An toàn vệ sinh thực phẩm: Thực trạng và bất cập

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/08/2012 15:52

Trong thời gian qua, báo chí phản ánh thường xuyên về các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn như: Rượu chứa nhiều methanol; mứt có dòi; chân gà bị phát hiện có mủ xanh hoặc chân gà được ngâm trong oxy già để làm trắng; thịt gà, thịt vịt được nhổ lông siêu tốc bằng nhựa thông, rồi tẩy trắng và nhuộm bằng phẩm màu; thịt heo và da heo hôi thối được tái chế thành thịt heo và da heo mới bằng thuốc tẩy...

Đó là thực trạng chung đáng báo động về nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng. Bên cạnh đó, tại các bếp ăn tập thể cũng xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Điển hình là vụ ngộ độc tập thể xảy ra ngày 16-4-2012 làm 235 công nhân của Công ty Dream MeKong (An Cư, Cái Bè) bị ngộ độc.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xảy ta 4 vụ ngộ độc với 265 người mắc, không có tử vong; trong đó có 1 vụ ngộ độc tập thể tại Công ty Dream MeKong. So với cùng kỳ năm 2011, số vụ ngộ độc ít hơn, nhưng số người mắc cao hơn - cùng kỳ năm 2011 xảy ra 7 vụ/107 người ngộ độc.


Cơ quan chức năng kiểm tra xử lý chất thải.

Điều đáng lưu tâm là trước đó ngành Y tế đã tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho 2.887 người lao động và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho 192 cơ sở. Đặc biệt, ngành Y tế đã thực hiện 5.898 lượt thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện 535 cơ sở vi phạm. Trong đó, đã cảnh cáo, nhắc nhở 57 cơ sở; số cơ sở bị hủy sản phẩm là 26, với 30 loại sản phẩm và 33 cơ sở bị phạt tiền, với tổng số tiền trên 45 triệu đồng.

Từ thực trạng và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chất lượng ATVSTP, ngành Y tế Tiền Giang gặp không ít khó khăn, cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ trong thời gian tới như:

Một là, Luật An toàn thực phẩm và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã có hiệu lực nhưng chưa có thông tư hướng dẫn nên gặp khó khăn trong việc thực hiện. Trong đó, việc quản lý giao cho 3 bộ: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng hiện nay việc cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP vẫn do ngành Y tế đảm nhiệm.

Hai là, việc xử lý phải dựa vào kết quả kiểm nghiệm, nhưng hầu hết các test nhanh đều chưa đủ tính pháp lý để xử lý, trong khi kết quả mang tính khẳng định đòi hỏi phải mất nhiều thời gian. Vì vậy khi có kết quả xét nghiệm, nhiều sản phẩm không đạt đã được cơ sở phân phối và tiêu thụ hết (nếu như nghi ngờ mà tạm giữ sản phẩm, khi có kết quả đạt yêu cầu thì ai sẽ là người bồi thường thiệt hại cho cơ sở?).

Ba là, trong công tác giám sát chủ động phân tích mối nguy để dự phòng thì đòi hỏi chi phí tốn kém rất nhiều, nhưng hiện nay kinh phí phân bổ cho mảng này còn hạn chế nên hiệu quả chủ động phân tích mối nguy chưa đạt yêu cầu.

Bốn là, do điều kiện kinh tế của địa phương và của người dân nói chung còn khó khăn, phần lớn cơ sở sản xuất, chế biến ở dạng thủ công, người dân buôn bán nhỏ lẻ, chưa đảm bảo về quy trình, công nghệ và điều kiện vệ sinh, an toàn, nên rất khó trong cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, từ đó rất khó quản lý và khó xử lý vi phạm một cách triệt để.

Trong khi chờ các nhà quản lý thực hiện tốt nhiệm vụ và các doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm tự giác thì người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình thông qua những hiểu biết và thực hành đúng quy định ATVSTP để bảo vệ tốt sức khỏe cho chính mình và gia đình trong cuộc sống hàng ngày.

BS. Trần Thanh Thảo
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 70
  • Khách viếng thăm: 69
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 15383
  • Tháng hiện tại: 296497
  • Tổng lượt truy cập: 67270988