Miền gòn

Đăng lúc: Thứ ba - 10/07/2018 16:04
Có những thứ cận kề ta, cùng ta đi suốt cả tuổi thơ nhưng có lẽ chúng giản đơn, bình dị quá nên đôi lúc ta lãng quên; để rồi một khỏanh khắc bất chợt nào đó trong cuộc sống tất bật vô tình “ chạm” vào chúng, ký ức bỗng trỗi dậy đưa ta trở về miền quê xưa. Nếu không phải cơn mưa đầu mùa vội lùa qua mái trọ dột nát, để bạn phải đem tất tật chiếu, gối, mùng, mền... ra phơi thì mấy khi bạn nghe được mùi bông gòn thơm nắng từ chiếc gối ngoại làm, thấy được mùa gòn bung vỏ để bông trắng phiêu diêu theo gió trời như tuyết rơi, nhớ lại khoảng trời cùng dăm ba thằng trong xóm lội sông thả thuyền trái gòn mang ước mơ trời xa biển rộng,...
Minh họa: Nguồn Internet

Minh họa: Nguồn Internet

Những năm của thập niên 90 trở về trước, ở bất cứ vùng quê nào người ta cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của cây gòn, nó có thể đứng lẻ loi ở một góc của cánh đồng nào đó và cũng có thể được trồng thành hàng rào quanh vuông nhà. Giờ đây, có thể vì lợi nhuận từ cây gòn không cao nên nó được thay thế bằng nhiều loại cây ăn quả khác và chúng đang dần biến mất. Bạn nhớ thuở nào, cây gòn cứ như là vạn năng trong cuộc sống người dân quê. Nếu ai đã từng gặt lúa ở đồng xa thì không thể nào không hạnh phúc khi bữa cơm trưa trú nắng được dọn dưới gốc hàng gòn, đôi phút chớp mắt dưới tán gòn xanh mát cũng làm người thợ gặt lấy lại tinh thần cho công việc còn dở dang buổi  chiều. Dân hạ bạc thì mừng muốn rơi nước mắt khi tìm được hàng gòn mắc ghe tránh bão giữa đồng nước bạt ngàn. Nắng có, mưa có cây gòn vô tình thành nơi nghĩ ngơi, chiếc phao cứu sinh giữa đồng cho không biết bao cuộc đời cơ cực. Có ai đó đã nói “giá trị thật sự của một vật chỉ thể hiện ngay lúc chúng ta cần”  và cây gòn đã làm rất tốt điều ấy.

Người Việt Nam thường rất coi trọng vẻ dẹp của mái tóc, nhất là chị em phụ nữ. Người con gái đẹp sẽ càng đẹp hơn với mái tóc den, dày, dài và mượt; và đó cũng là lí do các mẹ, các chị thường tìm đến lá gòn như một loại dầu gội dưỡng tóc khi mà những sản phẩm dầu gội đầu như hiện nay chưa có mặt hoặc đã có một ít nhưng không về tới miền quê xa xôi hẻo lành và khá là xa xỉ. Nhiều lần, bạn thấy mẹ hay bứt lá gòn cho vào thau nước sạch vò nhẹ và dùng nước lá gòn ấy gội đầu cho chị. Mẹ nói gội đầu bằng lá gòn không chỉ sạch, khử nấm da mà còn dưỡng tóc dày, dài và đen tự nhiên. Và trong những lúc gội đầu ấy, bạn lại thỉnh thoảng được nghe câu chuyện tình của ba đến với mẹ. Con người ngày xưa đơn giản, ví như ba yêu mẹ vậy, đơn giản là thương mái tóc đen dài trong lầu đầu tiên gặp, và người thanh niên xung phong gốc thành phố đã quyết định bám rễ tại vùng bưng biền Đồng Tháp Mười hoang vu. Nhớ đến câu chuyện của ba và mẹ bạn thấy ý vị quá, hóa ra xà bông hiệu “lá gòn” cũng có công trong việc kiến tạo hai chị em bạn. Phải chi tình yêu giới trẻ bây giờ cũng đơn giản vậy, thì cuộc sống này chắc sẽ bớt phần mệt mỏi, khó khăn?

Trời tháng tư nắng như thiêu như đốt, chắc hẳn giờ này quê bạn đang mùa đốt đồng và đất ruộng hẳn cũng đang dần nứt nẻ chờ mưa. Bạn chợt thèm một ly mủ gò đá thanh mát cho tiêu cái khát cháy lúc này. Hồi ở quê, cứ dăm ba ngày bạn lại tìm tới những gốc gòn xem chúng có chảy mủ hay không mà nhặt về. Chỉ cần rửa sạch cho ít dường, ít đá là bạn có thể thưởng thức ngay một ly mủ gòn dai dai, mát mát, ngọt ngọt chính hiệu miền Tây. Nhiều khi gòn không chảy mủ, bạn và lũ nhóc trong xóm lại vác dao ra băm thân cây để ít ngày ra tìm mớ mủ vàng ươm ấy về. Ăn xong  ly mủ gòn bạn lại cùng lũ bạn nhảy ùm xuống sông tắm. Cuộc đua thuyền gòn bằng hơi thổi, bằng những cái tạt nước đầy hào hứng và rộn vang tiếng cười trên bến sông quê. Những trái gòn khô được móc ruột, tách nhẹ phần trên hóa thành chiếc thuyền có mái vòm bồng bềnh nhẹ trôi theo dòng nước chở biết bao ước mơ. Ước mơ về chân trời mới lạ, ước mơ khám phá được lũ con nít quê gửi gắm vào đó. Những con thuyền bé bỗng ấy sẽ lênh đênh, sẽ sóng gió, sẽ có thể bị lật giữa dòng và chẳng biết sẽ đi được bao xa, đến đâu; nhưng nó vẫn cứ trôi như chúng tôi lớn lên vẫn cứ đi, đi để cố tìm thành công dù vất vả, đi để khám phá những vùng trời mới lạ và đi để trở về nhà.

Bạn lại thấy mình leo tuốt lên cây để hái những trái chín khô và bóng ngoại ngồi nhặt nhạnh những trái gòn mình vừa thả xuống. Ngoại cười hiền nói với theo dặn dò: “bây từ từ, cẩn thận, coi chừng té”. Gom đủ trái gòn thì hai bà cháu lại loay hoay tách vỏ, bỏ hạt và chỉ lấy bông. Gối làm từ bông gòn nằm mềm, êm, độ đàn hồi cao lại giặt mau khô nên mặc dù gối chợ có nhiều nhưng làm sao sánh bằng. Nhưng hơn hết chiếc gối bông gòn ấy có bàn tay của ngoại trong từng khối bông, trong từng đường kim mũi chỉ và tình yêu thương tha thiết của ngoại dành cho cháu con. Giấc ngủ bạn sẽ chở đầy những giấc mơ trong câu truyện cổ tích của ngoại và sẽ ấm áp, ngon lành hơn khi nằm trên gối do chính tay bà làm. Mấy lần dọn trọ, bạn cứ lủng ca lủng củng mang vác theo những chiếc gối cũ xì để em phải cằn nhằn bao lần; nhưng giá như em hiểu, đó là ký ức của bạn về ngoại, là gia tài của ngoại dành cho thì chắc không bao giờ đòi thay bằng những chiếc gối ngoài chợ.

Những công dụng của gòn còn rất nhiều. Ví như, lá gòn được xoay thành bột sử dụng như một nhiên liệu làm thức ăn nuôi cá hay làm nhang. Trong lá gòn có chất keo nên việc làm nhang tương đối đơn giản, chỉ cần nhúng chân nhang vào bột lá gòn pha nước rồi se tròn, phơi nắng sẽ có thành phẩm. Nhang làm bằng bột lá gòn tuy không thơm nhưng lại thân thiện với thiên nhiên. Ngoài ra, trái gòn non còn lên mâm cơm nhà bạn như một loại rau sống ăn kèm với cá nướng, thịt luộc hay những món kho. Trái gòn non được gọt vỏ và thái lát mỏng như chuối đem đến vị chát đậm bùi mà khó lẫn lộn, phôi pha. Đến thân cây gòn cũng được người dân tận dụng làm cầu bắt qua mương, liếp hay làm củi chụm. Đặc biệt, tro từ than gòn còn được pha với nước để ngâm nếp khi gói các loại bánh tét, bánh ú. Nếp khi ngâm với nước tro gòn sẽ giúp bánh chín có màu cánh gián, trong, dai, thơm và ngon hơn. Gòn gần gũi, giản đơn và tưởng chừng rất bình thường nhưng loại cây hoang dại ấy có cách sống, cống hiến cho đời không hề tầm thường. Từ lá, mủ, bông thân đến khi thành tro tàn cũng gửi cho đời vị thơm, dai, mềm, dẻo trong từng chiếc bánh.

Bất chợt, bạn lại nhớ tới em và ước mơ muốn thấy một miền đầy hoa tuyết trắng rơi. Nên hay không gọi cho em để cùng đưa nhau về, dẫu nó không phải là tuyết tháng 12 trên đỉnh Fansipan mà là tuyết của miền gòn quê bạn giữa tháng 4 đầy nắng. Bạn sẽ dẫn em đi chân trần trên vùng đất nứt nẻ quê mình để phù sa quê hương chạm vào trong từng thớ thịt, bạn sẽ chỉ em làm thuyền gòn để thả ước mơ mình dù đời cơ cực, bạn sẽ hái lá gòn cho em gội đầu để tóc thêm dày nét hương quê, bạn sẽ kể em nghe về tuổi thơ mình, về ngoại hiền từ và về cuộc đời của một loài cây chưa bao giờ thôi cống hiến...

Không xa lắm đâu em! Miền gòn đó dang đợi ta về.

Trần Thương Nhiều
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 85)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 136
  • Khách viếng thăm: 135
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 35673
  • Tháng hiện tại: 277578
  • Tổng lượt truy cập: 67252069