Trên bến sông quê

Đăng lúc: Thứ hai - 25/09/2017 15:12
Tôi ước bây giờ tôi được ngồi hàng giờ ngoài bãi sông trước nhà, được đong đưa đôi chân vờn dưới làn nước sông mát lành, được nằm ngẩn mặt lên ngắm mây bay gió lượn, xa xa chập chờn mấy cánh diều lửng lơ bay trên nền trời biên biếc.

Bãi quê bao mùa vẫn thế !

Mùa nước lớn, má tôi thường hay ngồi ngoài bãi sông vớt lục bình về nhặt ra lấy ngó nấu canh, bông thì chấm mắm kho. Nhớ làm sao cái vị ngọt tận ruột gan của nồi canh lục bình nghi ngút khói bên chái bếp. Hồi nhỏ, mỗi lần ông nội thả lưới được con cá to tôi đều nũng nịu má nấu nồi canh cá ngó lục bình. Má cũng chiều. Gặp tháng mưa hay mùa nước nổi còn có lục bình mà nấu. Mùa đó lục bình xanh mượt đưa chùm rễ sâu xuống nước để hút lấy phù sa lai láng miệt sông Hậu trôi về, ngó nào ngó nấy to hơn ngón tay cái. Lục bình khi sa mưa sinh sôi rất mãnh liệt và dường như nó đã đi vào bữa cơm của mỗi gia đình người dân Nam Bộ. Có hôm tháng nắng mà tôi đòi ăn canh lục bình, mùa đó làm gì có lục bình mà tôi cứ một mực đòi má phải nấu canh lục bình mà ăn. Má lẳng lặng thay canh lục bình bằng nồi canh chua cá lóc. Bữa cơm hôm ấy má phải dỗ mãi tôi mới chịu ăn. Bây giờ nhớ lại thấy thương má biết nhường nào, cả đời má lận đận vì gia đình, vì tôi, vì miếng cơm hay chiếc áo ấm khi mùa tựu trường rộn rã đến, về những khoản học phí ngoài trường làng… má có được gì đâu ngoài cái nón lá đội đi nắng đi mưa bao mùa rách tươm và chiếc áo mặc trên mình vá chằng vá đụm…

Minh họa: Thanh Tiên

Ngoài bãi sông có tiếng trẻ con rỉ rả vui đùa. Nuốt vội mấy hột cơm trong miệng, để chén bát xuống mâm, tôi chạy nhanh ra ngoài bãi sông nhập bọn với lũ trẻ con trong làng. Mùa này nước ròng, bãi sông nhô lên thành một mỏm đất cao. Chúng tôi thường chơi bắn bi ngoài đó, bọn con gái thì chơi quay dây, đồ hàng. Bãi sông về chiều rộn ràng hẳn lên với tiếng cười con trẻ, tiếng nói, tiếng cãi nhau khi tranh hòn bi hay viên kẹo sữa. Chán chơi trò trên bờ, con trai chúng tôi cởi trần nhảy ùm xuống sông quẫy nước đùng đùng. Bọn con gái ban đầu đỏ mặt quay đi vì ngượng, song nghe chúng tôi tạt nước nhau ầm ầm vui quá cũng quên cả sự ngượng ngùng, lội xuống sông tham gia, dĩ nhiên bọn con gái “thùy mị” hơn chứ không táo bạo như con trai chúng tôi. “Con trai mà!”- đó là cái lí do quen thuộc của bọn tôi mỗi khi bị người lớn quở mắng hay phạt đòn vì tội “phá xóm phá làng”. Nhà ông Thiên có cây mít tố nữ, đến mùa quả say lúc lỉu, đu nhau khắp thân cây. Quả mít tố nữ không to, nhưng múi rất nhiều, ngọt và thơm khắp từ ngoài bãi sông đến cuối làng. Hôm ấy bọn tôi bày nhau đi trộm mít nhà ông Thiên. Hồi xưa nghèo, nhìn mấy quả mít chín vàng óng, thơm lừng là không thể nào nhịn được cơn thèm, chúng tôi làm liều. Cây mít nằm ở góc vườn, cạnh hàng rào. Tôi “phân công” thằng Hoàng giữ dưới gốc canh chủ nhà với con Mực dữ dằn, con Hà đứng nhặt mít bỏ vào túi, còn tôi và thằng Nam thì leo lên trên ngọn cây, trên đó nhiều quả chín. Mới hái được hai quả, tiếng mít rơi “bịch bịch” dưới đất động tai con Mực nhà ông Thiên. Nghe tiếng con Mực vừa chạy vừa sủa, bốn đứa chúng tôi cũng nháo nhào lên, chạy mất dép, băng qua hàng rào bằng cây dây mơ dây muống bò chằng chịt. Vậy mà con Hà tham ăn vẫn lén xách về một quả mít chín, mềm và thoang thoảng mùi hương. Bọn tôi tách mít chia nhau. Chiều hôm đó, cả bốn đứa đều bị đòn, người lớn hỏi ra mới biết trong bốn đứa, tôi là “kẻ chủ mưu” chuyện trộm mít nhà ông Thiên. Má đánh tôi mấy roi vào mông, còn bắt tôi sang nhà xin lỗi ông Thiên và hứa hẹn sẽ không bao giờ ăn trộm bất cứ thứ gì của ai nữa…

Tôi không khóc. Làm thì chịu, “con trai mà!”.

