Nói về công việc đang làm, chú Dầm cho biết: "Đã lớn tuổi, vợ chồng tôi mỗi ngày tráng được khoảng 25 - 30 kg, trừ chi phí còn lời khoảng 100.000 đồng. Phần lớn các công đoạn đều làm thủ công (chỉ xay bột bằng máy). Làm ra bao nhiêu thương lái đến lấy hết. Ngoài làm bánh tráng, thời gian còn lại trong ngày, chúng tôi còn có thể làm nhiều việc khác, đồng thời tận dụng phụ phẩm dư thừa để nuôi heo. Nhờ thế, cuộc sống gia đình cũng tạm ổn".
Chú là một trong hơn 100 hộ gia đình ở khu vực này sản xuất bánh tráng. Hầu hết họ gắn bó nghề theo hình thức nối nghiệp của ông bà để lại. Có những hộ gắn bó với nghề trên 40 năm. Theo những người hoạt động trong nghề, làm bánh tráng không khó và không mất nhiều thời gian, thị trường tiêu thụ khá ổn định nên đến nay khu vực này vẫn giữ được nghề truyền thống, cuộc sống của nhiều hộ gia đình nhờ thế được ổn định.
Hoạt động sôi động, quy mô nhất phải kể đến cơ sở sản xuất bánh tráng Thế Sơn. Hiện nay mỗi ngày, cơ sở Thế Sơn có trên 10 lao động làm việc với sản lượng làm ra khoảng 400 kg thành phẩm. "50 kg gạo tráng cho ra 45 kg bánh thành phẩm, giá mỗi kg bánh 20.000 đồng, sau khi trừ chi phí còn lời 340.000 đồng. Nếu làm bánh tráng từ nguyên liệu bột mì, lợi nhuận thu được 150.000 đồng/50kg. Thu nhập người lao động bình quân trên 2 triệu đồng/tháng. Với thị trường tiêu thụ ở Tây Ninh và một số nơi khác ổn định, lợi nhuận và thu nhập như thế là sống được."- anh Đoàn Mộng Hà Sơn, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Thế Sơn, bày tỏ. Anh Sơn cũng cho biết, trước đây, cơ sở của anh cũng sản xuất bánh tráng bằng phương pháp thủ công như những hộ khác. Để có điều kiện mở rộng hướng phát triển nghề và cơ sở, năm 2011, anh đầu tư một dây chuyền làm bánh tráng gần 500 triệu đồng (nguồn vay không tính lãi 95 triệu đồng từ Quỹ Khuyến công thuộc Sở Công Thương).
Theo UBND xã Hậu Thành, nghề sản xuất bánh tráng ở Hậu Thành ra đời cách nay trên 40 năm, lúc đầu chỉ vài hộ làm, sau đó phát triển dần. Hoạt động của nghề chủ yếu gia truyền, chỉ một số hộ làm nghề 1 - 2 năm nay và chủ yếu làm thủ công (chỉ xay bột bằng máy) từ tráng, phơi, lắng bột.... tập trung ở 4 ấp Hậu Vinh, Hậu Hoa, Hậu Thuận, Hậu Hòa). Trên cơ sở nghề làm có tính chất truyền thống và tập trung, năm 2003, UBND tỉnh công nhận Làng nghề bánh tráng Hậu Thành. Bên cạnh thuận lợi của làng nghề là sử dụng lao động, nguyên liệu sử dụng tại chỗ; vốn đầu tư ít, lợi nhuận cao, thời gian thu hồi vốn nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định, những năm qua, một số hộ hoạt động trong làng nghề còn được hỗ trợ vay vốn để đầu tư sản xuất. Năm 2010 chương trình vay vốn của dự án EDF với lãi suất 0,65%/năm đã cho 13 hộ vay (mỗi hộ vay 8 triệu đồng).
Dù vậy, qua hiện trạng sản xuất, tiêu thụ, làng nghề sản xuất bánh tráng còn gặp rất nhiều khó khăn. Biểu hiện rõ nhất là số hộ hoạt động trong làng nghề giảm. Cụ thể, năm 2003, làng có 138 hộ làm nghề, 488 lao động tham gia sản xuất. Sau gần 10 năm công nhận, số hộ làm nghề còn 103 hộ (chiếm 18% số hộ sống trong khu vực làng nghề), 335 lao động tham gia sản xuất, sản lượng bánh làm ra bình quân mỗi tháng 181 tấn. Trong đó, hiện nay chỉ có 15 hộ hoạt động suốt năm, số còn lại làm theo thời vụ (chủ yếu 2 tháng giáp Tết); sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết do không có hệ thống sấy, nhà kho dẫn đến không chủ động được sản xuất vào mùa mưa. Làng nghề nằm sâu bên trong cách xa lộ lớn, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại không thuận tiện gây khó khăn cho việc vận chuyển. Phạm vi khu vực làng nghề lớn, hộ làm nghề xen lẫn ruộng, vườn và hộ dân không làm nghề dẫn đến tỷ lệ hộ hoạt động nghề khá thấp. Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ hộ hoạt động chỉ đạt 18%, chưa đạt tiêu chí thứ nhất của làng nghề (phải có tối thiểu 30% trong tổng số dân hoạt động trong làng nghề). Các hộ hoạt động còn mang tính riêng lẻ, quy mô nhỏ, hình thức sản xuất mang tính tự sản tự tiêu, không có thương hiệu riêng, không có đại lý thu mua sản phẩm ở thị trường xa. Ngoài ra, nguồn điện, nước phục vụ sản xuất không đảm bảo. Làng nghề chưa được quy hoạch có hệ thống, chưa có thị trường tiêu thụ sản lượng lớn. Bên cạnh đó, nước thải làng nghề chưa được xử lý cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Tháo gỡ khó khăn cho làng nghề, giải pháp đặt ra là cần xúc tiến các công trình cơ sở vật chất theo đề án đã duyệt, hỗ trợ vốn để các cơ sở đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm...Cụ thể, để hỗ trợ làng nghề phát triển, mới đây tại buổi làm việc với làng nghề, UBND tỉnh chỉ đạo, cần đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực làng nghề, nhất là giao thông nông thôn. Muốn vậy, trong thực hiện các dự án hạ tầng cần ưu tiên đầu tư cho khu vực làng nghề; cần thành lập tổ hợp tác khắc phục tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ hiện nay. Từ đó, các ngành, các cấp có điều kiện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại... Đồng thời, làng nghề cần khai thác thế mạnh truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với du lịch.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc