Mùa xuân bắt đầu bằng chuyện tranh nhau đứng cạnh má xin cái bánh tráng vừa mới lấy ra chưa kịp phơi còn nóng hổi, rồi cuốn với chút dừa rám, chút muối mè vừa ăn vừa xuýt xoa khen lấy khen để; bắt đầu bằng chuyện tối đi canh bắt mấy con ốc ma dám ăn lá mấy luống vạn thọ, luống cải mà mấy chị em cực khổ chăm chút mỗi ngày; bắt đầu bằng niềm vui sướng khi nghe cô Út gọi: “Sang nhà cô thử đồ mới mấy đứa ơi!” (thời đó vải hiếm, Út khéo tay lấy vải vụn dư của khách, ráp áo cho tụi con mà cái nào cũng rất đẹp.). Mùa xuân cũng bắt đầu bằng việc cầm cái giỏ bơi xuồng theo má đi chợ Tết, đôi mắt đứa trẻ nào cũng tròn xoe vì người đông, vì rực rỡ sắc màu: màu xanh của rau, của dưa; màu vàng của mứt gừng, màu trắng tinh khôi của mứt dừa; màu tím, màu cam của mứt khoai lang, khoai môn… Nhưng có lẽ, nổi bật hơn giữa muôn vạn sắc màu ấy là cái đỏ của pháo treo trong các cửa hàng tạp hóa. Người đi chợ Tết lúc nào cũng mua vài phong pháo về đốt; nhà khá giả thì hai ba phong, nhà nghèo mấy cũng phải có một phong đốt vào giao thừa (nghe bà bảo Tết đốt pháo ngoài việc có ý nghĩa giúp cho ông bà tổ tiên biết đường để về nhà, còn có ý nghĩa xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều xui xẻo, đưa tiễn những cái cũ để đón những điều mới, may mắn, tốt tươi). Những quả pháo nhỏ móc nhau trên một sợi dây tim, nghe tiếng pháo nổ “Tết! Tết!” đêm ba mươi từ xóm trên xuống xóm dưới thì biết rằng Tết đã về. Trẻ con háo hức vỗ tay reo hò đợi nhặt những viên pháo rơi chưa kịp nổ. Chỉ tội cho lũ chó, quanh năm mỗi đêm đều giữ nhà canh kẻ xấu, thế mà tới giao thừa lại phải bỏ chạy ra ngoài bờ ruộng đứng với mõm vào sủa inh ỏi. Có con sợ quá, chui cả vào sàn giường trốn mãi chẳng chịu ra. Tết - Còn gì thú vị và hạnh phúc hơn vì được mặc quần áo đẹp, được ăn những món ngon thường ngày không có, được nhận những bao lì xì, được sum vầy bên gia đình nếu phải tha hương nơi xứ người. Cây chổi, cái gàu, vườn cây cũng được ăn Tết. Chẳng ai động đến chúng trong mấy ngày xuân.
Minh họa: Thanh Sơn |
Giờ cuộc sống thay đổi, cái Tết không còn như xưa. Có thể vì điều kiện kinh tế đủ đầy hơn mà sự háo hức ngày Tết để được ăn ngon, mặc đẹp dường như không còn nữa. Chợ hoa năm nào cũng nhiều hoa, chỉ cần bỏ tiền ra là mùa xuân nhà mình luôn rực rỡ... Nhưng mất đi rồi cái không khí náo nức dọn cỏ, cuốc đất trước sân trồng hoa đón Tết, mỗi ngày chăm chút và hạnh phúc khi thấy nụ hoa đầu tiên hé nở dưới ánh nắng ban mai. Có thể vì bây giờ nhiều bộn bề và lo toan, nên về quê ăn Tết chẳng được mấy ngày là lại phải vội vã lên đường, thậm chí một số người còn không về quê để thăm gia đình mà chỉ gọi điện thoại chúc Tết. Dẫu biết đổi thay là qui luật, nhưng sao vẫn cứ cảm thấy tiêng tiếc một cái gì đó khó tả mỗi khi nhớ về những ngày se lạnh, được theo cha mẹ bơi xuồng mua sắm tại các chợ quê cuối năm…
Người ta bảo hay hồi tưởng quá khứ là dấu hiệu của tuổi già. Tết xưa nay còn đâu? Tôi cứ lẩn thẩn buồn nhớ những ngày xuân xưa ấy... Lẽ nào tôi đã chạm tới tuổi già?
Ý kiến bạn đọc