Ngược dốc

Đăng lúc: Thứ hai - 23/02/2009 07:41
Ngược dốc

Ngược dốc

Sáng nào chạy lên đồi tập thể dục, ngang qua ngôi biệt thự có cánh cổng hình vòng cung, cô cũng thấy ông đứng đấy. Ông già dáng dấp ung dung và khuôn mặt phúc hậu ấy ngay hôm đầu tiên đã đánh tiếng làm quen với cô: "Cháu ở mô lên đây rứa?". Giọng Huế trầm, nhẹ, gây thiện cảm ban đầu.
Khi biết cô ở trong đoàn văn nghệ sĩ lên dự trại viết ở Nhà Sáng tác, ông hồ hởi: "Rứa là nhà văn hay nhà thơ đây?"

Sáng nào cũng vậy, không hiểu vô tình hay cố ý, mỗi lần chạy ngang ngôi nhà ấy, cô đều thấy ông quần áo chỉnh tề, đang chăm chút mấy khóm hoa hoặc rãi thức ăn cho đàn bồ câu. Thấy cô, ông bước ra mỉm cười bắt chuyện. Giọng nói ấm áp, ánh nhìn thân thiện của ông tạo cho cô cảm giác tin cậy, gần gũi. Hôm nào cô cũng đứng lại trò chuyện với ông dăm ba phút. Ông hỏi thăm về quê quán, gia cảnh, công việc của cô... Còn cô thì nói loăng quăng với ông những chuyện không đâu vào đâu, tùy hứng. Xem ra, ông có vẻ thích nghe cô, vì cô thấy ông luôn mỉm cười, nụ cười bao dung độ lượng của người lớn tuổi.

Không biết từ bao giờ, cô thấy mình mong từng buổi sáng chạy lên đồi, để được kiểng chân ngoài khung cửa, chuyện trò cùng ông, thích thú đón nhận sự lo lắng như thể cô với ông đã là người thân thuộc. "Sao lại mặc phong phanh rứa? Coi chừng cảm lạnh!", "Ăn uống làm răng mà trông cháu gầy guộc rứa tê?". Lâu rồi, kể từ khi ba cô đột ngột qua đời, cô mới có được sự quan tâm, chăm sóc như vậy.

Thế nhưng, dù ông nhiều lần mời mọc, cô vẫn chưa bao giờ bước qua cánh cổng vòng cung ấy. Cũng chưa bao giờ cô có ý định tìm hiểu gì thêm về ông. Thậm chí tên ông cô cũng không một lần hỏi qua. Cô vốn là đứa vô tư, trong cuộc sống, thích để mọi chuyện tự nhiên mà đến, không cần nhọc công tìm kiếm. Cứ để mọi chuyện lơ lơ lững lững. Biết đâu cô còn có cảm xúc để viết một truyện ngắn. Cô đem chuyện quen biết ông kể với mấy người bạn trong đoàn. Lập tức những cái đầu quen hư cấu "thêu dệt" ngay một câu chuyện đầy lãng mạn: Rằng trong một chuyến "thám hiểm" đỉnh đồi, cô đã phát hiện, chinh phục được một... "chàng trai cổ". Câu chuyện được lấy làm đề tài vui và thêm thắt dài ra mãi trong các bữa ăn.

Mấy hôm trời mưa, cô không chạy lên đồi. Một sáng, cô còn trùm chăn trên giường thì đứa bạn cùng phòng lôi dậy, kéo ra bên cửa sổ: "Này, có phải "chàng trai cổ" đang đợi mày dưới kia không?" Cô nhận ra dáng dấp quen thuộc của ông đang đi tới lui dọc con đường đối diện với dãy phòng ở của Nhà Sáng tác. Thỉnh thoảng, ông ngước mắt nhìn lên các khung cửa sổ, kiếm tìm. Cô bỗng thấy tràn ngập trong lòng một cảm giác khó tả, vừa xúc động, vừa giận dỗi như là bị tổn thương. Sao lại thế? Ông đâu còn trẻ trung để chơi trò theo đuổi lãng mạn này. Cô sập rèm cửa rồi bâng khuâng tự hỏi. Giá như bên dưới con đường mưa bụi kia là người trai trẻ nào đó, một trong những người đàn ông mà cô quen biết ở thành phố sương mù này, hẳn cô sẽ không ngại ngần mở tung cửa sổ rồi chạy ào xuống đó. Còn khi ấy, cô đã đứng nép bên rèm cửa ái ngại nhìn bóng ông chậm chạp, lửng thửng đi ngược con dốc. Mái tóc hoa râm của ông bay bay trong mưa bụi làm cô thoáng chút chạnh lòng.

Hôm sau, cô lên đồi, ông không giấu vẻ vui mừng khi thấy cô: "Vậy mà chú ngỡ cháu đã ra về mà không từ biệt chú". Ánh mắt da diết của ông khiến lòng cô thấy bất an. Cô có cảm giác như mình sắp sửa chạm trán với một điều gì thật khủng khiếp. Một điều gì cô vừa thích thú khám phá nhưng lại không đủ can đảm đón nhận. Mấy ngày sau, cô bỏ buổi tập thể dục trên đồi. Rồi một bữa, cô đi vắng, chiều về thấy trên bàn viết bó tường vi nằm cạnh lẵng hồng. Đứa bạn thông báo: "Chàng trai cổ đến tìm và gởi lại đấy". Cô nhìn những trái hồng tròn căng, chín mọng được xếp cẩn thận trong chiếc lẵng bằng tre xinh xinh, những bông tường vi được gói trong lớp giấy hồng, chợt thấy ngậm ngùi, lẫn lộn buồn vui , bất trắc…

Hôm sau, hôm sau nữa, cô không lên đồi. Cô ngại phải đối diện với ông để nói lời cảm ơn. Cô không đủ can đảm nhìn vào mắt ông, đôi mắt mà cô đọc thấy như cả một thời tuổi trẻ còn đọng lại trong nuối tiếc mà ông như muốn trao tặng cho cô. Thế nhưng cô, làm sao cô có đủ tự tin, làm sao có thể dọn lòng mà đón nhận.

Những ngày cuối ở trại, bận rộn với chuyện giao tiếp, viết lách... cô không còn thời gian để ghĩ đến ông. Rồi cô theo đoàn ra về, không kịp nói với ông lời từ biệt.


Hai năm sau, cô trở lại, cao nguyên vào độ mưa buồn. Vẫn quang cảnh cũ với khung cửa sổ nhìn ra con đường dẫn lên đồi, nhưng không hiểu sao lòng cô không còn cảm giác tươi non, nguyên vẹn như ngày nào.

Trong những khuôn mặt người quen mà cô mong gặp lại, những cuộc hội ngộ tay bắt mặt mừng, không dưng cô lại nghĩ đến ông. Buổi sáng đầu tiên, cô lang thang lên đồi. Vẫn con đường ngược dốc, hai hàng thông đan tay nhau. Cô đi chầm chậm, lòng chợt bâng khuâng khi đến gần khúc ngoặc dẫn đến ngôi nhà trắng. Cô thấy mình mong gặp lại ông, mong đến nao lòng chốc nữa ngang qua ngôi nhà ấy, lại thấy ông đứng bên cánh cổng rộng mở với nụ cười hiền và giọng Huế dịu dàng: "T. hỉ? Lại lên dự trại viết đấy à?"

Nhưng điều cô chờ đợi đã không xảy ra. Ngôi nhà vẫn cổ kính, tường vi vẫn đơm hoa đầy trên bờ tường, nhưng cánh cổng hình vòng cung thì im lìm đóng. Cô đứng nhìn qua song cửa khoảng sân ngập lá vàng, violet mọc chen với um tùm cỏ dại. Không thấy bóng đàn bồ câu năm nào. Chợt thấy thất vọng đến trào nước mắt, một chút gì như ân hận, một chút gì như nuối tiếc mà quặn thắt trong lòng. "Chắc là chú ấy đi đâu vắng". Cô nhủ thầm, lửng thửng quay xuống đồi. Không dưng, cô thấy buồn vô hạn.

Hôm sau, cô trở lên đồi, vu vơ đợi chờ, rồi vu vơ thất vọng. Cô hiểu đến xót xa tâm trạng ông khi ngóng trông cô những sáng trên đồi, cái hôm ông tha thẩn dưới cửa sổ phòng cô, cái hôm ông đợi cô suốt cả buổi chiều rồi lầm lũi ngược dốc quay về. Cô trách mình hai năm trước sao lại quay lưng, chối bỏ tình cảm chân thành của ông. Giá như ngày ấy, chỉ một lần, cô bước qua cánh cổng hình vòng cung, bước qua những định kiến chật hẹp để hiểu, để cảm thông, chắc là giờ đây cô không đến nỗi trở thành người khách lạ, cô sẽ có đủ tự tin gõ mạnh vào cánh cổng mà gọi tên ông. Thế nhưng thậm chí đến tên ông cô cũng chẳng biết nữa là. Đành đứng lơ ngơ trước cửa nhà ông. Cánh cổng vẫn im lìm như khước từ.

Hôm trước ngày ra về, sáng sớm cô lên đồi. Đến khúc ngoặc con dốc, cô suýt kêu lên khi thấy ánh đèn sáng từ một khung cửa sổ cuốn rèm. Những bước chân cuống quýt, vội vã đưa cô đến trước cánh cổng rộng mở. Người phụ nữ khăn trùm kín cả nửa khuôn mặt đang lùa những nhát chổi trên khoảng sân ngập lá, nhìn cô dò hỏi. Rồi chị giới thiệu mình là người giúp việc cho ngôi nhà không người ở này. Công việc của chị là mỗi tuần một lần lên ngôi nhà trên đồi này mở cửa, quét dọn và thắp nhang cho người quá cố! "Ông ấy mất gần tròn hai năm. Cơn đột quỵ do bệnh tim. Con cái họ hàng đều ở xa nên ngôi nhà này bỏ trống từ dạo đó".

Cô thắp một tuần nhang. Khói hương ngui ngút bay lên trời. Qua bóng khói mờ, cô như thấy lại khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt hiền từ của ông nhìn cô mỉm cười. "T. đó hỉ? Lại lên dự trại viết à? Viết được mấy truyện ngắn, mấy bài thơ rồi?".

Đường xuống đồi, nhịp chân nghe nằng nặng. Cô có cảm giác như mình đang ngược dốc.
Thu Trang
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 181
  • Hôm nay: 11429
  • Tháng hiện tại: 2243979
  • Tổng lượt truy cập: 46211212