Tâm đưa mắt nhìn… Má dậy từ hồi nào bên ngọn đèn chong ghi chép gì đó. Những lúc ngồi một mình như vậy má thường lấy thơ của ba từ Côn đảo gởi về ra săm soi, có khi má thở dài nữa. Má của Tâm thứ hai, cậu Ba em kế má nghe đâu đi tập kết, còn dì Út vừa tuổi 17. Dì Út gọi má Tâm là Hai mà không gọi chị có khi như vậy lại nghe máu thịt hơn? Nể trọng chị bao nhiêu thì dì cưng chiều Tâm cũng cỡ đó. Nhiều người trong họ ưa hỏi: “Chừng nào cô Hai gả chồng cho cô Út” thì: “Ồ! Thôi để chờ thằng Chí về rồi tính”. Chí là tên của cậu Ba. Nhớ năm trước dì Út dẫn Tâm đi coi hát cúng Kỳ Yên gặp đám con trai xã khác hát ghẹo rằng: “Anh thương em vì con mắt huê tình, đầu bao lưới tướng tròn u…”. Chỉ vậy thôi mà dì Út tức tối dẫn Tâm về bỏ coi hát. Tức ơi là tức! Mà má và dì Út đâu có ai xài đầu tóc mượn đâu mà phải lưới?
- Tâm dậy rồi thì phụ Út chớ nằm nướng à?
Má chẳng nhìn Tâm nhưng đã nói thì đố trật. Tâm choàng dậy cuốn đệm rồi đi thẳng nhà sau rửa mặt. Tâm bước lại coi, mà chẳng coi Tâm cũng biết đồ vườn gồm mươi con gà trống dành cúng mùng ba, mấy quày cau rồi trầu vàng nữa, lại có thêm mớ trái Gấc. Cây Gấc mọc hoang trong tre nhưng mấy dịp lễ Tết người ta giành mua để đổ xôi, làm màu gói bánh. Ngoài ra dì Út còn cho Tâm hùn vô hai chục xoài cà lăm. Tiền bán được trong phiên chợ này thường má cho dì Út mua sắm tùy ý. Cũng như nhiều cô gái quê khác khi thấy món nào vừa ý có dịp là ngắm nghía nhưng chờ cận Tết họ mới mua luôn thể!
- Tâm nhớ xách theo con cúi nghen.
Má nhắc Tâm vừa đưa cho cái quẹt
- Hai tính lại coi còn mua gì nữa hôn?
- Thôi hai dì cháu khỏi mua gì nữa… Ờ, mà thằng Tâm ra chợ đừng ngồi ăn hàng, thèm gì mua về ăn nghen!
Vậy là hai dì cháu lên đường. Lúc này Tâm mới nghe lạnh. Tay phải cầm hai con cúi rơm, tay trái nắm chặt lại trong túi áo bà ba. Tâm lúp xúp chạy theo… Gánh nhẹ lại quen đường bờ dì Út đi lẹ thoăn thoắt. Tâm chạy vọt lên qua mặt dì Út một đỗi mới đứng lại chờ.
- Ê! Tâm chút nữa tới Bàu Cà Na thì đốt con cúi lên nghen!
Tâm bật cười. Trời lạnh và gió phả từng chập. Cười một cái lại nghe buốt mang tai. Tâm cười vì dì Út sợ ma. Người ta đồn ở Bàu Cà Na có ma nhưng Tâm chẳng tin vì mỗi khi chăn bò Tâm leo lên chảng ba cây cà na… nái rồi có lần ngủ quên luôn mà có ma cỏ chi đâu!
- Út ơi! Muốn gởi thơ phải xuống chợ quận hả Út?
- Ờ! Mà phải chữ đẹp chớ như cua bò thì chờ… năm tới.
Tâm nghe nhói trong ngực. Nó học giỏi toán, luận văn nhưng chữ viết xấu tệ. Thầy giáo Trạng dạy lớp ba mỗi lần kiểm tập thường lắc đầu cười: “- chữ viết của trò giống hệt tía trò nhưng lớn lên lên dám làm… ông Kẹ hôn?”
Tâm nghe má nói thầy Trạng học chung lớp với ba nó. Có lần thầy Trạng và má nó nói chuyện trước cửa lớp. Lần đầu tiên Tâm nghe má chen tiếng Pháp trong câu chuyện. Hình như má và thầy giáo… chửi lén mấy ông Công dân vụ. Tâm nghe người lớn nói ba nó làm y sĩ cho bộ đội Việt Minh. Sau này chính mấy tay Công dân vụ chuyên mặc đồ đen nói rất khó nghe đó đã điều tra tới lui rồi lính quận xuống còng tay ba thằng nhỏ đi biệt. Cũng sau đó mấy tuần má Tâm đương dạy học ở trường lớn trên quận cũng bị đuổi việc vì không chịu tham gia tố Cộng.
Tâm bật quẹt mồi lửa rồi đứng đợi dì Út. Má Tâm bện con cúi rơm khéo và chặt lắm khi lửa đỏ đều ngọn cúi Tâm bèn quay con cúi cho đều tay và lẹ dần. Con cúi rơm bùng cháy lên dì Út buộc miệng:
- Đi chợ khuya có con cúi thì đỡ sợ nhưng quấn hổng khéo nó cháy bung liền tay thì càng sợ hung.
Dì cháu bật cười rồi vừa đi vừa nói chuyện lớn tiếng cho bớt lạnh và khỏi ớn đường dài. Tới ngã ba Giồng Sến, Tâm mới nghe gà gáy hiệp nhì. Có mấy người đi chợ còn sớm hơn, họ tụ lại ngã ba râm ran cười nói, hỏi dọ nhau giá chợ. Dù muốn đi luôn nhưng dì Út vẫn dừng lại góp vài câu.
Một người trọng tuổi, khăn choàng hầu kín mít vừa xỉa thuốc vừa đon đả:
- Phải con trai cô Hai hôn? Chèn ơi! Tội nghiệp hôn, thôi ráng chờ thế nào Nhà nước cũng phải thả cha người ta dìa chớ!
Tâm liền bước đi thẳng. Nó rất khó chịu khi nghe ai nhắc vụ ba ở tù với cái giọng thương hại. Dì Út gióng gánh theo liền. Biết cháu bực mình nên dì hỏi giả lả mấy câu nhưng nó nín khe. Từ đầu hôm tới giờ nó cứ nơm nớp lo ai đó biết nó viết thơ thăm cha. Nó xếp cẩn thận lá thơ bằng giấy hàng chiết trong túi áo bà ba. Thằng Lợi học chung nó là con của vợ bé ông chín Liễu chuyên đi thơ của hội đồng xã hứa sẽ gởi giúp thơ. Lợi học dốt nhưng ma le theo kiểu con nít chợ: “- Mày phải mua con tem, con cò thì ba mày mới nhận được thơ”. “- Con tem cò gì đó giống con… bồ câu hôn?” “- Mày ngu quá, vậy mà hổng biết”.Tâm đọc sách thấy ảnh người ta cột thơ từ vô chim bồ câu nên Tâm tưởng tượng con cò gì đó chắc cũng giông giống như vậy. Tâm phải cho thằng Lợi chép bài giải toán, phải nắn con chó đất sét cho thật giống rồi đem “trui” trong bếp cho thằng Lợi chấm điểm thủ công. Tuần trước Tâm bán bốn tĩn hột điều được hai đồng phải đưa hết cho thằng Lợi mua tem cò. Lợi còn nói: “Tao nghe ông hương quản Sung nói với ba tao là ba mày hổng chịu đầu hàng cụ Ngô nên ở tù rục xương luôn!”
Những việc ấy Tâm giấu biệt. Mỗi lần thơ từ Côn Đảo về đều hỏi: “Tâm đọc chữ được chưa?” rồi “Tâm học giỏi môn toán hôn?”. Vậy mà má cứ lắc đầu nói: “Con nít chỉ phải lo học đừng hóng chuyện người lớn”. Tâm ức lắm nhưng mần thinh.
Con cúi cháy rộp da, Tâm tính mồi tiếp nhưng phía trời mọc đã dạt bớt mây đen môt chút ánh ngày ưng ửng nên nó đặt con cúi xuống đầu bờ quay lại nói lớn:
- Út ơi! Để con gánh tiếp cho.
- Xạo! Tâm gánh cứt bò còn hổng xong.
Hai dì cháu bật cười như bị cù lét.* * *
Dì Út đặt gióng gánh xuống nền đất chợ. Tâm lấy lá chuối khô trải ra. Dì Út thiệt ý tứ xếp trái gấc cạnh mớ trầu vàng để chút nắng lên mớ đồ vườn sẽ đẹp cho coi.
- Tâm ơi! Hai chục xoài cà lăm bán mấy đồng?
- Con hổng biết nhưng con lấy hai trái cho thằng Lợi.
- Chà! Quen với con nít chợ nữa hén…
- Nó ngồi kế bên mà.
Bất giác Tâm ngó vô túi áo bà ba, cái thơ nó viết hổng biết có trật chánh tả hôn? Nó tưởng tượng cảnh ngày Tết trong tù mà nhận đươc thơ chắc ba mừng hung lắm.- Tâm coi chừng nghen. Út đem mấy quày cau ngon vô mấy chỗ dặn trước.
Dì Út quày quả đi. Tâm co rúm người lại nó vái đừng ai hỏi mua vì hôm trước dì nói: “Mình muốn bán hai ngàn thì phải nói ba ngàn cho họ trả giá chớ nói thật bán hổng được đâu”.- Chà trái gấc tươi rói hén bán sao chú nhỏ?
Một bà già miệng trầu bỏm bẻm ngồi xuống coi sơ qua mấy trái gấc.
- Dạ, dì Út con dặn năm cắc hai trái.
- Còn trầu năm cắc mấy ghim?
- Dạ, năm cắc ba ghim.
- Nè! Bà lựa rồi trả tiền con vì mua gấc đỗ xôi cúng đình mà trả giá thì tội chết.
Bà già móm mém cười. Tâm lựa cho bà mấy trái gấc còn hườm hườm vì theo lệ làng cúng đình đêm mùng bảy hạ nêu.
Dì Út về kịp lúc vì Tâm tiền đâu thối lại cho người ta.
- Chà! Thằng ngộ trai mà lễ phép quá sao cô bắt ngồi chợ tội nghiệp ghê chưa?
Bà già vỗ vai dì Út như thân quen lắm. Dì chưa biết nói gì thì bà bán đường tán kế bên vọt miệng:
- Bà hổng biết chớ con nhà nòi đó.
- Vậy sao?
- Trời ơi! Má nó là cô giáo dạy trường quận đó.
Bà bán đường lại nhổm lên nói vào tai bà già mấy câu. Tâm thấy bà già chắp tay: “Mô phật! Tội nghiệp”. Dì Út có vẻ khó chịu. Có lần Tâm nghe chuyện bà Tám bán đường có người em trai làm thợ sửa đồng hồ ở chợ quận. Bà muốn hỏi dì Út cho em mình. Tâm lại nghe má phán: “Thằng đó đàng điếm ra mặt, tao không ưa thứ đàn ông con trai tóc tém trét… cứt gà sáp(*) thấy gớm, với lại tao tin anh ba mày sẽ về, phải chờ nó.”
Tâm ngồi thừ ra với mối âu lo tản mạn và đứt đoạn. Tại sao cậu ba thì má chờ cậu về, còn ba mình ở tù thì má chỉ thở dài?
- Tâm, con lấy xoài cho bạn thì lấy chớ mình bán mà lựa trái tốt để lại khó coi lắm!
- Tâm lựa hai trái “ú” nhứt hí hửng đứng dậy.
- Con đi chơi chút xíu ở nhà thằng Lợi rồi con quay lại cho Út đi lựa kim chỉ thêu…
Nhà thằng Lợi ở cuối dãy phố chợ. Má thằng Lợi uốn tóc dợn, mặc quần ống túm, trẻ hơn ba nó dữ lắm nhưng nhà họ không ngăn nắp, nền gạch tàu mốc cời. Lần này Tâm rón rén dòm qua khe cửa ván, thằng Lợi mắt nhắm mắt mở ra mở cửa.Tâm chẳng nói gì chỉ dứ hai trái xoài dí vô mũi thằng Lợi.
- Thơm ác thiệt nhưng xoài cà lăm ăn chua lét vậy để chưng được hôn Tâm?
- Thứ này chỉ để nhìn rồi hửi chơi chớ ai mà chưng xoài cà lăm!
Tâm đảo mắt nhìn xung quanh, hạ giọng thấp nói khẽ:- Lợi ơi! Bữa nay tao đem thơ gởi ba tao. Mày có mua con tem cò gì chưa?
Thằng Lợi bật cười rồi trố mắt:
- Bộ mày giả ngộ hả, bữa nay nhà việc cũng đóng cửa nghỉ, trên quận cũng vậy hè…
- Mà mày mua tem gì chưa?
Thằng Lợi gãi ót:
- Tao đánh bầu cua thua hết trơn nhưng tao sẽ xin tiền ba tao rồi theo ổng lên chợ quận gởi thơ cho mày nhưng phải đợi đi học lại mới được chớ.
Mặt thằng Tâm rần lên sương sùng. Thằng Lợi nó nói cũng phải nhưng chắc vì giáp Tết Tâm nhớ ba quá chừng nên chẳng để ý, lý ra nó phải viết thơ trước lâu rồi mới phải.Mày đừng buồn cứ cất kỹ cái thơ. Tao sẽ lo cho nhưng mày nhớ đừng nói ai nghe. Mày biết hôn, thơ của ba mày gởi về, ông hương quản Sung cứ bắt ba tao đọc cho ổng nghe.
Thằng Tâm bước giật lùi ra khỏi nhà bạn. Nó đảo một vòng rồi đứng tần ngần kế phông tên nước. Tâm vốc nước rửa mặt mày, tay chân rồi uống mấy ngụm cho đỡ khát. Nó rảo bước quay về chợ. Nó ráng cầm lòng.
- Ủa! Sao lẹ vậy Tâm?
- Dạ, nó đi mất biệt con gởi xoài cho má nó.
- Nè! Giờ chỉ còn hai con gà. Mỗi con tám ngàn nhưng ai mua hết thì mười lăm ngàn cũng bán. Con ngồi đợi Út vô chợ hén!
Ngồi phệt xuống trên mớ lá chuối khô. Cánh tay tì lên đầu gối. Tâm lượm cọng chổi khô vẽ lên trên nền đất chợ những mẫu chữ in hoa. Nó vẽ CÔN ĐẢO, NGUYỄN NGỌC TRÍ (tên ba nó) rồi muốn vẽ con tem nhưng hổng biết nó giống con bồ câu hôn?
- Hai con gà này bao nhiêu vậy nhỏ?
- Dạ mười lăm ngàn.
Một phụ nữ trẻ như dì Út nhưng xức dầu thơm, xách bóp đầm thiệt sang trọng.
- Nè! Nói thiệt giá chưa, chị mua luôn cho. Ủa! Mà em có phải là con cô Nhiên hôn?
Tâm chằm chằm nhìn người ta rồi hổng hiểu sao se sẽ lắc đầu.
- Vậy là người giống người hén, chớ hồi chị học lớp Nhứt cô giáo của chị có con trai giống em lắm.
Cúi gằm mặt xuống cọng chổi trên tay nó vẽ chữ M hoa. Cái nhìn của chị gái xinh đẹp ấy cứ như làm nóng ót, nóng cổ nó. Chị móc bóp trả tiền. Nó cột hai con gà dính chặt với nhau mà vẫn không dám nhìn thẳng. Chị đi khuất, nó tần mần nghĩ phải chi mình bận quần dài không ló đôi chân mốc thít ra, hổng chừng mình gật đầu chắc chị mừng lắm. Vậy là chắc mẻm hồi học má thế nào chỉ cũng bồng mình. Ý nghĩ đó làm Tâm bật cười đến nóng ran lỗ tai.
Tâm quơ hết mấy miếng lá chuối khô xếp lại cho gọn. Nó lần qua trước sạp bán đường tán, bán dao, lưỡi hái… gom hết lá chuối, manh bao, vỏ dưa, xơ mít… cho thiệt thoáng rồi quay về lui gióng gánh ra phía sau nhường chỗ ngồi cho người khác.
Một người đàn bà trạc tuổi má Tâm hai tay vịn mâm xôi vị liền xí chỗ ngồi. Chị gọi hai đứa nhỏ cũng đội món xôi:
- Nè! Thằng Cu con quành về nhà xách hai cái ghế đẩu ra đây chớ chợ cuối năm hổng ngồi yên bán hổng được đâu.
Thằng Cu cũng tuổi trạc Tâm nghe mẹ sai về luống cuống nó hạ mâm xôi quay sang bà Tám bán đường tán:
- Dì Tám cho con gởi mâm xôi.
- Ý! Đâu được nà, rủi mấy người nặng bóng vía rồi xui lây cho tui làm sao?
Bất ngờ Tâm đưa chiếc gióng ra:
- Nè! Để mâm xôi vô thúng tui giữ giùm cho.
Thằng Cu mừng quýnh làm theo lời. Bà Tám có vẻ mắc cỡ với mọi người nên đon đả phân bua:
- Buôn bán phải biết kiêng kỵ chớ đâu phải tui làm hiểm. Thôi bán cho ba miếng xôi vị đi. Bà Tám liền mời bà bán lưỡi hái một miếng còn một miếng cầm tay bà đưa sát vô mặt Tâm:
- Nè! Dì Tám mời chú nhỏ một miếng ăn lấy thảo đi.
Tâm lắc đầu nhưng nó nhận ra món xôi vị nếp mới thơm lừng với màu vàng của đậu phộng, mè. Nó nuốt nước miếng. Bà Tám lại dí miếng xôi sát vào mũi thằng nhỏ hơn, giọng bà thì thào:
- Chú nhỏ đừng phụ lòng tui buồn thì mang tội đó. Tui mời thiệt lòng mà.
Vậy là miếng xôi vị lọt vào tay chú nhỏ. Tâm đảo mắt nhìn quanh rồi nhỏ nhẻ cắn một miếng. Thơm quá nên nó chưa vội nuốt.
- Nè! Tui hỏi thiệt phải dì út có “mèo” rồi phải hôn?
Thằng Tâm nghe như miếng xôi vị nghẹn trong cổ họng. Nó lờ mờ hiểu rằng sau mấy bận hỏi dọ dì Út cho em trai mình không thành, bà Tám chỉ mong có dịp là bêu xấu cho bỏ ghét? Làm như vô tình Tâm… rớt miếng xôi vị như còn nguyên xuống nền đất. Bà Tám còn nhắc lại câu khiêu khích ấy nhưng Tâm làm như người điếc nó lơ đãng nhìn hướng khác.
Dì Út mặt mày tươi rói đặt cái bàn căng, vải, chỉ thêu vào trong thúng.
- Con bán giỏi quá hén Tâm!
- Thôi mình về Út.
- Khoan đã chờ chút nữa.
Thấy sạp bà Tám vừa vắng người mua, dì Út tới gần nói khẽ:
- Chị Tám ơi! Kỳ trước chị còn thiếu tiền mớ khoai từ là ba đồng vậy chị làm ơn… cho dì cháu em về sớm.
Bà Tám trừng mắt rồi kịp dịu lại:
- Được rồi thiếu nợ là phải trả nhưng đã là dân buôn bán với nhau mà chưa hết nửa buổi chợ đã đòi thì buôn bán gì nữa. Phải biết điều chút chớ!
Dì Út rành rọt:
- Em biết điều chớ, nhưng chỉ có ba đồng bạc mà kỳ trước chị đã hứa là sẽ trả. Chị cũng phải biết điều khác là nhà dì cháu em ở xa chớ!
Bà Tám đưa tay vào túi rồi rút ra như múa:
Thiếu ba đồng thì trả ba đồng, nhưng tôi trừ lại một đồng miếng xôi vị mà thằng cháu mấy người ăn hồi nãy. Thấy thằng nhỏ… dòm miệng nên tôi thí cho nó nhưng bây giờ mấy người làm khó tui nên tui trừ cho biết mặt.
- Trời ơi! Sao có chuyện lạ vậy Tâm?
Dì Út sững sờ, còn thằng Tâm xám mặt mày một chút sau nó mới lắp bắp:
- Út ơi! Con đâu có dòm miệng ai, bả ép con ăn rồi bây giờ kiếm chuyện… người lớn gì mà kỳ quá vậy?
Một tay nắm chắc tay Tâm, ngón tay dì điểm mặt cháu:
- Con con nhớ má con dặn ra chợ không được ăn hàng vậy mà con không nghe để cho người ta lừa lọc, lường gạt.
Quay sang bà Tám, dì Út nói một mạch:
- Ba đồng chị thiếu tui giờ tui bỏ nhưng chị gần hai thứ tóc mà vu oan, lường gạt con nít thì cả chợ này hổng bỏ cho chị đâu. Thôi về Tâm.
Bà Tám nhổm dậy, hoa tay múa chân như lên đồng miệng la bài hải: “Trời ơi! Quân ăn chực, ăn giựt mà còn lẻo mép”. Mấy người khác can ngăn bà Tám. Dì Út nắm tay Tâm kéo đi, nhưng nó xua tay:
- Út về trước đi, bả thiếu nợ là phải trả.
Thấy người bu mỗi lúc đông, dì Út mắc cỡ bèn quay lưng đi mươi bước rồi đứng chờ, dì luôn miệng: “Thôi về Tâm ơi! Nghe lời Út đi mà!”.
Thằng Tâm đứng chống nạnh ngó lom lom bà Tám:
- Bà muốn trừ một đồng cũng phải trả hai đồng.
Mọi con mắt đổ dồn vô. Bà Tám móc túi chọn một xấp giấy bạc loại hai cắc rồi ném trước mặt thằng nhỏ nghe rổn:
- Nè! Đồ cô hồn đi cho khuất tao đốt phong lông chớ!
Không ai ngờ mà Tâm cũng không lường trước, nó cúi người xuống tưởng để lượm tiền nhưng không… Vút! Miếng xôi vị mà trước đó Tâm nuốt không trôi giờ lại biến thành miếng vũ khí căm hờn trúng giữa mặt bà Tám. Bà la làng xóm, người tụ lại đông thêm. Thằng Tâm đứng như trời trồng, mắt nó ngân ngấn nước.
- Con ai mà hung dữ quá, trói nó lại…
Mấy người quen biết với bà Tám hùa vô. “Khoan”, bà bán xôi vị từ nãy giờ nín khe bỗng lên tiếng rành rọt:
- Chị Tám và dì thằng nhỏ này nợ nần gì đó tui hổng biết. Còn nói thằng nhỏ… dòm miệng rồi trừ một đồng là trật. Tui thấy rõ chị Tám ép miếng xôi vô lỗ mũi thằng nhỏ, còn xôi vị tui bán một miếng có năm cắc chớ đâu tới một đồng.
Mọi người như xẹp xuống sự phẫn nộ. Thằng Tâm lảo đảo bước đi như say rượu nó lấy cùi tay áo bà ba lau con mắt.
* * *
Gần bốn giờ chiều rồi mà thằng Tâm vẫn còn ngủ mê mệt. Dì Út đã thuật lại cho má nó nghe mọi việc. Tưởng nó bị đòn nhưng không má Tâm nghe chỉ nhíu mày, nhăn mặt và thở dài.
Má Tâm lấy chiếc gối bông gòn, áo gối thêu hình chim loan phượng mà ba nó thêu ở Côn Đảo gởi về. Rất nhẹ nhàng chị nâng đầu con lên rút cái gối cây ra đoạn kê gối bông gòn vô. Chị lần túi áo bà ba của thằng nhỏ lấy ra cái thơ đưa dì Út đọc. Thơ có đoạn: “Ba ơi! Hôm trước má đánh đòn oan nên con tức quá nói: “Má đánh nữa đi chớ vài bữa con lớn thì má hết đánh được”. Má hỏi: “Vậy lớn chút nữa con bẻ roi hay là… đánh má?”. Không con hổng bẻ roi gì hết, còn đứa nào hỗn với má thì tệ hơn… con nghé, nhưng con lớn chút nữa mà ba cứ ở tù hoài thì chẳng thà con tìm cách ra Côn Đảo… ở tù với ba luôn chớ ở nhà má rầy rà hoài”. Dì Út đọc và bệu bạo nước mắt, má thằng Tâm quay lưng ra lu nước rửa mặt…
Chiều xuống, sương xuống… thằng Tâm chợt thức nhưng cái gối bông gòn êm cái ót quá, nó nhắm mắt lại.
Chiều nhá nhem, má thằng Tâm quay vô nói:
- Ai quết bánh phồng sớm quá vậy, thôi Út sửa soạn cối đi Út.
Thằng Tâm mở mắt ra. Nó cười…
Ý kiến bạn đọc