Có tiếng khóc của một cháu bé trong nhà. Một cô gái trẻ đang ngồi giặt ngoài bờ suối vội chạy vào bồng cháu dậy nhưng cháu vẫn không chịu nín, cứ khóc thét lên. Cô gái bồng cháu ra khỏi nhà, với tay chụp mấy con bướm đủ các màu sắc chấp chới đưa dỗ, đứa bé liền nín khóc, mặt vẫn còn ràn rụa nước mắt. Mỗi lần cô gái nghiêng mình chụp bướm, đứa bé lại cười ré lên, cô gái đuổi theo đàn bướm cho tới khi trước mặt cô hiện ra một đóa bông trang màu đỏ, ngắt nhánh bông giơ lên trước mặt đứa bé. Nó cười chòi đạp lia lịa, hai tay với với như muốn hốt nhánh bông kéo vào mình. Đàn bướm tản ra bay tứ tung, lúc cất lên cao, lúc là là xuống thấp, lúc đậu hẳn trên mặt cát vàng chớp chớp đôi cánh sặc sỡ, đầu và râu không động đậy.
Cô gái bồng đứa bé trở vào nhà đặt xuống võng giăng trên giường con kê thấp trên mặt đất, buộc bông trang vào một sợi chỉ treo trên đà ngang, chiếc bông thòng xuống lắc lư trên mặt đứa bé, nó cười, cố sức chòi đạp với lên hốt lấy cái bông. Cô gái vừa lắc lắc cái bông vừa hát ù ơ, đứa bé từ từ nhắm mắt ngủ ngon lành, đóa bông trang vẫn còn lắc lư in một màu đỏ hồng lên mặt đứa bé.
*
* *
Cách đây sáu năm một lần tôi đã nhìn thấy một bông trang cũng đỏ thắm như thế này. Đó là những ngày ở nhà lao Côn Đảo. Năm tháng trôi qua, con người già đi, ký ức vẫn in đậm nét, càng rõ hơn, sâu sắc hơn. Những chuồng cọp, Cầu Tàu, Ma Thiên Lãnh, Côn Sơn Dã, Sở Tiên, Suối Ót... như những tấm bia căm thù, hình ảnh Côn Đảo của năm tháng ấy là những dòng người thất thểu quằn quại dưới đòn roi, lên núi, xuống biển lang thang, đau đớn vì thân thể bầm giập, tờ mờ sáng cho tới mặt trời lặn.
Anh Ba Đúng, người nằm kề tôi ở Côn Đảo trước tôi tám năm, tôi hết sức thương mến anh, ngoài cái tình của người đồng cảnh đồng hương, cuộc đời anh làm tôi khâm phục, tin tưởng.
Năm ấy, anh ba mươi sáu mà trông như người hơn bốn mươi, gương mặt xương xương, cằm thỏn, thân hình cao gầy, mắt lanh lợi, đôi mi chớp chớp như lúc nào cũng toát ra niềm vui, sắp muốn nói với ai một câu chuyện gì lý thú. Trên mình anh còn hằn sâu nhiều vết thẹo, lớp cũ, lớp mới. Trên đầu vắt ngang một cái thẹo lớn bằng ngón tay cái, dài chừng bốn phân, da nhẵn bóng, tóc không mọc lên được.
Điều thích nhứt của tôi trong thời gian ở gần anh là được nghe anh kể chuyện. Hồi ấy nói chuyện với nhau trong phòng không phải là chuyện dễ. Bọn cai ngục tới lui dòm ngó từng giờ, từng phút. Một người ngồi nói cho một người ngồi chăm chú lắng nghe là điều không thể được. Vì vậy, tôi và anh Ba Đúng thường phải nằm xuống, có khi phải nằm đâu lưng lại quay mặt chỗ khác mà nói chuyện. Thường câu chuyện bị ngắt quãng hay bắt sang chuyện khác bởi tiếng khua reng rẻng của xâu chìa khóa và tiếng giầy nện lạo xạo trên sỏi của tên cai ngục đi bên ngoài. Một buổi tối nọ, anh đang kể cho tôi nghe vì sao anh phải mang cái thẹo trên đầu, đang lúc kể thì có tiếng giày của tên giám thị đi bên ngoài, nó đi qua khỏi rồi anh không tiếp tục câu chuyện cũ mà lại nói sang chuyện khác. Anh hỏi tôi:
- Chừng nước nhà thống nhất rồi, chú có thích ra Côn Đảo không?
Tôi trả lời liền:
- Thích chớ!
- Để làm gì?
- Tôi thích đánh cá. Tôi thích sống trên một chiếc tàu đánh cá, ngày đêm lênh đênh trên mặt bể hít thở khí trời trong sạch, bù lại những ngày tháng ngột ngạt này.
- Còn gì nữa không?
- Cá mình đánh được, nhiều vô số kể, biển mình giàu cá lắm, đem về xưởng đóng đồ hộp, mang tên ''Xưởng đóng đồ hộp Côn Đảo". Cá vô hộp số xài trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài. Người ngoại quốc ăn đồ hộp ngạc nhiên hỏi: ''Côn Đảo có sản xuất ra đồ hộp nữa à?''
- Chú trả lời thế nào?
- Tôi nói trong chế độ cũ Côn Đảo sản sinh ra loài thú dữ ăn thịt người, còn trong chế độ mới chúng tôi sản xuất những gì ích lợi phục vụ con người.
Anh gật đầu, cười:
- Hay lắm!
Im lặng một hồi, anh tiếp:
- Nhưng chú thì thích vậy, chớ tôi thì khác.
- Anh thích làm gì? Tôi hỏi.
- Tôi thích làm câu lạc bộ ở đây.
Tôi cười:
- Anh tưởng làm câu lạc bộ dễ ăn lắm sao! Phải thông thạo nhiều thứ, ăn nói lưu loát, có trí thức tổng quát trình độ lý luận khá mới hấp dẫn người nghe, xoàng như tụi mình làm không xuể đâu!
- Đành vậy, nhưng điều cần thiết là cái cốt phải cho hay. Tôi thích nhất là nói chuyện về Côn Đảo cho em cháu mình nghe, những đau thương, thù hận đồng thời cũng rất cao cả đã xảy ra trên hòn đảo chơi vơi xa xôi này của Tổ quốc, để chúng nhớ lấy ghi vào ký ức những gì cha anh chúng đã hy sinh chiến đấu, thấy được giá trị cao quý của cuộc sống tươi đẹp chúng đang sống.
- Anh có nhớ hết không?
- Nhớ tới đâu kể tới đó. Rồi sẽ nói: "Các em, các cháu hãy ra biển hỏi sóng gió, lên núi hỏi đá, lên rừng hỏi cây, chừng nào các thứ đó nói được tiếng người thì các em, các cháu may ra mới hiểu hết chuyện của Côn Đảo". Thí dụ như chuyện như thế này…
*
* *
Bên ngoài có tiếng giày vọng tới, một ánh đèn pin sáng xanh chiếu qua cửa song sắt, một giọng nói lè nhè vọng vào:
- Thằng nào rù rì cái gì đó? Bàn chuyện chính trị hả? Đ.m, đây là Côn Đảo, quên sao con!
Vừa nói hắn vừa quét đèn pin qua lại trong căn phòng, lướt trên hàng trăm cái xác còn thở, ánh đèn dừng lại trên mảnh tường phía chân anh Ba Đúng. Tiếng lè nhè lại vang dội:
- Thằng nào dán cái gì đỏ đỏ trên giường đó?
Trong phòng vẫn im lặng như không có gì xảy ra. Ở đây, về đêm thường vẫn vậy. Nó sợ tù nhân lén treo cờ hay vẽ khẩu hiệu lên tường, nên mỗi lần đi canh tuần nó hay chĩa mỏ vào phòng và la hoảng lên như vậy. Nhưng lần này đúng có vết đỏ trên vách tường.
- Thằng nào vẽ cái gì đây?
Anh Ba Đúng lồm cồm ngồi dậy:
- Dạ, bàn chân tôi bị chảy máu, tôi sơ ý đạp lên tường.
Nó khom sát vào tường nhìn kỹ như con chó săn, ánh đèn pin như ngọn đèn pha quết lên mặt tường vôi trắng đã đổi sang màu vàng đen, tróc lở, mấy con rệp no tròn ép sát vào chỗ ẩn chẳng dám động đậy. Sau đó nó vội ra ngay, vừa khóa cửa lại nó vừa nói dọa, lẫn trong tiếng chìa khóa ken két:
- Tụi bây lấy máu vẽ cái này cái nọ là không thấy mặt vợ con nghe chưa? Đây là Côn Đảo, chớ có quên, nghe!
Hồi chiều đi làm về chân anh Ba Đúng đang chảy máu, anh ngồi sát vào tường lấy tay chấm máu nói vẽ hình lá cờ, mới vẽ được một chút nghe có tiếng giày đi bên ngoài anh bỏ dở. Khi cánh cửa phòng đóng lại, tiếng leng keng của xâu chìa khóa khua nghe xa, anh Ba Đúng nói với tôi:
- Tâm hồn sẽ giúp mình chịu đựng vượt qua những thử thách ghê gớm của nhà lao. Nhiều đêm tôi nằm chiêm bao thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới trước mặt, không kềm được vui sướng reo to lên làm người bên cạnh phải lay tôi dậy, tỉnh ra vẫn mới hay mình nằm mộng. Từ đó về sau tôi thường thấy như vậy. Trong tù cái đó quý lắm, lần hồi chú sẽ hiểu ra.
Sáng hôm sau, còn mờ mờ, chúng đến mở cửa lùa tất cả chúng tôi ra sân đứng sắp hàng trước văn phòng thằng trưởng trại. Mấy hôm nay trời đã bắt đầu trở lạnh, cái lạnh như những lưỡi dao sắc khứa vào những vết lở loét trên người, nghe nhức buốt, khó chịu. Ai nấy đều co ro trong bộ quần áo tù xám mốc tả tơi. Một hồi, chúng đem đến phát cho mỗi người một cái búa. Vậy là đi đốn củi rồi. Anh Đúng lê đôi chân nhức nhối, bước từng bước uể oải, khi biết sắp đi đốn củi, anh bước ra khỏi hàng định xin nghỉ một bữa. Khi anh bước tới cửa, thằng trưởng trại vừa thấy ra vỗ bàn, quát:
- Đi ra, đồ con chó!
Anh quay lưng trở lại chưa kịp đứng vào hàng thì một tên lớn con, đen thui như một con gấu chồm tới nắm đầu anh giật ngược lại, đầu gối nó đánh lên ngực anh nghe một cái ứ. Rồi nó bắt tất cả tù nhân quay mặt về phía nó. Thằng trưởng trại xách ra một cái roi mây dài, chót roi là một khúc đuôi cá đuối đưa cho thằng trật tự. Rồi nó hút thuốc, đứng chống nạnh ở ngạch cửa, nhìn ra. Anh Ba Đúng đang quằn quại dưới nền xi măng. Thằng trưởng trại hất hàm ra lệnh cho tên trật tự bắt đầu đánh. Bọn cai ngục ở Côn Đảo thường lựa thằng trật tự nào biết đánh, đánh phải cho “đẹp”, có “nghệ thuật”, cầm roi bổ xuống nghe cái vót, khi giở roi lên đuôi roi phải dính một chút thịt da. Nó thích nhất mỗi lần roi quất xuống người bị đánh quằn lên một cái. Khi thấy anh Ba Đúng bị đánh mà vẫn nằm im, thằng trưởng trại tức tối quăng điếu thuốc đang hút dở nhảy xuống đá thốc vào sườn anh và nắm tóc kéo anh dậy:
- Đ. m, làm bộ chết hả?
Nó ra lệnh cho bọn trật tự lôi anh đi, nhìn những tù nhân đang đứng lặng im, hỏi lớn:
- Còn thằng nào xin xỏ gì nữa không?
Chỉ có tiếng gió gào rít dữ dội trên không trung.
Sau đó nó lùa tất cả ra khỏi cửa trại. Con đường lổm chổm sỏi đá còn đượm hơi sương. Trời đã sáng hẳn. Những người tù bước quặt quà như sắp ngã. Người nào cũng ốm nhom, xanh mét, như trong cơ thể không còn một chút máu nào. Một trăm người tù có tới năm mươi thằng trật tự đi theo canh giữ, lăm lăm roi mây roi cá đuối trong tay. Đi chậm là nó quất vào lưng, vào đầu phải thốc chạy như một đàn ngựa. Khi mặt trời như một vầng máu đỏ nổi lên ở nơi xa tít giữa biển cả mênh mông trắng đục hơi sương, đoàn tù bắt đầu đi trên bãi biển thoai thoải, bên trái là ngọn núi sừng sững với những tảng đá trắng khổng lồ nổi bật lên trong màu xanh thẳm của cây cối đang còn say ngủ dưới làn khói mỏng như những tấm chăn bằng bông trắng mịn, bên phải là biển cả bao la với tiếng sóng gió ì ầm không bao giờ dứt. Lúc mặt trời lóe sáng phản chiếu long lanh trên mặt biển, đoàn tù bắt đầu bước lên một bãi san hô. Trong ánh nắng của buổi sớm, san hô trông mỏng ra, nhọn sắc, lởm chởm. Đi một hồi chân người nào cũng trầy xuể, da thịt rách nát tơi tả, bê bết máu. Người đi sau giẫm lên máu của người đi trước. San hô dính máu nhầy nhụa. Rải rác trong san hô, trên những hòn đá to máu đâm đặc lại in hình từng bàn chân kế tiếp... Máu ra nhiều, đầu óc choáng váng, bước đi vài bước phải chúi ngã, thế mà không sao ra khỏi bãi san hô. Mỗi bước đi thấy đau đớn vì bị san hô cào xé. Hằng trăm người đi trên con đường máu. Máu rút vào san hô. Máu rút vào những hòn đá thấm dần xuống hố sâu. Những lượn sóng đuổi rượt nhau chạy vào bờ thè lưỡi liếm những vùng máu tươi hòa tan vào lòng bể cả.
Bữa đó, phải lên tới đỉnh núi cao để đốn củi. Lúc lên đã khó, lúc xuống lại càng khó hơn. Lỡ chân là sa xuống hố, xuống vực. Hôm ấy anh Đúng trật chân, ngực va vào một hòn đá to làm anh hộc ra máu cục, nằm bất tỉnh một lúc lâu, tỉnh lại tức tối xách búa đi lại chỗ thằng trật tự đang ngủ. Tôi vội gọi anh lại:
- Anh Đúng, nghe lời tôi, nó là con chốt không đáng gì đâu!
Anh từ từ hạ búa xuống quay trở lên núi mà đôi mắt ngầu đỏ vẫn nhìn chằm chằm vào thằng trật tự đang ngủ. Thấy anh mệt quá tôi nói để đốn tiếp giùm anh, anh không nghe cứ luồn lách trong rừng, tưởng anh tìm những loại cây dễ đốn, nhưng lúc trở lại thấy anh cầm một đóa bông trang. Anh Ba Đúng vui hẳn ra, ngồi xuống đối diện với tôi trên một hòn đá lớn, nâng bông ngang tầm mắt nhìn chăm chăm. Một hồi anh hỏi tôi:
- Sao, chú thấy thế nào?
- Đẹp lắm! - Tôi trả lời.
