Chuyện về người đầu tư tiền tỷ xây trường mầm non

Đăng lúc: Thứ năm - 23/08/2012 10:33

Mấy hôm nay, bà con ở xã An Hữu (Cái Bè) cứ bàn tán xôn xao về chuyện anh Lê Văn Hùng (Hùng Hai) đầu tư tiền tỷ xây dựng trường Mầm non tư thục. Trong nhiều năm qua, một số phụ huynh phải đưa con em đi gởi ở các nhóm trẻ vì trường Mầm non An Hữu luôn quá tải. Vì vậy, khi hay tin anh Hùng đầu tư xây dựng trường Mầm non Phan Trọng Tuệ khang trang, bà con ai nấy cũng vui mừng.

Anh Lê Văn Hùng, người đầu tư tiền tỷ xây dựng trường Mầm non tư thục.

VẬT LỘN MƯU SINH

Sinh ra trên dải đất miền Trung nghèo khó, 17 tuổi, học xong THPT, anh Hùng nhập ngũ. Anh được điều về đơn vị Vùng 5 Hải quân, đóng ở Phú Quốc.

Xuất ngũ, Hùng xin vào làm công nhân ở Công ty Xây lắp, chi nhánh An Hữu. Trong thời gian làm việc ở đây, anh thanh niên có vóc người cao ráo, rắn rỏi nhưng hiền lành, chất phác đã phải lòng cô công nhân may Ngô Thị Kim Thanh.

Đất lành chim đậu, năm 1987, anh bộ đội phục viên quê Hà Tĩnh chấp nhận ở lại làm rể trên mảnh đất An Hữu cây lành, trái ngọt quanh năm. Cứ ngỡ cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua, nhưng rồi Công ty Xây lắp giải thể, không lâu sau đó chị Thanh - vợ anh, cũng thất nghiệp.

Phan Trọng Tuệ (1917-1991) là dượng của anh Lê Văn Hùng. Nhà cách mạng Phan Trọng Tuệ là một tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam với quân hàm Thiếu tướng và là Tư lệnh đầu tiên của lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang.

Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây và Hà Đông, Phó Thủ tướng Chính phủ (1974-1975), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa III và VI; đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI.

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác. Ngày 15-10-2007, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.

Để trang trải cho cuộc sống, hàng ngày vợ chồng anh Hùng ra chợ An Hữu thu mua trái cây rồi bỏ mối lại cho các bạn hàng đi buôn chuyến ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu…

Từ cái rủi, vợ chồng anh đã rẽ ngoặt và con đường mới lại mở ra với những may mắn. Việc thu mua trái cây rồi bán lại gặp nhiều thuận lợi, nên vợ chồng anh đã tích lũy được số vốn kha khá.

Chỉ 3 năm sau (1990), vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư mở vựa trái cây Hùng Hai (đây là vựa trái cây thứ 2 ở chợ An Hữu lúc bấy giờ). Trong việc mua - bán, anh luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Nhờ vậy, vựa trái cây Hùng Hai luôn được nông dân quý mến, tìm đến để bán hàng. Các vựa trái cây ở Cái Bè và thương lái cũng tin tưởng, đặt hàng với số lượng lớn.

Trong thập niên 1990, thương lái thu mua trái cây để chuyển đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, miền Bắc luôn tấp nập. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh tập trung thu mua các mặt hàng mà các thương lái cần để đảm bảo cung ứng đủ cho họ.

Trong giai đoạn ấy, lúc nào vựa trái cây của anh cũng có từ 30 - 40 nhân công, những lúc cao điểm có đến 70 người làm. Vậy mà ngày nào vợ chồng anh cũng làm quần quật từ sáng cho đến khuya, có hôm đến gần sáng mới đóng hàng xong cho thương lái, nằm chợp mắt một chút đã phải dậy để tiếp tục thu mua trái cây.


Khu vui chơi trong trường rộng rãi, thoáng mát.

Điều anh trăn trở là vì tất bật buôn bán, nên vợ chồng anh không có nhiều thời gian để gần gũi, chăm sóc 4 đứa con trai và cô con gái nuôi. Thương con, không muốn để con sống xa gia đình quá sớm, nhưng vì không có thời gian chăm sóc con, nên anh phải gởi các cháu học ở trường nội trú trên TP. Hồ Chí Minh. Nhớ con, nhưng cả tháng vợ chồng anh mới có thể sắp xếp thời gian để đi thăm con 1 lần.

Đứa con trai lớn của anh hiện đang du học ở Singapore, đứa con thứ 2 thì đang học THPT, đứa con thứ 3 đang học THCS, đứa thứ 4 đang học tiểu học, còn cô con gái út đang học mẫu giáo. Thấu hiểu nỗi vất vả của người lao động chân tay, nên anh luôn tâm niệm sẽ cố gắng lo cho con học hành đến nơi đến chốn để sau này đỡ phải cực nhọc. 

TRI ÂN CUỘC SỐNG

Trong thời gian làm Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh của trường Mầm non An Hữu, thấy trường quá tải, nhiều cha mẹ học sinh phải đưa con đi gởi ở các nhóm trẻ, từ đó anh cứ ấp ủ ý nghĩ xây dựng trường mầm non để giúp các em có nơi học hành, vui chơi thoải mái.

Biết được tâm nguyện xây trường của anh, ông Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT (cậu ruột của vợ anh Hùng) hướng dẫn anh làm các thủ tục để xin phép thành lập trường. 2 năm thai nghén, ấp ủ, đến tháng 12-2010, ngôi trường chính thức được khởi công xây dựng tại ấp 5, xã An Hữu.

Đến ngày 12-8 vừa qua, trường Mầm non Phan Trọng Tuệ đã được khánh thành và đưa vào sử dụng ngay đầu năm học 2012-2013 trong niềm vui của nhiều phụ huynh học sinh.

Trường được xây dựng trong quần thể kiến trúc bao gồm: khu công viên với các công trình kiến trúc: nhà rường Huế, cà phê nhà cổ miền Trung Phố Việt, nhà hàng tiệc cưới, hồ bơi… đi sâu vào bên trong là khuôn viên trường mầm non.

Tổng diện tích khu quần thể là 11.000m2, trong đó phần diện tích xây trường mầm non là 5.200m2. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng khu quần thể là 50 tỷ đồng (không tính phần kinh phí mua đất), trong đó phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non là 15 tỷ đồng.

Trường mầm non được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, với 40 phòng và 1 hội trường lớn, có sức chứa khoảng 100 người. Trường có 18 phòng học, có trang bị máy điều hòa nhiệt độ, quạt thông gió. Trường có đầy đủ phòng chức năng như: phòng truyền thống, vi tính, âm nhạc, mỹ thuật, y tế học đường và 1 nhà ăn hiện đại, sạch sẽ. Trường còn xây dựng hệ thống giếng nước tầng sâu và máy phát điện để đảm bảo nguồn điện và nước sinh hoạt cho trẻ.

Trường tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 15 - 60 tháng tuổi theo chương trình giáo dục Mầm non do Bộ GD-ĐT quy định. Hiện nay, trường có thể thu nhận từ 600 - 700 học sinh các lớp từ nhà trẻ đến mẫu giáo, học bán trú 100%.

Không ít người biết anh đầu tư tiền tỷ để xây dựng trường, có “lời ra tiếng vào”, lo ngại việc đầu tư vốn liếng xây dựng trường sẽ không mang lại lợi ích kinh tế. Một số người còn bạo miệng bảo anh… khùng, vì theo họ nên để khoản tiền ấy đầu tư vào việc khác hoặc gởi ngân hàng lấy lãi sẽ an toàn và sướng hơn nhiều.

Nhưng anh không nghĩ vậy. Bởi vì, xuất thân từ nông thôn nghèo khó miền Trung nên anh hiểu những thiếu thốn, khát khao của trẻ em nông thôn. Vì vậy, niềm mong mỏi lớn nhất của anh là được nhìn thấy các em nhỏ đến trường với nụ cười hồn nhiên trên môi và giúp cho phụ huynh an tâm khi gởi con học ở trường.

Ngoài ra, anh còn tâm niệm sẽ hỗ trợ cho các hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi được học ở trường. Đó cũng là cách để người đàn ông 49 tuổi Hùng Hai, xuất thân từ dải đất nghèo miền Trung, tri ân với đời, với cuộc sống, với vùng đất An Hữu đã cưu mang và giúp anh có được cuộc sống như hôm nay. 

Trọng Tấn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 114
  • Hôm nay: 38179
  • Tháng hiện tại: 912306
  • Tổng lượt truy cập: 65850658