Má đánh tôi mấy roi nhớ đời. Từ đó, ngót hai mươi năm tôi không bao giờ dám ăn trộm vật gì của người khác. Đòn roi đau thật, nhưng nó góp phần làm nên tôi của ngày hôm nay, dẫu thầm lặng  nhưng vẫn là một con người có ích cho cuộc đời, mang vào hồn người bao dấu yêu của một thời thơ ngây vụn dại…

Tôi có người chị xa đưa đò ngoài bãi sông đầu làng. Chị lấy chồng mấy năm nay, theo chồng về tận bên làng bên. Tôi nhớ chuyến đò cuối cùng chị đưa khách qua sông là chuyến đò chở tôi về phía bên kia bờ, đưa tôi qua quãng sông bao nhiêu năm gắn bó. Về bên kia, nơi tôi vẫn hay ra bãi sông ngồi mơ mộng mỗi buổi chiều nắng tắt. Bên kia bờ có chuyến xe chở người về thành phố, khác hoàn toàn chốn thôn quê nghèo khó với những trò chơi và dáng má gánh gồng sớm tối lo chuyện áo cơm. Hồi tôi còn nhỏ, má bảo “Mai này lớn lên, ra thành phố mà học để sau này nuôi thân, nuôi má…” . Mới đó mà đã mấy mươi năm trôi qua, bây giờ tôi đã được ở thành phố - cái nơi mà tôi hằn ước ao mơ mộng lúc còn ở quê nhà, cái nơi mà tôi cứ tưởng tượng người xe tấp nập, hàng quán dập dìu với đủ các món ăn ngon, và những cửa hiệu nhạc sóng ồn ào rộn rã. Dấn thân vào nhịp sống thị thành, nhiều lúc mệt mỏi, tôi lại muốn trở về quê xưa, trở về cái bãi sông ngày nào, trở về với trò chơi con trẻ. Tôi muốn được lao vào vòng tay má để má vuốt lên tóc, lên vai đứa con trai mấy mươi năm một mình má chống chèo nuôi cho khôn lớn, để giờ đây nó đã đi xa… Tôi thèm những buổi tắm sông, thèm những que kem viên kẹo chia nhau mỗi đứa một phần bé xíu vậy mà ngon không thể tả. Tôi nhớ nồi canh lục bình của má ngày xưa vẫn nghi ngút tỏa khói trong chái bếp in dáng má giờ đã còng lưng tóc đẫm sương mai. Quê xưa nghèo mà yên bình quá má nhỉ? …

Thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả, nhưng những kí ức về quê nhà, về bãi sông thân thương có con nước êm đềm khi ròng khi lớn chảy qua làng quê nghèo yên bình mái lá nhà tranh, có con đò của chị tôi tận tụy trên dòng sông đưa người đi về những miền đất lạ, để rồi khi quay về thì tất cả chỉ còn trong khoảng vắng mờ xa. Và nơi đó có tuổi thơ tôi chân trần gửi lại, có dấu vết thời gian không  thể nào phai nhạt dù cuộc đời có thiên biến vô thường…

*Dù có đi đâu trên mọi nẻo đường của cuộc đời, tôi vẫn nhớ diết da về bãi sông quen thuộc, về quê hương dẫu nghèo khó nhưng yên ả thanh bình, về người má quê một đời dầm sương dãi nắng tảo tần vì con, về lũ trẻ ngày  xưa  nay đã lớn, mấy ai còn ở lại? Mấy ai đã ra đi? Để bãi sông buồn vẫn đìu hiu trong mỗi chiều lặng lẽ có ánh hoàng hôn đỏ rực trên nền trời, tiếng chim nhạn kêu chiều như thổn thức gọi người xưa trở lại. Và má đã bạc mái đầu…

Hoàng Khánh Duy
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 80)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 394
  • Khách viếng thăm: 367
  • Máy chủ tìm kiếm: 27
  • Hôm nay: 21541
  • Tháng hiện tại: 1472986
  • Tổng lượt truy cập: 45440219