Xuất ngũ năm 2005, không như những bạn trẻ đồng trang lứa xa quê lập nghiệp, Lương Bá Ngân (sinh năm 1981, ấp 7, xã Mỹ Thành Nam) quyết định tiếp nối nghề nông của gia đình. Ban đầu, Ngân chỉ theo ba phụ những việc lặt vặt. Những ngày vừa làm, vừa học đã khiến anh trăn trở: Tại sao đất ruộng nhiều mà thu nhập chỉ đủ chi phí sinh hoạt? Có điều kiện tham gia những hội thảo nông nghiệp, tiếp cận kiến thức khoa học - kỹ thuật, Ngân tìm ra đáp án: Hoàn toàn có thể vươn lên làm giàu nếu biết thay đổi hướng canh tác. Lợi thế lớn nhất của Ngân là tuổi trẻ "dám nghĩ, dám làm" và sự động viên, khuyến khích của ba. Ngân mang những kiến thức vừa được trang bị áp dụng cho diện tích đất canh tác của gia đình. Từ những thành công bước đầu, ba tin tưởng giao cho Ngân 17 hecta ruộng - nguồn kinh tế chính cho cậu con trai. Không chỉ thuần nghề nông, Ngân còn theo người chú học nghề làm tủ nhôm, cửa kính và mở một cơ sở tại nhà. Một buổi hoàn thành những đơn đặt hàng cho khách, một buổi cặm cụi với việc đồng áng, nỗ lực của Ngân đã được đền bù bằng nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm - một con số đáng mơ ước đối với những bạn trẻ nông thôn. Không chỉ vậy, cơ sở của Ngân còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương. Ngân cho biết: "Trước đây, mình cũng có suy nghĩ sẽ xa quê tìm việc làm tại các khu công nghiệp. Nhưng, gia đình có sẵn đất canh tác lại thiếu lao động, việc xa quê tìm việc chưa chắc đem lại thành công nên quyết định ở lại. Những bước đi đầu tiên không phải lúc nào cũng cho kết quả xứng đáng với nỗ lực của mình, phải kiên nhẫn tích lũy kinh nghiệm".
Phạm Văn Dứt và các thành viên trong Tổ vần đổi công ấp Tân Hiệp thu hoạch lúa cho nông dân. |
Còn thanh niên Phạm Văn Dứt (sinh năm 1983, ấp Tân Hiệp, xã Tân Phú), sau khi xuất ngũ trở về địa phương năm 2002, Dứt quyết tâm lập nghiệp trên quê hương bằng nghề nông và tham gia sinh hoạt chi đoàn ấp Tân Hiệp. Năng nổ, nhiệt tình nên năm 2009, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn. Làm cách nào để thanh niên nông thôn gắn bó lâu dài với tổ chức Đoàn, Hội và có việc làm ổn định ở quê mình là điều Dứt luôn quan tâm.
Năm 2009, tổ vần đổi công ấp Tân Hiệp ra đời với 30 thành viên do Dứt vận động. Mục đích ban đầu của tổ đúng như tên gọi - luân phiên thu hoạch lúa cho nhau bởi hầu hết đều phụ gia đình làm ruộng. Sau đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế của một địa phương sản xuất nông nghiệp, vào mùa vụ nhu cầu nhân công cho khâu thu hoạch rất khó tìm, Dứt trang bị máy cắt xếp dãy và thùng phóng lúa để các thành viên trong tổ có việc làm sau khi đã thu hoạch xong ruộng nhà. Ba năm nay, mô hình này đã tạo việc làm cho các thành viên và một số lao động địa phương. Dứt nói: "Trước đây, sau vụ lúa của gia đình, các bạn thường rảnh rỗi vì không có việc làm. Bây giờ thì có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi để có thêm thu nhập. Nếu đi hết vụ thu hoạch, bình quân mỗi người thu nhập không dưới 3 triệu đồng". Không chỉ giúp nhau làm ăn, những ngày rong ruổi thu hoạch trên những cánh đồng còn là dịp để các thành viên gắn bó với nhau hơn và cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
Điều dễ nhận thấy ở hai bạn trẻ Lương Bá Ngân và Phạm Văn Dứt là sự nhạy bén, cầu tiến, sáng tạo trong lao động sản xuất. Đây là hai gương mặt tiêu biểu trong rất nhiều thanh niên ở huyện Cai Lậy cũng đang có mục tiêu lập nghiệp trên quê mình với suy nghĩ "đất không phụ người"!.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc