Tiền Giang tổ chức Hội nghị cán bộ triển khai, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Đăng lúc: Thứ tư - 28/03/2012 13:59
Các đại biểu sôi nổi thảo luận tổ về Nghị quyết TW 4.

Các đại biểu sôi nổi thảo luận tổ về Nghị quyết TW 4.

Trong 2 ngày từ 26 - 27/3/2012, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ để triển khai, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 ( khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết TW 13 của Hội nghị lần thứ 4 BCHTW khóa XI về "Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại vào năm 2020" và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết này.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Trần Thế Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; báo cáo viên cấp tỉnh; các đồng chí trong tổ giúp việc Bộ phận thường trực Nghị quyết TW 4 (khóa XI) của tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư cấp huyện và tương đương;...

Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc đã phát biểu khai mạc hội nghị và triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đây là một Nghị quyết rất quan trọng. Mục đích ban hành Nghị quyết về xây dựng Đảng có 4 lý do chính: Một là, vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Hai là, nhiệm vụ chính trị của Đảng ta hiện nay vô cùng to lớn, nặng nề và phức tạp, đòi hỏi phải nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, để lãnh đạo đất nước đạt được tất cả những mục tiêu đề ra. Ba là, bên cạnh bản chất tích cực và truyền thống tốt đẹp, trong nội bộ Đảng đang xuất hiện tình trạng tiêu cực và phức tạp mới. Bốn là, sự chống phá điên cuồng và quyết liệt của các thế lực phản động, thù địch.

NQTW 4 về xây dựng Đảng không bàn toàn diện, xử lý toàn bộ hệ thống mà chọn một số vấn đề nhằm tập trung thực hiện, khắc phục cách làm dàn trải trước đây. Đó là 3 vấn đề: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Về giải pháp thực hiện, TW đề ra 4 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Phương pháp và trình tự tiến hành, những việc cần và có thể làm ngay: Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên TW, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Ban Chấp hành TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ về công việc, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc dư luận quan tâm; cải tiến, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Về cách làm thì từng đồng chí cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên phải chủ động, tự giác xem lại mình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, không chờ đến khi tổ chức hội nghị kiểm điểm. Trước khi mở hội nghị kiểm điểm, phải chuẩn bị thật kỹ, tổ chức lấy ý kiến góp ý của cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp và các đồng chí nguyên là cấp ủy viên cùng cấp.

Ủy ban kiểm tra chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, văn phòng và các cơ quan liên quan kiến nghị với cấp ủy, (hoặc thường vụ cấp ủy) nội dung gợi ý kiểm điểm cho tập thể, cá nhân ở những nơi cần thiết. Sau khi kiểm điểm, báo cáo kết quả với cấp trên, thông báo với cấp dưới và các cơ quan lấy ý kiến góp ý. Cấp ủy, tổ chức Đảng nào, cán bộ đảng viên nào kiểm điểm tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại.

Kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, không tự nhận sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được nêu ra. Những trường hợp có vi phạm, tự giác kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, tích cực sửa chữa, khắc phục, sẽ được xem xét giảm, hoặc miễn xử lý kỷ luật. Sau đợt kiểm tra tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TW lần này sẽ duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ tự phê bình, phê bình hàng năm gắn với kiểm điểm theo chức trách, nhiệm vụ được giao, và lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể.

Định kỳ hàng năm, cấp ủy, tổ chức Đảng có hình thức thích hợp thông báo kết quả kiểm điểm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, đóng góp ý kiến. Định kỳ tổ chức nhân dân góp ý xây dựng Đảng, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Làm tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình sẽ có căn cứ để đánh giá, xem xét, sàng lọc đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị và chuẩn bị quy hoạch cấp ủy, các chức danh chủ chốt các cấp nhiệm kỳ tới.

Quy định việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Đồng thời, kiến nghị với Quốc hội sớm có hướng dẫn, để thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Những người 2 năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Xúc tiến việc xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành TW Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2020; tích cực tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu, chuyên gia cấp chiến lược. Thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý chủ trì cấp trên nói chung phải qua chức vụ lãnh đạo quản lý chủ trì ở cấp dưới. Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản theo quy định; kê khai phải trung thực, được công khai ở nơi công tác và nơi cư trú. Xử lý nghiêm người kê khai không đúng. Xây dựng và thực hiện một số quy chế bảo đảm phát huy hơn nữa dân chủ trong Đảng. Triển khai thực hiện việc chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành TW và cấp ủy các cấp.

Ban hành quy chế để hàng năm Ban Chấp hành TW góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; BCH Đảng bộ các cấp góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp mình. Ủy ban kiểm tra các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, trong việc chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước; hàng năm, có báo cáo kết quả thực hiện của cán bộ thuộc cấp ủy quản lý, trong việc chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, nhằm tạo sự thống nhất cao về ý chí, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách. Ngay sau khi kết thúc hội nghị cán bộ này, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các đồng chí, hoàn chỉnh và ban hành sớm kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết của TW; chỉ đạo các Ban Đảng tiếp thu ý kiến của hội nghị, để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với từng mảng công việc.

Căn cứ vào Nghị quyết của TW, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Ban Đảng TW và các Ban Đảng của Tỉnh ủy; trên cơ sở đó, các cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch, chương trình học tập, quán triệt và triển khai xây dựng, chỉnh đốn Đảng để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu; tổ chức Đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt; gắn bó với nhân dân mật thiết; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; hoặc chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình. Vì vậy, công việc này rất khó và rất phức tạp. Khó, nhưng phải quyết tâm làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đảng ta đã làm nhiều, làm thường xuyên và đạt được nhiều thành tựu. Nếu không làm thì không có thành quả quan trọng như ngày nay. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, trước thực trạng một số yếu kém, khuyết điểm, hơn lúc nào hết, Đảng ta càng phải đặc biệt coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng như Đại hội XI và Hội nghị TW4 đã chỉ ra, để tạo bước chuyển thực sự trong công tác này. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định: Tất cả chúng ta từ trên xuống dưới đều phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao và có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi; chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại.

