Trồng thanh long không lo đầu ra?

Đăng lúc: Thứ tư - 28/03/2012 07:40
Tiêu thụ thanh long sẽ dễ dàng hơn.

Tiêu thụ thanh long sẽ dễ dàng hơn.

Cái "bắt tay" giữa Sở Công thương với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đơn vị cung ứng vật tư, nông dân cùng với các sở, ngành liên quan nằm trong "Dự án xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp-hộ kinh doanh-nông dân tiêu thụ và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất" đã mở ra cơ hội mới cho nông sản Tiền Giang, trước mắt là đối với thanh long.

Dự án vừa được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện, do Sở Công thương chủ trì. Theo lãnh đạo Sở Công thương, dự án lựa chọn thanh long bởi đây là một trong 7 loại trái cây chủ lực có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, diện tích trồng thanh long của tỉnh trên 1.800 ha, sản lượng gần 33.000 tấn/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thanh long Tiền Giang đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bảnnnn thông qua các nhà xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... Song song đó, tỉnh cũng đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án phát triển cây thanh long đến năm 2015. Mô hình sau khi triển khai thành công đối với sản phẩm thanh long có thể nhân rộng sang các loại trái cây khác có đặc điểm khá tương đồng trong các công đoạn từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng.

Điểm khác cơ bản của dự án này là lựa chọn đơn vị ký hợp đồng bao tiêu thanh long ngay từ đầu. Theo dự án, Công ty TNHH Long Việt (huyện Chợ Gạo) được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm. Đây là doanh nghiệp thu mua phần lớn thanh long, đã hình thành mạng lưới thu mua tại địa phương và có nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh thanh long. Công ty cũng đã đầu tư cơ sở vật chất gồm nhà kho, phương tiện vận tải... phục vụ cho việc kinh doanh thanh long. Ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt cho rằng, chất lượng trái thanh long của Chợ Gạo hiện đã tương đồng với thanh long của Bình Thuận. Những năm gần đây, Trung Quốc chiếm 80% thị trường tiêu thụ thanh long của Việt Nam nói chung và Chợ Gạo nói riêng; trong khi đó, hiện tại tất cả khách hàng châu Âu đặt mua thanh long Chợ Gạo và Long An nên người trồng thanh long an tâm. Một thông tin lạc quan nữa là các nước Ấn Độ, Nga đã triển khai kế hoạch mua thanh long Chợ Gạo vào năm 2013 với số lượng rất lớn. Với lượng đặt hàng của các khách hàng mới này, mỗi ngày Công ty phải giao từ 5-10 container mới đáp ứng được nhu cầu. "Thực hiện dự án này Công ty sẽ ký hợp đồng với người trồng thanh long với giá thỏa thuận theo năm hoặc theo vụ xông đèn. Tuy nhiên, điều cần phải quan tâm là 2 bên cần giữ đúng hợp đồng đã ký", ông Trần Hữu Danh cho biết.

Dự án này cũng xây dựng được một mối liên kết khác là giữa người trồng thanh long và đơn vị cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tham gia dự án, với vai trò là đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, ông Lê Văn Bé, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp, cho biết Công ty sẽ cung ứng đầy đủ phân bón và thuốc trừ sâu thông qua hình thức ký hợp đồng với từng hộ nông dân hoặc đại diện hộ nông dân để cung ứng vật tư với giá cam kết là rẻ hơn giá bán bên ngoài ít nhất là 3%. Ông Lê Văn Bé cho biết thêm, với năng lực sản xuất của Công ty và các đơn vị vệ tinh, đảm bảo đủ khả năng cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp cho tất cả hộ nông dân, kể cả phân bón, thuốc trừ sâu và các loại vật tư khác.

Vấn đề cốt lõi còn lại là ở địa phương, bao gồm những hộ nông dân trực tiếp sản xuất và chính quyền địa phương tham gia thực hiện dự án. Ông Phạm Văn Tiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho rằng, cây thanh long đã có mặt ở 12 xã trong huyện, mục tiêu đến năm 2015 nâng lên khoảng 5.000 ha. Những năm gần đây, huyện đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển những vùng sản xuất thanh long tập trung. Theo đó, Nhà nước và nhân dân đã đầu tư khoảng 768 tỷ đồng phục vụ cho đề án phát triển cây thanh long. Tuy vậy, thời gian qua mối liên kết giữa doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người sản xuất chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, người sản xuất thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ. "Tôi hy vọng dự án sẽ tạo nên mối liên kết giữa doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người sản xuất mở ra hướng phát triển mới, người nông dân và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ lợi ích, cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong suốt quá trình sản xuất-kinh doanh. Đồng thời, lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo cho các xã, thị trấn trong huyện giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng về tiêu thụ nông sản cũng cung ứng vật tư phục vụ sản xuất", ông Phạm Văn Tiếu cho biết.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, các bên trong mô hình liên kết theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, cùng có lợi. Việc liên kết dựa trên cơ sở lợi ích kinh tế của các bên liên quan. Các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ quá trình thực hiện mô hình để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững; giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa các bên theo quy định của pháp luật. Ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tham gia dự án nắm được chặt chẽ về quy trình cũng như soạn thảo các hợp đồng thương mại, Sở Công thương sẽ phối hợp với các chuyên gia tổ chức các lớp tập huấn về cơ chế, chính sách tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư; nghiệp vụ soạn thảo và ký kết hợp đồng tiêu thụ...

Dự án đã mở ra một cơ hội mới đối với trái thanh long. Song hiệu quả đến mức nào cần phải có thời gian, thực tiễn kiểm nghiệm. Bởi, tỉnh đã từng thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về bao tiêu sản phẩm nhưng sau 10 năm kết quả vẫn chưa như mong đợi.

Bao tiêu trên cây lúa

Cùng với cây thanh long, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt phương án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ sản phẩm lúa và cung ứng vật tư sản xuất lúa giai đoạn 2011-2015. Theo đó, dự án sẽ thực hiện việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư cho 2 HTX tham gia mô hình (HTX Bình Nhì khoảng 500 ha, sản lượng thu mua 5.000 tấn; HTX Bình Tây khoảng 300 ha, sản lượng 3.000 tấn). Dự án chọn Công ty Lương thực Tiền Giang tham gia mô hình thí điểm. Đây là doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn nhất của tỉnh, là thành viên của Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Công ty có hệ thống nhà máy xay xát tổng công suất trên 40 tấn lúa/giờ, 13 kho với sức chứa 27.000 tấn thóc, 94.000 tấn gạo.

Thực hiện dự án này, xã viên và nông hộ địa phương có điều kiện tiếp cận được quy trình sản xuất tiên tiến, trực tiếp nắm được giá cả thị trường nông sản do mình sản xuất ra, yên tâm đầu tư sản xuất, mua bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có điều kiện trực tiếp tiếp cận với vùng nguyên liệu, chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng, yên tâm với chất lượng sản phẩm mình chọn mua; góp phần giải quyết những bức xúc trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đang đặt ra; thực hiện công tác bình ổn giá cả, bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp, phát triển sản xuất ổn định, bền vững, không ngừng nâng cao thu nhập của người trồng lúa tại địa phương...

Thế Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 206
  • Khách viếng thăm: 205
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 20113
  • Tháng hiện tại: 2519499
  • Tổng lượt truy cập: 48893626