơ ước sau này sẽ làm việc ở câu lạc bộ truyền thống Côn Đảo. “Tôi thích nhất là nói chuyện về Côn Đảo cho em cháu mình nó nghe, mỗi khi chúng từ đất liền ra thăm đảo, tôi sẽ kể cho chúng nghe tất cả những gì đau thương thù hận đồng thời cũng rất cao cả đã xảy ra trên hòn đảo chơi vơi xa xôi này của Tổ quốc, để chúng nó - sống trong tự do và hạnh phúc của cuộc sống mới, nhớ lấy và ghi nhớ vào ký ức của mình những gì mà lớp cha anh chúng nó đã hy sinh chiến đấu, để chúng càng thấy được giá trị cao quí của cuộc sống tươi đẹp ấy” (lời nhân vật Đúng). Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng niềm tin của anh có lần anh toan tính lấy máu mình vẽ lá cờ trên tường nhà giam nhưng không thành. Khi địch đưa tù lên núi đốn củi, anh tìm hái được một bông trang đỏ thắm, chính giữa bông có đốm vàng, anh mừng lắm. Nghĩ rằng địch không chú ý, anh bỏ vào túi áo định đem về treo trên tường như một người thích hoa, để hàng ngày nhìn ngắm. Nhưng không lường trước được, bọn địch lồng lộn đánh anh vì đóa bông trang này, cho rằng anh vẫn còn mê cái màu đỏ, còn mê cộng sản. Anh quát vào mặt chúng: “Còn quân khát máu chúng bây thì tao còn làm cộng sản, nghe chưa?”. Chúng đánh anh thập tử nhất sinh. Đêm đó về phòng giam anh tắt thở trên tay người bạn tù là tác giả, sau khi thều thào nói lời cuối cùng: “Hãy tin tưởng ở… sự nghiệp… chúng ta…” Cuối cùng, tác giả trở lại khung cảnh cũ tiếp tục cuộc hành quân. Tác giả thấy bên đường có một lỗ bom đìa sâu hẳm, cây xanh mọc um tùm quanh miệng hố bom có một đóa bông trang rừng in cái màu đỏ tươi thắm của nó lên cái màu xanh ngát của khu rừng.

Trong kháng chiến, Thái Phong viết nhiều tác phẩm báo chí. Anh lăn lộn ở các chiến trường ác liệt như hầu hết các phóng viên khác, kịp thời phản ánh cuộc sống chiến đấu của quân dân ta. Sau đồng khởi, Hòa Khánh là một xã yếu của huyện Cái Bè trong một thời gian dài. Khi phong trào nổi dậy bắt đầu bùng phát, Thái Phong nhanh nhạy viết bài Hòa Khánh vùng lên đăng trên báo Ấp Bắc, tạo thành ngọn gió cổ vũ thúc đẩy phong trào, cuốn phăng đồn bót, ấp chiến lược của địch.

Năm 1967, khi quân ta đánh chìm chiếc tàu cuốc Gramaika B đang thổi cát từ lòng sông Cửu Long lên xây dựng căn cứ quân sự Mỹ ở Bình Đức, Thái Phong viết bản tin Đánh chìm thành phố nổi được cả Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam phát nhiều lần. Trận thắng phủ đầu giặc Mỹ khi chúng đến Mỹ Tho, đến đồng bằng sông Cửu Long qua bản tin đó vang dội khắp trong nước, ngoài nước.

Sự nghiệp báo chí, văn học của Thái Phong có phần hạn chế do anh bị địch bắt tù đày. Sau khi ra tù, phải mất một thời gian anh mới móc nối, trở lại công tác ở cơ quan cũ. Sau giải phóng anh về công tác ở Sở Văn hóa Thông tin, rồi Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang nhưng do sức khỏe yếu (hậu quả của những đòn tra tấn trong ba năm tù) đã ảnh hưởng đến sức sáng tạo của anh. Năm 1989, anh qua đời do chứng bệnh hiểm nghèo ở tuổi 48 (1941 - 1989).

Nếu Thái Phong là ngọn gió lớn, thì ngọn gió đó đã không bay được xa. Tuy nhiên, anh cũng đã góp phần đáng kể phát triển nền báo chí, khắc họa diện mạo văn học tỉnh Tiền Giang thời kỳ chống Mỹ và hơn 10 năm sau ngày giải phóng.
Trần Bửu
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 30)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 400
  • Khách viếng thăm: 397
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 52480
  • Tháng hiện tại: 1801380
  • Tổng lượt truy cập: 48175507