20 năm rọc lá chuối nuôi 2 con vào đại học

Đăng lúc: Thứ hai - 22/02/2010 14:15
Công việc thường ngày của anh chị Sáu

Công việc thường ngày của anh chị Sáu

Từ đường tỉnh 872 rẽ bên phải, men theo con đường dal Xóm Giồng thuộc ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây) hơn 500 mét là căn nhà "Đại đoàn kết" được xây dựng từ quỹ Vì người nghèo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh cất tặng cho gia đình anh Trần Văn Sáu và chị Dương Thị Ngọc Lan. Vợ chồng anh chị trông khắc khổ, gầy gò, già hơn nhiều so với tuổi 50.
"Niềm vui, ước nguyện lớn nhất trong cuộc đời của vợ chồng tui nay đã thành sự thật. Minh Nhật đã học xong đại học và ra trường có việc làm ổn định; Minh Phương học đại học năm cuối" Chị Lan vừa sắp xếp lại những bó lá chuối cho ngay ngắn đưa lên xe cho anh Sáu vừa hồ hởi nói trong ngày "khai trương" sau 3 ngày tết với cái nghề rọc lá chuối suốt 20 năm để nuôi 2 con ăn học.

Năm 1989, anh chị dắt díu 2 con về quê ngoại sống trên miếng đất vừa cất đủ căn nhà lá xập xệ, tuềnh toàng. Ai mướn gì làm nấy, nhưng với thể trạng nhỏ bé, sức khỏe kém, nên anh chị không kham nổi công việc làm thuê đồng áng nặng nhọc. Vợ chồng lam lũ quanh năm vẫn đói rách. Anh Sáu nhớ lại vùng quê mình Tân Hương (Châu Thành) có nhiều lò làm nem, làm bánh, chả lụa.Vậy là anh bàn với chị bỏ công mua rọc lá chuối rồi chở đi giao cho các chủ lò. Cứ như thế hàng chục năm nay, ngày ngày dù mưa hay nắng, vợ chồng chị mỗi người một chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp các vùng quê, hễ thấy nơi nào có vườn chuối thì ghé lại hỏi mua lá. Chị rọc lá đưa xuống đất, anh ngồi thu nhặt và xếp lại cho vào bao cân. Công việc cứ như vậy đến tối mịt vợ chồng mới chia nhau chở những bao lá chuối về nhà. Cứ ngày đi rọc lá chuối, ngày nghỉ để chở giao chủ lò ở Tân Hương, cách xa nhà hơn 50 cây số.

Anh chị Sáu
bên căn nhà tình thương.

Cuộc sống vất vả, nhưng anh chị vẫn quyết chí cho con đi học. Thương cha mẹ cả hai con của anh chị đều học giỏi. Anh chị nói: Đời mình ít học đã khổ rồi, nhiều lúc vất vả vẫn không than vãn, miễn sao các con học giỏi là mừng lắm !. Anh Sáu nhớ lại: Khi Minh Nhật học cấp 3, cách nhà hơn 7 cây số, anh phải chạy vạy mua cho con chiếc xe đạp cũ để đến trường. Ngày hai buổi trên chiếc xe hoen rỉ, chấm hàn loang lổ ,nhưng Nhật vẫn không vì thế mà mặc cảm với bạn bè. Em siêng năng đạp xe cọc cạch đến trường. Thấy cha mẹ nghèo tảo tần hôm sớm, Nhật rất chú tâm học hành. Những ngày nghỉ, em luôn theo phụ giúp cha mẹ. Hồi con đi thi đại học, nhà có nuôi con heo lứa, nhưng kêu bán hoài không được. Quá túng bấn, không còn tiền để cho con làm lộ phí, vợ anh đi khắp nơi mượn vài trăm ngàn cũng không có. Tối hôm đó, đứa em dâu cho mượn 300 ngàn đồng để cha đưa con lên Sài Gòn thi. Vừa xuống bến xe, với chiếc xe đạp cũ, hai cha con vội đi tìm mua tấm bản đồ TP. Hồ Chí Minh để dò tìm địa chỉ. Thi xong trường đầu tiên, sắp xếp cho Nhật cùng ở với những người bạn để chờ thi trường tiếp theo, anh vội vã trở về quê cho kịp phụ chị rọc lá giao chủ lò ,để kiếm tiền lên rước con về. Hôm nhận giấy báo trúng tuyển của Nhật đậu thật cao vào trường Đại học Hàng Hải, nỗi mừng chồng chất nỗi lo, vì anh chị không biết lấy đâu ra tiền để con nhập học. Biết hoàn cảnh gia đình anh chị, nhiều thầy cô của Nhật đã đến động viên, cho một ít tiền, may quần áo cho Nhật kịp bước đến giảng đường. Nhờ người quen hỏi tiền góp, trả lãi tuần, lãi tháng. Lo cho con nhập học rồi lại thêm gánh nặng khác. Mỗi tháng, anh chị tằn tiện lắm cũng chỉ dành dụm được 400 - 500 ngàn đồng lo cho con tiền ăn, sách vở. Tháng nào không đủ thì chạy vạy mượn đưa cho con, rồi vợ chồng đi rọc lá chuối trả dần.

Noi gương anh Hai, Trần Minh Phương học hành cũng không thua kém. Năm 2006, Phương cũng trúng tuyển vào trường Đại học Ngoại thương, khoa Quản trị kinh doanh Quốc tế và vinh dự được Đài Truyền hình Việt Nam chọn phát sóng trong chương trình "Ước mơ xanh". Anh đi trước, em sau. Nhật ra trường có công việc ổn định hỗ trợ phần nào cùng cha mẹ cho em Phương tiếp tục hoàn thành những chuỗi ngày sinh viên trong một gia đình quá nhiều gian khó nhưng rất hiếu học.

Mùa xuân này, gánh nặng gia đình anh chị Sáu, Lan đã vơi đi. Những năm tháng vất vả, tảo tần anh chị nuôi con từ những tàu lá chuối xanh lơ thơ trên khắp miền quê nay đã có quả ngọt đầu mùa.

Kiều Tước Nguyên
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 194
  • Khách viếng thăm: 193
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 21595
  • Tháng hiện tại: 2466485
  • Tổng lượt truy cập: 48840612