Tôi không nhớ bằng cách nào mà những năm đang học đại học, tôi đã biết Nguyễn Khoa Điềm là con trai nhà phê bình Hải Triều Nguyễn Khoa Văn - người đã có cuộc tranh luận ấn tượng thời Tự lực Văn Đoàn với nhà phê bình Hoài Thanh chủ đề: “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?”.
Lại còn biết anh đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn và đã vào chiến trường Trị - Thiên từ ngày đầu chống Mỹ. Có lẽ sự tìm hiểu này bắt đầu từ những bài thơ Nguyễn Khoa Điềm gửi từ chiến trường ra in báo Văn Nghệ. Hình như đó là một ám ảnh lập thể trong bài thơ “Con gà đất, khẩu súng và cây kèn”.
Bẵng đi vài năm, tôi tốt nghiệp đại học rồi vào bộ đội, làm lính Quảng Trị 1972. Chính những ngày Quảng Trị, tôi mới chính thức đọc có hệ thống thơ Nguyễn Khoa Điềm trong “Đất ngoại ô” do Nhà xuất bản Giải Phóng ấn hành đầu năm 1972 và chuyển đến các đơn vị quân đội bằng đường quân bưu.
“Đất ngoại ô” là một trong những tập thơ khiến tôi bắt đầu có ý thức làm thơ ở chiến trường. Lúc đó, tôi cảm thấy “Đất ngoại ô” vừa thực và vừa lạ. Thực là vì toàn chuyện chiến trường, mặt trận, chiến khu không thể bịa ra được. Nhưng lạ vì cách lập tứ, tạo thi ảnh và nhịp điệu thơ. Trước “Đất ngoại ô”, tôi chưa gặp được. Ám ảnh cũ lại hằn lên. Sự liên hệ thi ảnh giữa con gà đất tuổi thơ với cây kèn - “con gà sắt” ngày thanh xuân nô lệ. Thật khác thường khi đọc: “Người thổi kèn thấy đời mình xoay trong ống sắt/ Muốn ngắt hơi/ Anh bỗng mơ một con gà bảy sắc. Nở như hoa trên môi/ Đó là con gà bốn mùa không vỡ nát …”.
Và thật bất ngờ trong liên tưởng sau con gà đất, cây kèn là khẩu súng: “Người thổi kèn nhận phần mình khẩu súng/ Như nhận một chỗ ngồi dưới tay nhạc trưởng/ Anh đã đi từ con gà đất cây kèn và khẩu súng/ Để nhận lấy tình yêu từ thuở ban đầu”. Đọc “Đất ngoại ô”, tôi nhận ra một Nguyễn Khoa Điềm rất say mê âm nhạc. Những câu thơ viết về âm nhạc của anh đều mang đến một rung động khác thường. Có đoạn, cảm giác âm nhạc thấm đầy câu chữ:
Anh nhớ đêm nào nghe nhạc Beethoven
mưa thấm đẫm qua hầm dỉ nhờn trên mặt
bom tọa độ vung xòe năm ngón sắt
muốn bới tung chỗ kiêu hãnh chúng ta nằm
trong chương cuối cùng bản giao hưởng số năm
và đây nữa trong tứ thơ đầy ẩn dụ “Con chim thời gian”
Côộc/ Côộc/ Côộc/ con gõ kiến đại ngàn/ gõ nhịp thời gian
…
chim vỗ cánh về đây/ khắc lên cây cháy bỏng/ bằng một nốt rê trầm/ ta bỗng nghe/ tiếng nhặt khoan nhịp sênh tiền mẹ hát
…
Có khi âm nhạc chứa trong nhịp thơ bốn chữ ở “Chiếc nôi vàng”. Ai một lần hành quân qua Trường Sơn ngày nắng mà không ngây ngất đến lặng người khi thấy một khoảng nắng chiếu trên cỏ giữa thâm nghiêm đại ngàn:
Một vuông trời nhỏ/ mở giữa hàng cây/ mỗi mai nắng đổ/thành nôi vàng rây/ đưa nôi … đưa nôi …/ chiến khu bồi hồi/ ru em khôn lớn/ tháng ngày không vơi …
Có lẽ bởi cảm quan âm nhạc Nguyễn Khoa Điềm thường đưa vào rung động thơ nên bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc rất thành công khi chọn ra những đoạn ru.
Năm 1974 là năm tôi thường xuyên đi lại đoạn Trường Sơn thuộc Trị - Thiên và Quảng Nam để tổ chức xây dựng đường dây thông tin chiến lược quân sự xuyên Trường Sơn vào Tây Nguyên và tới Đông Nam Bộ. Những địa danh trong “Đất ngoại ô” hóa quen thuộc với tôi như A Nhân, A Đợt, A Đời, dốc Ngàn Tám… Khiến tôi càng thấy thấm thía hơn những câu thơ Nguyễn Khoa Điềm. Giữa lúc đó, thì quân bưu lại mang tới đơn vị tôi “Mặt đường khát vọng” của anh cũng do Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng ấn hành đầu 1974.
Tập trường ca mà Nguyễn Khoa Điềm khiêm nhường gọi là thơ dài đã gây thêm ấn tượng mạnh mẽ trong tôi về một tầm vóc thơ chống Mỹ của thế hệ chúng tôi. Nhất là khi chương “Đất nước” được ca sĩ Quang Hưng đọc trên phần đệm piano vang trên làn sóng điện: “Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi ta hò hẹn/ Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm…” nghe vừa dào dạt, vừa bâng khuâng một nỗi niềm vừa xưa cũ, vừa mới mẻ.
Tôi đọc ngấu nghiến và gần như thuộc lòng cả 9 chương. Chính “Mặt đường khát vọng” là gợi ý bố cục duy nhất để tôi viết trường ca “Năm tháng và chiều cao” và “Gió Tây Nguyên” ngay sau ngày thống nhất. Bây giờ, khi làm tuyển tập 40 năm làm thơ, Nguyễn Khoa Điềm đưa vào một phần trong chương “Đất nước”. Điều ấy cho thấy một bản lĩnh dám nhìn thẳng vào mình để chắt lọc ra những tinh túy.
Tuy nhiên, đọc lại “Mặt đường khát vọng”, vẫn thấy đầy âm vang hào hùng thời chiến tranh. Cũng năm tháng ấy, bài thơ “Hình dung về Chê Ghêvara” của Nguyễn Khoa Điềm in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng là một ấn tượng không nhạt phai. Hình ảnh một người chiến sĩ đi xuyên rừng Bolivia tổ chức du kích, là một hình ảnh nối tiếp, trong tấm gương thời đại cho chúng tôi soi vào sau hình ảnh Paven Corsaghin. Chê thật sống động trong thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Đến năm 1987, đọc tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” của Nguyễn Khoa Điềm được giải thưởng Hội Nhà văn, cảm thấy bên cạnh Nguyễn Khoa Điềm hồn hậu mà sâu sắc thuở nào, có thêm một Nguyễn Khoa Điềm gia tăng triết lý trong liều lượng thơ. Triết lý đa chiều. Có lẽ đó cũng là kết quả nhận thức về thực trạng thời hậu chiến của riêng từng người làm thơ. Vậy mà trong phần thơ Nguyễn Khoa Điềm xuất bản bằng tiếng Anh ở Mỹ (in chung cùng Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu và Lâm Thị Mỹ Dạ - bán khá chạy), bài thơ “Chiều Hương Giang” hồn hậu thuần khiết lại trở thành cảm hứng cho một nhạc sĩ giao hưởng Mỹ gốc Nhật Paul Chihara viết ra một giao hưởng với ngôn ngữ âm nhạc rất hiện đại mang tên “An Afternoon on the Perfume River” dài 12 phút do Dàn nhạc Giao hưởng Odense trình tấu và thu âm dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Paul Mann, phát hành CD năm 2008.
… Nhưng chiều nay, con bò gặm cỏ/ Bên dòng sông, như chưa biết chiều tan/ Tôi với nó lặng im, bè bạn/ Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang/ Những buổi chiều, những buổi chiều quê hương…
Sau khi tuyển tập “Thơ Nguyễn Khoa Điềm” ấn hành năm 1990, năm 1993 Nguyễn Khoa Điềm ra nhận công tác làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ở Hà Nội. Rất nhiều người nghĩ rằng Nguyễn Khoa Điềm đã khép lại sự nghiệp thơ để “mải miết trên đường hoạn lộ” như ông từng thổ lộ trong thơ. Ngay cả khi kiêm nhiệm chức Tổng thư ký Hội Nhà văn khóa V (1995 – 2000) sau đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, rồi Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa (2001 – 2006). Vậy mà hóa ra trong hơn mười năm này, với Nguyễn Khoa Điềm chỉ như một chuyến đi “thực tế đặc biệt” và hơi dài.
Ngay sau khi nghỉ hưu về ở Huế, nghiệp thơ lại kéo ông trở lại vị trí một nhà thơ. Đã có không ít người sau chuyến đi “thực tế đặc biệt” như Nguyễn Khoa Điềm đã thực sự đoạn tuyệt với thơ hoặc có làm thì cũng là rất ít những bài thơ chìm khuất giữa đại dương đám đông. Riêng Nguyễn Khoa Điềm thì khác, như loài cá hồi theo sông ra đại dương, đã lại bơi ngược về ngọn nguồn để đẻ trứng, ông đã bơi ngược như thế về “Cõi lặng” của mình và sinh ra những bài thơ mới: “Cõi lặng. Tôi vượt qua ghềnh thác/ Đến những miền trong xanh”. Một tuyên ngôn thanh thản cho một thời kỳ mới của thơ mình đã được viết ra không lưỡng lự:
Bây giờ là lúc có thể chia tay điện thoại để bàn,
cạc-vi-dit, nắm đấm mi-crô
Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường
Một mình một ba lô và xe đạp
Bây giờ gió gọi anh đi
Mặt trời đánh nhịp về tám hướng
Từ giã cà vạt, giày đen, lời trịnh trọng
Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ
Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép
Thế giới thật rộng, những ngả đường độ lượng
Cho anh làm mới cuộc đời mình…
Nguyễn Khoa Điềm gọi đây là mùa viết thứ ba của mình - mùa trở về vườn xưa. Sau “Cõi lặng” ấn hành 2007, cõi lặng trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hôm nay vẫn tiếp tục loang vào tuyển tập thơ của ông ấn hành 2011. Trong cõi lặng, Nguyễn Khoa Điềm đủ trầm tĩnh chiêm nghiệm lại chuyến đi “thực tế đặc biệt” để nâng tầm vóc thơ của mình lên một hạn mức mới.
Không mảy may một dấu vết nào của dằn hắt, ăn thua, chỉ thấy những chiu chắt nhận thức được vuốt thành thơ nhẹ nhàng như thở: “Khi mồ hôi trở nên quá rẻ/ Kẻ ranh ma trở nên quá giàu”, “Nhận ra trong mỗi khuôn mặt đen sạm/ Những tháng ngày bỏ quên”, “Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng/ Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành”, “Dòng nước sẽ rửa sạch sự đớn hèn/ Dẫu có khi đã nhường lời cho bọn khoác lác”, “Khi không còn gì tin tưởng, ông tin tưởng chỗ mình đứng/ Ông đến với nhân dân không phải một cách tạo dáng/ Chỉ vì nhân dân cho ông ánh sáng …”.
Đọc những câu thơ này, những câu thơ Nguyễn Khoa Điềm tạc ra chân dung thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận thấy sự sâu sắc của nhà thơ đã thực đến độ chín muồi. Và anh vẫn chân thành cổ võ, thôi thúc các thế hệ thơ hãy làm rạng danh thơ Việt Nam với thế giới:
Đây là những người được lựa chọn
Trên mảnh đất không có nhiều lựa chọn
Họ mở cuộc đi dài đổi mới thi ca
Cứ thế đoàn người hầm hố và cay cực
Đi khắp núi sông
Đánh thức nhân dân bằng cặp dùi lục bát
Mong đợi những giọt nước mắt
Lăn trên bình minh trong trẻo một ngày
Bơi ngược về cõi lặng. Nguyễn Khoa Điềm có thêm mùa thơ thứ ba ngay thật, đáng trân trọng như “Cỏ vĩnh hằng”.
Ý kiến bạn đọc