Cố nhà văn Nguyễn Khải. |
Trong những lần trò chuyện, vì là cuộc nói chuyện dài ngày để làm sách, nên ông nói thoả thích về mọi điều mình quan tâm trong xã hội, về con người, cách sống và đặc biệt là lao động nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Về tác phẩm Mùa lạc, ông nói: thời kỳ đó, những năm 1956, 1957, 1958, 1959 đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô nhiều vấn đề lắm. Stalin. Hungary. Ba Lan công nhân biểu tình bị đàn áp. Ở ta thì cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, tiểu tư sản, một gánh hàng rong cũng bị. Thực tế đời sống như vậy mà anh nhà văn nhảy ra lãng mạn là vô lý. Nhưng ở Điện Biên lúc ấy nông trường nhiều thanh niên miền xuôi lên, vui tươi sôi nổi đầy mơ ước xây dựng xã hội chủ nghĩa. Điện Biên vừa thắng Tây. Không khí ấy là thật, có cuộc sống xã hội mơ ước, nên được độc giả đón nhận.
Nguyễn Khải phân tích về nhà văn Nga Pauxtopxki, một thời gây làn sóng say đắm lãng mạn và gây ảnh hưởng nhiều nhà văn các nước, kể cả Việt Nam. Ông nhấn mạnh vai trò của nhà văn: toàn xã hội Liên Xô thời hậu chiến đã bị Pau phủ lên một làn sương mù, cổ tích hoá, lãng mạn hoá. Người Liên Xô yêu văn ông vì người Nga ngồi trên tàu điện, máy bay, bất cứ chỗ nào cũng đọc sách. Lúc đó tự do nhất. Nhưng nhà văn không thể làm như vậy. Trách nhiệm của anh là thức tỉnh, khơi dũng mãnh và con người biết tự quyết định. Nghệ thuật là nghề sáng tạo, không cách gì bảo thủ được. Ông nói mình vẫn say mê đọc suốt đời "thích thú, vớ gì đọc nấy khi đang thèm, chả có lúc nào không đọc sách. Đang đọc lại triết Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê. Triết Tây do các linh mục viết. Nhìn ông Thi (nhà văn Nguyễn Đình Thi – PV) đọc tôi sợ lắm, 19 tuổi ông viết sách triết cho đại học. Ông đọc toàn bộ triết học châu Âu bằng tiếng Pháp.
Đầu tôi giữ được không một thứ học thuyết nào đóng đinh vào mình. Tôi chỉ viết những gì trong vùng nghĩ vùng cảm của mình. Nếu viết nhân vật phải kéo ngang với suy nghĩ mình, tôi mới tung hoành được. Tôi không viết được anh hùng. Lạ với mình thì không thể tưởng tượng được. Năm 1964 anh Trần Độ lúc là Chính uỷ khu 3 kể chuyện Điện Biên Phủ cho nghe nhưng tôi không viết được. Tôi bảo, anh viết đi chứ tôi có biết gì về Điện Biên Phủ đâu. Cái éo le, chênh vênh, lạc thời, tôi viết nhanh. Dễ nhập vai những tâm trạng u uẩn về mặt tinh thần bị dằn vặt, khắc khoải ám ảnh. Ngày nay có những vấn đề nhân loại. Có thể thu vào nhân vật rất cụ thể. Cuối thế kỷ 20 là không thể quốc gia nào lệnh cho dân tộc khác sống theo ý mình nữa rồi. Anh ăn cơm phải cho người ta ăn cháo. Cướp cả niềm tin là chết luôn. Xông vào vi phạm dân chủ, coi thường tự do cá nhân là chết liền. Xâm phạm tự do cá nhân là chết liền. Nhận xét về người viết văn nói chung, ông bảo: không chỉ đổ tất cả cho thiếu tự do. Bản thân người viết chưa được học hành giáo dục đầy đủ. Thế giới tinh thần chỉ có tập thể, không có trách nhiệm cá nhân. Dư luận xã hội không có. Yếu kém tri thức. Tôi ra Hà Nội thấy nhiều bạn chỉ tán dóc, đi nước ngoài. Tư thế nhà văn phải trăn trở những vấn đề đất nước. Ngọc Tư có trăn trở địa phương khi cô là người dân. Đọc Muối của rừng, vào đời đầy trang bị, ra đi trần truồng. Tôi đọc xong sợ. "Không có vua" buổi sáng tỉnh dậy trong nhà choang choác. Tôi bảo Nguyễn Minh Châu, đố cậu viết được đấy. Chịu. Tự nhiên nó ra, mình không bịa ra được. Khi có tư tưởng, thì cách viết và ngôn ngữ phụ trợ bật ra ngay. Văn chương nhiều cái huyền bí, không biết lúc nào hay lúc nào không. Nguyễn Khải nói việc đang làm lúc đó là đã viết xong mấy bút ký triết học Nghĩ muộn và Đi tìm cái tôi đã mất mà theo ông đó là "bút ký chính trị trăng trối". Sau khi gửi cho một số người tin cậy đọc, ông tính toán "Tình hình có tiến bộ cũng chưa dùng được. Sẽ có hàng vạn người phản đối, dù tôi biết 100% là viết đúng. Nước mình phải từ từ. Tâm huyết phải bõ công chứ tôi không là người phá đám".
Mi là muối thì mi phải mặn – Nguyễn Khải nhắc lại ý trong Kinh thánh để nói về vai trò và trách nhiệm người viết. Ông sống nhạt, dễ nhân nhượng trong đời sống như tự nhận xét, nhưng ông quyết liệt khi viết.
Nguyễn Khải là nhà văn của thời sự và các mẫu người thời đại. Ông từng nói mình thích những người mạnh quyền lực về tinh thần, chiến đấu đầy bi kịch cho dân chủ và tiến bộ xã hội. Loại người có thế giới tinh thần mạnh mẽ, muốn thay đổi, không chịu sống như cũ nữa. Nguyễn Khải nói lúc đó là 2007. Từ đó đến nay, có biết bao thay đổi. Cả tốt cả xấu, cả mức độ của những cảm xúc xã hội chưa từng trải qua. Ngày đó chưa có Vinashin, chưa có các đập thuỷ điện doạ vỡ, chưa bể bong bóng bất động sản và nợ xấu ngân hàng, chưa có tội ác kiểu Lê Văn Luyện và Trần Hoài… Tháng 1.2013 tới, đúng mùa xuân này, là năm năm ngày ông mất. Nhớ Nguyễn Khải, nhớ lời nói và cả thực tế đời ông đã sống, nhớ hạt muối thì có trách nhiệm phải mặn. Và người cầm bút phải tranh đấu vì sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Ý kiến bạn đọc