- Quý lắm - Anh nói mắt không rời đóa bông - Tôi đem về treo lên tường hàng ngày nhìn nó, nó đỏ giống màu cờ, thằng giặc trước giờ không để ý.
Anh để nhè nhẹ đóa bông vào trong túi nâng niu như một vật quý giá nhất.
Đến chiều, mặt trời phả vàng trên đỉnh núi chúng tôi ra về, lại vượt qua bãi san hô ác nghiệt, về tới trại mặt trời đã lặn khuất. Vào trại chúng tôi còn phải đứng sắp hàng cho chúng khám xét, rờ rẫm, bươi móc không còn một chỗ. Đến anh Đúng nó lấy được bông trang. Một thằng la lên:
- Bông trang màu đỏ, màu cờ cộng sản phải không? Vậy thì mày chết thôi!
Cả lũ bu lại đánh túi bụi vào người anh Đúng cho đến lúc anh ngất đi chúng cho người lôi anh trả về phòng.
Một ngày tù khổ sai của chúng tôi là như vậy. Về tới nơi, nằm xuống nghe mình mẩy tê dại rã rời nằm mê man như những cái thây đã chết từ lâu. Áo quần vốn rách nát càng tơi tả thêm. Các vết lở loét rỏ nước vàng, mủ máu tanh hôi, vết này chưa kéo da non vết khác chồng lên, khoét sâu hơn trước. Cả phòng hàng trăm người nằm la liệt, im phăng phắc, lạnh ngắt như trong một nghĩa địa. Thỉnh thoảng một người quằn quại, trở mình rên khe khẽ. Thật như cảnh địa ngục!
Một buổi tối khoảng tám giờ, có tiếng xâu chìa khóa khua nghe lành lạnh, mỗi lúc một rõ dần, sau cùng dừng lại ngoài cửa phòng. Rồi tiếng vọng vào oang oang:
- Nguyễn Văn Đúng, đính bài C. 1101 - Ra!
Những con người nãy giờ tưởng chừng đã chết, nghe tiếng kêu giật mình bật dậy ngơ ngác. Tiếng kêu lại lặp lại nghe càng nặng nề, hung tợn hơn:
- Nguyễn Văn Đúng số xê- một - một - không - một, ra! Đ. m nghe không?
Anh Ba Đúng lồm cồm ngồi dậy lê từng bước đi ra cửa, cánh cửa sắt đóng rầm lại, nghe nhức óc. Trong phòng chẳng còn ai nằm yên được nữa. Không ai nói với ai một lời, im lặng nhìn nhau ánh mắt nóng bỏng. Tiếng leng keng ghê rợn của xâu chìa khóa, tiếng chân xa dần mất hút trong đêm tối. Bên ngoài gió biển thét gào ghê rợn, những cành bàng vật vã chuyển mình răng rắc.
Đêm đó, chúng đem anh Ba Đúng ra ngoài ban ''chuyên môn''. Hồi mới ra, nghe ban ấy tôi tưởng là nơi đó để cho tù nhân làm nghề nghiệp gì đó, không dè đó là nơi đánh người hết sức dã man. Thằng trưởng ban là Chín Khương.
Mấy tháng sau tôi ở chung với một đồng chí đêm đó cũng bị đi “chuyên môn”, sống sót kể lại: Khi ra tới nơi chúng để anh Ba Đúng đứng trước mặt thằng Chín Khương cách vài ba mét, hai bên có hai thằng đứng chầm hầm như hai con thú dữ. Thằng đứng bên mặt Chín Khương ở trần, mặc cái quần xì líp xanh kiểu tắm biển, ngực bên trái xâm hình trái tim có mũi tên nhọn xuyên qua, cái đầu cọp há miệng thè lưỡi. Bắp thịt tay trái xâm hai chữ ''sát cộng''. Dọc cánh tay phải xâm hình con rồng. Thằng bên kia mặc quần cụt đỏ áo chim cò vằn vện, mặt vênh váo nhọn hoắt. Tay chân chúng rọ rạy mãi. Đến khi thằng Chín Khương buông viết đánh cốp xuống bàn, kéo kính trắng xệ xuống trước mũi, ngước nhìn anh Ba Đúng, đó là dấu hiệu ra lệnh, hai thằng kia liền nhảy vào đánh anh Ba Đúng cho tới khi anh ngã xuống bất tỉnh.
Thằng Chín Khương bước tới đá vào sườn anh nghiến răng nói:
- Ai cho phép mày đang đốn củi bỏ đi hái bông hoa? Lại là bông hoa màu đỏ? Đ.M còn mê cộng sản hả?
Như một con thú dữ lồng lộn, nó nắm tóc dựng anh dậy, hai tay siết lấy cổ anh:
- Còn mê cộng sản nữa không? Còn làm cộng sản nữa không?
Một hồi nó buông tay ra, tưởng anh Ba Đúng phải ngã sấp xuống, nhưng anh vẫn đứng vững, mở to mắt quát vào mặt nó:
- Còn quân khát máu chúng bây tao còn làm cộng sản.
Thế là chúng điên cuồng tiếp tục đánh anh bất kể sống chết.
Khoảng mười giờ đêm chúng đưa anh trở về phòng, tôi nằm ôm anh mà khóc nức nở. Anh không nói gì chỉ nằm thở thoi thóp. Cho tới khuya, khi trời trở lạnh, anh khẽ động đậy thều thào bên tai tôi:
- Hãy tin tưởng… ở... sự nghiệp... chúng ta...
Anh tắt thở ngay sau đó, trên cánh tay tôi. Rạng sáng hôm sau, chúng tôi lặng lẽ tiễn đưa người đồng chí thương yêu tới nơi an nghỉ cuối cùng: Nghĩa trang Hàng Dương gần mộ chị Võ Thị Sáu.
*
* *
Tiếng đồng chí giao liên bảo chúng tôi chuẩn bị đi cắt đứt ý nghĩ miên man của tôi. Tôi nhảy xuống đất cuốn võng, xếp đồ đạc đưa vào bồng. Năm mười phút sau, khách đi đường nãy giờ nằm rải rác đó đây lần lượt gom vào đứng chật trong một khoảng đất trống, sạch mát, loang lổ ánh nắng.
Người giao liên còn trẻ, đầu đội chiếc nón tai bèo màu xanh lá cây khoác AK đi trước, khách từng đoàn tiếp tục theo sau. Qua khỏi những lùm tre um tùm cành lá, chúng tôi đi vào con đường cát mịn tràn ngập ánh sáng. Bầu trời cao vợi mênh mông. Gió từ phía sau thổi tới từng cơn, tung xoáy bụi đường. Tôi bước đi lòng khấp khởi vui sướng, những mệt nhọc mấy ngày đường hôm trước tiêu tan đâu cả. Tôi thấy con đường như quen quen... Mười năm trước tôi đã đi trên con đường này, hồi ấy, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe bò đi qua lăn bánh lộc cộc nặng nề, chậm chạp. Rồi một vài người đi qua với bao hàng nặng trĩu trên lưng, như lúc nào cũng muốn xô thân người ngã sấp xuống. Thế mà giờ đây cũng trên con đường này, người và xe cộ qua lại tấp nập, có cả ô tô lao qua vun vút, lá cây hai bên đường chuyển rung vẫy vẫy như người đón đợi từ lâu.
Đi một hồi, tôi thấy mé bên phải của con đường có một lỗ bom đìa sâu hoẳm, một đàn bướm chấp chới lượn bay lên xuống, màu sắc rực rỡ đẹp mắt. Tôi nhìn vào mấy bụi cây xanh mọc um tùm quanh miệng hố bom, chợt thấy một đóa bông trang rừng đỏ thắm trên nền xanh mát của khu rừng.
lên đường, nghĩ ngợi, mông lung, trở lại, khổng lồ, sức sống, chiến tranh, bom đạn, thế mà, trùng điệp
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc