Có chồng và ba người con. Chồng hy sinh, một mình vừa gánh gồng nuôi các con, nuôi mẹ già, 2 người em trai và hoạt động cách mạng. Quãng đời tuổi trẻ của cô trôi qua trong biết bao gian khổ. Đến lúc bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ngồi nhớ lại chuyện xưa, cô chỉ có thể nói với bản thân rằng: “Không biết điều gì đã giúp mình vượt qua từng ấy nỗi lo toan để có cuộc sống hôm nay”.
Nói là nói vậy, chứ trong tâm khảm cô vẫn biết điều có thể khiến mình vượt qua những khó khăn không sao nói hết thành lời ấy chính là tinh thần kiên cường của người phụ nữ và tình yêu chồng, yêu quê hương vô hạn.
Ở tuổi "thất thập", cô Như rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại.
Căn nhà nhỏ ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Đức Tây (Cái Bè) còn lưu giữ khá nhiều hình ảnh về gia đình nhỏ của cô. Bên cạnh đó, là tấm bằng Tổ quốc ghi công cùng những tấm huân chương, bằng khen mà cô Như và chồng có được trong những ngày gian khó. Trong đó, chúng tôi chú ý đến tấm ảnh chụp chung của cô, chú và mấy người con.
Theo cô Như, đó là tấm ảnh gia đình duy nhất, nhưng đáng tiếc không phải chụp trong lúc gia đình quây quần bên nhau. Vì tấm ảnh gốc chỉ có mấy mẹ con, còn ảnh của chú là do được ghép vào sau này.
Cô Như bày tỏ: “Thời chiến tranh, chú đi kháng chiến suốt rồi hy sinh, đâu có dịp nào được đoàn tụ cả gia đình mà chụp ảnh. Vậy là tấm ảnh chung của cả nhà được cắt ghép từ những tấm ảnh chụp riêng khác. Nhưng, đó lại là tài sản quý của gia đình tôi”.
Đối với cô Như, quãng thời gian hạnh phúc nhất là được tham gia hoạt động cách mạng và được quây quần bên những người thân yêu. Cô Như hồi tưởng: Năm 17 tuổi, cô giác ngộ và định đi theo cách mạng. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên năm đó cô không đi được. Hai năm sau, cô mới tham gia giao liên tại xã rồi lập gia đình.
Cô còn nhớ rất rõ về người chồng đã hy sinh và lần đầu cô chú gặp nhau. Chú là Trần Hữu Cẩn (lúc đó là Bí thư Xã đoàn, nơi cô đang công tác). Trong lần đầu gặp mặt, cô đã có cảm tình với người thanh niên quả cảm, có ánh mắt nhìn cương trực và quyết đoán. Chú Cẩn cũng chú ý đến cô giao liên nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn. Đồng chí Phạm Thành Trung, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Cái Bè biết chuyện nên đã đứng ra tác hợp cho 2 người.
Cô lập gia đình, sinh con. Ngoài thời gian công tác, cô luôn giữ đúng vai trò người vợ, người mẹ. Khi đứa con thứ 2 tròn thôi nôi thì chú thoát ly, cô ở lại quê nhà công tác hợp pháp theo yêu cầu của địa phương.
Cô vẫn còn nhớ rất rõ buổi chiều ngày 5-10-1958, chú cùng các đồng đội của mình là đồng chí Phạm Văn Trực, Năm Đến bơi xuồng chở theo 500 viên đạn xuôi về Đồng Tháp. Cuộc chia tay diễn ra bịn rịn nhưng không có nước mắt mà chỉ có quyết tâm cháy bỏng. Cô chú cùng bắt tay nhau, hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thời gian thắm thoát, hai năm sau, chú được điều về hoạt động tại Cái Bè. Tuy gần gũi, nhưng cô chú cũng chẳng có mấy dịp gặp nhau. Mỗi lần lên thăm chú, cô phải chuẩn bị đủ thứ, dò đường đi nước bước cẩn thận rồi mới dám lên đường.
Năm 1965, cô sinh đứa con thứ ba, khi vừa tròn 14 tháng thì chú hy sinh. Lúc đó, chú là Huyện ủy viên, Trưởng Ban Tuyên huấn Huyện ủy Cái Bè. Gạt nước mắt, cô quyết tâm nối chí chồng, hết lòng cống hiến cho cách mạng.
Cùng lúc này, cô phải đối mặt với không ít khó khăn. Vợ liệt sĩ, lại có 2 em đi cách mạng nên chẳng lúc nào cô được yên. Cô Như kể: “Mỗi tối, xung quanh nhà lúc nào cũng có người lùng sục, theo dõi, dòm ngó, mấy đứa con ngồi học bài tôi phải thức canh suốt. Đó là chưa kể đôi ba ngày lại bị làm khó đủ điều. Cuộc sống quả thật rất khó khăn”.
Để có tiền lo cho cuộc sống, nuôi mẹ già cùng 3 đứa con, cô đã phải vất vả bươn chải: Hết làm vườn, làm ruộng, lại đi khắp nơi mua bán kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Đã vậy, cô phải vượt qua sự theo dõi, làm khó của bọn lính ngụy và tay sai.
Vậy mà, trong vòng tay cô, 3 đứa con gái vẫn lớn lên khỏe mạnh, trắng da, dài tóc, học giỏi và thành đạt. Đến tận bây giờ cô vẫn hay nói vui: “ Có lẽ lúc đó có chú “phù hộ”, chứ không tôi không biết phải làm sao để vượt qua hết những khó khăn, cũng như nguy hiểm mà bọn giặc bày ra”.
Cuộc sống hiện tại đối với cô như là mơ. Cô Như cho biết: Thế hệ chúng tôi đã đi qua chiến tranh, so với những khó khăn thiếu thốn thời điểm đó thì cuộc sống hiện tại là quá đầy đủ. Tôi có nhà cửa, có ruộng vườn, có cuộc sống ổn định. Tuy tuổi đã già nhưng tôi vẫn thường xuyên tham gia công tác tại địa phương, giúp đỡ bà con lối xóm nên thấy cuộc sống mình cũng còn nhiều ý nghĩa.
Đối với cô Như, việc các con trưởng thành, mỗi đứa có một công việc, một mái gia đình và hạnh phúc riêng là hạnh phúc lớn nhất. Niềm hạnh phúc lớn lao thứ hai hiện tại của cô là có thể đi lại, lao động và thu hoạch thành quả trên mảnh vườn nhà. Cô có 3 công vườn, trồng nhãn, cam sành, chôm chôm, mít… Đây cũng là khu vườn mơ ước của cô từ thuở nhỏ nên giờ có nó trong tay, với cô là niềm vui khôn tả.
Hiện tại, cô Như rất mãn nguyện với cuộc sống. Nhất là sau khi đi dự Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc vừa qua. Cô Như chia sẻ: Những Hội nghị biểu dương như thế là phần thưởng rất lớn đối với những người như chúng tôi. Phần thưởng vật chất không quan trọng, điều cốt yếu nhất chính là việc chúng tôi được nhớ đến, được gặp nhau và cùng nhau chia sẻ, ôn lại quãng đời gian khổ nhưng cũng rất hạnh phúc của mỗi người.
Ý kiến bạn đọc