Tiếp đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh đã triển khai dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Các Ban Xây dựng Đảng trình bày dự thảo hướng dẫn thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đồng chí Dương Minh Điều, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh triển khai Nghị quyết TW 13 của Hội nghị lần thứ 4 BCHTW khóa XI, về "Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020" và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết này và các đại biểu đã thảo luận đóng góp 70 ý kiến.

Nhìn chung, tất cả các ý kiến đều nhất trí cao với nội dung Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Nghị quyết đã đáp ứng vấn đề trọng tâm, cấp bách và lòng mong đợi của đảng viên, nhân dân. Một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi, khâu thực hiện, đề nghị nói rõ hơn về cách tiến hành kiểm điểm các bước, mốc thời gian, giải pháp chống quan liêu, giải pháp bảo vệ người đấu tranh phê và tự phê, chống trù dập,... Tất cả những thắc mắc trong thảo luận đã được Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc giải đáp đầy đủ.

Phát biểu về việc thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 BCHTW khóa XI Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc chỉ đạo các nhiệm vụ và giải pháp mà các ngành, các cấp trong tỉnh cần tập trung thực hiện, đó là: Phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo tính đồng bộ, kết nối trong nội bộ ngành, liên ngành, kết nối với vùng và cả nước. Phối hợp các tỉnh lân cận làm công tác qui hoạch. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về qui hoạch. Chủ động phối hợp với Bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư xây dựng các tuyến giao thông thủy - bộ của Quốc gia và vùng trên địa bàn tỉnh.

Phát triển nguồn và lưới điện gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, qui hoạch phát triển điện lực tỉnh Tiền Giang đến năm 2020. Rà soát, hoàn chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi đến năm 2020, bảo đảm đồng bộ, có kết nối giữa kinh tế với xã hội và an ninh quốc phòng, phù hợp với quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng thủy lợi kết hợp hạ tầng giao thông nông thôn, và các công trình ven biển,... Phát triển hạ tầng khu công nghiệp, phải chú ý xử lý môi trường, nhất là nước thải và vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông đô thị phải chú ý đảm bảo môi trường, hệ thống công viên cây xanh và hệ thống xử lý nước thải, rác thải.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nhằm phát triển các khu công nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phải có cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn. Trong thu hút đầu tư, cần có những dự án đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, hoặc yêu cầu chủ đầu tư xây dựng những cơ sở hạ tầng kết nối, để tăng đầu tư. Phải thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là qui trình, thủ tục đầu tư nên tập trung một đầu mối; quan tâm đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ phụ trách công tác đầu tư.

Phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ theo hướng tăng cường mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, tập trung xây dựng hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại,... chú ý các dịch vụ hiện đại, đa dạng, phát triển dịch vụ du lịch sông nước kết hợp tham quan di tích lịch sử - văn hóa. Phát triển bưu chính - viễn thông theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục mầm non, phổ thông, đại học và hiệu quả đào tạo ở các ngành học, cấp học. Trong giáo dục, phải gắn dạy nghề, tập trung đổi mới cơ sở vật chất. Thu hút đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất của Trường Đại học Tiền Giang. Phát triển công nghệ thông tin, hệ thống đại học và sau đại học, vì Tiền Giang là cái nôi văn hóa của Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang và 2 trường trung cấp nghề khu vực Cai Lậy, Gò Công đạt trường chuẩn quốc gia. Phát triển các loại hình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.

Hoàn thiện mạng lưới tổ chức y tế các tuyến, phát triển ổn định nguồn nhân lực trong ngành. Nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, đẩy mạnh y tế dự phòng phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển hệ thống bệnh viện tư nhân và xã hội hóa hoạt động y tế.

Phấn đấu đến năm 2020, 100% các huyện, thành, thị có đủ hạ tầng văn hóa, thể thao cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đồng thời nâng cao phong trào văn hóa quần chúng và văn hóa chuyên nghiệp để đạt thành tích cao.

Nhóm giải pháp quan trọng nhất là, cần đẩy mạnh huy động tất cả các nguồn lực từ: Vốn ngân sách, vốn ODA, FDI, Chương trình mục tiêu Chính phủ, vốn vay ưu đãi; đa dạng hóa các hình thức đầu tư; đẩy mạnh việc áp dụng hình thức đầu tư PPP, hình thức đầu tư BOT và các dạng tương tự BT, BTO, BLO,... Chú trọng cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý dự án, cải tiến cơ chế giải ngân kịp thời. Động viên toàn xã hội tham gia đóng góp xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng. Mở rộng hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Khuyến khích, vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Để Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy sớm đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến rõ rệt, Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tổ chức quán triệt Chương trình hành động của Tỉnh ủy; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể hóa chương trình phát triển hạ tầng ở đơn vị, ngành, địa phương mình. Uỷ ban nhân dân tỉnh sớm xây dựng kế hoạch để triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra kết quả việc thực hiện, đảm bảo đạt các chỉ tiêu đã đề ra.

Hữu Thuận
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 276
  • Khách viếng thăm: 267
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 32270
  • Tháng hiện tại: 2196930
  • Tổng lượt truy cập: 46164163